Gia hạn trừng phạt Nga, các nước châu Âu cũng thiệt hại nặng nề

Thứ Ba, 11/07/2017, 21:41
Vào ngày 30-6, Tổng thống Nga đã ký nghị định gia hạn lệnh cấm nhập khẩu vào Nga nông sản, các sản phẩm làm từ sữa, thịt và hầu hết các thực phẩm khác từ châu Âu cho đến ngày 31-12-2018 nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây.

Tờ Le Figaro của Pháp đã có bài phân tích cho rằng, đòn trừng phạt nhằm vào Nga không khác nào chuyện “gậy ông đập lưng ông”.

Theo tờ Le Figaro, lệnh cấm vận của Nga áp dụng cho một loạt mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, các sản phẩm sữa và hầu hết các loại trái cây và rau quả khiến nước Pháp bị vạ lây. Với ngành công nghiệp sữa và các chế phẩm từ sữa, 300.000 tấn phó-mát đã phải bán trong thị trường nội địa châu Âu, dẫn đến sự sụt giá.

Luc Barbier, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất trái cây Pháp cho biết, cách đây gần 3 năm, chỉ 1 ngày sau khi lệnh cấm “trả đũa” được Nga đưa vào năm 2014, giá nông sản của nước Pháp đã giảm xuống một nửa.

Tháng 2-2017, khi giới lãnh đạo Liên minh châu Âu và Mỹ bắt đầu đem Thỏa thuận Minks ra để gây áp lực với Nga cùng lời đe dọa sẽ gia hạn thêm lệnh cấm vận, theo đánh giá của Idriss Jazairy, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) chuyên nghiên cứu tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương, trong 3 năm qua, “người ra đòn” là các nước phương Tây đã thiệt hại tới 100 tỷ USD sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga.

Ông Jazairy cho biết, tính trung bình, các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho các nước áp dụng lệnh trừng phạt 3,2 tỷ USD/tháng. Trong khi đó, Nga mất khoảng 52-55 tỷ USD, tương đương 1% GDP của nước này.

Báo cáo viên Jazairy cho biết các biện pháp ứng phó mà Nga đưa ra để điều chỉnh nền kinh tế thích nghi với các lệnh trừng phạt cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế tỏ ra hiệu quả. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Nga đã đảm bảo tỷ giá hối đoái tự do cho đồng rúp và đến giữa năm 2016 đã giảm được lạm phát cũng như đa dạng hóa được nền kinh tế và trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp chế biến nông sản đã biến đòn trừng phạt thành biện pháp kích thích sản xuất và ổn định thị trường vì các nhà cung ứng Nga xem như có cơ hội “một mình một chợ”.

Hải quan Nga kiểm tra nông sản nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết quả cuộc thăm dò do Phòng Thương mại Nga - Đức thực hiện cho biết 91% công ty Đức đang hoạt động trên lãnh thổ Nga đòi bãi bỏ lệnh trừng phạt chống Nga. Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten nhấn mạnh: cuộc khảo sát tiến hành trong các công ty Đức đang hoạt động tại Nga đã chỉ ra rằng doanh nghiệp Đức quan tâm đến những vấn đề kinh tế thiết thực hơn là những toan tính chính trị. Bất kể khủng hoảng kéo dài, các công ty của Đức có văn phòng tại Nga vẫn ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong quan hệ kinh tế giữa Nga và Đức.

Theo dữ liệu của Phòng Thương mại Nga - Đức, trong 2 tháng đầu năm 2017, kim ngạch trao đổi thương mại giữa 2 nước tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, theo kết quả khảo sát, 49% doanh nghiệp Đức ủng hộ ngay lập tức dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, 42% tán thành tháo bỏ từng bước. Chỉ có 8% ủng hộ duy trì trừng phạt và 1% công ty yêu cầu siết chặt các biện pháp đó.

Theo nghị định mà Chính phủ Nga vừa gia hạn, một trong những nước láng giềng của Nga là Ba Lan không được phép xuất khẩu rau quả nông sản vào Nga. Mặt hàng thịt heo từ Ba Lan cũng bị “cấm cửa” với lý do giới chức Nga phát hiện những trường hợp cúm heo ở Ba Lan và Lithuania. Liên tiếp bị cấm xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt, Ba Lan đang rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Tờ Daily World đẫn chứng, năm 2016, Mỹ xuất sang Nga lượng hàng hóa nông sản trị giá 1,2 tỷ USD, chưa đến 1% tổng sản lượng xuất khẩu trên toàn cầu của Mỹ. Trong khi đó, các quốc gia thuộc EU xuất sang Nga lượng nông sản trị giá 15,8 tỷ USD, chiếm 10% lượng sản xuất của khu vực này. Trong đó, Ba Lan, Pháp, Hà Lan, Đức bị thiệt hại nhiều nhất vì lượng nông sản xuất sang Nga của các nước này đều ở khoảng 1,6-2 tỷ USD. Ước tính, mức thiệt hại của Mỹ và châu Âu do lệnh trừng phạt của Nga là hơn 17 tỷ USD.

Thủ tướng Ukraine cho rằng, với lệnh cấm các mặt hàng sữa, hoa quả, rau xanh và đồ hộp của Nga, nền kinh tế Ukraine sẽ bị thiệt hại lên tới 7 tỷ USD. Chưa nói đến các thiệt hại do việc các khách hàng Nga từ chối không mua các sản phẩm của Ukraine như thép, các sản phẩm hóa chất như phân bón... hoặc thiệt hại của các tổ hợp quân sự của Ukraine do lệnh cấm của chính phủ đối với việc hợp tác và cung cấp cho Nga những thiết bị, phụ tùng quân sự.

Trong khi đó, phía Nga ngoài việc kêu gọi người dân nỗ lực gia tăng sản xuất đã tìm ra được những đối tác để thay thế cho các quốc gia châu Âu. Trả lời phỏng vấn Interfax, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Nikolai Fyodorov cho biết: “Những nước đầy hứa hẹn đối với chúng ta trong việc cung cấp rau, hoa quả là Azerbaijan, Uzbekistan, Armenia, Tajikistan và Kirgizya.

Gần với nga còn có Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các quốc gia tiềm năng là Morocco, Ai Cập. Những nước này có thể cung cấp rau xanh, trái cây cho Nga trong khi họ cần ngũ cốc và dầu thực vật từ Nga”.

Trên thực tế, những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là nỗ lực của Mỹ và EU nhằm buộc Nga xem xét lại chính sách tại Ukraine và một số khu vực khác tại châu Âu, Trung Đông. Tuy nhiên, những động thái của Nga thời gian qua không có vẻ gì cho thấy nước Nga sẽ nhượng bộ.

Trong bối cảnh tranh chấp địa chính trị giữa các nước lớn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cả Nga và các nước phương Tây đều đưa ra cáo buộc lẫn nhau về những bước đi khiêu khích, phá vỡ cân bằng và vi phạm lợi ích của mỗi bên. Chuyên gia kinh tế Serguei Gouriev nói rằng, Nga sẽ không thể ngừng cung cấp khí đốt và dầu khí cho phương Tây do Nga rất cần nguồn thu nhập này.

Một số phân tích khác lại cho rằng phương Tây khó tìm nguồn thay thế khác ngoài Nga. Trên bình diện chung, những lệnh trừng phạt và đòn trả đũa lẫn nhau khiến cả hai phía đang phải chịu các tổn thất đáng kể cho nền kinh tế.

Q.H. (tổng hợp)
.
.