Game show truyền hình: Nhiều nhảm nhí và vô duyên
- “Mỹ nhân hành động”: Kịch tính show truyền hình thực tế đầu tiên về Công an
- Một năm tụt dốc của gameshow truyền hình1
- Báo động về những phản ứng thô lỗ trên gameshow truyền hình
Vẫn còn những khúc mắc nhưng càng gây tranh cãi, lượt xem chương trình càng tăng lên. Đây có lẽ là lý do bất chấp phản ứng của dư luận, những game show nhảm nhí và vô duyên vẫn tiếp tục được sản xuất và thậm chí, độ táo bạo còn ngày một tăng hơn.
Dung tục và cãi lộn
Mới đây, tập 351 chương trình “Vợ chồng son” ngay sau khi lên sóng đã bị truyền thông và dư luận phản ứng dữ dội khi khai thác quá sâu về chuyện giường chiếu của cặp vợ chồng từng là cha và con gái nuôi của nhau. Trong đó, có đoạn cặp đôi có nhắc đến một lần đi chơi về khuya, anh Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi, kinh doanh tự do ở TP Hồ Chí Minh) phải thuê phòng khách sạn với chị Nguyễn Thị Nhất (29 tuổi) cùng con trai nhỏ của chị.
Tập 351 của chương trình “Vợ chồng son” gây tranh cãi khi nhân vật chia sẻ quá kỹ về chuyện vợ chồng. |
“Vào đó, tôi lướt Facebook, bé trai nghịch điện thoại còn cô ấy đi tắm. Sau đó cô ấy giục tôi đi tắm, tôi bảo “con cho em bé ngủ đi để bố đi tắm... Đến khi tôi tắm xong thì hai mẹ con cô ấy nằm ở bên trong, tôi sợ cô ấy đánh giá lần nữa nên nằm ở mép ngoài cùng vì sợ mất mặt. Nhưng, khi cô ấy cho thằng bé ngủ xong, tôi cứ tưởng hôm nay sẽ thất bại nốt thì không ngờ cô ấy bảo... Nói thật chứ, gái một con trông mòn con mắt...”, anh Hưng kể lại.
Không dừng lại ở đó, cặp đôi này còn vô tư kể nhiều chuyện về cuộc sống vợ chồng hằng ngày khiến khán giả đỏ mặt. Trước đó, chương trình này cũng nhiều lần bị phản ứng gay gắt vì khai thác quá tỉ mỉ chuyện “phòng the” của các cặp đôi tham gia, thậm chí có nội dung còn do chính MC chủ động gợi mở. Chẳng hạn khi khách mời Hanna Giang Anh đang kể tật xấu của chồng, MC Quốc Thuận liền hỏi: “Trong chuyện “trả bài”, anh ấy có nhiệt tình không?”.
Điều đáng nói, khi phát sóng trên HTV, chương trình cắt bỏ những đoạn chia sẻ nhạy cảm. Nhưng trên kênh YouTube của nhà sản xuất, đa số video chia sẻ của khách mời được đặt cho tiêu đề liên quan đến vấn đề tình dục, chẳng hạn: “Bị vợ tố pê đê, chồng chịu không nổi gồng liền mấy hiệp khiến vợ hết hồn” hay “Múi Xù thách thức Di Bảo khiến chồng ngượng đỏ mặt vì vợ quá táo bạo”...
Những tiêu đề không giấu mục đích câu rating bằng những chuyện gây sốc. Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng bởi chương trình phát lại trên YouTube sẽ có rất nhiều đối tượng khán giả truy cập, những nội dung thô thiển, phản cảm sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ vị thành niên.
Không riêng “Vợ chồng son”, nhiều game show khác cũng từng bị “ném đá” vì nội dung phản cảm. Đơn cử, trong tập 7 chương trình “Kèo này ai thắng” phát sóng khung giờ vàng hồi tháng 3 trên sóng VTV3 khiến khán giả bức xúc khi để lọt cảnh người mẫu nữ dùng tay và miệng ngậm củ cải trắng để thí sinh Hoàng Khang phi dao. Hành động trên bị chỉ trích quá phản cảm, đặc biệt trong một chương trình của VTV và chiếu vào khung giờ có nhiều đối tượng khán giả theo dõi, trong đó có trẻ em.
Nhân vật thực hiện hành động kém duyên trong chương trình “Kèo này ai thắng”. |
“Sao lại có thể để hình ảnh này lên sóng truyền hình quốc gia được nhỉ?”, “Khâu kiểm duyệt ngày càng kém”, “Phản cảm quá VTV ơi”,... là những phản hồi của cư dân mạng. Thậm chí, khi nội dung này đăng tải trên YouTube còn bị dán nhãn 18+, hạn chế người xem. Sau đó nhà đài đã lập tức gỡ bỏ đoạn thử thách có phần “xấu xí” trên vì bị người xem chỉ trích quá nhiều.
