Hàn Quốc: Thấy gì qua vụ xét xử Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung?

Thứ Sáu, 11/08/2017, 14:42
Ngày 7-8, các công tố viên Hàn Quốc đã đề nghị mức án 12 năm tù đối với ông Lee Jae-Yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn điện tử Samsung, vì cáo buộc hối lộ, tham nhũng, khai man và một số vi phạm khác có liên quan tới vụ bê bối chính trị làm rúng động Hàn Quốc vào những tháng cuối năm 2016 xoay quanh bà Choi Soon-sil, một người bạn thân cận của nữ tổng thống đã bị phế truất Park Geun Hye.

Người hưởng lợi cuối cùng

Những điều tra nhắm vào Tập đoàn Samsung bắt đầu từ 6 tháng trước đây và chưa chắc sẽ chấm dứt vào cuối tháng 8 này khi tòa án có phán quyết chung cuộc. Nhìn xa hơn, vụ tai tiếng Choigate nổ ra tháng 10-2016, không chỉ dẫn đến hậu quả là bà Park Geun Hye bị phế truất khỏi cương vị tổng thống mà còn kéo theo nhiều tập đoàn tên tuổi của Hàn Quốc, những cột trụ của kinh tế nước này - từ Samsung đến Hyundai, từ LG đến Lotte hay Công ty vận tải đường biển Hanjin - vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu.

Quyết tâm xử lý Samsung theo giới quan sát là thể hiện mong muốn của tân Tổng thống Moon Jae In trong việc loại bỏ một căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Hàn Quốc, đó là tình trạng móc ngoặc giữa giới kinh doanh và chính trị.

Tại buổi điều trần cuối cùng trong phiên xét xử ông Lee, các công tố viên đã gọi ông là “người hưởng lợi cuối cùng” trong vụ bê bối tham nhũng và yêu cầu tòa kết án 12 năm tù đối với ông.

Công tố viên đặc biệt Park Young-soo đã đưa ra yêu cầu này và cho biết, Phó Chủ tịch Samsung Electronics đã hối lộ hàng triệu đôla cho hai quỹ phi lợi nhuận mờ ám của bà Choi Soon-sil, một người bạn thân của bà Park Geun Hye, nhằm đổi lấy một quyết định ưu ái của Dịch vụ hưu trí quốc gia National Pension Service (NPS) - cổ đông chính của 2 công ty con của Samsung: Samsung C&T và Cheil Industries - để bỏ phiếu cho việc sáp nhập năm 2015. Việc sáp nhập nếu thành công sẽ dọn đường cho ông Lee kiểm soát toàn bộ Tập đoàn Samsung từ cha ông, người đang bệnh nặng.

Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong tại phiên xét xử ngày 7-8-2017.

Công tố viên đặc biệt nói rằng, cùng với các cáo buộc khác, bao gồm biển thủ và khai man, Lee Jae-yong xứng đáng bị trừng phạt nặng. Tòa án dự kiến sẽ đưa ra phán quyết trước ngày 27-8, khi giai đoạn tạm giam người thừa kế Tập đoàn Samsung kết thúc. Ông Lee Jae-yong bị truy tố vào tháng 2-2017.

Con trai Chủ tịch Tập đoàn Samsung tuyên bố không tham gia quá trình ra quyết định về vụ sáp nhập, đẩy trách nhiệm cho các giám đốc điều hành của Văn phòng Chiến lược tương lai, cơ quan quản lý của tập đoàn đã bị tan rã vào tháng 2 trong vụ bê bối này. Ngoài ra, ông khẳng định rằng, tổng thống bị phế Park Geun-hye không nói gì về vấn đề kế thừa Samsung trong các cuộc gặp riêng của họ.

Cùng với vụ xét xử này, ngày 7-8, cảnh sát Hàn Quốc đã tiến hành khám xét văn phòng quản lý nhà ở của Chủ tịch Công ty điện tử Samsung Lee Kun-hee và gia đình ông để điều tra về cáo buộc dùng tiền của công ty chi trả cho việc cải tạo nội thất. Tập đoàn Samsung bị nghi ngờ đã chi trả cho một công ty trang trí nội thất thông qua các tài khoản đứng tên mượn mà không có biên lai thuế. Việc chi trả này được thực hiện từ tháng 10-2008 đến tháng 3-2015.

Sau khi ông Lee Jae-yong bị bắt giữ ngày 17-2-2017, nhiều nhà quan sát thị trường nhận định rằng, Tập đoàn Samsung có thể sẽ ngừng hầu hết các kế hoạch đầu tư và kinh doanh mới của họ, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Do ông Lee bị bắt, Samsung cũng có thể sẽ phải ngừng tiến trình tái cơ cấu hiện đang được thực hiện cũng như tạm dừng việc sáp nhập và mua lại các công ty khác.

