Hài Tết phản cảm: Thuốc bổ hay thuốc độc?!
- Dàn nghệ sĩ gạo cội trong phim hài Tết "Phim và Đời"
- Nhộn nhịp thị trường hài tết 2019: Số lượng nhiều, chất lượng âu lo
- Tín hiệu vui từ phim hài Tết
Cứ vào dịp Tết nguyên đán, tiết trời náo nức đón những cơn mưa xuân, lòng người chộn rộn và nhà nhà lại mong ngóng tiếng cười rộn rã của hài Tết. Như thường lệ ngoài chương trình Táo quân phát vào 20 giờ ngày 30 Tết thì các đài truyền hình trong Nam ngoài Bắc, từ Trung ương đến địa phương cũng có riêng kịch bản về các Táo.
Ngoài hệ thống hài được phát trên các đài truyền hình, thị trường băng đĩa cũng phát triển rầm rộ, ngày một đông các nghệ sĩ tham gia diễn hài. Và cứ đến đợt cuối năm là làng hài rộn rã tấp nập, nhưng liệu số lượng có đi đôi với chất lượng?!
Hài phản cảm nhan nhản
Năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn lại lên, khoảng tháng 9 âm lịch là các ông chủ sản xuất phim hài đã rậm rịch lên lịch với cả êkíp làm hài Tết. Sau cả năm làm lụng vất vả kiếm kế sinh nhai, ngày cuối năm ai cũng muốn được thoải mái, được hưởng niềm vui, sự sảng khoái qua tiếng cười để đón một mùa xuân mới đầy hi vọng. Nhiều nhà sản xuất hài Tết hướng đến tiêu chí: “Không phải tư duy mà lại được cười ròn rã, vui mệt nghỉ”. Đây cũng là xu hướng làm phim hài từ nhiều năm nay. Thế nhưng, bên cạnh những tác phẩm hài chất lượng, nghiêm túc, kịch bản được đầu tư kỹ lưỡng thì không ít nhà sản xuất còn câu kéo khán giả bằng những mảng hài nhảm, nhạt, thậm chí là nhí nhố.
Một cảnh trong phim hài Tết 2019. |
Nếu như trước đây hài tết được khai thác sâu ở khía cạnh những kho tàng truyện cười dân gian, hay những câu chuyện ở làng quê thôn dã thì khoảng 5-7 năm trở lại đây, nhiều sản phẩm được in sao thành băng đĩa hài bán ra thị trường mang đậm màu sắc khoe da thịt lộ liễu hay những cảnh được cho là rất nóng đến độ phải gắn mác “18+”. Điều đáng nói là xu hướng này không có dấu hiệu chững lại mà ngày càng được các nhà sản xuất sử dụng triệt để và ngày càng nóng hơn.
Cách đây vài ba năm hiện tượng khoe da hở thịt đã nhan nhản trên các đĩa hài, đến độ cứ nghĩ đến đĩa hài là kiểu gì cũng có một hotgirl da trắng, da dẻ căng mịn (do cách quay hình) và mặc áo “xin mời ông xơi” cho no mắt khán giả. Như năm 2016, 2017 đĩa “Chôn nhời 3”, “Đại gia chân đất 6”, “Giàng ơi”, “Tam nam bất bần”, “Đại gia chân đất”, “Trạng Lợn” đều tràn ngập những cảnh hớ hênh phản cảm của những cô nàng môi son, má phấn. Và các nhà sản xuất luôn chọn đoạn quay nào trong hài nóng bỏng nhất, đốt mắt khán giả nhất đưa lên quảng cáo (trailer).
Năm 2018 khán giả xem hài lại một phen bỏng mắt với “Tỷ phú đè đại gia”. Ngay trong phần giới thiệu nhà sản xuất đã tự tin khẳng định có 10 cái nhất, trong đó có “cảnh quay sexy nhất”. Quả thực đến khi tận mục sở thị chương trình hài này, khán giả được một phen kinh hãi với những cảnh diễn viên Quang Tèo trong vai Trần Đại Gia lao vào xé áo một cô gái khiến cô lồ lộ một phần ngực. Cũng trong phim hài này nhan nhản những cảnh quay bỏng mắt khoe da thịt và hành động phản cảm. Bởi thế khán giả gọi “Tỷ phú đè đại gia” là “hài đè”.
