Giấc mơ của một di sản
Một điệu ví làm say lòng người, một câu giặm hết giận lại thương, một câu hò đã đi suốt chiều dài lịch sử của dải đất miền Trung nhiều thương khó, trở thành một nét văn hóa riêng không hề trộn lẫn, với những tà áo tứ thân cùng những giọng ca ấm áp tình người. Ví, giặm có thể làm say lòng bất cứ ai một lần đã được nghe và cảm nhận…
Con đường đưa chúng tôi trở về với mảnh đất xứ Nghệ lắm nắng, nhiều mưa, khô cằn sỏi đá nhưng ấm áp tình người. Đón chúng tôi là các anh chị em ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ với ấm trà xanh và những lời ca điệu hát say lòng người.
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hồng Lựu trong tà áo tứ thân dịu dàng, e ấp với giọng hát quen thuộc đã bao năm vẫn còn trong, thanh thoát: "Đến đây đông thật là đông/ Chào bên nam thì mất lòng bên nữ/ Chào quân tử thì sợ dạ thuyền quyên/ Mà cho tôi chào chung một tiếng/ Kẻo chào riêng bạn cười…/ Đã thương thì thương cho chắc/ Mà đã trục trặc thì trục trặc cho luôn/ Đừng như con thỏ đứng đầu truông/ Khi vui thì giỡn bóng/ Khi buồn thì bỏ đi… Khi mô Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình".
NSND Hồng Lựu. |
Rồi câu chuyện về một miền ví, giặm như được cuốn vào những lời ca giọng hát đầy ân tình. Có một dòng sông Lam dạt dào cuộn chảy trong lời hát, có một ngọn núi Hồng sừng sững hiên ngang trong mái chèo mái đẩy đầy lạc quan của người chèo đò.
Miền đất thơm thảo có trong cả những điệu ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo... của một miền địa linh nhân kiệt.
NSND Hồng Lựu sợ chúng tôi không hiểu hết ý nghĩa của điệu ví giặm, chị còn giải thích: Thể ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tùy thuộc vào lời thơ (ca từ) bằng hay trắc, ít từ hay nhiều từ.
Còn thể hát giặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (thơ / vè 5 chữ), nói cách khác thì giặm là thơ ngụ ngôn hoặc vè nhật trình được tuyền luật hóa. Giặm cũng có nhiều làn điệu như: giặm kể, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm vè, giặm nối, giặm xẩm...
Rồi vừa nói, chị vừa ví dụ bởi một khúc hát "Phụ tử tình thâm", một bài hát điển hình cho thể ví giặm của Nghệ Tĩnh: "Phụ tử tình thâm/ Công thầy rồi nghĩa mẹ/ Đừng có tiếng tăm chi nặng lời/ Đừng cả tiếng dài hơi/ Nói mẹ cha sao nên/ Mà cãi mẹ thầy sao phải/ Ơ… đêm nằm nghĩ lại/ Nhớ đến cội thung uyên/ Công cù lao ai đền/ Nghĩa sinh thành ngày trước/ Khi ăn cơm rồi bát nước/ Ước phụ tử tình thâm/ Thầy đói rách nợ nần/ Mẹ cũng đói rách nợ nần/ Cũng vì con thơ ấu/ Dừ phụ trải trắc mẫu/ Rồi trắc trải khó khăn/ Con ở có thủy có chung/ Được phụ từ tử hiếu/ Mà được phụ từ tử hiếu/ Dăm ba cành đào liễu/ Sáu bảy quả nam nhi/ Thầy chưa được nhờ chi/ Mẹ cũng chưa được nhờ chi/ Đền công ơn cho đáng/ Công mẹ thầy cho đáng"…
Có lẽ, không ai có cha có mẹ mà nghe xong điệu "Phụ tử tình thâm" không rơi nước mắt trước ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ. Lời hát như một lời dặn dò, nhắc nhở sự hiếu đễ của con cái.
