HCB Asiad 2018 Phạm Quốc Khánh: Yêu Wushu như là lẽ sống

Thứ Năm, 04/10/2018, 07:17
Huy chương đầy khắp mấy tủ kính trong căn phòng nhỏ của vợ chồng vận động viên Phạm Quốc Khánh và hai bé trai. Những tấm huy chương ghi dấu ấn 24 năm gắn bó với môn võ thuật wushu của Phạm Quốc Khánh.

Gặp Phạm Quốc Khánh sau đợt tham dự Asiad 2018, khi đoàn 7 vận động viên wushu Việt Nam đi thi, chỉ có mình Khánh được giải huy chương bạc còn hai nữ vận động viên Dương Thúy Vi và Hoàng Phương Giang được huy chương đồng, Phạm Quốc Khánh nở nụ cười tươi tắn và nhớ về thời hoa đỏ ngày xưa.

Nhân duyên đầu đời

Nhân duyên Khánh đến với võ thuật Wushu từ khi còn là một cậu bé học mẫu giáo, mới 4 tuổi. Đó là một ngày, khi cậu đang cùng chúng bạn nô đùa ở sân trường mầm non Sao Mai - Hà Nội thì có một chị đến trường chọn ra những mầm non để đến với môn võ thuật này. Bài sát hạch rất đơn giản, đó là đá chân lên cao. Chị xinh đẹp đấy còn kiểm tra tay, chân của cậu bé và sau đó cậu được chọn vào đội tuyển Wushu của trường.

Một tuần hai buổi, chị đến lớp mầm non dạy cho Khánh và các bạn môn võ thuật Trung Hoa này. Cậu nghe chị ấy bảo: “Các em có biết chị Thúy Hiền Wushu không? Môn võ các em tập chính là môn võ chị Thúy Hiền tập đấy”.

Vận động viên wushu Phạm Quốc Khánh đoạt Huy chương Bạc và Dương Thúy Vi đoạt Huy chương Đồng tại ASIAD 2018.

Lúc đấy là năm 1994, nói đến vận động viên thể thao võ thuật nước nhà, cái tên Thúy Hiền Wushu nổi như cồn. Cậu bé về nhà tập vài bước căn bản mới được học rồi reo ầm lên với cha mẹ: “Môn võ con đang tập là môn của chị Thúy Hiền Wushu đấy”.

Ngay từ lúc mới sinh ra, cậu bé Phạm Quốc Khánh đã bị bệnh viêm phổi. Những tháng ngày sau đó, căn bệnh tái phát nhiều lần khiến bố mẹ cậu rất vất vả. Khi cậu được vài tháng tuổi, chỉ vô ý xốc hai nách cậu lên thì cậu lại bị sái tay. Tóm lại, nuôi đứa bé đầu lòng này sao mà mệt mỏi thế. Nhưng, đến khi cậu biết đi rồi biết chạy, cậu nghịch như một thằng quỷ nhỏ, leo trèo nhanh như một con sóc, hai vợ chồng bảo nhau thôi thì cứ để thằng bé tập võ, biết đâu con nó lại khỏe lên thì sau này mình nuôi cũng đỡ vất. Cậu đến với môn võ Wushu tình cờ như thế và cho đến giờ, Khánh đã gắn bó với môn võ thuật này cả một quãng đường dài 24 năm.

Ngày mới học võ, cậu đã có “thành tích” là suýt bị đuổi học vì đá bạn chảy máu mũi lúc giành đồ chơi. Cả hai cậu bé đều thích một quả bóng, chẳng cậu bé nào chịu nhường cậu bé nào, mới học được dăm ba đường võ Wushu đầu đời, cậu liền đá bạn, cậu bé kia chảy máu mũi và òa khóc. Sự việc đấy khiến cho cậu bị nhà trường ra quyết định đuổi học nhưng cũng sắp bước vào kì thi Wushu của các trường mầm non, nhà trường chưa thể tìm được bạn nào để thay thế nên quyết định đuổi học được thu hồi và cậu may mắn được giữ lại trường và chuẩn bị cho kì thi Wushu tí hon. 

Năm Khánh bước vào lớp 1 cũng là lúc cậu càng ngày càng gắn bó với môn võ thuật này. Sau những buổi học chính quy ở trường, chiều nào cũng vậy, cậu bé được bố chở đến nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức để tập võ từ 6 giờ đến 7 giờ tối. Và ông đứng ở ngoài cửa để chờ con tập xong lại chở con về nhà suốt 11 năm trời ròng rã. Mang trong mình tâm hồn mơ mộng và yêu thích những bộ phim chưởng dài tập Trung Quốc nên Khánh say sưa tập luyện môn võ này.

