GS, NGND Hà Minh Đức: Băng qua cánh rừng thời gian
- Giáo sư Hà Minh Đức: Không thỏa hiệp với chính mình1
- Giáo sư Hà Minh Đức ra mắt tập bút ký “Hà Nội – Gặp gỡ với nụ cười”
- Giáo sư Hà Minh Đức: Người già ngồi sưởi cùng với bóng
Nghe giọng ông qua điện thoại, đến khi gặp bên ngoài mới thấy ngỡ ngàng, thầy đã già yếu rồi. Nhưng, cũng thật kì lạ, mỗi khi nhận cuộc điện thoại có lời mời nói chuyện giảng dạy cho các sinh viên, hay nơi đâu có cuộc tham luận về văn học, thầy đều có mặt.
Chính niềm yêu công việc và thiết tha với cuộc sống đã vực thầy dậy. Cả nửa thế kỉ đứng trên bục giảng từ những ngày đất nước còn bao gian khó bởi chiến tranh cho đến ngày hôm nay. Càng có tuổi, thầy càng chiêm nghiệm cuộc sống và bút lực vẫn dồi dào, vẫn đều đặn in thơ và ra sách.
Đã nhiều năm nay, GS. NGND Hà Minh Đức không còn ở con phố Yên Lạc, Hai Bà Trưng, Hà Nội nữa. Thầy cùng vợ chuyển về một thôn nhỏ ở huyện Đông Anh.
Thầy về quê để gần gũi với cỏ cây hoa lá, với ruộng lúa, bờ tre. Có lẽ, ngay từ thuở xưa, cách đây nhiều năm, thầy đã dự cảm trước cho mình, đời mình gắn với thiên nhiên.
Thầy bảo: “Có thiên nhiên rồi mới có con người. Đời người giới hạn trong khoảng trăm năm có dư ít nhiều. Đời cây không có giới hạn. Cây cổ thụ hàng mấy trăm năm cũng là báu vật khi vượt qua hàng chục hàng trăm cơn mưa bão tồn tại với thời gian. Con người xưa khi gặp những trắc trở, đau lòng với thế sự thường về ẩn dật trong thiên nhiên...”. Lẽ nào, tôi tự hỏi, thầy cũng có chuyện đau lòng mà xa lánh phố xá náo nhiệt để thả mình phiêu bồng vào chốn quê...
Giáo sư Hà Minh Đức. |
Nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, thầy dạy dỗ không biết bao nhiêu thế hệ học trò. Kể cả ngay khi thời đất nước chiến tranh, tận mắt chứng kiến những sinh viên của mình, sinh viên Khoa Văn Đại học Tổng hợp, những chàng trai 19-20 xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và có những người mãi nằm lại chiến trường.
Càng kinh qua nhiều năm tháng và sự thăng trầm của lịch sử, chứng kiến những mất mát và thân phận thiệt thòi, thấy mình may mắn còn được sống nên thầy càng lao động miệt mài hăng say.
Đó cũng là cách để thầy trả ơn những người đã ngã xuống và trả ơn cuộc đời. Năm 2016, thầy tặng Hội Di sản với hơn 10.000 tư liệu sưu tầm và ghi chép về những nhân vật đặc biệt của văn chương, lịch sử, triết học. Đây là một tư liệu quý để thế hệ hậu bối làm tài liệu tra cứu.
Kinh qua nhiều cương vị như: 1957-1991: Giảng dạy tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. 1991-2000 Chủ nhiệm Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. 1995-2003 Viện trưởng Viện Văn học, học sinh của thầy nhiều người giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt ở cơ quan công quyền, mỗi khi nhắc đến, thầy vẫn nhất mực cung kính.
Giáo sư Hà Minh Đức lại là người gần gũi với các học trò của mình chứ tuyệt nhiên chẳng thấy có sự xa cách nào. Cũng không phải nhiều người làm được như thế. Thầy là một nhà sư phạm, cũng là một nhà lý luận sắc sảo và có cả một hệ thống nghiên cứu sâu dày từ triết học đến văn chương.
Cho cả đến bây giờ thầy vẫn nhiệt thành với đám trò nhỏ, hướng dẫn bọn “tiểu yêu tinh quái” làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, hay chúng cần những lời hay ý đẹp viết cho tựa đề cuốn sách sắp xuất bản.
Năm 2016, NGND Hà Minh Đức tặng Hội Di sản hơn 10.000 tư liệu sưu tầm và ghi chép về những nhân vật đặc biệt của văn chương, lịch sử, triết học... Đây là tư liệu quý để thế hệ hậu bối làm tài liệu tra cứu.
