Facebook chao đảo vì mất kiểm soát
Hình phạt mới của Australia
Tin từ Hãng The Star cho hay, Australia là quốc gia mới nhất quyết định tăng nặng các mức phạt đối với Tập đoàn Công nghệ như Facebook, Google nếu các công ty này vi phạm luật về quyền riêng tư. Thủ tướng Australia Scott Morison giải thích rằng, động thái này nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của người dân trong nước và lệnh mới có hiệu lực từ ngày 24-3.
Theo đó, các công ty truyền thông xã hội và các nền tảng trực tuyến vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần các quy định của luật pháp Australia về bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng sẽ bị phạt 10 triệu AUD, tức là gấp 5 lần so với mức phạt hiện nay là 2,1 triệu AUD. Đó là chưa kể đến mức phạt lợi nhuận gấp 3 lần do thu được từ các hoạt động kinh doanh có hành vi lạm dụng thông tin…
Trả lời phỏng vấn báo giới, Thủ tướng Australia nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận được việc coi Internet là một không gian không được kiểm soát. Các Tập đoàn Công nghệ cần phải hành động nhanh chóng hơn trong việc xoá bỏ các nội dung “kích động, bình thường hoá, tuyển dụng, tạo thuận lợi hoặc hỗ trợ các hoạt động khủng bố, bạo lực…”.
Mạng xã hội Facebook đang đứng trước một loạt cáo buộc và mất lòng tin từ các chính quyền và người sử dụng. |
Trong khi đó, Văn phòng Tổng chưởng lý Australia Christian Porter lại cho hay, họ đang gây sức ép buộc các công ty truyền thông xã hội và trực tuyến ngừng sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân theo yêu cầu để phục vụ các công tác điều tra nếu không sẽ phải đối mặt với các quy tắc chặt chẽ hơn về bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương. Tuần tới, ngân sách liên bang cũng sẽ cung cấp thêm cho cơ quan quản lý này khoản tài chính 25 triệu AUD trong 3 năm để điều tra các vi phạm và giám sát các quy tắc bảo mật trực tuyến. Các chính sách sẽ được thực hiện thông qua Luật Bảo mật sửa đổi.
Thời gian gần đây, Facebook - mạng xã hội đông người dùng nhất thế giới này gây rúng động dư luận khi thừa nhận bí mật thu thập dữ liệu người dùng rồi bán cho các công ty hàng hoá để những công ty này có thể quảng cáo những mặt hàng phù hợp với từng người.
Tổng Chưởng lý Christian Porter nói: “Không chỉ có bê bối này, việc Facebook không ngăn chặn kịp thời livestream của thủ phạm Brenton Harrison Tarrant trong vụ xả súng kinh hoàng vào hai nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand làm 49 người thiệt mạng đã đi quá giới hạn cho phép. Chúng tôi thấy cần phải ngăn chặn các nội dung xấu, thù địch và đã đến lúc các mạng xã hội cần phải làm điều đúng đắn với mọi người về thông tin của họ”.
Trên thực tế, dịch vụ phát sóng trực tiếp đang trở thành trọng tâm trong chiến lược phát triển của các mạng xã hội. Nhưng không ít người dùng đang lợi dụng công cụ này để lan truyền những nội dung mang tính công kích, bạo lực. Như vụ ở Christchurch, Brenton Harrison Tarrant đã livestream vụ xả súng trên Facebook như một cách để thể hiện và truyền bá tư tưởng cực đoan.
Một đại diện cấp cao của Facebook thừa nhận, mạng xã hội này đã phải xoá 1,5 triệu video về vụ khủng bố ở Christchurch để bảo vệ người dùng khỏi những nội dung bạo lực cũng như ngăn cản video này trở nên phổ biến theo ý đồ của những kẻ khủng bố. Nhưng khi những video này bị xoá thì có tới 1,2 triệu bản video khác đang trong quá trình tải lên và chưa kể đến hàng triệu video như thế hoặc được cắt ghép lại, vẫn xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội khác như Twitter, YouTube, WhatsApp, Instagram. 17 phút video bắn giết ở Christchurch đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới một bộ phận người dùng Internet đang bị lôi kéo vào những tư tưởng cực đoan.
Vì thế, không chỉ thực thi ngay các biện pháp mạnh ở quốc gia của mình, Thủ tướng Australia còn gửi thư cho Chủ tịch G20, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đề nghị đưa vấn đề quản trị truyền thông xã hội vào thành một nội dung nghị sự hàng đầu trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm vào tháng 6 tới.
