Hạnh phúc là cho đi và không cần nhận lại

Thứ Sáu, 18/09/2015, 12:25
Ở đâu đó trong xã hội vẫn có những mảnh đời nghèo khó, bất hạnh. Họ được cộng đồng với trái tim đa cảm, giàu tình thương sẵn sàng chìa tay, thân thiện giúp đỡ. Cùng nắm lấy tay nhau, cùng chia sẻ, hành trình yêu thương này từ nhiều năm nay đã được nhiều nhóm thiện nguyện đồng hành.

Trong rất nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang âm thầm đồng hành cùng những công việc thiện nguyện thì có một nhóm các bạn trẻ sinh viên hoạt động duy trì đều đặn 4 năm nay, mang tình thương yêu đến những người vô gia cư ở thủ đô với tên gọi “Ấm - vì những người vô gia cư”.

Ngày đầu thu, tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật L’espace 24 Tràng Tiền, Hà Nội chiếu những clip "Sứ giả của sự tử tế", đó là những thước phim ngắn do các nhóm làm phim ghi lại hình ảnh chân thực nhất về hành trình  đi tìm cái đẹp trong cuộc sống.

Sau khi những thước phim đầu tiên được trình chiếu, người ta đặt câu hỏi cho nhóm "Ấm" là làm thế nào mà các bạn lại có thể ghi hình một cách chân thực đến thế, bởi vì có những người không dễ tiếp cận. Đó chính là những người lao động nghèo khổ, mang trong mình ít nhiều nỗi mặc cảm, khó gần nhưng khi được đoàn làm phim không chuyên tiếp cận họ tỏ ra khá thoải mái, sẵn sàng hợp tác cũng như trả lời bất kỳ câu hỏi nào. 

Thảo, thành viên của nhóm Ấm cho biết: "Nhóm Ấm do các bạn trẻ là học sinh, sinh viên sáng lập có từ cách đây 4 năm để hoạt động tìm hiểu và giúp đỡ những người vô gia cư tại thành phố Hà Nội, với kết cấu mở sẵn sàng đón nhận các thành viên khác đến để hoạt động thiện nguyện. Tại sao lại tiếp cận được những con người lao động cực khổ này mà họ không chút e dè, cả người tiếp cận lẫn người được tiếp cận, hãy đi cùng họ sẽ tìm được câu trả lời”.

Đó là buổi sáng sớm tinh sương, khi màn đêm dần thu mình lại, và ánh đèn điện đường đang tắt dần, vợ chồng chị Mai, anh Hải trong một góc tại gầm cầu Long Biên trở dậy. Họ gầy gò, đen đúa, khắc khổ. Chị Mai và anh Hải là những người ở tỉnh lẻ dạt về thủ đô kiếm sống và vì sự đồng cảm đói nghèo mà họ đến với nhau, cùng nương tựa vào nhau để sống. Sống cùng nhau lâu thì lên đến cái tình. Những thành viên của nhóm Ấm đến với họ vào một ngày như bao ngày khác. Những con người lao động ở cái xóm nghèo gần khu vực cầu Long Biên cũng chẳng xa lạ gì với nhóm bạn trẻ hay hỏi han, động viên và thỉnh thoảng lại tặng họ những suất quà.

Thảo bảo: "Anh Hải, chị Mai nghèo nhưng họ không đi xin ăn, họ vẫn chăm chỉ lao động miệt mài quanh năm ngày tháng dù số tiền mỗi ngày kiếm được không nhiều nhặn gì. Số tiền đó chỉ đủ hai vợ chồng mua cái ăn hằng ngày để duy trì sự sống. Điều đó chính là sự tử tế. Họ làm việc bằng sức lao động của mình và cố gắng để vươn lên cho dù cuộc sống không được may mắn như bao người khác.

Các bạn sinh viên trong nhóm Ấm nấu cháo sáng sớm để mang đến Bệnh viện K.