Hồi giữa tháng 2-2020, trong tập có khách mời Phạm Hy và Tôn Tuấn Kiệt tham gia, game show “Trí khôn ta đây” gây chú ý bởi câu hỏi thách đố có phần nhạy cảm, dung tục.
Cụ thể, câu hỏi số 5 được chương trình đưa ra: “Cái gì nằm giữa hai chân người đàn ông?”. Thậm chí, trước khi đặt câu hỏi này, MC Sam còn ngại ngùng khuyên người chơi nên suy nghĩ gần gũi. Sau đó, đáp án được Phạm Hy đưa ra là cái đáy quần. Chưa dừng lại ở đó, Sam còn hài hước bắt bẻ: “Lỡ người đàn ông đó không mặc quần thì sao?”. Đáp án được chương trình đưa ra chính là hai mắt cá chân.
Sau khi chương trình lên sóng, câu hỏi này lập tức nhận nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Nhiều khán giả cho rằng câu hỏi và đáp án mà nhà sản xuất đưa ra là không thuyết phục. Thậm chí, một số người cho rằng đây là câu hỏi dung tục và quay sang chỉ trích chương trình.
Có khán giả thẳng thắn cho rằng câu hỏi mà chương trình đưa ra là nhảm nhí và yêu cầu bộ phận kiểm duyệt nên làm việc kỹ hơn về khâu nội dung. “Nhảm nhí quá. Biên tập nên xem lại cách đưa ra câu hỏi?”, “Show quá vô duyên, quá tục tĩu và thiếu đầu óc”,... một vài khán giả bình luận.
Không dừng lại ở nội dung phản cảm, những màn tranh cãi vô duyên của nhân vật tham gia game show cũng bị khán giả ném đá dữ dội. Gần đây nhất, trong chương trình “Giải mã kỳ tài”, cựu người mẫu Trang Trần không chút kiêng dè trong việc bày tỏ quan điểm và ra sức bảo vệ nó bằng mọi cách, chẳng khác nào màn “cãi tay đôi” trước TS Lê Thẩm Dương.
TS. Lê Thẩm Dương khuyên Trang Trần rằng nên chọn cách ứng xử nhẹ nhàng, văn hóa thay vì cứ tranh cãi qua lại trên mạng xã hội. Không đồng tình với ý kiến này, Trang Trần liên tục đáp lại bằng thái độ cực gắt khiến TS. Lê Thẩm Dương lẫn MC Quyền Linh đứng hình. “Đối với những đối tượng cố tình đụng chạm là phải cuốc mặt cuốc mày ngay. Em không có thói quen nhịn, bố mẹ em thì em nhịn chứ em không nhịn bất kỳ ai, bởi vì mình không sai”, Trang Trần bộc bạch.
Nghe vậy, TS. Lê Thẩm Dương gợi ý: “Vậy tại sao mình không né mặt đi? Vì nói chuyện với 1 người dốt sẽ sinh ra 2 người dốt”. Không đồng tình với quan điểm phải nhẫn nhịn, mềm mỏng khi nói chuyện, Trang Trần gay gắt: “Người ta nói với con rằng Trang mà không chửi thì sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Nhưng, nhiều tiền để làm gì? Nhiều tiền để phục vụ nhu cầu của mình, song nhiều tiền mà để nó đè đầu cưỡi cổ thì gọi là ngu. Thầy đang áp đặt suy nghĩ giống bọn ngu trên cộng đồng mạng à. Thầy đang nhìn góc độ là con đang đục chúng nó nhưng thầy cũng chưa hiểu thầy đâu phải là con. Có những đối tượng con không cần nói”.
Nói về những bình luận trái chiều của khán giả về hành động của mình, Trang Trần đáp lại: “Tôi không có thói quen chỉ tay vào mặt người khác”. Cựu người mẫu cho rằng tất cả là do việc cắt dựng của ê-kíp, việc cắt dựng gây cho khán giả cảm giác như thế thôi nhưng nếu như có hiểu là vậy thì cũng chẳng vấn đề gì.
