Già làng trên hành trình cùng những nẻo dân ca

Thứ Ba, 08/12/2020, 13:04
Ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có phong trào hát dân ca các dân tộc thiểu số phát triển rộng khắp mấy chục năm nay. Mỗi bản làng, mỗi xã đều thành lập những câu lạc bộ hát dân ca các dân tộc hoạt động rất sôi nổi.

Và, mỗi khi nhắc đến dân ca, người dân Lục Ngạn lại kể về già làng, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn An, dân tộc Sán Dìu ở thôn Bèo, xã Giáp Sơn - người có công xây dựng nền móng và kết nối mở rộng giữa các CLB hát dân ca trong huyện, trong tỉnh và với các tỉnh lân cận, thậm chí cả vùng đất Tây Nguyên xa xôi.

Tìm về bản sắc

Năm nay nghệ nhân Nguyễn Văn An đã ở tuổi 82 nhưng còn rất cường tráng, minh mẫn. Người dân địa phương gọi ông với cái tên “già làng An” đầy kính trọng bởi sự hiểu biết, sống chan hòa, tình cảm và biết xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng.

Gặp già làng An tại nhà riêng, tôi nhận thấy rõ sự say mê cháy bỏng với bản sắc văn hóa của quê hương nhưng ở ông luôn có sự khiêm tốn, chất phác. Bao nhiêu năm thầm lặng góp sức cùng đồng bào nơi đây xây dựng bản làng văn hóa, đoàn kết nhưng ông lại rất “ngại” nói về thành tích của bản thân.  Bởi con người ông đã làm nhiều hơn nói, nói một lần mà làm gấp nhiều lần. Một vị già làng chân chất là vậy nhưng ít ai biết rằng ông đã từng trải qua nhiều cương vị chủ chốt của huyện như: Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND huyện Lục Ngạn.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn An.

Về nghỉ hưu năm 1997 nhưng già An vẫn luôn hăng hái góp sức cùng với đồng bào xây dựng đời sống mới trên quê hương. Nói về hát dân ca, ông kể: “Mẹ tôi là Vi Thị Mòi (SN 1910), do mải hát dân ca nên lấy chồng muộn. Khi còn thiếu niên tôi thấy các anh, các chị lớn tuổi hay đến nhà tôi học hát dân ca Sán Dìu (hay còn gọi là soọng cô) nên tôi đã để ý, nghe và học theo. Lớn lên, được mẹ truyền dạy hát dân ca rồi cùng thanh niên trong xã rủ nhau đi hát giao duyên nam nữ khắp làng trên xóm dưới. Sau đó tôi xây dựng gia đình và tham gia công tác ở huyện nên không có thời gian đi hát nữa nhưng vẫn thỉnh thoảng nghe lại các bài hát dân ca dân tộc mình”.

Sau này, khi nghỉ hưu, già làng Nguyễn Văn An có nhiều thời gian hơn với tâm huyết của mình, ông vẫn thích nghe hát mỗi khi đi dự các đám cưới người Sán Dìu hay trong ngày hội xuân. Được gặp gỡ, giao lưu với nhiều gánh hát ở khắp nơi trong vùng, trong ông có suy nghĩ, tại sao ở miền xuôi người dân thành lập được các CLB hát dân ca quan họ, ca trù... hoạt động rất có tổ chức, bài bản cớ gì dân tộc Sán Dìu mình lại chưa có những CLB như thế? Rồi ông An vận động, tập hợp những người cùng chí hướng thành lập CLB dân ca Sán Dìu xã Giáp Sơn và được UBND huyện ra quyết định thành lập từ năm 2009.

