Giá cước vận tải nhìn từ câu chuyện quản lý

Thứ Hai, 21/09/2015, 21:35
Khi hoạt động vận tải hàng hóa vẫn chưa qua đoạn loay hoay, thì ngoài chuyện kiểm soát chặt đối với việc giảm cước vận tải theo giá xăng dầu, các cơ quan quản lý liên quan cũng cần nhìn nhận, áp dụng sớm những đề xuất, kiến nghị hợp lý của giới kinh doanh trong lĩnh vực này để sớm có sự bình ổn theo hướng bền vững.

Sửa biển báo, nới đăng kiểm

Ông Trần Ngọc Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, biển báo quy định vận tốc tối thiểu, tối đa cắm trên các tuyến đường cao tốc không phân biệt loại xe, tải trọng, trọng lượng, công suất máy của từng loại xe khác nhau. Nên với hệ thống biển báo hiện nay, chỉ có xe hơi là đạt vận tốc tối thiểu với thời gian và khoảng cách theo biển báo, còn xe tải, xe chở container đạt được vận tốc tối thiểu theo quy định là rất khó. Từ đó xe chạy trên đường dễ bị vi phạm lỗi về tốc độ, bị xử phạt khi lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức bắn tốc độ trên đường như tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, gây thêm khó khăn khách quan cho lái xe, doanh nghiệp.

Vì vậy, ông Thọ cho rằng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần rà soát, điều chỉnh lại hệ thống biển báo trên đường cao tốc theo hướng: Với các biển báo quy định về vận tốc tối thiểu, tối đa ngoài biển báo chính nên gắn thêm biển báo phụ ghi rõ cho từng loại xe; có hình vẽ của từng loại xe và khoảng cách phù hợp để áp dụng cho xe hơi, xe tải, xe container giúp lái xe dễ quan sát và áp dụng.

Một vấn đề khác, theo ông Thọ, nhiều lái xe và doanh nghiệp vận tải cũng phản ánh các tiêu chí để nhận biết thế nào là biển số mờ không rõ chữ và thế nào là vỏ xe mòn, không bảo đảm kỹ thuật hiện mới chỉ mang tính cảm tính là chính. Từ đó các lực lượng xử lý vi phạm hai lỗi này nhiều lúc thuộc về ý chí chủ quan và áp đặt cho lái xe hay doanh nghiệp vận tải. Để có thể hiểu rõ nhằm chủ động chấp hành quy định, giới vận tải vẫn cần hướng dẫn một cách cụ thể dấu hiệu nhận biết với lỗi vi phạm này.

Phí giao thông chiếm tỷ lệ cao trong giá cước vận tải.

Lâu nay nhiều chủ xe, doanh nghiệp vận tải đã tự ý lắp thêm bửng trước đối với sơmi rơmoóc sàn để chở hàng rời nhằm tăng cường tự bảo đảm an toàn khi xe container chở hàng trên đường. Đồng thời nhiều doanh nghiệp đã tự gia cố thêm một số chi tiết cơ khí nhỏ như lắp thêm khuy, tai, mấu… dọc hai bên thành sơmi rơmoóc. Việc gia cố này không làm thay đổi kết cấu thiết kế sơmi rơmoóc bởi kích thước chiều dài của các tai, khuy, mấu cứng này mỗi bên không quá 5cm nhưng sẽ giúp cho lái xe, chủ hàng dễ dàng hơn trong việc chằng, néo dây.

Từ đó tăng tính an toàn khi vận chuyển những loại hàng hóa, đặc biệt là các loại hàng hóa có hình tròn, hình trụ… do vậy ông Thọ đề nghị Cục Đăng kiểm cho phép các doanh nghiệp vận tải chính thức được thực hiện theo cách trên bằng cách công nhận trên giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và được các trung tâm đăng kiểm thừa nhận khi doanh nghiệp tiến hành kiểm định phương tiện; không phải cắt bỏ, trả về nguyên trạng mới cho đăng kiểm như hiện nay.