“Chương trình có quyền cắt dựng, ê-kíp sản xuất có quyền câu rating, miễn sao vẫn đảm bảo ý đồ của hai bên. Thêm nữa, tôi thấy nói chẳng có gì sai cả và cũng chưa bao giờ bảo thầy nói sai cả”, cô nói.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo thống kê, chi phí quảng cáo truyền hình tại Việt Nam giảm đáng kể so với năm trước và đổ vào các kênh truyền thông số như Facebook, Google, YouTube. Khi tài trợ bị cắt, quảng cáo hao hụt, để tạo thêm nguồn doanh thu, từ mấy năm nay, nhiều game show đã phát trên kênh YouTube nhưng nguồn thu không nhiều.
Để thu hút quảng cáo và bán được quảng cáo giá cao, các đơn vị sản xuất phải chạy đua về rating nhưng giữa thời buổi game show tràn lan thì rating các chương trình cũng giảm sút nghiêm trọng. Đó còn chưa kể, trong khi chi phí sản xuất game show mỗi năm mỗi tăng, doanh thu quảng cáo trên truyền hình lại có xu hướng ngày càng giảm. Tuy nhiên, không thể “vin” vào lý do này để nhà sản xuất tha hồ biến tấu, truyền tải những nội dung rẻ tiền, nhảm nhí tới khán giả được.
Kênh Youtube tràn ngập các games show, trong đó không thiếu những chương trình không thể kiểm soát được nội dung. |
Game show bão hòa cũng là lúc chọn lọc những chương trình được đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp. Đại diện một đơn vị truyền thông thừa nhận Việt Nam là một trong những nước chịu mua formart từ nước ngoài, thậm chí chịu chi lớn cho bản quyền. Đó là lý do khiến game show ngày một ồ ạt, nhanh chóng bão hòa. Đến nay, các game show đình đám trước đây dù hay đến mấy, rating cao cũng chỉ ở mức hòa vốn hay lãi chút đỉnh, không lỗ đã là may mắn.
“Thực tế, đây là xu thế tất yếu của thị trường giải trí. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn phải làm. Lúc này, bài toán kinh tế đặt ra là phải làm gì để giảm thiểu chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và nội dung hấp dẫn. Với thực trạng hiện nay, nếu một game show có nội dung tốt, mới mẻ, dàn thí sinh chất lượng... thì chắc chắn vẫn giữ chân được khán giả”, đại diện này cho hay.
Bản thân những chương trình game show cũng từng được các nhà quản lý, nhà phát hành tuyên bố sẽ rà soát lại các chương trình bị chê là phản cảm, dung tục để chấn chỉnh nhưng sau một thời gian, đâu lại vào đấy.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hồ Chí Minh cho biết đã giao phòng chuyên môn của Sở xem xét, thẩm định. Đại diện phòng chuyên môn được giao nhiệm vụ này là ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa đã chia sẻ với chúng tôi: Về nội dung, các game show này thuộc lĩnh vực giải trí, văn hóa - nghệ thuật, vì thế việc thẩm định kịch bản, nội dung thuộc chức năng của Sở Văn hóa và Thể thao.
“Trên cơ sở đánh giá nội dung của những chương trình nói trên, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ có căn cứ để xử lý. Tuy nhiên, nếu chỉ một mình Sở Văn hóa và Thể thao thì cũng không thể kiểm soát tốt được, vì thế rất cần sự phối hợp vào cuộc càng nhanh càng tốt của ngành văn hóa”, ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa cho hay.
Ngoài ra, vị đại diện phòng chuyên môn nói thêm rằng, việc để xảy ra những nội dung phản cảm trong các chương trình game show là một “lỗ hổng” trong quản lý, vì thế thời gian tới rất cần sự bắt tay của hai ngành văn hóa và thông tin, truyền thông để có cơ sở pháp lý trong việc thẩm định, kiểm soát và xử lý các chương trình giải trí có nội dung vi phạm các quy định pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục.
Đó có thể là phương án cho việc kiểm duyệt nội dung game show trên truyền hình. Song, mạng xã hội, YouTube lại là “kẽ hở” trong việc thẩm định.
Theo luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội), hiện, chúng ta vẫn chưa có chế tài cụ thể cho các nội dung phát hành trên nền tảng trực tuyến như YouTube. Bởi, đây đều là những nền tảng của nước ngoài, hệ thống máy chủ và người đứng đầu quản lý cũng không đặt tại Việt Nam. Cơ quan quản lý rất khó can thiệp vào hình thức phát hành này. Như vậy, trách nhiệm lớn nhất vẫn nằm ở nhà sản xuất.
Không thể vì rating mà bất chấp coi thường khán giả, mà không nghĩ rằng chính một ngày nào đó, khán giả, bao gồm các bậc phụ huynh và cả những người trẻ, sẽ quay lưng hoặc tẩy chay chính những chương trình nhảm nhí và dung tục như thế.