Giải mã cuộc thương chiến Mỹ – Trung
- Mỹ trừng phạt đơn vị quân đội Trung Quốc vì giao thương với Nga
- Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tăng nhiệt
- Chiến tranh thương mại: Song tấu Mỹ - Trung
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cảnh báo những xung đột về thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác.
Vòng 2 của cuộc chiến... được và mất
Ngày 18-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời vào cuối năm sẽ tăng lên 25%, vòng áp thuế mới sẽ có hiệu lực vào ngày 24-9.
Ông Donald Trump tuyên bố: “Nếu Trung Quốc có hành động trả đũa đối với nông dân và các ngành nghề khác thì chúng ta sẽ lập tức thực hiện giai đoạn thứ 3, tức là áp thuế đối với khoảng 267 tỷ USD hàng nhập khẩu”.
Ông Donald Trump còn nói: “Sở dĩ chúng ta hành động như vậy là vì Văn phòng đại diện thương mại Mỹ kết luận rằng Trung Quốc đã áp dụng chính sách và biện pháp rất không công bằng nhằm vào công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, ví dụ như buộc các công ty của Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc.
Tin vào cách làm của mình, ông Donald Trump còn đăng trên Twitter rằng: “Thuế quan đã làm cho Mỹ có vị thế mạnh trong đàm phán, hàng tỷ USD và việc làm chảy vào đất nước chúng ta... Nếu các nước không đạt được thương mại công bằng với chúng ta thì họ sẽ bị áp thuế”.
Để xảy ra thương chiến, cả hai bên đều đang thiệt hại. Ảnh: Oil Price. |
Ngày 18-9, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng đàm phán thương mại nghiêm túc với Trung Quốc. “Chúng tôi hoan nghênh việc lập tức tiến hành đàm phán nghiêm túc với Trung Quốc, cánh cửa vẫn luôn mở rộng”. Ông Larry Kudlow còn cho biết thái độ đàm phán cứng rắn với Trung Quốc là một phần trong hàng loạt sách lược, chủ yếu là muốn làm cho Trung Quốc nhất trí trong một số vấn đề quan trọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa giáng đòn vào hàng hóa Trung Quốc, liệu Trung Quốc có cần tiếp tục đàm phán với Mỹ? Hiện nay, khi ông Trump quyết định tiếp tục cuộc chiến thương mại, dựa theo tình hình, việc này sẽ có những tác động ra sao đối với Mỹ, Trung Quốc và thế giới?
Có thể thấy rõ, việc Mỹ leo thang cuộc chiến thương mại sẽ không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ làm cho các vấn đề mới xuất hiện của nước Mỹ nghiêm trọng hơn, thậm chí xuất hiện cuộc khủng hoảng lớn. Về phía Trung Quốc, mặc dù có thể vấp phải khó khăn trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài vẫn đi theo hướng tốt lên.
Những phân tích về được và mất của Trung Quốc và Mỹ ở cấp độ chiến lược là khá rõ ràng. Nếu cuộc chiến này tiếp tục kéo dài, Mỹ ít nhất sẽ chịu tổn thất lớn ở các phương diện sau: Một là đánh mất thị trường Trung Quốc. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai, quốc gia đông dân nhất, nước đang phát triển lớn nhất và nước sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới, một khi vì chiến tranh thương mại mà Mỹ đánh mất thị trường Trung Quốc thì các động cơ thúc đẩy nền kinh tế của Mỹ sẽ giảm mạnh, điều càng nghiêm trọng hơn đối với Mỹ là Trung Quốc đang ở bên lề phát triển từ thu nhập trung bình sang thu nhập cao, nếu Trung Quốc bước vào hàng các nước có mức thu nhập trung bình cao, 1,3 tỷ dân sẽ là một thị trường lớn đến mức nào? Rời xa thị trường Trung Quốc, Mỹ không những sẽ vấp phải nút thắt trong phát triển mà còn thực sự bước vào trạng thái suy thoái.
Hai là đánh mất địa vị bá chủ của đồng USD. Mỹ không những phát động cuộc chiến thương mại đối với Trung Quốc mà còn với các nền kinh tế chủ chốt trên thế giớ. Điều đáng nói là Mỹ trực tiếp sử dụng đồng USD làm vũ khí để phát động chiến tranh với các nước, làm cho các nước BRICS như Nga, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và một loạt các nước đang phát triển như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Indonesia, Argentina gặp phải cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn.
Khoảng 55 quốc gia trên thế giới đã có ý định rời bỏ đồng USD, mong muốn sử dụng đồng tiền nước mình hoặc một đồng tiền khác để thanh toán. EU cho biết muốn thành lập hệ thống thanh toán không sử dụng đồng USD. Kết quả rất có khả năng là việc đồng USD ngày càng ít được coi là đồng tiền thanh toán.
