GS - TS - KTS Hoàng Đạo Kính: Dù có đi bốn phương trời...

Thứ Sáu, 07/10/2016, 18:30
GS - TS - KTS Hoàng Đạo Kính sinh năm 1941, sinh tại Hà Nội và là con của nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Ngay từ thuở thơ bé, ông được chọn là 1 trong 100 hạt giống đỏ đi đào tạo ở nước Nga Xôviết. Ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Nga năm 1967 ở Moscow năm 1967 rồi về nước và dành thời gian tâm huyết cho chuyên ngành đã học - kiến trúc.

Ông trở thành kiến trúc sư (KTS) danh tiếng với nhiều công trình: Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô, chùa Bái Đính... Ngoài ra, còn một mảng nữa gắn bó mật thiết với ông, đã từ lâu, nhắc đến KTS Hoàng Đạo Kính là người ta nghĩ ngay đến vấn đề bảo tồn trùng tu di sản. Cả cuộc đời ông đau đáu với giữ gìn hồn cốt văn hóa của dân tộc.

GS - TS - KTS Hoàng Đạo Kính.

Ông từng tham gia vào nhiều công trình phục dựng và trùng tu như Nhà hát Lớn Hà Nội, phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An, tháp chàm Mỹ Sơn, cố đô Huế... cùng hàng trăm, hàng nghìn ngôi chùa, hay các công trình khác trên mọi nẻo đường đất nước.

Nhà ông nằm ở một khu chung cư tại Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong căn nhà trên tầng cao ấy với tứ bề là cửa sổ. Bên ngoài những ô cửa ấy luôn là bầu trời xanh ngăn ngắt hay ở ban công có thể phóng tầm mắt, thấy một Hà Nội đang vươn mình lớn dậy với những tòa nhà cao hay những ngôi nhà liền kề mái đỏ, mái xanh nằm san sát nhau, phố phường tấp nập, hối hả. Đêm tối, khi thành phố lên đèn, những biển hiệu cửa hàng với ánh đèn nhấp nháy, một Hà Nội của đêm với ánh đèn đường nhấp nhoáng, loang loáng những vẫn đủ huyên náo.

Bức tranh Chủ đề "Sắc hoa" của GS - TS - KTS Hoàng Đạo Kính.

Bỏ lại tất cả sự ồn ào náo nhiệt đó, ông vẫn nhớ về một Hà Nội xưa cũ, một Hà Nội lãng mạn, mơ mộng, một Hà Nội cổ kính và trầm tư sâu lắng mà những người con Hà Nội đã sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này khắc sâu vào tâm khảm. "Dù có đi bốn phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội, một thời đạn bom, một thời hòa bình...".

Giờ Hà Nội đã từng ngày đổi thay với những tòa nhà chọc trời, siêu thị hiện đại, quán xá, nhà hàng kèm theo cả không khí ngột ngạt của một đô thị lớn đang vận hành quá tải. Ông bảo, Hà Nội và TP HCM là hai đô thị lớn có sức hấp dẫn hàng triệu người ở các tỉnh khác kéo đến làm ăn và sinh sống. Người thì sinh sôi nhưng đất thì không thể nở ra được nên cứ đến giờ tan tầm là đường tắc và khói bụi mù mịt. Tuy vậy, lại chẳng ai muốn rời xa Hà Nội. Hà Nội không còn vẻ của cô gái con nhà tư sản đài các, kiêu sa, kín đáo mà giờ là một cô gái hiện đại, tân thời.

Trong căn phòng đấy, ông vẫn giữ gìn những di vật của cha mình, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy. Ông yêu và kính trọng cha mình, đầy tự hào khi mỗi lần nhắc đến người cha kính yêu. Ông giữ từng quyển sách của cha cho dù quyển sách đã ố vàng bởi dòng thời gian, đến cái tẩu hút thuốc, bộ quần áo mà cha hay mặc. Để những cuốn sách của người cha trên bàn, ông chỉ vào từng cuốn và giải thích cặn kẽ:

"Đây là cuốn cụ viết về phong trào hướng đạo, cuốn sách gối đầu giường của các giáo học trước Cách mạng Tháng Tám, in năm 1944. Đây là cuốn sách gối đầu giường của thanh niên là "Trai nước Nam làm gì?".

Đến năm 1943, 1944, lần đầu tiên có cuốn sách viết về phận sự của thế hệ thanh niên trước Cách mạng Tháng Tám... Khi cuốn sách ra đời, toàn quyền Pháp cho giải thưởng rất lớn nhưng cha tôi từ chối nhận vì nhận  thì không khác nào mình công nhận Pháp là đô hộ? Cha tôi lại viết sách kể chuyện lịch sử, theo một cách rất thấm, rất dễ nhớ, từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám cho đến sau này.

GS - TS - KTS Hoàng Đạo Kính và những người bạn trong cuộc triển lãm tranh của ông với chủ đề "Bóng xưa sắc hoa".