Một ngày bắt đầu từ 5 giờ sáng, hai vợ chồng chui ra khỏi tổ ấm. Tổ ấm ở gần chân cầu, đó là những viên gạch được xếp liền nhau, một tấm ni lông trải lên trên, thêm cái chăn đã sờn bạc thếch. Hai vợ chồng làm nghề nhặt ve chai. Mỗi ngày như vậy, họ kiếm được từ 50 đến 70 ngàn đồng. Chỉ một cơn đau bệnh là họ lại trắng tay. Những bạn trẻ thành viên của nhóm Ấm đã trò truyện, gần gụi với họ từ lâu bằng những sẻ chia giản dị và chân thành: Có nhóm Ấm họ thấy vui, vì cuộc sống của họ có thêm được những người bạn.

Ông Chính hay ông Năm Ngàn làm nghề đạp xích lô trên phố Hà Nội đã lâu, nói đến các bạn nhóm Ấm ông Chính nở nụ cười thân thiện bảo: "Tụi trẻ đấy đứa nào cũng dễ thương lắm. Con cái nhà ai mà ngoan, sống biết chia sẻ có tình người, không có như tụi con tui sống ích kỷ gì đâu, không phải tụi con tui nó ích kỷ thì tui đâu bỗng dưng rời quê ra đây kiếm sống thế này”.

Ông Chính quê miền trong, chả hiểu buồn khổ chuyện vợ con ra sao ông ra Hà Nội làm nghề xích lô đã 3 năm nay. Ông nhớ cách đây 2 năm, buổi tối hôm đó trời đổ mưa, cả ngày có mỗi một khách kiếm được 30 ngàn. Số tiền trước đó ông dành được gần 500 ngàn thì sau một trận ốm, số tiền ấy hết sạch. Trời mùa đông, vừa đói lại vừa lạnh. 30 ngàn vị khách đi hồi sáng đến trưa ông vừa ốm dậy tẩm bổ bát cháo thịt là hết, định đến chiều có khách sẽ đi thêm cuốc nữa để có tiền ăn tối. Vậy mà cả buổi chiều, đến 9 giờ tối vẫn không có khách. Trời mưa phùn, gió bấc lây rây, người thì vừa ốm dậy, khật khừ mệt, thành phố thì xa lạ không người thân thích.

Trong lúc buồn khổ và tuyệt vọng thì một cậu thanh niên trẻ đeo kính đi xe máy đến chào ông: "Bác ơi, chiều tối đến giờ bác đã ăn gì chưa? Cháu có gói xôi nóng bác ăn đi cho ấm”. Ông ngỡ ngàng nhìn cậu thanh niên. Thằng bé này từ trên trời rơi xuống à? Sao biết đúng lúc mình đang đói, đang buồn thế này. Rồi cậu ấy lấy gói xôi đã được bọc kỹ qua mấy lớp ni lông đưa cho ông. Cậu bảo: "Cháu trông thấy bác như vừa mới ốm dậy thì phải. Bác ăn xôi đi cho nóng, cháu có hộp sữa tươi đây, bác cũng uống luôn đi”.

Ông nhìn cậu thanh niên rồi ăn gói xôi vẫn đang nóng trên tay. Có lẽ đấy là gói xôi mà ông thấy ngon nhất trong đời. Ăn xong ông mới hỏi: "Cậu là ai? Sao lại đưa xôi, đưa sữa cho tui". Cậu nhìn ông bảo: "Cháu tên Quân, cháu là thành viên nhóm Ấm. Rồi cháu sẽ lại đến đây với bác nữa nhé. Bác ơi, thế bác quê ở đâu, bác lên đây lâu chưa. Cháu đang là sinh viên năm cuối Trường Thương mại…".

Cậu thanh niên nói chuyện như đã thân quen với ông từ lâu. Và kể từ ngày đó, ông còn gặp lại Quân thêm nhiều lần nữa. Cách đây gần năm thì Quân đến chào ông để đi du học nước ngoài. Các bạn Quân lại tiếp tục làm công việc mang tình thương đến với mảnh đời nghèo khó trong xã hội. 