Năm 1999, khi Khánh 9 tuổi, là bước ngoặt lớn của cậu. Do say mê môn võ thuật, Khánh chểnh mảng học văn hóa nên cô giáo chủ nhiệm đã gặp mẹ Khánh trao đổi. Mẹ không muốn cho cậu học võ nữa vì thấy con mình sao nhãng việc học văn hóa rồi thỉnh thoảng lại bị chấn thương do tập luyện. Mẹ bảo: “Võ vẽ làm gì hả con, con giờ phải chuyên tâm học văn hóa”. Cậu khăng khăng: “Con yêu võ thuật. Con sẽ không làm mẹ phải buồn”.

Và mùa hè năm đó là bước ngoặt lớn của cuộc đời cậu. Kì nghỉ hè, Khánh cùng nhiều bạn trong lớp được chọn để đi thi giải Võ thuật Wushu toàn quốc trong thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi kéo dài 10 ngày đó cũng là lần đầu tiên cậu bé 9 tuổi xa nhà nên cha mẹ muốn đưa cậu đi nhưng Khánh muốn tự đi cùng đoàn.

Thật bất ngờ, cuộc thi đấy Khánh đoạt huy chương vàng và cậu cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất của cuộc thi có giải thưởng lớn nhất. Khánh chạy về khách sạn gọi điện cho cha mẹ reo lên ầm ĩ: “Con được huy chương vàng rồi”. Cha mẹ cậu bất ngờ lắm vì nghĩ để con đi thi cho vui thôi chứ ai ngờ thằng bé lại được giải lớn thế. Võ thuật Wushu trẻ toàn quốc đấy nhé, toàn thi với anh chị lớn.

Việc cậu mang về giải Huy chương vàng Wushu trẻ toàn quốc  khiến mẹ cậu nghĩ lại, bà cũng không muốn chặn đứt niềm đam mê đang dâng trào trong lòng cậu con trai bé nhỏ.

Tình thầy trò nơi xa xứ

Về nhà được ít lâu, lớp học Wushu ở Trung tâm thể thao Trịnh Hoài Đức có đợt đi tập huấn ở Trung Quốc 8 tháng. Cậu được chuyển vào học hẳn trong Trung tâm thể thao Trịnh Hoài Đức và theo con đường Wushu chuyên nghiệp. Đợt đi tập huấn ở Trung Quốc lần này khiến cậu háo hức, lâng lâng sung sướng, nhiều đêm trằn trọc không ngủ, còn cha mẹ cậu thì vừa mừng vừa lo. Chưa bao giờ họ để con đi xa và lâu như thế. Nào ruốc, lạc rang, muối vừng, bánh quy, các thứ đồ ăn vặt được đóng sẵn trong thùng chỉ chờ đến ngày lên đường để cậu bé đem theo.

Đợt tập huấn kéo dài suốt 8 tháng đằng đẵng, bọn trẻ cứ thấy có ai từ Việt Nam sang là viết thư tay về nhà. Những bức thư viết bằng nét chữ học trò vừa đáng yêu và ngộ nghĩnh làm sao!

Gần những ngày giáp tết Nguyên đán năm đó, cảm giác nhớ nhà chộn rộn trong lòng những đứa trẻ xa quê. Đêm 30 tết, sau khi liên hoan ra trò, cũng bánh, mứt, kẹo đầy đủ nhưng vui được chốc lát, cả mấy đứa lại ôm nhau khóc thút thít vì nhớ nhà. Cái tết đầu tiên xa cha mẹ người thân ruột thịt, lúc đó phương tiện liên lạc chưa phổ biến như bây giờ, một tháng chỉ được gọi điện về nhà hai hoặc ba lần, mỗi lần dăm ba phút nên bọn trẻ chỉ còn biết ôm nhau khóc. Khóc chán rồi thì chúng lăn ra ngủ. Sau cái tết năm đó 3 tháng, cả đội Wushu mới xong đợt tập huấn để về nhà.

Phạm Quốc Khánh với bài thi Nam côn Asiad 2018.

Lần tập huấn ở nước bạn đáng nhớ thứ hai là một kỉ niệm với thầy giáo người Trung Quốc Hoàng Thiếu Hùng, hiện nay ông đã sang Việt Nam được 5 năm và đang là huấn luyện viên môn Wushu cho Đoàn thể thao Wushu Việt Nam. Năm 2015, lúc này Phạm Quốc Khánh đã yên bề gia thất. Đợt tập huấn vào mùa đông tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, tiết trời rét buốt, thức ăn ở đây nhiều dầu mỡ khiến cho bệnh gút của cậu trở nên trầm trọng.