Với thùng xe tải chở hàng rời cũng vậy, hiện quy định giới hạn kích thước về chiều cao thành thùng không vượt quá 0,45 m áp dụng đối với các loại xe tải thông thường chở hàng hóa có tỉ trọng thấp như nông sản, phân bón, hàng bách hóa, bông, sợi... đã không còn phù hợp, gây khó khăn và thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ xe. Bởi nếu chỉ xếp hàng bằng với chiều cao thành, thùng xe, chủ xe sẽ phải chạy thiếu tải, chỉ bằng 1/2 so với trọng tải phương tiện được phép chở. Rõ ràng là khối lượng riêng của mỗi loại hàng hóa là khác nhau, đơn giản nếu ta đem so một xe bông với một xe sắt?

Để tháo gỡ khó khăn về vấn đề này, ông Thọ cũng nêu kiến nghị cho phép nâng kích thước thành thùng xe tải chở hàng rời từ 0,45 m đến 0,9 m để bảo đảm cho phương tiện chở hàng hóa đúng với tải trọng cho phép, vừa bảo đảm an toàn khi xe lưu thông.

Hay như tình trạng cùng một loại sơmi rơmoóc, cùng nhãn hiệu, cùng năm sản xuất và cùng nhà sản xuất, nhưng doanh nghiệp vận tải lại buộc phải chi trả phí và mất thời gian cho từng mẫu thiết kế riêng biệt đối với từng sơmi rơmoóc khi đem đi cải tạo, điều này là không cần thiết đồng thời gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp vận tải. Cục Đăng kiểm nên cho áp dụng một mẫu thiết kế chung khi cải tạo sơmi rơmoóc nếu các sơmi rơmoóc đưa đi cải tạo có "4 cùng" kể trên.

Trạm thu phí dày đặc, không đảm bảo khoảng cách trên nhiều cung đường ở khu vực Đông Nam Bộ.

Giảm phiền hà, giảm phí đường bộ

Đại diện một doanh nghiệp vận tải hàng hóa có số lượng đầu xe lớn ở TP HCM, từng nhiều lần phải cắt cử đến vài nhân viên đi lo thủ tục để hưởng chính sách không phải nộp phí sử dụng đường bộ với số đầu xe ngưng hoạt động than phiền: Trình tự, thủ tục để doanh nghiệp vận tải, chủ xe có thể chứng minh cho việc xe không hoạt động trong thời gian 30 ngày để không phải nộp phí quá rắc rối. Chủ xe buộc phải gửi hồ sơ cho Sở GTVT nơi cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm đơn xin tạm dừng lưu hành; bản sao giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô, sau đó phải chờ thêm 3 ngày, nếu hồ sơ hợp lệ mới được lập biên bản xe tạm dừng hoạt động.

Chờ thêm 2 ngày nữa, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, mới được giải quyết thủ tục nộp lại tem phí sử dụng đường bộ cho bên đăng kiểm. Khi có nhu cầu sử dụng xe để tiếp tục hoạt động kinh doanh, chủ xe lại phải làm thủ tục ngược lại mất ít nhất 5 ngày nữa mới có thể đưa xe vào hoạt động được.

"Xe bị tai nạn, hư hỏng không chạy được, chủ xe, doanh nghiệp vận tải đã khổ, thủ tục hưởng chút tiền còm trên lại vừa phiền hà vừa khó khăn. Sao không dựa vào dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên xe đã được hợp chuẩn, hợp quy và hiện đang được Tổng cục Đường bộ quản lý để làm căn cứ xem xét coi xe có hoạt động hay không, từ đó giảm khó cho chúng tôi?", vị đại diện này đặt vấn đề.

Bày tỏ sự đồng tình với việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, nhưng nhắc đến phí đường bộ, cả giới vận tải hàng hóa ở TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đều phản ứng. Hiệp hội Vận tải hàng hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn nhận rằng, mức phí giao thông hiện quá cao so với khả năng đóng góp của người dân. Điều này có nghĩa, phí giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu giá cước vận tải.