Nhiều quan chức của Samsung được dẫn lời cho rằng, tập đoàn này có thể sẽ gặp phải một số khó khăn về tai tiếng của lãnh đạo cũng như sự cố nổ pin của dòng điện thoại Galaxy Note 7.

Con sâu chưa làm rầu nồi canh

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất, Samsung Electronics Co. tiếp tục đứng đầu thế giới về doanh số bán điện thoại thông minh trong quý II/2017 với 79,5 triệu chiếc. Số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Strategy Analytics cho thấy, Samsung chiếm 22,1% thị phần điện thoại thông minh toàn cầu trong quý II vừa qua, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016.

Strategy Analytics nhận định Samsung có thể duy trì vị thế dẫn đầu trên nhờ nhu cầu cao đối với dòng điện thoại thông minh Galaxy S8. Mẫu điện thoại thông minh này xuất hiện trên thị trường một thời gian sau khi Samsung phải “khai tử” Galaxy Note 7 hồi năm 2016 do lỗi pin.

Tháng 2-2007, Chủ tịch Tập đoàn xe hơi Hyundai Chung Mong Koo từng bị tuyên án 3 năm tù vì tội tham nhũng và gian lận thuế nhưng lại được Tổng thống Lee Myung Bak ân xá.

Trước đó ngày 27-7-2017, Tập đoàn Samsung thông báo đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lên tới 88,9% trong quý 2 vừa qua, chủ yếu nhờ sự gia tăng nhu cầu chip bộ nhớ cũng như doanh số điện thoại thông minh. Lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6-2017 của Samsung đạt 11,05 nghìn tỷ won (tương đương 9,92 tỷ USD) so với mức 5,85 nghìn tỷ won cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng sự tăng trưởng của Samsung không đồng nghĩa với việc kinh tế Hàn Quốc cũng đi theo. Những dự báo lạc quan nhất cũng chỉ hy vọng tổng sản phẩm nội địa Hàn Quốc năm nay tăng được từ 2,4 đến 2,6% thay vì 3% như đã dự báo trước đây.

Theo báo Les Echos của Pháp, kinh tế Hàn Quốc đang bị đình trệ: tiêu thụ nội địa bị chững lại vì nợ nần chồng chất của các hộ gia đình, một trong những hậu quả trực tiếp của hiện tượng dân số bị lão hóa. Trao đổi mậu dịch chiếm 85% GDP toàn quốc, dù vậy, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2016 giảm 13,5% so với hồi 2014.

Hiện nay Seoul đã ký gần 20 hiệp định tự do mậu dịch thương mại song phương với các đối tác, trong đó quan trọng nhất là với Mỹ, Liên minh châu Âu và cả Trung Quốc. 3 thị trường này, theo thứ tự mua vào 20%, 14% và 9% hàng xuất khẩu của xứ sở Kim chi - căn cứ vào thống kê của Phòng Thương mại Hàn Quốc năm 2016.

Từ năm 2004 đến 2016, Trung Quốc và Hong Kong liên tục là hai thị trường quan trọng bậc nhất của hàng xuất khẩu Hàn Quốc. Nhưng Trung Quốc đang trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các tập đoàn xứ Hàn, kể cả về các sản phẩm cao cấp. Thặng dư thương mại của Seoul với Bắc Kinh đang từ 60 tỷ USD năm 2014 giảm xuống còn 40 tỷ trong tài khóa 2016.

Với Mỹ, Seoul thở phào nhẹ nhõm khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh khai tử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhưng không có gì bảo đảm là chủ nhân Nhà Trắng để yên cho Hiệp định Thương mại song phương Mỹ - Hàn (KorUs) hiện hành từ năm 2007. Hiện tại, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Seoul.

Trong bối cảnh này, khủng hoảng chính trị kéo dài liên quan tới bà Park Geun Hye đã làm lộ rõ một xã hội Hàn Quốc đang ruỗng nát vì tăng trưởng kinh tế thần kỳ, vì những đại gia đình được coi là cột trụ của mạng lưới công nghiệp Hàn Quốc, vì mối liên hệ nguy hiểm giữa các đại công ty và những chính quyền liên tiếp.

Cách nay đúng 10 năm, chủ tịch Tập đoàn xe hơi Hyundai Chung Mong Koo từng bị tuyên án 3 năm tù vì tội tham nhũng và gian lận thuế để rồi được chính Tổng thống Lee Myung Bak ân xá.

Trước khi công luận Hàn Quốc rúng động vì hình ảnh ông chủ tương lai của Samsung, Lee Jae Yong bị còng tay và hộ tống vào nhà giam, thân phụ của Yae Yong là Lee Kun Hee mùa hè năm 2008 từng lãnh án 3 năm tù vì tội trốn thuế để rồi ngót 1 năm sau đó, con trai của sáng lập viên Tập đoàn Samsung được Tổng thống Hàn Quốc “tha tội”.