NSND Hồng Lựu cho biết, để có được bài "Phụ tử tình thâm" trọn vẹn chị đã phải đi sưu tầm ở 5 nghệ nhân ở 5 địa bàn khác nhau, rồi nhờ nhà nghiên cứu dân gian, PGS. Ninh Viết Giao, nhà thơ Thạch Quỳ giúp đỡ, để có được một bài chuẩn phục vụ biểu diễn. Từ đó đến nay, bài ca chị sưu tầm được phổ biến ở cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Là nữ NSND duy nhất trong lĩnh vực hát ví giặm Nghệ Tĩnh với một kho tàng kinh nghiệm, ít ai biết rằng, những ngày đầu khởi nghiệp của một tài năng là con đường đi vô cùng chông gai.
Chị sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 7 anh chị em tại huyện Thanh Chương, Nghệ An. Một dải đất miền Trung đầy lam lũ nhọc nhằn nhưng phong cảnh hữu tình non xanh nước biếc đã ban tặng cho Hồng Lựu một giọng hát mượt mà, sâu lắng như nhung.
4 tuổi, chị đã biết lên sân khấu hát say sưa những bài hát dân ca của bà, của mẹ ru mỗi đêm nằm ngủ, đã làm xiêu lòng các cô chú trong đoàn văn công Tổng cục Hậu cần về qua xóm nhỏ Đông Thượng, xã Đồng Văn, Thanh Chương, tuyển diễn viên.
Lớn lên, cô bé Lựu như một chú chim lảnh lót, luôn đi đầu trong mọi phong trào văn nghệ. Và may mắn là chị vẫn giữ được niềm đam mê của mình, để đến năm 1985 thi đỗ vào Trường Nghệ thuật Nghệ Tĩnh. Ra trường chị về thực tập tại Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh và đóng thành công vai Thảo trong vở "Ông vua hóa hổ" (kịch bản của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ).
Năm 1988, Hồng Lựu chính thức về Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh. Hơn 20 năm đứng trên sân khấu, NSND Hồng Lựu đã có 60 vai diễn khác nhau, mỗi vai diễn của chị đều ghi dấu ấn trong lòng khán giả.
Chị 8 lần tham gia Liên hoan Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, 8 lần giành được Huy chương Vàng và 3 giải nghệ sĩ xuất sắc. Ở xứ Nghệ, nhắc đến dân ca, ví, giặm, không thể không nhắc tới NSND Hồng Lựu.
Chị chia sẻ: “Khi biết tin ví giặm được vinh danh, tôi nghĩ đến PGS.TS Ninh Viết Giao, một người đã có nhiều công sức để sưu tầm và lưu giữ văn hóa xứ Nghệ. Từ những năm 90, thỉnh thoảng bác ấy lại rủ tôi cùng đi điền giã với bác. Hai bác cháu tôi không biết đi xe máy nên tôi thường đèo bác rong ruổi bằng xe đạp.
NSND Hồng Lựu trong giờ tập luyện. |
Tôi là một nghệ sĩ biểu diễn, thường xuyên lưu diễn trong dân. Ban đêm biểu diễn cho bà con xem, ngày thì "lủi" đi tìm các nghệ nhân nghe hát. Đó là cách tôi tự thưởng cho mình một chuyến du lịch để tìm lại những gì còn thiếu, còn khuất lấp trong chính mình.
Ví giặm đối với tôi là một thứ ma lực, một mê hồn trận mà khi tôi lạc vào đó không tìm được lối ra.
Tôi còn nhớ kỷ niệm lúc tôi vừa từ Hà Tĩnh chuyển ra công tác tại Nghệ An, đang tập luyện trên sân khấu thì PGS.TS Ninh Viết Giao dựng chiếc xe đạp cà tàng, vào rủ tôi chiều đi xuống Nam Đàn (cách TP Vinh 20 km) gặp các nghệ nhân.