Có một thi sĩ trong người thầy nghệ sĩ nhân dân
Còn có một con người nữa rất lạ trong thầy! Người ta bảo sang bên kia dốc của đời người thì khó có thể “cháy” và yêu thêm lần nữa. Vậy mà vào tuổi 84, thầy lại cho xuất bản cuốn thơ tình với nhan đề rất gợi mở: “Vào mùa trăng”. Ánh trăng gợi nhớ, gợi yêu, cả đam mê, cuồng si, khao khát, đợi chờ. Ít ai có thể ngờ, ông giáo già nghiêm cẩn còn có một góc khuất. Hóa ra những ẩn ức, những kìm nén, mơ mộng lại được giải tỏa giãi bày trong thơ.
Hoa lá mang vẻ đẹp và sự sống của cây xanh. Kiếp hoa ngắn ngủi. Đời lá dài lâu. Sắc hoa rực rỡ đến xao xuyến. Lá đẹp khiêm nhường và bình yên. Lá xanh có tự cội nguồn. Từ mầm cây, lá đã hiện hình. Lá có mặt trong niềm vui, nỗi buồn. Có tình yêu và hạnh phúc nào không có bóng xanh của cành lá. Có kỷ niệm nào không có bóng lá chở che.
Buổi tọa đàm “Cõi học và người thầy” của giáo sư, nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức. |
Kì lạ thật, ai ngờ, GS, NGND Hà Minh Đức viết nhưng câu thơ tình này ở tuổi 75: “Em vui như chiếc lá/ Có biết đến tình anh/ Tháng năm là ngọn cỏ /In bóng lá trên mình”. “Mùa xuân về nảy lộc/ Hoa lá ở bên thềm/ Là hoa hay là lá/ Bóng lá hay bóng em...”.
Cách đây 11 năm, mùa hè 2008 ông viết: “Từ buổi đầu gặp gỡ/ Tôi chắt chiu tình em/ Mong manh quá!/ Bao người trai lạ/ Tìm đến bên em/ Tôi như con chim/ Tha từng cọng rơm, chiếc lá/ Chiếc tổ nhỏ xinh xinh/ Chờ đón em một ngày/ Con chim xanh không về tổ ấm/ Thích bay xa theo cơn gió trời/ Cùng bầy chim lạ ca hót/ Cùng bầy chim lạ vui nhảy nhót/ Điệu vũ không lời./ Cái tổ nhỏ và tôi/ Không còn hơi ấm/ Tôi chưa hiểu em/ Sao vẫn chắt chiu/ Lầm lỗi một đời”.
Từ “Chắt chiu” buổi đầu gặp gỡ, đến “Chất chứa” những cơn rét mùa đông, rồi “Cõi mê” tiếp “Chợt đến” sang “Lả lơi” tới “Lỗi hẹn”, cuối cùng là “Từ biệt”. Người ta đọc thơ tình Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Hàn Mạc Tử để thấy cái tình trong thơ, còn đọc thơ của GS. NGND Hà Minh Đức thì người ta lại thấy trong thơ có tình. Tôi cũng không biết cách đây 12 năm, năm 2007, chuyện gì đó đã xảy ra để rồi năm ấy ông dạt dào cảm xúc để liên tiếp sáng tác thơ tình, cứ như thể tự nó tuôn ra.
Ông viết: “Anh sinh ra trong mùa ngang trái/ Người trải đời và em còn quá ngây thơ/ Như con nai trong rừng khuya/ dưới bóng trăng tìm về bên suối/ Theo dấu chân em nói lời đắm đuối...”.
Thì ra, ông cũng rất đời, rất người, cũng si tình đắm đuối một bóng hồng nào đó và dồn cả lại đa mang trong thơ. Chính ông cũng thừa nhận: “Trở về với cuộc sống của một người yêu thơ, xúc động tâm tình và ghi lại kỷ niệm qua năm tháng với bóng dáng người tình vô hình và hữu hình”.
Và, trong con người tưởng như “chai lì” duyên số này vẫn lẩy bẩy run lên những câu thơ cất cánh, quả thật là đa tình: “Tôi cố gắng tìm bóng dáng của em/ Qua những nét khô gầy mòn mỏi/ Một ngày tôi lãng quên/ Một đời em mong đợi...”. Hay trong “Tình yêu chưa một lần hò hẹn/ Mà sao đã đam mê!/ Người yêu chưa một lần tìm đến/ Mà xem hạnh phúc đã đi về”.
Sau khi gác lại tất cả những lí luận triết học với tư duy và logic, ông tìm đến thơ và: “Thơ là mùa thu khô hút cạn dần phần xanh tươi của sự sống cỏ cây nhưng bù đắp vào cái ngất ngây của vẻ đẹp kì lạ. Nhà thơ - người bạn đường của vinh quang và tủi nhục, của ấm cúng sum vầy và cô đơn, của mơ ước và hi vọng. Của thắm tươi và khô héo. Thơ là một cánh chim bồ câu bay đi nhưng có mang thư trên đôi chân nhỏ nhắn”.