Trong lá thư này, ông Scott Morison còn đặt câu hỏi về “vai trò không bị hạn chế của các công nghệ Internet” trong vụ thảm sát ở Christchurch hôm 15-3 và các cuộc tấn công khủng bố khác; đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 đảm bảo rằng có “những hậu quả rõ ràng” không chỉ đối với những kẻ thực hiện các hành động bạo lực như vậy mà còn đối với những kẻ tạo điều kiện cho chúng.
Sự tẩy chay của khách hàng
Trong khi đó, tại một số quốc gia khác, Facebook và kể cả Google cũng đang bị “đánh động”. Chẳng hạn như ở Mỹ, tờ The New York Times thông tin rằng các công tố viên liên bang đang tiến hành một cuộc điều tra hình sự về thoả thuận chia sẻ dữ liệu của Facebook với một số công ty công nghệ hàng đầu thế giới cũng như tăng cường kiểm tra các hoạt động kinh doanh của hãng này. Một bồi thẩm đoàn ở New York đã tiến hành lập hồ sơ điều tra với ít nhất 2 nhà sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị khác.
Trước đó, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ và Ủy ban Chứng khoán - Giao dịch Mỹ, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã giám sát, điều tra Facebook từ một báo cáo rằng, Công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica đã tiếp cận bất hợp pháp dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook… Chưa hết, Facebook còn bị tố cho phép tìm kiếm thông tin cá nhân qua số điện thoại. Cụ thể, mạng xã hội này từng yêu cầu người dùng thêm số điện thoại như một biện pháp bảo mật bổ sung.
Tuy nhiên, tờ TechCrunch khẳng định, biện pháp này thực chất không tạo ra được 2 lớp bảo vệ mà những số điện thoại đó lại xuất hiện liên tiếp trên nền tảng xã hội này sau kế hoạch liên thông tin nhắn giữa Facebook với Messenger, Instagram và WhatsApp.
Riêng ở châu Âu, những lỗi bảo mật này của Facebook có thể đem đến mức phạt lên tới hàng tỷ USD. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, hình ảnh cá nhân của gần 7 triệu người dùng Facebook tại châu Âu đã bị các ứng dụng bên thứ 3 tiếp cận. Thậm chí, những hình ảnh chưa được đăng công khai trên trang cá nhân hay chưa hoàn thành việc tải lên tài khoản Facebook cũng đã bị lộ.
Còn Hàn Quốc, Nhật Bản, sau khi yêu cầu Google thay đổi một số điều khoản về dịch vụ, chính phủ hai nước cũng đề nghị Facebook phải thông báo đến từng cá nhân người sử dụng dịch vụ về bất cứ sự điều chỉnh nào liên quan đến các điều khoản và điều kiện dịch vụ nếu có những thay đổi mang tính chất nghiêm trọng hoặc có hại cho người sử dụng. Anh thì kêu gọi điều chỉnh các quy tắc cạnh tranh của nước này trong lĩnh vực công nghệ để giành lại ưu thế cho các doanh nghiệp nội địa trước sự xâm lấn vượt trội của Facebook, Googe, Amazon…
Đồng quan điểm này, Pháp, Italia và Tây Ban Nha cũng đang đề xuất các mức thuế kỹ thuật số mới đối với các công ty công nghệ đa quốc gia đặt trụ sở tại các nước này.
Trước sự nghi ngờ của một số quốc gia nhằm vào Facebook và bê bối vụ livestream xả súng, hàng loạt ngân hàng New Zealand cũng rút quảng cáo khỏi mạng xã hội này. Hôm 23-4, Ngân hàng Westpac, ASB, ANZ, Kiwibank, BNZ và TSB tuyên bố tạm dừng toàn bộ quảng cáo trên “mạng truyền thông xã hội cho đến khi nào có thông báo mới”.
Đại diện ngân hàng Westpac còn khẳng định họ thất vọng vì hành động của Facebook cũng như các mạng xã hội khác trong thảm kịch hôm 15-3 và cho rằng, các hãng truyền thông xã hội cần phải có trách nhiệm hơn với việc xuất bản nội dung độc hại trên nền tảng Internet.
Thậm chí, đồng sáng lập WhatsApp Brian Acton trong buổi nói chuyện tại Đại học Stanford hồi trung tuần tháng 3 còn kêu gọi người dùng không nên lệ thuộc vào Facebook và hãy xoá tài khoản trên mạng xã hội này.
Và nỗ lực “lấy lại điểm”
Những cáo buộc dồn dập này khiến Facebook phải nghiêm túc nhìn lại các hoạt động của mình. Phát ngôn viên của Facebook tuyên bố, mạng xã hội này đang hợp tác chặt chẽ với các nhà điều tra. Trong một báo cáo công bố hôm 21-3, Facebook cũng thừa nhận đã không mã hoá 600 triệu mật khẩu người dùng và có thể cho hàng chục ngàn nhân viên của mạng xã hội này xem dưới dạng văn bản đơn giản.