Hai bác cháu: một trẻ chở một già, một nhỏ, một cao to, người đi đường ai ai cũng ngoái nhìn. Chốc chốc bác lại hỏi tôi: có mệt không, bác thay lái cho.
Hai bác cháu vừa đi vừa trò chuyện vì thế chẳng mấy chốc đã đến nơi. Bác đã hẹn trước các cụ nghệ nhân rồi, vì thế khi tôi đến nơi, gia đình nghệ nhân Trần Văn Tư đã sắp xếp chõng tre, nước chè, ngô luộc đầy đủ đón tiếp.
Sau vài câu giới thiệu, bác Ninh Viết Giao nhờ cụ Tư và mọi người chỉ dạy cho tôi câu hát Phường Vải Nam Đàn. Bác nói: "Bác mới chỉ nghe con hát Phường Vải của Trường Lưu, Phường Vải Nam Đàn khó hát hơn nhưng nam nữ hát lệch tông, hay lắm. Thế rồi, tôi hát được câu Phường Vải Nam Đàn từ đó...”.
Có đi nhiều, tiếp xúc nhiều mới thấy được rằng, ngọn lửa đam mê không chỉ có trái tim của những người nghệ sĩ như chị mà có ở hầu hết những người dân xứ Nghệ, từng gia đình, qua từng làn điệu ru con, qua từng hoạt động lao động sản xuất của những người dân quê chân chất, mộc mạc và càng ngấm hơn những câu chuyện đời thường, từ đó lượm lặt cho mình được nhiều làn điệu, khúc hát mới.
Dân ca Nghệ Tĩnh là một thể loại đặc trưng, nó mang hơi thở của cuộc sống sinh hoạt, lao động của bà con. Theo xu thế phát triển, nó lại mang những âm hưởng mới, dạy chúng ta về tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người.
Và đặc biệt hơn là dân ca Nghệ Tĩnh chỉ có thể được hát bởi những con người xứ Nghệ, nói giọng Nghệ. Khắp các vùng quê xứ Nghệ ai cũng có thể hát được ít nhất vài ba câu ví, giặm.
Cái khó nhất của người hát ví, giặm là ngoài yếu tố chất giọng trời cho là cái tâm của mình đặt vào câu hát. Khi người hát truyền được cái tinh thần, cái cốt cách của người dân xứ Nghệ đến với người nghe, để người nghe hiểu thêm về con người và vùng đất này, đó mới là thành công. Người xứ Nghệ hát không để nó bay đi, mà hát để lắng lại, để suy ngẫm.
Trong những năm qua, không chỉ làm tròn bổn phận của một người nghệ sĩ, NSND Hồng Lựu còn là người tích cực cùng các anh chị em quản lý nghệ thuật đi tìm cho dân ca, ví, giặm một con đường thoát khỏi lũy tre làng, đến với đồng bào cả nước và trên thế giới.
Chị còn nhớ những chuyến đi đầy gian khổ, thiếu thốn đến các vùng miền hẻo lánh, xa xôi nơi có các nghệ nhân dân gian để thu thập tài liệu, ghi âm, chụp hình, quay video để lưu giữ lại giọng hát, lời ca của họ. Tìm tòi, gây dựng nên các câu lạc bộ dân ca ngay trên những vùng đất ấy.
Từ năm 1993, chị tìm đến nhiều trường học với mong muốn được đưa làn điệu dân ca vào chương trình học của các em học sinh, truyền lửa đến thế hệ trẻ.
NSND Hồng Lựu cho biết, hiện nay, ở Nghệ Tĩnh, số lượng các nghệ nhân ngoài 70 với những hiểu biết sâu rộng về ví, giặm Nghệ Tĩnh không còn nhiều bởi vậy cần thiết phải giữ gìn những báu vật sống của nhân loại là các nghệ nhân với những chính sách cụ thể cho họ như ghi danh, tôn vinh và có một chế độ chính sách hợp lý.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam, Câu lạc bộ (CLB) Dân ca hát ví Phường Vải Kim Liên - Nam Đàn năm nay đã 87 tuổi. Cụ lớn lên từ những khúc hát ru và làn điệu dân ca của bà, của mẹ. Cụ Tam là người nhớ nhiều, thuộc nhiều làn điệu cổ nhất trong CLB.