Sống để thương yêu
Thường thì đến tuổi này người ta sẽ nghỉ hoặc giả làm mà như là chơi. Nhưng thầy thì không có khái niệm chơi. Sống từng ngày để làm việc và những cái việc mà người thường thấy lạ thật, đó là sự thu nhận. Thầy đồng cảm với từng người xe ôm đứng dưới gốc cây dưới trời đông giá lạnh, thương từng chị lao công quét hè phố trong những đêm hè. Thầy quan sát cuộc sống, lắng nghe và ghi chép.
Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của giáo sư Hà Minh Đức vào cuối năm 2016 tại trung tâm di sản. |
Thầy tâm sự: “Cuộc đời rộng lớn và đổi thay luôn tạo cho con người nhiều suy nghĩ. Theo dòng thời gian tôi muốn ghi lại đôi điều cảm nghĩ dưới hình thức của tản văn, của lời nói gần gũi với đời thường. Đã có những danh ngôn, ý tưởng đẹp tôi tìm đến, ghi nhận để tham khảo, học tập. Như con thuyền nhỏ trước cơn sóng lớn, như cánh chim bay lượn trong không gian hẹp của vùng quê. Làm sao hiểu được cái bao la, rộng lớn của cuộc đời. Bằng sự trải nghiệm của bản thân với cái thấy, cái nghe và cảm nghĩ trực tiếp”.
Thầy có những câu nói dí dỏm mà xem xem thật đúng như: “Tiền bạc không dễ mua chuộc được tình yêu nhưng tình yêu cũng khó sống với người keo kiệt” hay: “Ly dị ở Việt Nam thường kết thúc bằng chiến tranh ngôn từ hoặc bạo lực”. “Trong các thứ nợ, nợ tình là khó trả nhất và thường nghĩ đến sự đền đáp ở kiếp sau”.
Bên cạnh thế giới con người là thế giới của các loài động vật hoang dã từ những cánh chim trời đến các loài chúa sơn lâm, đàn voi rừng, con hươu, con nai trong đêm trăng tìm về bên dòng suối. Rồi thầy chợt đau xót trước thiên nhiên cỏ cây hoa lá bị tàn phá bởi thủy tặc, lâm tặc, cát tặc.
Những dòng sông đang bị đổi dòng cạn kiệt vì nạn khai thác cát, những cánh rừng đại ngàn ngày đêm đang bị đổ hàng trăm cây cổ thụ, rừng đang chảy máu để sinh hậu quả lũ lụt. Con người chạy theo lợi ích, hủy hoại môi trường, khiến trái tim người thầy giáo già buồn đau, thổn thức.
Nhiều năm nay việc đi lại khó khăn, thầy ít về ngôi nhà mái lá xưa tại quê nhà xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Nơi vẫn còn ngôi nhà kỉ niệm của mẹ và những kí ức tuổi thơ như bất kì đứa trẻ ở làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Ngôi nhà cách đây 65 năm thầy đã giã từ để ra Hà Nội tự tìm đến Trường Đại học Tổng hợp và thi. Giờ thì cả quê nhà với ao chuôm, ruộng mật, cánh đồng lúa xanh rì đã phát triển thành vùng nông thôn mới.
Thành phố Hà Nội cũng không còn sự tĩnh lặng, yên bình của thuở xưa, mà sầm sập xe cộ và không khí ô nhiễm. Thầy lánh mình về vùng quê hưởng không khí trong trẻo để an yên tuổi già. Sức khỏe ngày càng yếu đi, vẫn những chứng bệnh của người già, hằng tháng thầy vẫn bắt xe buýt ra Bệnh viện Việt Xô để khám chữa bệnh.
Vô tình, trên ô tô nhìn ra, thấy dáng quen thuộc của người thầy giáo già lững thững đi bộ trên con phố dưới hai hàng xà cừ tỏa bóng, một người học trò cũ hạ kính nằng nặc mời thầy ngồi lên xe để chở đi. Có những ngày tiếng chuông điện thoại đổ, một học trò, giờ đã là một lãnh đạo nào đó muốn mời thầy đến giảng bài cho nhân viên của mình về lý luận văn học.
Vài ngày sau, xe đến đón tận cửa. Làng xóm xung quanh, chẳng hiểu sao, trông ông già thường ngày vẫn dung dị ở chốn quê nghèo này vậy mà xe đưa người đón ríu rít, tấp nập. Họ bảo: “Hẳn là một ông quan vai vế chi đây?”.
Nhưng không. Thầy vẫn thế. Vẫn bộ com-lê cũ và chiếc mũ màu đen, tay sách chiếc cặp táp nặng trịch những sách và giấy tờ quan trọng.
Người già hay nhớ chuyện quá khứ. Thầy ôm tất cả thời tuổi trẻ mải miết với văn chương, cả những cơn “say” trên bục giảng, bao thế hệ học trò đã đi qua, để lại ăm ắp những kỉ niệm. Thi thoảng, nhớ chuyện cũ, thầy lại viết, đôi lúc lại ngẫm ngợi sự đời với cuộc sống muôn màu biến ảo kì khôi. Cứ thế, thầy băng qua cánh rừng của thời gian tuổi tác.