Ngoài tổ chức các buổi tập hát giữa các thành viên trong CLB, mọi người còn đi hát giao lưu ở nhiều nơi, họ tổ chức lớp truyền dạy tiếng nói và hát soọng cô cho lớp trẻ người Sán Dìu. Một số thành viên trong CLB tổ chức hát soọng cô tại lễ cưới của con cháu trong nhà. Đến nay lớp truyền dạy vẫn được duy trì vào mỗi Thứ bảy, Chủ nhật. Già An cùng các thành viên trong CLB tích cực sưu tầm các bài hát cổ và tổ chức sáng tác đặt lời mới được hàng trăm bài, làm phong phú thêm cho kho tàng dân ca dân tộc mình. Trong đó có nhiều bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, vận động nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương, xây dựng đời sống mới, lên án hủ tục rồi kỳ công phiên dịch từ tiếng dân tộc sang tiếng Việt để nhiều người cùng hiểu, cùng hát.

Từ cách làm này, sau đó người Sán Dìu ở các thôn bản trong huyện khác cũng đã thành lập được hơn chục CLB hát soọng cô, rồi tiếp tục lan tỏa đến đồng bào Sán Dìu các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lạng Giang với hàng chục CLB được thành lập. Già làng An lại liên hệ với những vùng có người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh để tổ chức các chuyến hát giao lưu. Từ đó sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, đồng thời cũng “tiếp lửa” để người Sán Dìu ở nơi đó thành lập CLB.

Già làng Nguyễn Văn An truyền dạy dân ca cho lớp trẻ người Sán Dìu.

Kể về dân ca Sán Dìu, đôi mắt của vị già làng An như sáng lên, ông bảo: Soọng cô có những sắc thái riêng, theo nhịp điệu, vần vè, làm cho người hát lẫn người nghe rất tình cảm, lưu luyến, có khi hát thâu đến suốt sáng không muốn về. Đặc biệt, hát soọng cô chỉ có song ca, đơn ca mà không có tốp ca, trong đó bao gồm các thể loại: Hát đám cưới, hát giao duyên, hát mừng nhà mới, chúc tụng... Đang nói vị nghệ nhân ngưng lại một hồi rồi ngân nga một câu soọng cô: “Sen hị hạm nhóng, sêch hói loi/ Sêch hói loi thành mun sang sịn/ Mun nhóng sang sịn, ký sí lõi?” (Hát một bài ca đến hỏi nàng/ Hỏi trước mời nàng ăn miếng trầu/ Ăn miếng trầu cau xin thưa chuyện/ Hỏi nàng thưa chuyện đến bao giờ?). “Long kim síu thúi têm tạo mói/ Nhóng lý dịu sim, sêch ít hói/ Són chẩy dịp son kỵ man thoi” (Bàn tay anh vụng têm không đẹp/ Mời em có tâm ăn một miếng trầu/ Truyền con dạy cháu nhớ muôn đời)...

Kết nối các làn điệu dân ca

Lục Ngạn được biết đến là nơi có nhiều làn điệu dân ca như: Sình ca, soong hao, soọng cô, hát then, hát páo dung của các dân tộc Cao Lan, Sán Chỉ, Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu... Đồng bào rất yêu văn nghệ, hễ gặp nhau là hát, thậm chí có những cuộc hát bên vệ đường, trên sườn đồi, dưới chợ hay trong ngày hội hết ngày này qua ngày khác.

Sau khi dân ca Sán Dìu được bảo tồn và phát huy rất hiệu quả tại địa phương, già làng An nhận thấy Lục Ngạn còn 7 dân tộc thiểu số và cần thiết phải gắn kết những người yêu văn hóa ở mỗi dân tộc để thành lập CLB hát dân ca. Với uy tín, trách nhiệm của mình, già An đến từng xã gặp các đồng chí lãnh đạo để vận động thành lập CLB hát dân ca và thật phấn khởi là đi đến tất cả các xã, già đều nhận được cái gật đầu của các đồng chí lãnh đạo. Đến nay, toàn huyện có 32 CLB hát dân ca thuộc các dân tộc Nùng, Tày, Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu, Hoa, Dao. Trung bình mỗi CLB có 40 thành viên.

Già làng Nguyễn Văn An truyền dạy hát dân ca Sán Dìu cho lớp trẻ. Ảnh: Bá Đạt.