Đặc biệt là các nước lớn sản xuất dầu mỏ đều dự định không dùng USD để thanh toán. Do vậy, đồng USD dầu mỏ sẽ sụp đổ. Nếu ông Trump cuối cùng giành được một chút lợi ích thực tế trong cuộc chiến thương mại nhưng lại làm cho đồng USD dầu mỏ và địa vị bá chủ của đồng USD sụp đổ thì có nghĩa là nước Mỹ thua trong cuộc chiến thương mại về mặt chiến lược.
Ba là đánh mất nhiều đồng minh. Mỹ không những phát động cuộc chiến thương mại đối với Trung Quốc mà đối với cả các đồng minh của mình. Cho đến nay, chỉ có số ít quốc gia như Mexico, Australia và Hàn Quốc chịu khuất phục Mỹ, sau khi ký thỏa thuận thương mại mới với Mexico, ông Trump tự cho rằng Canada sẽ nhanh chóng thỏa hiệp song Canada đã không làm vậy.
Mặc dù Mỹ và EU đạt được nhận thức chung về mức thuế bằng 0, không lập hàng rào thuế quan, không trợ cấp giá cho các sản phẩm, nhưng nội bộ châu Âu vẫn có ý kiến không thống nhất về vấn đề này, Pháp bày tỏ kiên quyết phản đối. Gần đây cũng có thông tin cho rằng Mỹ sẽ phát động cuộc chiến thương mại trên quy mô lớn đối với Nhật Bản, mặc dù quy mô Mỹ phát động cuộc chiến thương mại với các nước khác không thể bằng quy mô cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhưng có thể nói rằng tất cả các đồng minh của Mỹ hết sức lo ngại.
Thương chiến Mỹ - Trung được cho là đang lan rộng. Ảnh: BBC. |
Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Trump không những đang đánh mất Trung Quốc mà còn đang đánh mất nhiều đồng minh. Mặc dù ông Trump có khả năng làm cho nước Mỹ nhận được ít lợi ích thực tế nhưng về lâu dài, Mỹ sẽ đánh mất nhiều thứ.
Bốn là đánh mất chữ tín quốc gia. “Nước Mỹ trước tiên” mà ông Trump đưa ra đã cho thấy sự tư lợi của nước Mỹ. Đánh mất thị trường Trung Quốc, địa vị bá chủ của đồng USD, các đồng minh truyền thống và chữ tín quốc gia, đây chính là xu thế của nước Mỹ trong thời gian tới mà cả thế giới có thể nhìn thấy.
Đâu là mục đích cuối cùng?
Lý giải chiến lược của Washington trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ thấy rõ hơn đòn tấn công thương mại của Mỹ nhắm vào 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc nếu làm Mỹ yếu đi thì chắc chắn đó không phải là mục đích cuối cùng. Theo các chuyên gia, mục đích cuối cùng chính là để dễ thương thuyết với Trung Quốc.
Tại sao chính quyền ông Trump lại chọn ồ ạt tấn công Trung Quốc đúng vào thời điểm này? Theo Le Monde, nếu như khủng hoảng của nửa đầu năm nay chủ yếu giữa Hoa Kỳ và các nước đồng minh thì kể từ đó đến nay Washington đã đạt được thỏa thuận “hưu chiến” với Liên minh châu Âu, với Mexico, hay Canada. Đối thủ chính của Mỹ hiện chỉ là Trung Quốc. Washington tỏ ra không khoan nhượng, trong thông báo ngày 17-9, Mỹ cảnh báo sẽ tiếp tục áp thuế mới với 256 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, nếu Bắc Kinh trả đũa.
Điều đáng chú ý thứ hai, lượng hàng hóa 200 tỉ USD nói trên trước mắt sẽ “chỉ” bị tăng thuế 10%, kể từ 24/9, mức thuế 25% sẽ chỉ có hiệu lực từ đầu năm 2019. Tại sao lại có khoảng thời gian hơn 2 tháng cách biệt này? Theo Le Monde, điều này là có lý do. Khi làm như vậy, chính quyền Mỹ có dụng ý để ngỏ cơ hội cho việc các nhà đàm phán Mỹ, Trung Quốc có thể đạt được một thỏa hiệp, trước khi 2 ông Donald Trump và Tập Cận Bình gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) vào tháng 11 tới.
Lý do thứ hai, cho phép các doanh nghiệp Mỹ thời gian chuẩn bị tìm nguồn cung cấp khác ngoài Trung Quốc. Lý do thứ ba, hạn chế nguy cơ giá cả tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt trước thời điểm lễ Tạ ơn và đặc biệt là trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào đầu tháng 11.
Theo Le Monde, đưa ra quyết định tăng thuế này, chính quyền ông Trump cảm thấy đang ở thế thượng phong trong tương quan lực lượng với Trung Quốc. Nền kinh tế Mỹ trong quý hai vừa qua giữ được mức tăng trưởng cao (4,2%), tỉ lệ thất nghiệp thấp, trong khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, nợ tăng cao.