Khán giả thích xem hài Tết ngóng xuân 2019 với hàng loạt tiểu phẩm hài ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của công chúng. Tuy nhiên, đúng như khán giả đã tiên đoán, hài năm nay cũng vẫn quen thuộc với mô típ hở càng nhiều càng nhanh câu view, như tiểu phẩm hài “Đại gia chân đất 9” và “Bản nhiều vợ”…
Trong “Đại gia chân đất 9” có hai phân cảnh được cho là quá nhạy cảm dẫn đến phản cảm. Cụ thể, trong tập 4, cô gái tên Hồng ngồi trên vai người kéo xe để lấy lại cái áo mắc trên cây tre. Sau đó diễn viên nữ bị khán giả phản đối vì có những động tác khán giả cho là dung tục. Máy quay phim cũng lia cận cảnh vào vòng một nóng bỏng của cô nàng gây nhức mắt.
Cũng trong “Đại gia chân đất 9” ở một phân cảnh khác, một cô nàng chỉ mặc duy nhất nội y do trang phục bị vướng vào cành tre. Để không bị lộ ngực, cô liên tục dùng tay che đỡ ngực nhưng cách che của cô nàng càng khiến người xem thấy phản cảm hơn.
Hài đến mức... khó chịu
Hình ảnh hớ hênh và thỗn thện của những mỹ nữ có trong hài Tết 2019 phải kể đến “Bản nhiều vợ”. Bốn cô gái mặc áo tắm khoe da thịt nõn nà, bộ áo tắm từ đỏ rực rỡ đến màu xanh thiên thanh... cũng chỉ là khoe thân hình lộ liễu. Hay như Quang Tèo vào vai Ma Sinh đêm hôm hẹn hò, rờ rẫm ôm hôn một trong bốn cô gái trẻ với những góc máy cận cảnh khiến khán giả ngán ngẩm. Ở một phân đoạn khác, khi đang nói chuyện với nhau về chủ đề nhạy cảm thì vai diễn của Chiến Thắng bất ngờ chạy về nhà bế thốc vợ - chi tiết bị cho là phản cảm.
Cảnh 4 cô gái mặc bikini ở sản phẩm hài Tết 2019 “Bản nhiều vợ” bị dư luận lên tiếng. |
Thị trường hài trên Internet ăm ắp những tiểu phẩm vui cười tếu táo, và có không ít hài câu kéo khán giả bằng hình ảnh hotgirl lộ liễu khoe hàng. Những hotgirl đình đám một thời như Mai Thỏ, Thanh Hiền, Linh Miu, Huyền Trang được nhà sản xuất tận dụng tối đa không phải là diễn xuất mà là lạm dụng hình thức gợi cảm đến độ khán giả nhớ những gương mặt này không phải về vai diễn mà về sự khoe da thịt. Đạo diễn của “Đại gia chân đất 9” Trần Bình Trọng phân trần, hằng năm, phim của ông vẫn được các đài truyền hình địa phương mua lại bản quyền và phát sóng vào dịp Tết nguyên đán. Khi đã lên truyền hình đều phải qua cơ quan văn hoá kiểm duyệt, nên việc khán giả cho rằng hài câu kéo bằng hở hang phản cảm là khá nặng nề.
Đạo diễn Dương Ngọc Bảo của “Bản nhiều vợ” cũng lên tiếng khi các cảnh quay bị cho là hở hang. Đạo diễn cho rằng phim không có yếu tố hở hang, chẳng qua là hở cần thiết, những nhân vật mặc bikini là để tắm suối (?). Đạo diễn này cũng so sánh luôn các nhân vật nữ mặc bikini tắm suối giống như ở các cuộc thi hoa hậu mặc bikini phát sóng trên truyền hình là chuyện rất bình thường và không có gì là bất thường (!).
Hiện nay, các cơ quan quản lý về nghệ thuật biểu diễn được giao thẩm quyền quản lý về mặt nội dung các sản phẩm được đưa tới công chúng dưới dạng bản ghi âm hay ghi hình, còn sản phẩm lưu hành trên các phương tiện truyền thông Internet thuộc về các cơ quan quản lý thông tin và truyền thông. Những sản phẩm văn hoá lưu hành trên Youtube luôn có lượng người xem rất đông, và không giới hạn được độ tuổi. Việc kiểm tra rà soát nội dung hài Tết nói riêng và các sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hoá vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Tuy nhiên, không phải không thể kiểm soát, trước đây đã từng có một số sản phẩm văn hoá không đạt chất lượng bị xoá sổ khỏi Youtube như “Căn hộ 69” hay chương trình “Những kẻ lắm lời” vì nhà quản lý cho rằng những chương trình này trái với thuần phong mỹ tục, mang nội dung tiêu cực, phản cảm. Như vậy, có nghĩa là không phải quá khó để kiểm soát cũng như loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng có nội dung hình ảnh được cho là sản phẩm độc hại ra khỏi các phương tiện truyền thông.