Thế hệ nghệ nhân hát dân ca như cụ Tam bây giờ còn lại rất ít, chỉ tính trên đầu ngón tay. Vì vậy, trong thời gian tới, chị tự thấy có trách nhiệm trong việc tìm cho cụ một cơ chế để khuyến khích, để lớp nghệ nhân cao tuổi phát huy, đào tạo, phát hiện tài năng hát dân ca ngay từ cơ sở.
Hiện nay, nhiều loại hình giải trí khác đầy hấp dẫn đã khiến tình yêu dân ca, ví giặm có giảm đi trong lòng khán giả, NSND Hồng Lựu đã bắt tay vào sáng tác kịch bản dân ca cho nhà trường, dàn dựng vở cho các doanh nghiệp, góp phần tạo dựng tên tuổi cho đơn vị dù đó là một đơn vị không liên quan đến văn hóa.
Chị cho rằng, làm vậy có nghĩa là mình đã "truyền bá" dân ca, ví giặm đến tường tận mọi ngóc ngách của đời sống, mọi ngành nghề. Từ nhiều bài hát sưu tầm được, chị mạnh dạn sáng tạo và phát triển, vẫn giữ được nét truyền thống mà lại mang hơi thở của thời đại.
Dân ca xứ Nghệ chủ yếu là đối đáp giao duyên dành cho người lớn nên rất ít lời dành cho con trẻ, vì thế, khi đi dạy ở các trường học, chị viết lời các bài dân ca dựa vào những lời dạy trẻ rất thiết thực, để mỗi câu dân ca xứ Nghệ đều mang tính giáo dục con người về nhân tình thế thái.
Tuy nhiên, dù vui với những thành tựu của cá nhân và của người dân xứ Nghệ đã đạt được nhưng trong lòng chị, một người đang nắm giữ nhiều trọng trách trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm đã chia sẻ nỗi lo âu của mình.
Hạnh phúc, tự hào nhưng NSND Hồng Lựu vẫn còn nhiều trăn trở: Chúng tôi đã có một nền tảng tốt, bây giờ ước mơ của chúng tôi là có một bệ phóng, một chính sách tốt để phát triển di sản, cụ thể như xây dựng thành công hơn nữa những CLB hát dân ca ví, giặm trên cả nước để những tầng lớp khán giả biết đến và thấm được dân ca ở xứ Nghệ như một món ăn tinh thần không chỉ ở Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn ở những vùng miền khác của đất nước…
Để làm được điều đó, trước hết, cần phải có chế độ phù hợp với những nghệ nhân cao tuổi, cả những nghệ sĩ biểu diễn, kể cả những nghệ nhân trong cộng đồng… để họ có thể toàn tâm toàn ý yên tâm cống hiến, phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, như lời ca hào hùng, mang đậm bản sắc văn hóa Lam Hồng, giàu âm hưởng những khúc dân ca ví giặm trong kịch hát sử thi "Danh nhân lớn lên từ câu hò ví giặm" mà NSND Hồng Lựu đã sáng tác cùng với soạn giả Vũ Hải: "Bằng dáng đứng của Hoành Sơn hùng vĩ.
Bằng nước mát của dòng sông quê. Trong cái nắng rạt rạt và dòng sữa mẹ, theo năm tháng thời gian, bao lớp người xứ Nghệ đã lớn lên rồi nằm xuống. Bao tên tuổi đã tạc vào lịch sử, hòa vào dòng sông và núi để làm đẹp thêm câu hò ví giặm quê tôi"…