FinTech: Phao cứu sinh cho kinh tế thế giới?

Thứ Ba, 18/08/2020, 10:24
Đại dịch COVID-19 đang đẩy hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tại khu vực Đông Nam Á rơi vào tình thế nguy hiểm. Đây có lẽ là một trong những thảm kịch lớn nhất mà đại dịch gây ra cho nền kinh tế khu vực này.

Các MSME được coi là trọng yếu đối với một tương lai kinh tế thành công của rất nhiều quốc gia Đông Nam Á. Chúng phát triển rất nhanh trong thập niên qua nhờ môi trường thịnh vượng, chiếm lĩnh hầu hết các cơ sở kinh doanh tại Đông Nam Á và đóng góp đến 52-97% số lượng việc làm trong khu vực. Tuy nhiên, đại dịch và sự đình trệ kinh tế mà nó gây ra đã làm đảo lộn tất cả, dù là những nền kinh tế lớn hay nhỏ. Chúng tạo ra những rào cản khắc nghiệt mà nền kinh tế của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) buộc phải vượt qua.

Giống như hầu hết các chính phủ trên thế giới, các nước thành viên ASEAN cũng tập trung chủ yếu vào các gói kích thích về y tế, trợ cấp tiền mặt, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thuế và tạo các gói vay... Tuy nhiên, trợ cấp của chính phủ không thể giải quyết được những vấn đề lớn mà sự lây lan chóng mặt của virus và các biện pháp phong tỏa toàn cầu gây ra đối với mọi khía cạnh của xã hội. Một trong những rào cản lớn hạn chế hiệu quả của các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ chính là những thách thức trong việc thực thi chúng.

Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của ASEAN năm 2020 dự kiến chỉ đạt 1%.

Triển khai các sáng kiến này ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quả là một cơn ác mộng: Thử tưởng tượng việc vừa phải phân bổ tiền cho hàng triệu doanh nghiệp và cá nhân đủ tư cách nhận trợ cấp tiền mặt mà vừa phải đảm bảo được sức khỏe cho bản thân và tránh bị lây bệnh...

Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã cam kết đảm bảo các nguồn cung lương thực và quyên góp trang thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế, cồn và nước rửa tay khô, thực phẩm, cũng như tự thiết lập các điều kiện cách ly cho chính các lao động của mình. Để làm được điều này trong giai đoạn phong tỏa toàn cầu, các MSME cần công nghệ tài chính (FinTech) để duy trì hoạt động kinh doanh của mình.

Các công ty FinTech cũng cung cấp một sự hỗ trợ từ bên trong đối với chính các chủ doanh ngiệp có nguy cơ bị nhiễm bệnh vì tiếp tục hoạt động một cách thủ công. Ngoài việc đem lại sự tiện ích 24/24, khả năng loại bỏ nguy cơ bị phơi nhiễm trước SARS-CoV-2 của nhiều người cũng chính là điều khiến FinTech trở nên nổi bật.

Bước đột phá về thương mại toàn cầu

Dù đã ra đời từ lâu nhưng phải đến thập niên vừa qua, FinTech mới phát triển mạnh mẽ cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và điện thoại thông minh. Những năm gần đây, FinTech đã trở thành đại diện cho một cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể thay đổi toàn cảnh cách thức kinh doanh của ngành tài chính - ngân hàng, với một làn sóng khổng lồ các công ty khởi nghiệp, thách thức các dịch vụ truyền thống.

Theo các báo cáo thống kê, sự bùng nổ của FinTech đã “húc đổ” hơn 700.000 máy rút tiền của các ngân hàng truyền thống trên khắp Trung Quốc. Sự tiện lợi, các dịch vụ miễn phí của FinTech cũng buộc các ngân hàng truyền thống phải cắt bỏ hoàn toàn các loại phí như phí chuyển khoản, phí quản lý tài khoản hằng tháng...

FinTech có thể được khai thác ở nhiều loại hình dịch vụ như cho vay đầu tư hoặc tiêu dùng, chuyển đổi kiều hối, kêu gọi vốn đầu tư cộng đồng, thanh toán điện tử, ví điện tử hay tiền ảo... Khi COVID-19 xuất hiện và càn quét thế giới, buộc các nền kinh tế phải đóng cửa để phục vụ chủ trương giãn cách, vai trò của FinTech càng được thể hiện rõ nét, thậm chí trở thành phao cứu sinh cho các doanh nghiệp.