Không dễ thu hẹp thế lực tuyệt đối của các chaebol

Kinh tế Hàn Quốc đang nằm trong tay của hơn một chục đại tập đoàn (chaebol) mà một số là “đế chế gia đình”. Vấn đề là các tập đoàn này có ảnh hưởng mạnh và lũng đoạn giới cầm quyền.

Theo AFP, họ bị tố cáo sử dụng sức mạnh tiền bạc và quan hệ chính trị để ngăn chặn mọi chính sách canh tân và đa dạng hóa kinh tế từ 25 năm nay. Từ thời Kim Dae Jung, tổng thống cánh tả đầu tiên, 1998-2003, Hàn Quốc đã cố gắng trong sạch hóa chế độ và chấm dứt tình trạng móc ngoặc giữa các đại tập đoàn và chính giới, tạo cơ hội cho một thế hệ chuyên gia quản trị xí nghiệp chuyên nghiệp vươn lên thay thế lớp người trước.

Trong số 30 chaebol, Hyundai và Daewoo cùng với 14 tập đoàn chấp nhận đổi chủ. Tuy nhiên, nhiều gia đình thừa kế vẫn tiếp tục chi phối ban quản trị qua một hệ thống chân rết băng đảng tinh vi.

Vụ tai tiếng của bà Park Geun Hye lại liên quan tới các chaebol và hơn 40% cử tri Hàn Quốc khi bỏ phiếu cho ông Moon Jae In hy vọng rằng, ông sẽ thực sự tiến hành một “cuộc cải cách sâu rộng cho đất nước để đem lại một luồng sinh khí mới” cho nền kinh tế thứ tư của châu Á.

Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee.

Ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 10-5-2017, ông Moon Jae In tức khắc bắt tay vào việc chặt chân rết, gây sức ép lên 4 đại gia: Hyundai, Samsung, SK và LG. Theo Tổng thống Moon Jae In, sở dĩ 4 tập đoàn này chống lại cải cách vì các chính quyền tiền nhiệm, thuộc đảng Dân chủ cánh tả cho đến bà Park Geun Hye, đã thiếu nhiệt tâm và tích cực. Mục tiêu cải tổ các tập đoàn chaebol của ông Moon Jae In là muốn bảo vệ các cổ đông nhỏ trước áp lực của gia đình sáng lập ra tập đoàn đó.

Ví dụ như trong trường hợp của Samsung, ông Lee Jay Yong đang bị xét xử và tất cả thành viên trong gia đình này đều đứng sau lưng ông. Với tân Tổng thống Moon, tình trạng đó phải chấm dứt. Thế lực tuyệt đối của những dòng tộc đó sẽ bị thu hẹp lại trong khuôn khổ tất cả các hội đồng quản trị.

Ông cũng muốn là việc tuyển dụng nhân viên và nhất là lãnh đạo các chaebol phải được thực hiện một cách công bằng, tạo cơ hội cho tất cả những người tài giỏi có thể được tuyển dụng. Không nhất thiết đó chỉ là những thành viên trong gia đình của người đã sáng lập ra công ty, hay là bạn bè, thân thuộc của họ.

Các chuyên gia cho rằng đây là một thách thức rất lớn không chỉ đối với Tổng thống Moon Jae In mà còn đối với cả xã hội đang khao khát sự công bằng. Nhưng ông Moon Jae In đang có hai lợi thế. Thứ nhất là sự ủng hộ của công luận Hàn Quốc. Thứ hai, tổng thống mới có đa số ủng hộ tại Quốc hội.

Giáo sư Yoon Seok Hyun của Đại học Quốc gia Seoul cho rằng, tác động và dư âm của phiên tòa có thể tạo ra cản trở tức thời cho các doanh nghiệp lớn nhưng về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hàn Quốc. “Đây là những dấu hiệu cho thấy đất nước Hàn Quốc đang tiến tới nền dân chủ về kinh tế và đang thay đổi cấu trúc điều hành của các tập đoàn. Quan trọng hơn hết là nó giúp đất nước chúng ta đi đúng hướng”.

Giáo sư Robert Kelly từ Đại học Busan vẫn tỏ thái độ hoài nghi và dè chừng một số cản lực. Thứ nhất, mọi biện pháp trừng phạt các chaebol có thể tác hại lây đến công ăn việc làm và kinh tế. Thứ hai, các đại tập đoàn công nghiệp đã bắt rễ vào “hệ thống”.

Đồng quan điểm này, Juliette Morillot, đồng tác giả cuốn “100 câu hỏi chung quanh Triều Tiên” cho rằng trước mắt, không có gì chắc chắn là Seoul sẽ đạt được mục tiêu chặt đứt sự ảnh hưởng của các chaebols bởi vì, liên hệ của các tập đoàn này với những hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội Hàn Quốc đã hết sức sâu đậm.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.