Hiện nay, xu hướng hài chạy theo sốc và sex khá nhiều, xuất hiện nhan nhản, tràn lan, từ băng đĩa hài được rao bán đầu đường cuối ngõ hay những sản phẩm hài được quảng cáo thường có hình ảnh những nhân vật nữ mặc hớ hênh, mát mẻ làm trò câu kéo công chúng. Nếu như một sản phẩm hài không được đầu tư bởi chất xám và công sức từ khâu kịch bản, thì nhà sản xuất chỉ có thể hấp dẫn công chúng bằng những màn hội thoại đối đáp thô tục hay cảnh quay khoe da hở thịt. Tác giả nào thì sản phẩm đấy, thiết nghĩ, làm người sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ cũng nên có trách nhiệm với sản phẩm của mình làm ra để sản phẩm ấy không phải là hạt sạn trong bữa tiệc tinh thần.
Làm sao để hài thực sự có giá trị
Nhà văn Ngô Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho ý kiến: “Hài không có nghĩa là chỉ biết cười, tiếng cười cơ học mà hài còn có thể làm cho người ta khóc được. Tiếng cười chua cay. Sau tiếng cười ấy là những bài học rút ra từ sản phẩm hài thâm thuý, sâu sắc. Muốn có sản phẩm hài thật giá trị cần tới trình độ của người làm nghề từ đạo diễn, nhà biên kịch, đội ngũ diễn viên.
Ngoài tài năng thì cần phải có cái tâm trong sáng với nghề. Sự tự trọng của người nghệ sĩ sẽ nói không với những điều gờn gợn, không chạy theo thị hiếu tầm thường, dung tục. Người nghệ sĩ có đủ bản lĩnh trước sự cám dỗ của đồng tiền để họ khi ra mắt sản phẩm văn hoá cho công chúng thì sản phẩm đó phải là món ăn tinh thần, điều đó tạo ra hình ảnh của họ được lưu giữ và ghi dấu trong lòng công chúng”.
Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thì cho rằng: “Thị trường hài Tết chưa bao giờ hạ nhiệt, nhất là mấy năm gần đây đời sống của người dân ngày càng khấm khá, thì nhu cầu hưởng thụ tăng cao. Cả năm lao động, bị áp lực tinh thần cho việc cơm áo gạo tiền nên cuối năm người ta muốn tiếng cười thật sự sảng khoái. Người ta có câu: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, nhưng ngoài sản phẩm hài được đầu tư chất lượng thì các sản phẩm hài khác liệu có phải là thuốc bổ hay là thuốc độc?!
Tết đến xuân về, những đĩa hài được bán tràn lan trên thị trường không thiếu những sản phẩm hài nhảm, nhạt, khai thác quá mức khoe da, hở thịt để chiều theo thị hiếu dễ dãi tầm thường, nhằm tăng hiệu ứng thu hút. Hài Tết là sản phẩm văn hoá phục vụ đông đảo công chúng ở các độ tuổi và trình độ khác nhau. Việc lạm dụng những cảnh quay nhạy cảm, hình ảnh lộ liễu trên thân thể của người phụ nữ biến phim hài thành phim hề gây tác động tiêu cực tới cảm xúc nhận thức, cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật của khán giả, nhất là ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ.
Danh hài, NSƯT Minh Vượng là một nghệ sĩ hài lâu năm, đứng trên sân khấu truyền thống và theo đuổi sân khấu học đường từ hàng chục năm nay đã xây dựng hệ các tiểu phẩm hài để phục vụ cho công chúng trên mọi miền Tổ quốc, phục vụ nhu cầu thưởng thức của khán giả. Theo chị, hài có sự tương tác rất lớn với khán giả. Sản phẩm ấy có thể làm cho người ta cười, tiếng cười cơ học hay tiếng cười sâu sắc, thâm thuý còn phụ thuộc vào kịch bản và nhân vật diễn xuất.
Hiện nay, có không ít sản phẩm hài thiếu tính chuyên nghiệp mà rất nghiệp dư, mang tính tò mò hơn là mục đích thực chất của hài. Người ta lạm dụng ngày Tết để làm hài và cho ra mắt những sản phẩm hài, và hiện nay chủ yếu là tiếng cười sinh lý chứ không phải là tiếng cười tâm lý.
Để thực chất hài trở về đúng nghĩa rất khó, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng quản lý để loại bỏ những sản phẩm hài độc hại ra khỏi thị trường, trả lại tính thẩm mỹ giá trị thực chất cho hài. Ý nghĩa của hài không chỉ là tiếng cười sinh học mà còn là tiếng cười phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội. Chúng ta không nên để tiếng cười bị bóp méo và những người khác trục lợi trên danh nghĩa làm hài để làm tiền.