Trong thời đại dịch, khi mà mọi người buộc phải dung hòa nhu cầu tương tác của mình với những hạn chế tiếp xúc cơ thể, công nghệ trở thành một công cụ thiết yếu. Các gia đình bị cách ly sử dụng các dịch vụ trò chuyện có hình trực tiếp (video call) như là WhatsApp và Skype để giữ liên lạc, trong khi nhiều cuộc họp của giới doanh nghiệp đã sử dụng ứng dụng Zoom, còn các lớp học thì sử dụng Google Classroom (lớp học trực tuyến trên Google).

FinTech - Bước đột phá trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Tại các nước đang phát triển, người dân cần thêm nhiều công nghệ tiên tiến hơn để duy trì sự kết nối trong những giai đoạn như thế này, chẳng hạn như các dịch vụ tài chính vi mô không tiếp xúc để thay thế cho các giao dịch có tiếp xúc.

Dịch vụ FinTech có tầm quan trọng thiết yếu tại các xã hội, đăc biệt là những quốc gia đang phát triển, nơi mà cơ sở hạ tầng còn hạn chế và đối với nhiều người dân tại đây thì những chiếc điện thoại di động là phương thức kết nối duy nhất với các công cụ tài chính, thông tin và các dịch vụ cốt yếu khác. Điều này đồng nghĩa rằng, cung cấp các giải pháp FinTech đến những khu vực như thế này không chỉ là một vấn đề của sự tiện lợi như ở các xã hội cao cấp mà còn là vấn đề về nhu cầu, bởi chúng trở thành cầu nối cho những người không có tài khoản ngân hàng hoặc không thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính phổ thông, điều mà lĩnh vực ngân hàng hiện không làm được.

Hiện nay, khi đại dịch khiến thách thức nhân đôi, vấn đề tiếp cận nói trên càng được quan tâm. Đối với những người không có điện thoại di động, khả năng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng truyền thống và quản lý tiền của họ còn hạn chế hơn, nếu không muốn nói là bị cắt đứt, khiến tính khả dụng và sự hỗ trợ của các ngân hàng truyền thống tại nhiều nước đang phát triển, vốn đã rất hạn chế, nay càng tồi tệ hơn.

Ngược lại, những người có khả năng tiếp cận với internet tại những thị trường này nhận ra rằng thông qua các dịch vụ FinTech, họ có thể lập tức khai thác các nguồn tài chính cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh và cuộc sống của mình.

Với sự sống còn của các MSMEs Đông Nam Á

Nếu như FinTech quan trọng với những giao dịch bình thường trong cuộc sống của người dân thời đại dịch thì nó càng quan trọng hơn với sự sống còn của các MSME.

Nhờ có FinTech, hàng triệu người dân không có tài khoản ngân hàng tại các khu vực có thể tiếp cận với sự cứu trợ của chính phủ trong một thời điểm mà nỗ lực kiềm chế dịch bênh lây lan được đặt lên hàng đầu. Kể từ khi có rất nhiều công ty FinTech khởi nghiệp, sự bạo dạn và nhanh nhạy của họ khi chuyển hướng các hoạt động sang cung cấp các dịch vụ đặc thù theo nhu cầu của khách hàng đã củng cố ngành công nghiệp này.

Các dịch vụ ngân hàng, thanh toán trực tuyến và các dịch vụ cho vay vốn đã thúc đẩy bánh xe kinh tế tiếp tục lăn về phía trước trong suốt thời kỳ phong tỏa. Các ứng dụng mà một số ngân hàng đổi mới và các nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trở nên thiết yếu đối với việc duy trì sự lưu thông của tiền tệ và giúp cân bằng cung và cầu. Trong quý I-2020, nền tảng quy đổi ngoại tệ Paypal của Singapore đã chứng kiến số lượng giao dịch của các khách hàng của hai ngân hàng ở địa phương tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Các công ty tài chính trực tuyến cũng tiếp tục hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp không thể chịu đựng được bất kỳ sự gián đoạn nào mà dòng tiền âm gây ra. Tại Philippines, UBX, nhánh FinTech của ngân hàng truyền thống địa phương đã hợp tác với nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng Đông Nam Á là Lazada thông qua chi nhánh của Lazada tại địa phương để hỗ trợ các MSME trên nền tảng của trang thương mại điện tử với một chương trình cho vay theo hạn mức tín dụng. UBX thông qua thị trường cho vay của mình là SeeCap cũng đã ghi nhận tỷ lệ gia tăng số lượng đăng ký cho vay lên tới 300% trong quý I-2020.