Trước sự lan tỏa mạnh mẽ, huyện Lục Ngạn đã thành lập Ban liên lạc các CLB hát dân ca do Nghệ nhân Nguyễn Văn An làm chủ nhiệm, qua đó các CLB giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Mỗi CLB ấy đều mở các lớp dạy tiếng dân tộc, dạy hát, múa các làn điệu dân ca truyền thống như sli, lượn, then, soong hao... cho thanh, thiếu niên. Với vai trò trụ cột, nghệ nhân An đã tập hợp, trao đổi và kết nối các CLB hát dân ca các dân tộc khác nhau trong huyện, trong tỉnh, thậm chí là ngoài tỉnh tham gia hát giao lưu, tạo thành sân chơi rất ý nghĩa. 

Mỗi năm, vào mùa xuân hay dịp kỷ niệm lớn của đất nước, của dân tộc, các CLB rủ nhau đi hết nơi này qua nơi khác, từ chợ Thác Lười (Tân Sơn) đến chợ Phong Vân, ngược Tân Hoa, Biển Động, Khuôn Thần, Biên Sơn; xuôi Chũ, Lục Nam; lên Sơn Động rồi lại vòng mạn Bắc Lệ, Chi Lăng, Đồng Mỏ, Văn Quan, Văn Lãng, Kỳ Lừa, Hữu Lũng, Cao Lộc (Lạng Sơn), Tam Đảo, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc); Bình Liêu, Hoành Bồ (Quảng Ninh)... Thậm chí, năm trước CLB hát dân ca Sán Chỉ vào tận Tây Nguyên cả tuần để hát với đồng bào trong đó.

Có chứng kiến những buổi hát dân ca ở Lục Ngạn mới thấy sự thiết tha, say mê của đồng bào. Mặc dù với tôi, những ca từ ấy như một thứ “ngoại ngữ” nhưng khi chăm chú lắng nghe phần nào cũng cảm nhận được sự mượt mà, tha thiết. Và cũng khó có thể tin những CLB hát dân ca thiểu số cấp thôn, cấp xã mỗi năm tổ chức hát giao lưu ở ngoài tỉnh đến cả chục lần, mỗi lần đi lưu diễn tới vài ngày mà hoàn toàn kinh phí là do từng cá nhân đóng góp.

Nghệ nhân An chia sẻ: “Chỉ vì say mê hát quá mà nhiều người trong CLB phải trả cước điện thoại tới bảy trăm nghìn đồng/tháng để thỏa mãn cuộc chơi này, tốn kém là thế nhưng một khi đã kết bạn với nhau rồi thì không tiếc gì. Mình đi hát giao lưu với bạn được thì ngược lại cũng phải tổ chức các sự kiện để mời các CLB bạn về quê hương mình thăm thú, giao lưu cho trọn vẹn nghĩa tình và cũng để “toại lòng nhau”. 

Đi như thế được mở rộng tầm nhìn về cách thức tổ chức sinh hoạt CLB, sưu tầm thêm làn điệu, phương pháp sáng tác, thể hiện khi hát, đồng thời qua đó tăng mối đoàn kết, gắn bó trong cùng dân tộc. Vì vậy, mỗi khi địa phương có việc lớn như ngày hội hay khánh thành công trình nào đó đều mời nhau đến gặp gỡ và hát suốt đêm”, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn An nói.

Thành viên CLB dân ca Sán Dìu, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) truyền dạy chữ viết.

Không gặp nhau để trực tiếp trao gửi những câu hát ân tình, trong khi đồng bào Sán Dìu, Sán Chỉ, Tày, Nùng... có ở nhiều nơi trong cả nước, cứ vài hôm thấy nhớ nhau là các thành viên CLB gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe và đối đáp đến vài giờ đồng hồ.

Được biết, với những đóng góp của bản thân, năm 2015 già làng Nguyễn Văn An được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và hiện đang được cơ quan chuyên môn trình hồ sơ đề nghị công nhận là Nghệ nhân nhân dân.

Năm 2017, già An được Ủy ban Dân tộc tuyên dương là người có uy tín tiêu biểu dân tộc thiểu số. Cũng năm đó già An được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đông Khánh
.
.