Hàn Quốc - Nhật Bản: Xung đột thương mại chưa điểm dừng
Đáp lại, Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rằng sẽ "trả đũa tương xứng" nếu chính phủ Hàn Quốc vẫn thực hiện sự chiếm giữ tài sản đó.
Tòa án thành phố Daegu (thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang) ngày 1-6 đã chính thức đăng công báo yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có Công ty Nippon Steel của Nhật Bản (trước đây gọi là Sumitomo Metal) và công ty công nghiệp nặng Mitsubishi, đến nhận hồ sơ tịch thu tài sản tại Hàn Quốc. Thời hạn đăng công báo là đến hết ngày 3-8 tới.
Mặc dù Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018 đã ra phán quyết yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản (đang hoạt động trên lãnh thổ Hàn Quốc) bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, song cho đến nay các doanh nghiệp này vẫn không tiến hành bồi thường và từ chối nhận hồ sơ liên quan từ tòa án.
Đầu năm 2019, các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến đã yêu cầu tòa án tịch thu và bán cổ phiếu của các công ty hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản tại Hàn Quốc. Theo đó, Tòa án Tối cao đã gửi hồ sơ tịch thu tài sản của các doanh nghiệp này thông qua Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhưng hồ sơ đã bị gửi trả lại sau nửa năm.
Tòa án Hàn Quốc cũng đã gửi lại hồ sơ tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản song không xác định được liệu các doanh nghiệp liên quan có nhận được hay chưa. Trước thực tế này, Bộ Tư pháp Hàn Quốc mới đây đã nhất trí phương án tiến hành bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến theo thủ tục trong nước là: đăng công báo trong một thời gian nhất định để thông báo đang lưu trữ hồ sơ. Sau thời hạn công báo, hồ sơ vụ kiện sẽ được coi là "đã chuyển tới phía bị đơn".
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 2-6, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc cho biết trong tình hình hiện tại, khó có thể coi hai nước đang tiến hành đối thoại chính sách bình thường (vốn là điều kiện đầu tiên của Seoul khi quyết định tạm dừng quy trình khởi kiện Tokyo lên WTO vào ngày 22-11-2019).
Trước đó, căng thẳng lên tới đỉnh điểm vào tháng 7-2019 khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu 3 hóa chất quan trọng trong sản xuất linh kiện bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc. Hai quốc gia cũng đã loại nhau khỏi danh sách ưu đãi thương mại và Seoul đe dọa hủy hiệp ước chia sẻ tình báo quân sự với Tokyo. Sau đó một tháng, Nhật tiếp tục công bố loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" (các quốc gia được ưu đãi đơn giản hóa quy trình cấp phép xuất khẩu).
Các động thái này của Tokyo thực chất là biện pháp trả đũa đối với phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, yêu cầu doanh nghiệp Nhật bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến và tịch thu tài sản của các doanh nghiệp này tại Hàn Quốc.
Một siêu thị ở Hàn Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. |
Không ngồi yên, Hàn Quốc cũng có biện pháp đối phó tương tự là loại Nhật khỏi "Danh sách Trắng", khởi động quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO và quyết định chấm dứt Hiệp định Đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật (GSOMIA). Tuy nhiên, tới ngày 22-11-2019, Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) đã bất ngờ công bố hoãn có điều kiện thời hạn chấm dứt hiệu lực GSOMIA, nối lại đối thoại chính sách cấp vụ trưởng Hàn-Nhật và tạm dừng quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO.
Giới phân tích Hàn Quốc cho rằng việc Seoul nối lại quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO cho thấy hai bên không thể giải quyết vấn đề quy chế xuất khẩu thông qua thảo luận mà phải nhờ đến một tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, không ít ý kiến hoài nghi về hiệu quả của quyết định này. Trước tiên, quá trình giải quyết tranh chấp tốn rất nhiều thời gian. Trình tự đầu tiên sẽ là Hàn Quốc đề nghị thành lập Ban hội thẩm lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO.
Quy trình thẩm định thông thường mất khoảng 6 tháng. Tiếp đó là bước thông qua báo cáo hội thẩm, phúc thẩm. Toàn bộ quá trình này có thể kéo dài tối đa 3 năm. Thêm vào đó, vị thế của WTO trong các vấn đề tranh chấp quốc tế gần đây đang bị lung lay mạnh. Cơ quan phúc thẩm của WTO, tương đương vai trò "Tòa án tối cao", đang trong tình trạng tê liệt do vấp phải sự phản đối của Mỹ về vấn đề bổ nhiệm ủy viên.
Mặc dù vậy, quyết định nối lại quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO của Seoul có thể gây sức ép nhất định đối với Tokyo, trong bối cảnh các doanh nghiệp nước này đang thiệt hại ngày một nặng nề do phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc. Đây cũng là lý do Chính phủ Hàn Quốc một mặt công bố nối lại quy trình khởi kiện Tokyo, mặt khác vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã tuyên bố rằng các thủ tục của tòa án Hàn Quốc là "vi phạm luật pháp quốc tế" và Tokyo sẽ làm tất cả để bảo vệ các hoạt động kinh tế của các công ty Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng có chung quan điểm cho rằng vấn đề lao động cưỡng bức đã được "khắc phục" và "giải quyết" thông qua Thỏa thuận giải quyết khiếu nại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời khẳng định sẽ sát cánh cùng Chính phủ Nhật Bản để phản đối quyết định nói trên của Tòa án Tối cao Hàn Quốc.
Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ tôn trọng phán quyết của Tòa án Tối cao đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề này với trọng tâm là các nạn nhân của lao động cưỡng bức thời chiến. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Kim In-chul khẳng định: "Chúng tôi đang có lập trường cởi mở để đạt được một giải pháp hợp lý và đang xem xét một cách toàn diện, tôn trọng với quyết định của ngành tư pháp song vẫn nhận thức rõ được quyền lợi của các nạn nhân và mối quan hệ song phương".
Jin Chang-soo, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Sejong (Hàn Quốc) nhận định: "Hành động tịch thu (tài sản) vẫn chưa diễn ra, chính phủ hai nước nên coi đây là một cuộc khủng hoảng tiềm tàng và thay vì chỉ cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề ngay lập tức, Seoul và Tokyo cần tiến hành đối thoại để để ngăn chặn kịch bản xấu nhất có thể xảy ra".