Gian nan cuộc chiến chống thực phẩm bẩn

Thứ Năm, 07/11/2019, 06:40
Vì lợi ích, các đối tượng dã tâm sử dụng những hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất độc hại để tẩm vào thực phẩm bán ra cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra nhiều bệnh tật.

Thế nhưng, loại tội phạm này từ trước đến nay vẫn chủ yếu bị xử phạt hành chính, nhắc nhở nên không đủ sức răn đe. Những phiên tòa xét xử các bị cáo có hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” còn quá ít ỏi.

Lĩnh án vì tẩm độc vào thực phẩm

Ngày 1-11, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đưa vụ án vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) ra xét xử. Đây là lần đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh có phiên tòa xét xử hình sự về hành vi “Vi phạm quy định về ATTP”.

Bị cáo trong vụ án là Bùi Văn Sáng (SN 1983, tại Tiền Giang), chủ cơ sở chế biến nông sản tại đường số 2, khu phố 5, phường Tam Bình, quận Thủ Đức nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Từ tháng 1-2017, Sáng thuê 3 người rửa củ cải, cà rốt bằng hóa chất cho mối hàng ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức để sản phẩm sạch đẹp, không bị hư thối. Mỗi ngày cơ sở của Sáng ngâm và rửa khoảng 8 tấn hàng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngày 13-4-2018, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra cơ sở chế biến nông sản của Sáng thì phát hiện cơ sở này có hành vi rửa, ngâm củ cải bằng hóa chất cấm nên lập biên bản và thu giữ vật chứng.

Tang vật thu giữ được gồm 1,6 tấn củ cải trắng và 1,5 tấn củ cải đỏ đã được ngâm hóa chất, tổng giá trị là 11,8 triệu đồng. Ngoài ra, công an còn thu giữ 250gr bột màu trắng, qua giám định là chất Sodium dithionete (Na2S2O4) và Sodium Sulfate (Na2SO4).

Ban Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh kiểm tra bếp ăn công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất ở quận Thủ Đức.

Theo quy định của Bộ Y tế, các chất này nằm trong danh mục không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Hóa chất tẩy trắng mà Sáng chỉ đạo công nhân sử dụng có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, tổn thương mao mạch. Những người thường xuyên dùng thực phẩm bị tẩy trắng, lượng hóa chất sẽ tích tụ trong cơ thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư.

Sau khi cơ quan chức năng bắt quả tang việc sử dụng hóa chất để ngâm rửa thực phẩm, mẫu thực phẩm đã được gửi đi xét nghiệm. Kết quả giám định cho thấy, củ cải và cà rốt sau khi bị Sáng ngâm hóa chất, có hàm lượng Sodium dithionete (Na2S204) và Sodium Sulfate (Na2S04) vượt mức cho phép.

Ngày 8-6-2018, Phòng Cảnh sát môi trường chuyển hồ sơ cho Công an quận Thủ Đức để xử lý hành vi “Vi phạm quy định về ATTP” đối với Bùi Văn Sáng.

Sáng khai nhận đã chỉ đạo nhân viên liên hệ mua hóa chất Sodium Sulfate (Na2SO4) của một người bán hóa chất (không rõ lai lịch) tại chợ Tam Bình (quận Thủ Đức) để rửa và ngâm củ cải cho khách. Giá rửa 1 kg củ cải là 500 đồng. Theo sự chỉ dẫn của Sáng, sau khi củ cải được rửa bằng nước sinh hoạt, nhân viên sẽ sử dụng một muỗng cà phê hóa chất pha loãng với nước để ngâm. Mỗi ngày, những nhân viên này dùng hóa chất để ngâm khoảng 7-8 tấn củ cải cho khách, thu lợi từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng.

Ngày 8-6-2018, Sáng đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng về hành vi “Hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh”, bị xử phạt 178 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải vào môi trường từ 10 lần trở lên với thải lượng từ 10m3/ngày đến dưới 20m3/ngày.

Bùi Văn Sáng bị tòa tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù giam. Nhiều người cho rằng mức án này vẫn còn quá nhẹ.

Cà rốt đang được thực hiện quy trình tẩy trắng.

Cần một lực lượng chuyên trách hơn

Tại buổi lễ tổng kết 3 năm thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh ngày 1-11, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP cho biết, thời gian qua, lực lượng thanh tra thuộc Ban đã thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý những vụ vi phạm ATTP. Chiến lược xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn do Ban triển khai bước đầu mang đến nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng cho người dân, đặc biệt là tại các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, trường học, bệnh viện, thức ăn đường phố... Vì vậy, ngộ độc thực phẩm cấp tính 3 năm qua liên tục giảm cả số vụ và số người mắc, không có ca tử vong, ý thức của cộng đồng từng bước cải thiện trong việc sử dụng thực phẩm sạch.

9 tháng năm 2017, TP Hồ Chí Minh không xảy ra vụ ngộ độc nào có quy mô trên 30 người. Năm 2018, thành phố xảy ra 3 vụ ngộ độc với 77 người mắc, không có trường hợp tử vong. Tính đến tháng 6-2019, toàn thành phố có 1 vụ ngộ độc với 24 người mắc và không có trường hợp tử vong.

Từ khi Ban Quản lý ATTP được thí điểm đến nay, nhiều vụ việc nghiêm trọng đã được phanh phui như vấn nạn sử dụng chất tăng trọng, chất tạo nạc trong chăn nuôi, sử dụng thuốc an thần trên đàn heo, dùng hóa chất chế biến thịt heo nái thành thịt bò... để trục lợi bất chính của nhiều nhóm tội phạm đã gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Các đoàn thanh kiểm tra cả 3 cấp của thành phố đã thanh tra, kiểm tra hơn 111.000 cơ sở, phát hiện vi phạm hơn 29.000 cơ sở (chiếm 26,2%), xử phạt hơn 9.000 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 61,8 tỷ đồng (trung bình 6,77 triệu đồng/cơ sở).