Tác động của các biện pháp tăng thuế hàng Trung Quốc không lớn đối với nền kinh tế Mỹ, với khoảng từ 0,1-0,2% GDP sụt giảm. Về phía các doanh nghiệp Mỹ, thiệt hại do việc phải mua hàng Trung Quốc với giá cao hơn, do biểu thuế nhập khẩu tăng là không đáng kể so với các khoản tiền cắt giảm thuế doanh nghiệp của chính quyền Tổng thống Trump (với 1.400 tỉ USD trong vòng 10 năm).
Mỹ dường như đang tạo ra ranh giới giữa các nước với Trung Quốc. Chưa rõ đây có phải mục đích cuối cùng khi phá hỏng nền kinh tế Trung Quốc? Giới doanh nhân châu Âu đã chọn đứng về phía Mỹ và không chỉ có vậy. Bản báo cáo của các tập đoàn kinh tế lớn của châu Âu nhấn mạnh trong nội bộ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã có “hơn 1.900 câu hỏi mà các thành viên khác đặt ra” về Trung Quốc, điều này cho thấy những lo ngại của cộng đồng quốc tế nói chung, không chỉ có các nước phương Tây, về vai trò thực sự của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Đàm phán thương mại nguy cơ đổ vỡ
Trước động thái mới của Tổng thống Trump, Trung Quốc đã khẳng định sẽ trả đũa bất kỳ mức thuế tiếp theo nào của Mỹ. Trung Quốc cho đến nay cũng đã áp đặt thuế trả đũa đối với 50 tỷ USD hàng hóa của Mỹ và mới thông báo sẽ đưa lượng hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nữa từ Mỹ vào tầm ngắm. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn có lá bài phi thuế quan trong tay. Chính quyền Trung Quốc hoàn toàn có thể khiến hoạt động làm ăn của các công ty Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Bắc Kinh có thể ít khả năng làm khó dễ các nhà sản xuất Mỹ như McDonald, General Motors, hay Ford, nơi những công ty Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước nắm giữ lượng cổ phần đáng kể. Nhưng những mục tiêu như Apple, Starbucks hoặc Nike thì dễ dàng hơn và có thể hạn chế được những tác động lên chính kinh tế Trung Quốc. Ngay trong mùa hè vừa qua, "đại gia" công nghệ Apple Inc đã hứng chịu một đợt công kích mang tính điều tra từ truyền thông Trung Quốc về các ứng dụng và hệ thống iMessage của họ.
Một ví dụ khác cho thấy các công ty Mỹ đang ở trong “tầm ngắm” của Bắc Kinh là việc “người khổng lồ” ngành bán dẫn thế giới Qualcomm đã phải từ bỏ thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD mua đối thủ Hà Lan là NXP, sau khi cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc cho rằng những hồ sơ đệ trình của Qualcomm không đạt yêu cầu.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, các công ty Mỹ đã ghi nhận sự giám sát ngày càng gia tăng. Khoảng 27% công ty cho biết có thêm nhiều hoạt động kiểm tra hơn, 19% cảm thấy hoạt động quản lý siết chặt hơn và 23% cho biết thủ tục hải quan được giải quyết chậm hơn.
Dự báo cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ vô cùng khó khăn. Ảnh: Financial Tribune. |
Thay vì bị đe dọa mang ra làm quân bài mặc cả, tờ Nhân dân nhật báo phiên bản tiếng Anh đăng bài bình luận cảnh báo các công ty, tập đoàn của Mỹ có thể trở thành “quân bài” của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại. Kết quả điều tra mới nhất do Thương hội Mỹ tại Trung Quốc và Thương hội Mỹ tại Thượng Hải cho thấy trong số 432 doanh nghiệp Mỹ trả lời thì có hơn 60% nói rằng họ bị ảnh hưởng bởi đợt áp thuế bổ sung đầu tiên đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Trong trường hợp Mỹ áp thuế bổ sung đợt 2 với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, 3/4 số doanh nghiệp Mỹ nêu trên nói rằng hoạt động của họ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Hiện tại mới có khoảng 1/3 doanh nghiệp Mỹ tạm hoãn đầu tư tại Trung Quốc và 2/3 doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc chưa có kế hoạch chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, cùng với sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhất là trong trường hợp Trung Quốc ra đòn trả đũa nhằm vào doanh nghiệp Mỹ, giới chuyên gia cho rằng tình hình có thể khác đi.
Dự kiến vào cuối tháng 9 này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhằm thảo luận biện pháp giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Với đòn áp thuế bổ sung mới nhất của Mỹ nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kịch bản đổ vỡ cuộc gặp này đã được nhắc tới. Hy vọng vừa lóe lên đã bị dập tắt.
Nhiều người lo ngại, nguy cơ khủng hoảng như cách đây 10 năm có thể tái hiện nếu hai bên không hạ nhiệt cuộc chiến đang lan rộng này.