Trong một buổi tập với các bạn và thầy cô huấn luyện viên của Trung Quốc, cậu đành xin phép để về khu nghỉ. Bệnh gút khiến cho toàn thân cậu đau nhức, các khớp chân tay cảm giác như khó có thể cử động, bàn chân sưng to khiến cho việc đi lại thật khó khăn, nằm hay ngồi đều không thể.

Về đến phòng nghỉ, cơn đau hành hạ khiến cho Khánh không thể chịu đựng được thêm, cậu lấy điện thoại gọi cho thầy huấn luyện viên: “Thầy ơi, em đau quá, thầy cứu em với!”. Thầy Hoàng Thiếu Hùng vội bỏ lớp tập, cùng cô giáo chạy lên phòng nghỉ của vận động viên, cõng cậu đi bệnh viện khám rồi theo đơn của bác sĩ, thầy tìm mua thuốc cho Khánh.

Đi hết tiệm thuốc này đến tiệm thuốc khác, cuối cùng cũng mua được đủ thuốc kê trong toa. Thầy lại cõng Khánh lên phòng ở và lấy thuốc, rót nước cho cậu uống. Hình ảnh người thầy vác trên vai cậu học sinh từ tầng 3 xuống tầng 1 rồi lại từ tầng 1 lên tầng 3 là một hình ảnh đẹp mà cậu khắc sâu mãi trong lòng trong suốt 3 năm nay và chắc hẳn sẽ lưu vào kí ức của cậu mãi mãi về sau, Khánh trầm ngâm và dành những lời yêu mến nhất cho người thầy của mình.

Khánh bảo: “Ở các cuộc thi đấu lớn nhỏ trong nước và quốc tế, thầy vừa là người huấn luyện viên tận tâm, lại vừa là cổ động viên tiếp lửa cổ vũ nhiệt tình. Thầy chính là người bạn đồng hành tri kỉ trên con đường võ thuật của mình. Không những thế, những người thầy huấn luyện viên còn là bác sĩ tâm lý để người vận động viên có trạng thái tinh thần ổn định, thoải mái nhất khi bước vào trận đấu”.

Từ sự cố đến thành công

Trên con đường đi đến thành công của Phạm Quốc Khánh có những lần tưởng sẽ khó có thể bước tiếp với niềm đam mê đầu đời của mình. Đó là khi Khánh bị chấn thương nặng vào năm 19 tuổi. Năm đó, lúc ở nhà, do tập luyện, cậu đã bị chệch dây chằng.

Để tham dự giải Wushu trẻ quốc tế, Khánh phải tiêm 7 liều thuốc giảm đau và cậu đã cố gắng hết mình để đoạt giải huy chương vàng quốc tế. Nhưng cái giá của huy chương vàng cũng thật nghiệt ngã. Bác sĩ thông báo cậu đã bị đứt hẳn dây chằng đầu gối và phải mổ để nối lại. Cuộc phẫu thuật kéo dài, bác sĩ cũng nói phải một năm rưỡi nữa cậu mới có thể bình phục và tập luyện lại.

Phạm Quốc Khánh tập luyện tại Nhà thể thao Trịnh Hoài Đức.

Nằm bất động trên giường bệnh suốt 3 ngày trời, 3 ngày đó dài lê thê và thật não nùng, cậu không dám nghĩ rằng mình sẽ phải từ bỏ môn võ yêu thích là lẽ sống của đời cậu. 10 ngày sau ca mổ, cậu bắt đầu chống nạng đi lại nhẹ nhàng. Nhưng chỉ 7 tháng sau, Khánh đã lấy lại phong độ để bước vào một giải quốc tế khác và lần này cậu giành huy chương đồng.

Cậu bảo: “Sau lần bị đứt dây chằng đầu gối đấy, em rút ra bài học cho mình, em ý thức hơn rất nhiều trong tập luyện và thi đấu để không bị những chấn thương không đáng có”.

Từ ngày đó đến nay, năm nào Phạm Quốc Khánh cũng có giải thưởng trong nước và quốc tế. Hai con trai của Khánh, một bé 7 tuổi, một bé 2 tuổi, vẫn thường đeo những tấm huy chương của bố và đùa nghịch chạy nhảy khắp nhà. Bố mẹ cậu nhìn hai đứa cháu lại thấy hình ảnh một Quốc Khánh ngày xưa, cách đây hơn 20 năm về trước, cũng tay đao, tay kiếm, tay gậy, tay côn nô đùa khắp nhà. Tiếng cười trẻ thơ vang khắp trong căn phòng tràn ngập những tấm huy chương ghi dấu 24 năm cống hiến cho môn võ thuật Wushu.

Trần Mỹ Hiền
.
.