“Tôi cho rằng, vi phạm ATTP bằng các hành vi sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất, bảo quản, chế biến hoặc sản xuất thực phẩm giả là tội đầu độc, giết hại con người. Những loại thực phẩm chứa chất độc hại sẽ gây nên tình trạng ngộ độc mạn tính, gặm nhấm sự sống của con người là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư”, bà Lan nói.

Trên thực tế, hành vi vi phạm về thực phẩm đã bị xử lý hành chính nhiều nhưng quá ít vụ việc được xử lý hình sự, chưa đủ tính răn đe. Mức xử phạt hành chính vài chục triệu đồng thậm chí vài trăm triệu đồng với hành vi vi phạm trên quy mô lớn nếu so sánh với khoản lợi nhuận từ vi phạm mà họ có được chẳng thấm vào đâu nên các đối tượng vẫn bất chấp và chịu nộp phạt, còn hậu quả thì cộng đồng lãnh đủ.

Lực lượng chức năng lấy mẫu kiểm tra tại cơ sở của Sáng.

Theo Ban ATTP, trước khi thí điểm, vấn đề ATTP trên địa bàn thành phố bị nguồn thực phẩm lậu, thực phẩm kém chất lượng bủa vây, len lỏi vào từng ngóc ngách. Bởi lúc này có tình trạng “cha chung không ai khóc” khi cùng lúc có tới 3 bộ cùng quản lý gồm: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngộ độc cấp tính do sử dụng thực phẩm kém chất lượng thời điểm trước năm 2016 thường xuyên xảy ra ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể... trở thành vấn nạn gây tâm lý bất an, lo lắng cho người dân.

Để giải quyết tình trạng trên, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP trên cơ sở một đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm trực tiếp về các vấn đề liên quan trước UBND thành phố và được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thí điểm từ năm 2016 đến nay được 3 năm. 

Hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực ATTP đã cải thiện theo chiều hướng tích cực với những sáng tạo trong vận hành mô hình đội quản lý ATTP liên quận, huyện và chợ đầu mối. Chuỗi thực phẩm an toàn, nông sản sạch, truy xuất nguồn gốc, giám sát chất lượng được phát triển; mô hình kinh doanh hiện đại và cải thiện kinh doanh truyền thống, xây dựng mô hình chợ thực phẩm an toàn trên cơ sở cải cách hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp có liên quan cũng đạt hiệu quả.

Sau 3 năm thí điểm, Ban Quản lý ATTP đã củng cố hồ sơ nhiều vụ việc nghiêm trọng chuyển sang Cơ quan công an để làm rõ, xử lý. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với Cơ quan công an để đưa tội phạm” Vi phạm quy định về ATTP” ra xét xử nghiêm minh theo luật định”, bà Lan cho biết.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng chỉ ra vướng mắc trong quy định của Chính phủ (Nghị định 15/2018/NĐ-CP) cho phép các doanh nghiệp tự công bố sản phẩm với chủ trương “giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm”. Sau khi Nghị định 15 được áp dụng, số hồ sơ tự công bố của doanh nghiệp tăng từ xấp xỉ 17.600 lên hơn 56.000. Tuy nhiên, thành phố không thể hậu kiểm toàn bộ mà chỉ có thể kiểm tra 1.705 cơ sở, trong đó, số cơ sở không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm chiếm tới 62,5%.

Ngoài ra, dù Ban Quản lý ATTP được giao nhiệm vụ của một cơ quan tương đương cấp sở nhưng cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp hiện nay không có hướng dẫn cụ thể. Từ đó nảy sinh nhiều lúng túng trong công tác thanh kiểm tra, xử lý.

Bị cáo Bùi Văn Sáng tại phiên tòa.

Một bất cập lớn khác hiện nay là hệ thống đội quản lý ATTP thuộc Phòng Thanh tra đang thực hiện nhiều chức năng nhiệm vụ vượt quá chức năng nhiệm vụ của mình, luật hiện hành không quy định cơ chế hoạt động cụ thể cho thanh tra cấp ban. Do đó, ban không thể hoạt động theo mô hình của thanh tra sở mà chỉ có thể duy trì hình thức thanh tra chuyên ngành như cấp chi cục.

Về cơ chế chính sách, theo UBND thành phố, hiện nay phần lớn việc sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Do vậy, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế và cần có sự phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ. Do đó, TP Hồ Chí Minh đề xuất có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành.

Cụ thể, nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc (quy định thống nhất cách thực hiện việc giám sát, cấp giấy chứng nhận ATTP kèm theo lô hàng). Mặt khác với khối lượng công việc rất lớn và thực tế đòi hỏi ngày càng tăng nhưng nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo đảm ATTP tại thành phố chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thí điểm triển khai Ban quản lý ATTP là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của một thành phố là đầu tàu của cả nước về nhiều mặt có quy mô dân số hơn 13 triệu người. Ông Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở Nội vụ sớm đề xuất Chính phủ cho phép thành lập sở an toàn thực phẩm. Sở sẽ là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND, có vai trò tham mưu trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn.

Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập mạng lưới các đội quản lý ATTP liên quận, huyện, chợ đầu mối trực thuộc sở an toàn thực phẩm. Mạng lưới này có chức năng tham mưu, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát ATTP, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan.

Huyền Nga - Nguyễn Cảnh
.
.