Tuy nhiên, đại diện hãng cũng vội trấn an khách hàng khi khẳng định họ đã lên kế hoạch thông báo cho những người bị ảnh hưởng để có thể thay đổi mật khẩu.
"Chúng tôi phát hiện ra một số mật khẩu người dùng đang được lưu trữ ở định dạng có thể đọc được trong các hệ thống lưu trữ dữ liệu nội bộ của chúng tôi. Điều này thu hút sự chú ý bởi vì các hệ thống đăng nhập của chúng tôi được thiết kế để che giấu mật khẩu bằng các kỹ thuật khiến chúng không thể đọc được. Chúng tôi đã khắc phục những sự cố này và để phòng ngừa, chúng tôi sẽ thông báo cho mọi người có mật khẩu mà chúng tôi đã tìm thấy được lưu trữ theo cách này”, Facebook thông báo.
Một kỹ sư phần mềm của Facebook có tên Scott Renfro đã được Krebs dẫn lời nói rằng công ty đã không tìm thấy bất kỳ sự lạm dụng dữ liệu nào và rằng không có rủi ro thực sự nào từ việc này.
Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin của mọi người, Facebook còn cần phải hành động hơn nữa. Đó cũng chính là lý do vì sao Facebook tiếp tục tuyên bố chặn đứng các âm mưu giả mạo tài khoản trực tuyến tại Anh và Romania trong khuôn khổ chiến dịch mới nhất nhằm sàng lọc nội dung sai sự thật được đăng tải trên mạng xã hội đình đám này hồi đầu tháng 3. Chỉ riêng ở Anh, Facebook đã gỡ bỏ 137 tài khoản mạng xã hội này và tài khoản Instagram mạo danh, chứa nội dung kích động hận thù, chia rẽ xã hội. Số tài khoản bị "xóa sổ" tại Romania là 31 tài khoản xuyên tạc các thông tin địa phương và các vấn đề chính trị…
Phụ trách an ninh mạng của Facebook, Nathaniel Gleicher, xác nhận chiến dịch gỡ bỏ những tài khoản giả mạo nói trên là động thái mới nhất của Facebook nhằm ngăn chặn các âm mưu định hướng dư luận theo cách tiêu cực tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đồng thời, Facebook cũng khẳng định tăng cường việc ngăn chặn các quảng cáo mang tính phân biệt đối xử.
Từ đầu năm 2019, Facebook cũng đã triển khai nhiều công cụ mới và cả thuật toán lẫn các báo cáo từ người dùng để ngăn chặn một số hiểm hoạ như mối đe doạ tự tử tiềm năng trên mạng xã hội hay đưa ra một số chỉ dẫn mới đối với quảng cáo chính trị, cũng như cập nhật các công cụ nhằm hạn chế các vụ can thiệp bầu cử tại nhiều nước trên thế giới.
Như với việc ngăn chặn tự tử, hệ thống sẽ tự động nhận dạng, khoanh vùng, và chấm điểm các dòng trạng thái (status) có ý định tự tử của một số người dùng Facebook nhất định rồi tự động gửi những bài đăng có điểm cao cũng như các bài đăng được người dùng báo cáo cho bộ phận đánh giá của trang mạng xã hội này. Sau đó thông tin trên sẽ được chuyển đến bộ phận đánh giá con người của Facebook và bộ phận này sẽ thực hiện các cuộc gọi cảnh báo đến các nhà chức trách địa phương.
Còn với quảng cáo mang màu sắc chính trị, Facebook dựa vào thông tin toàn bộ quảng cáo chính trị được lưu tại Thư viện quảng cáo trong 7 năm qua của mạng xã hội này, để làm cơ sở xây dựng các quy tắc quản lý mới với quảng cáo tin tức chính trị cũng như vận động chính trị. Hôm 19-3, mạng xã hội này đã đạt được một thỏa thuận với các tổ chức dân sự Mỹ, trong đó có Liên minh Tự do dân sự Mỹ (ACLU), liên quan tới các hoạt động quảng cáo mang tính phân biệt đối xử.
Theo đó, Facebook nhất trí tiến hành những thay đổi đối với nền tảng quảng cáo trả tiền nhằm ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử trong các quảng cáo nhà đất, việc làm, tín dụng hay những dịch vụ khác. Nói cách khác, Facebook sẽ chủ động triển khai những biện pháp nhằm ngăn chặn các nhà quảng cáo thể hiện sự phân biệt đối xử khi gửi các bản tin quảng cáo việc làm, địa ốc và tín dụng tới người dùng Facebook, Instagram và Messenger. Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg thì cho biết, Facebook sẽ chuyển đổi tập trung hơn vào quyền riêng tư, tăng mã hóa.