Đặc biệt là sau này ông viết một loạt bài in ở Báo Quân đội nhân dân vào năm 1957, 1958 "Kể chuyện ông cha ta đánh giặc". Đó là một sêri về các vị tướng, từ Lý Thường Kiệt, đến Quang Trung... Cái sêri đó sau in thành cuốn sách. Trước đó, người ta cứ chờ từng cuốn một để đọc. Cách truyền bá bằng văn chương nhẹ nhàng, tóm gọn, rất hàn lâm nhưng vẫn để người thường thấm được. Và một cuốn sách mà cha tôi viết trong thời kì chống Pháp là về công tác hành chính, rất nhiều ý tưởng mà đến giờ vẫn còn mới. Ông còn viết cả sách giáo khoa "Công dân giáo dục". Đến cả chục năm sau mình mới có môn Giáo dục công dân nhưng ông cụ đã viết từ thời chống Pháp”.

Nhìn những chồng sách của người cha kính yêu trên bàn, KTS Hoàng Đạo Kính bảo: "Sêri cuối cùng là cụ viết 4 cuốn sách về Hà Nội,  "Thăng Long Đông Đô Hà Nội"  "Phố phường Hà Nội xưa"  "Người và cảnh Hà Nội" và cho đến cuốn cuối đời là "Hà Nội thanh lịch". Có vẻ ông đã nhìn thấy trước hiện tượng văn hóa suy đồi, xuống cấp nên ông muốn đề cao chăng? Cuốn này là một trong những cuốn kể chuyện về Hà Nội. Nhiều người viết về lịch sử. Còn ông cụ viết về chứng nhân, giai đoạn gần như sau TK 19 nửa đầu TK 20.

Cha tôi nói về Hà Nội, một Hà Nội không chỉ là kiến trúc, Hà Nội cũng không chỉ là phố phường, Hà Nội không chỉ là làng nghề. Mà Hà Nội là cách ứng xử, Hà Nội là phong cách sống, từ ăn mặc đi lại nói năng giao thiệp, lời ăn tiếng nói... Cha tôi viết về thời của ông cụ. Cha tôi là một trong những người được kế thừa những gì tinh túy của mảnh đất ngàn năm văn vật này.

Khuôn mặt có nét bùi ngùi, giọng ông trở nên xa vắng, một Hà Nội xưa cũ hiện về, ông đang nhớ hay đang luyến tiếc? Có lẽ là cả hai. Ông chậm rãi nói: "Cái mà tôi quý nhất là chất Hà Nội, mà còn lại đến năm 1954,  Hà Nội của mười lăm vạn dân. Mình gọi là Hà Thành, kẻ sĩ. Hà Nội thời Lý, Trần, Lê quá xa xôi. Cái chất của cụ Thúy là kể chuyện đã trôi về dĩ vãng, Hà Nội đang trầm tích mà cũng đang phôi pha dần... Cuốn cuối cùng cha tôi viết là cuốn: "Đi thăm đất nước" sau đó khi in sách, chuyển thành "Đất nước ta". Ông cụ viết hoàn toàn bằng trí nhớ.

Hôm gặp KTS là một ngày đất trời đã vào thu với nắng vàng và gió nhẹ. Bất giác tôi nhớ đến những bức tranh kì lạ, thậm chí có nét ma quái, kì bí đầy ám ảnh mà cách đây ít năm ông có cuộc triển lãm tranh tại đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc, Hà Nội. Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy khi xưa cũng đã từng cầm cọ vẽ tranh. Ông cụ vẽ về trận chiến đấu chống thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Bức vẽ ấy bây giờ được Bảo tàng Lịch sử lưu giữ.

Giờ đây, con ông, KTS Hoàng Đạo Kính cũng thích vẽ tranh. Ông đã có hai lần triển lãm tranh tại Huế và Hà Nội. Từng mái nhà nhỏ xiêu vẹo hiện ra trong một màu trắng sáng bảng lảnh sương khói, vừa mơ hồ, kì bí. Những thân cây đa, cây si rêu mốc xanh rì, to lớn hoặc khẳng khiu trụi lá xơ xác ngả nghiêng buông mình trong không gian hư ảo hiển hiện gợi trí tưởng tượng bay bổng thoát trần của người họa sĩ. Những phố cổ thân thương của đô thị, của làng quê, ở gần hay xa, đều được thu về cây cọ của người họa sĩ.

Bằng cách cảm, cách nghĩ, bằng tâm hồn mơ mộng với quá vãng xa xôi, bằng cả chất bụi bặm lãng tử và cả học vấn uyên thâm đậm chất hàn lâm của KTS thuộc con nhà dòng tộc, ông, một GS, TS, KTS trên hành trình dài đằng đẵng làm người bảo tồn di sản đã đi tìm lại chính mình ở cuối chặng đường đời bằng những bức tranh ám ảnh, nhiều sắc màu tươi mới. Xem tranh ông có cảm giác lạc vào chốn thâm sơn cùng cốc, sơn thủy hữu tình, bầu bạn với thiên thần hoặc ác quỷ. Hư ảo, mê hoặc, huyền bí. Chốn đó mang đậm màu sắc liêu trai mộng mị...