Trong khi mật độ phương tiện qua lại các trạm thu phí đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đây do tăng số đầu xe; do việc thực thi chống xe chở quá tải quyết liệt của các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường từ tháng 4/2014 đến nay. Vì vậy, Bộ Tài chính nên xem xét giảm mức phí giao thông đường bộ hiện tại. Đặc biệt là giảm phí giao thông trên các đường cao tốc xuống còn mức 1/3 đến 1/5 so với trước để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải mà vẫn bảo đảm được lợi ích của các chủ đầu tư hạ tầng đường sá.

Thép xô cabin xe container đổ gục do sơmi rơmoóc không có bửng chắn và tai mấu để chằng néo.

Cùng quan điểm này, ông Thái Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM đã đề cập đến hiện trạng trên một số cung đường khoảng cách giữa hai trạm thu phí rất gần nhau. Việc quy hoạch giữa các địa phương không có sự phối hợp chặt chẽ đã tạo nên mạng lưới các trạm thu phí được đầu tư xây dựng dày đặc, theo kiểu vây bắt, tận thu đối với các phương tiện vận tải trên nhiều tuyến đường.

Chẳng hạn, chỉ tính trên Quốc lộ 13 nối từ TP HCM đến Bình Dương đã có 3 trạm thu phí, trong đó có những trạm chỉ cách nhau 8 - 16 km. Từ TP HCM đến Đắk Lắk, quãng đường chỉ khoảng 350km đã có tới 7 trạm thu phí. Còn từ TP HCM đi Vũng Tàu, quãng đường dài gần 120km cũng phải vượt qua đến 3 trạm thu phí. Như vậy, hiện các trục đường chính tại khu vực miền Đông Nam Bộ các trạm thu phí chỉ cách nhau từ 30 - 40 km trong khi quy định khoảng cách giữa hai trạm thu phí trên cùng một tuyến đường tối thiểu là 70km.

Cùng với mật độ trạm thu phí dày đặc, mức thu phí ngày càng cao sẽ làm cho giá cước vận tải tăng cao, phần nào làm giảm khả năng cạnh tranh của giới vận tải.

Kiến nghị với Bộ Tài chính vào ngày 9/9 vừa qua, Hiệp hội Vận tải hàng hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, hiện nhiều cá nhân, hộ gia đình mua xe ôtô để sử dụng hoặc kinh doanh. Khi mua xe, các cá nhân này đã phải trả tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên giá trị chiếc xe theo quy định. Thế nhưng, khi họ không có nhu cầu sử dụng xe nữa, muốn bán chiếc xe này cho cá nhân, tổ chức khác thì các cơ quan thuế địa phương không cấp hóa đơn GTGT để họ đưa vào giá bán xe giao cho khách hàng. Vì vậy, giá trị chiếc xe bị giảm đồng thời họ không được khấu trừ tiền thuế GTGT đã nộp ngân sách trước đó.

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cho các cá nhân, hộ gia đình trong việc mua bán xe ôtô thuộc trường hợp trên, Bộ Tài chính cần xem xét cho phép cá nhân, hộ gia đình được quyền lựa chọn loại hóa đơn trực tiếp hoặc hóa đơn GTGT khi hoạt động mua bán phương tiện xe cơ giới.

Những lái xe chấp hành quy định đều phải mang theo bản chính Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và bản chính Giấy đăng ký xe khi lưu thông trên đường. Chỉ cần lái xe không may làm mất các bản chính giấy tờ xe này, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải sẽ bị thiệt hại không nhỏ do phương tiện phải tạm ngưng hoạt động. Hay như khi doanh nghiệp vận tải mua xe mà phải chuyển đăng ký xe từ tỉnh, thành khác về cũng vậy, quy định bắt buộc phải có hồ sơ gốc của xe là đúng.

Song nếu áp dụng hình thức tra cứu thông tin trên mạng nội bộ của các cơ quan làm thủ tục đăng ký xe hoặc các cơ quan này tự chuyển hồ sơ gốc của xe theo đường nội bộ theo yêu cầu của chủ xe để giúp doanh nghiệp giảm thời gian đi lại, rút ngắn thời gian làm thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp… thì đây sẽ là những cách hỗ trợ thiết thực với giới vận tải.

Thái Bảo
.
.