Ngân hàng Trung ương Philippines cũng đã làm nổi bật vai trò trọng yếu của FinTech trong việc phục hồi nền kinh tế đất nước, đặc biệt là các cơ sở MSME. FinTech được coi là một đầu máy vận hành việc cung cấp các hỗ trợ tài chính cho các MSME bởi nó tạo điều kiện cho sự tiếp cận tài chính. May mắn thay, các công ty FinTech như là First Circle đã tuân thủ các điều khoản mà chính phủ quy định về việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chi trả chậm hơn để giảm bớt gánh nặng cho họ trong giai đoạn dịch bệnh.

Hơn thế nữa, công ty này còn củng cố các nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát huy được đầy đủ tiềm năng của mình thông qua một sự hợp tác tài chính nhanh chóng, công bằng và linh hoạt. Công ty cũng đảm bảo rằng sự ưu tiên luôn được dành cho các khách hàng trong các lĩnh vực kinh doanh thiết yếu, chẳng hạn như phân phối trang thiết bị bảo hộ cá nhân và thiết bị y tế, nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 nêu bật tầm quan trọng của FinTech tại các thị trường đang phát triển.

Ý nghĩa nhân văn

Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp bình thường, FinTech còn chiếm được lòng tin của người dân khi bắt tay hợp tác với các chính phủ, các tổ chức để thiết lập một nền tảng để làm những điều tốt đẹp.

Paymaya, một trong những công ty thanh toán trực tuyến của Philippines đã sử dụng nền tảng của mình để mở ra một phương thức để người dân có thể đóng góp cho những người hoạt động trên tuyến đầu chống đại dịch theo một cách rất liền mạch và hiệu quả. Thông qua các mối quan hệ hợp tác và một ứng dụng, các nhà hảo tâm có thể gửi tiền quyên góp đến các tổ chức như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision), Hội Chữ thập đỏ Philippines và 29 tổ chức khác nữa.

Tương tự, Bộ Phúc lợi Xã hội và Phát triển của Philippines cũng đã khai thác một thương hiệu thanh toán kỹ thuật số khác là GCash để phân bổ tiền cứu trợ cho những người được hưởng trợ cấp thông qua một nền tảng trực tuyến cho phép họ lựa chọn cách thức nhận trợ cấp.

Trong bối cảnh toàn thế giới đang dần chuyển mình sang một thực tế mới, sẽ có hàng loạt cơ hội cho các doanh nghiệp trong giai đoạn hậu đại dịch. Sẽ có những sáng kiến mới song hành cùng những ý tưởng thú vị khi mà người ta nhận ra rằng các công cụ kỹ thuật số mà họ phải dựa vào trong suốt thời kỳ khủng hoảng vừa qua trên thực tế đã cung cấp cho họ những dịch vụ quan trọng, bất kể trong điều kiện như thế nào.

Việc duy trì kênh liên lạc là mấu chốt để hoạt động kinh doanh có thể tồn tại. Các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thường xuyên cho các khách hàng của mình, để họ biết rằng dù môi trường hoạt động đã thay đổi nhưng công ty của mình vẫn mở cửa hoạt động trong phạm vi khả dụng. Và bằng cách tiếp tục cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể cho khác hàng, các thương hiệu có thể xây dựng danh tiếng vững chắc, có khả năng tồn tại qua những thời điểm khó khăn như thế này.

Từng được coi là một sự đột phát trong ngành thương mại, FinTech hiện vẫn tiếp tục thể hiện như một công cụ sáng tạo cho sự duy trì hoạt động của nhiều MSME. Ngành công nghiệp này dù vẫn còn non trẻ nhưng đã tạo ra được một sự tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu.

Có thể mất nhiều thời gian để người ta chuyển sang tài chính kỹ thuật số bởi con người có xu hướng từ chối những thứ phức tạp và thường lựa chọn duy trì các quy trình truyền thống quen thuộc nhưng Fintech đã chứng tỏ được lý do vì sao nó đang tiếp tục đóng một vai trò lớn trong việc củng cố và tái xây dựng nền kinh tế toàn cầu của chúng ta. Có lẽ không có một ngành công nghiệp nào khác có thể vừa đảm bảo quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt, lại vừa cung cấp được các giao dịch một cách nhanh chóng, tiện lợi và an toàn đến như vậy.

Hà My
.
.