Trong căn phòng rộng ở chung cư nơi ông ở có ban thờ tổ tiên dòng tộc và những câu đối cổ. Ông bảo với tôi để mua được cái sập gỗ cổ cũng phải có duyên may. Chủ nhân tìm đúng vật, vật tìm đúng chủ nhân. Ngoài ra, ở nơi trang trọng có treo một bức ảnh của cha ông. Những tủ trưng bày đồ lưu niệm của người cha. Mỗi đồ vật trong căn phòng đều gợi nhớ về một kỉ niệm nào đó. Chính trong những phút tĩnh lắng với những đồ vật cổ, sự đối diện với chính mình trong không gian riêng tư lại là nguồn dư lượng đưa ông đến với hội họa, tranh sơn dầu.

Công việc chính của ông là bảo tồn, trùng tu các công trình di tích kiến trúc, kiêm nhiệm thêm nhiều chức danh như Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc.

Và khoảng thời gian đủ dài đến 20 năm giữ chức Giám đốc Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích trung ương (nay là Viện Bảo tồn di tích) ông đặt chân đến nhiều vùng miền của đất nước, và tình yêu đất nước từ người cha đã truyền sang ông đầy đam mê và ấm áp, để rồi ông lại kế tục cha xuất bản những cuốn sách bổ ích về trung tu và bảo tồn di sản.

Những bài tản văn về nét đẹp của những vùng đất nơi ông đến như Hội An, Mỹ Tho, Cà Mau, cố đô Huế... Những nét đẹp văn hóa của đô thị hay của làng quê đang dần biến mất bằng ngòi bút sắc sảo nhưng cũng đầy nhân văn qua những câu chuyện ấm áp đăng trên các báo luôn khiến cho độc giả bùi ngùi, ngẫm ngợi, suy tư.

Ông tâm sự về các đứa con tinh thần: "Từ khi vẽ tranh, tôi nhìn cái gì cũng thấy bố cục, nhìn cái gì cũng thấy màu sắc. Mỗi bức tranh như một khoảnh khắc". GS Tạ Quang Bửu, anh rể của GS Hoàng Đạo Kính đã từng nói: "Hoàng Đạo Kính đừng bao giờ bán tranh của mình, vì tranh của Kính gần như là nhật kí của trái tim Kính".

Ngay kể cả vị KTS đáng kính cũng thừa nhận: "Cả đời làm về di sản nên lúc nào cũng hoài niệm vương vấn trong tôi. Gắn liền "bóng xưa" và "sắc hoa" vì tôi gắn kết dĩ vãng với ngày hôm nay. Gắn kết phải sống trong ngày hôm nay. Khi nghiên cứu về Hội An thì Hội An phải sống trong cuộc sống hiện đại, phải hòa nhập trong cuộc sống hôm nay. Phố cổ ấy phải trở thành tổ ấm của hàng nghìn, hàng vạn người. Đừng biến phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm thành những bảo tàng ngoài trời, mà phải nối liền quá khứ - hiện tại - tương lai".

Có gì bền vững như là di tích, có cái gì mong manh như là hoa. Nhưng cả hai gắn kết vào nhau, cả cái lâu bền lẫn cái khoảnh khắc mong manh.

Yêu từng ngôi nhà, góc phố, hàng cây, những gì còn sót lại của một Hà Nội mơ màng, lãng mạn, yêu một không gian bình yên, thơ mộng chốn làng quê với ao chuôm, giếng nước, gốc đa, mái đình, KTS Hoàng Đạo Kính đã sống trong hoài niệm để rồi ông cứ mãi vật vã và trăn trở chung tay góp sức xây dựng nên một Hà Nội đẹp, một miền quê đâu đó còn rất cần những KTS tâm huyết như ông.

Trong dòng người tấp nập, nếu ta bắt gặp một gương mặt đó, chẳng phải xa la, thì đó chính là KTS Hoàng Đạo Kính - một con người hoàn toàn thú vị khác, không mang vẻ thường ngày nhìn thấy công chức thị thành, con nhà dòng tộc, hay một giáo sư hàn lâm với kiến thức uyên sâu, một thầy giáo khoan thai, hòa ái trên bục giảng, ông dung dị dễ mến, dễ gần, nhưng khi tiếp cận thì cả kho kiến thức văn hóa lịch sử bung nổ.

Tình cảm ấy, trí tuệ ấy, văn hóa ấy đều được bắt nguồn từ sâu xa, đó chính là hồn cốt của Hà Nội từ lâu đã ngấm vào mạch nguồn cảm xúc nuôi dưỡng tinh thần của người con Hà Nội.

Mỹ Trân
.
.