Ông "Năm Ngàn" làm nghề đạp xích lô đã 8 năm nay. Gọi là ông "Năm Ngàn" vì thấy các bạn bảo trong giới xe xích lô dạo ở thủ đô nói đến ông "Năm Ngàn" ai cũng biết. Ông "Năm Ngàn" tứ cố vô thân, không nhà cửa, vợ con. Gia tài của ông chỉ có chiếc xe xích lô. Ngày chở khách trên xe. Tối đến cái xe là nhà. Ông "Năm ngàn" có biệt danh này từ ngày ông ra Hà Nội. Tất cả tiền dành dụm ông mua được xe xích lô làm phương tiện kiếm sống.

Gọi là ông "Năm Ngàn" vì ông khờ quá. Hồi đó bảo chở hai vị khách đi từ Hồ Hoàn Kiếm đến tận khách sạn Daewoo mà ông lấy có 5.000 đồng. Thực ra ông bảo 50.000, khách lại tưởng 5.000. Về đến nơi họ đưa ông đúng một tờ 5.000.

Một bạn sinh viên tặng cụ bà cái chăn và gói bánh trên hè phố.

Thôi thì không thể đứng trước cổng khách sạn đôi co, ông nhận và đi mua một cái bánh mì không nhân để ăn đỡ đói. Bỗng có cô bé đến hỏi chuyện ông. Rồi ông kể chuyện cho cô bé nghe. Lúc đấy cũng đã là 10 giờ đêm, một lát sau cô chạy đi mua cho ông một cái bánh mì có nhân. Cô ân cần đưa cho ông. Ông đón nhận cái bánh mì từ tay cô gái trẻ. Con bé trông như cháu gái mình. Cô chính là Hạnh - một thành viên trong nhóm Ấm.

Trời đã về khuya, sau hành trình đưa tận tay những suất quà đến những mảnh đời nghèo khó, các bạn trẻ tản đi khắp các ngả đường về nhà. Cũng có những hôm 3 giờ sáng, có thể trong cơn gió mùa hè hoặc cái lạnh cắt da cắt thịt hun hút của mùa đông, các bạn trẻ đến những địa điểm quen thuộc để đặt những gói xôi, cái bánh mì, hộp sữa và không đánh thức họ dậy để sáng sớm hôm sau, khi những người lao động ấy thức dậy họ thấy bên cạnh mình là gói xôi, cái bánh mì, hộp sữa tươi. Mỗi lần nhóm đi phát được 20 - 30 phần quà, có hôm nhiều là 50 suất. Đây hoàn toàn là số tiền của các bạn học sinh, sinh viên tự nguyện đóng góp. Ngoài những con phố quen thuộc các bạn còn đến các bến tàu, bến xe, nhà ga, gầm cầu, chợ… Mỗi khi đi đến nơi phát quà, các bạn đều ân cần hỏi han, động viên, hoặc như họ đang ngủ thì các bạn không gây ồn ào để tránh làm họ thức giấc.

Khi nhóm đi phát quà trở về, một lúc sau kim đồng hồ chỉ 4 giờ sáng, các bạn trẻ khác ở nhóm Ấm lại chuẩn bị đến địa điểm tập trung nấu cháo cho các bệnh nhân ở Bệnh viện K.

Hoàng Lan sinh viên năm thứ 3 Đại học Sư phạm là thành viên của nhóm Ấm giãi bày: "Nhóm Ấm hình thành từ ý tưởng của bạn Nguyễn Hoàng Thảo cùng một vài người bạn. Ban đầu chỉ có sự đóng góp của những người thân và bạn bè xung quanh. Sau đó thông tin được chia sẻ trên Internet và có nhiều người tham gia. Số lượng các bạn trẻ tham gia không cố định, có người ra vào liên tục. Gần 4 năm nay, tối thứ bảy hàng tuần, các thành viên nhóm Ấm sẽ đi phát xôi, bánh mì, sữa, nước… đến những người nghèo khó trong thành phố.

Cũng như bao hành trình đầy cảm xúc, bạn Hy Tiểu Ly một tình nguyện viên tham gia Hành trình Ấm chia sẻ: "Mặc dù em mới tham gia hành trình "Ấm - vì những người vô gia cư"  nhưng những giây phút được tự mình cầm đồ trao tận tay cho những người có hoàn cảnh khó khăn thật là ấm áp. Hạnh phúc là một thứ gì cho đi và không cần nhận lại!...".

Mỹ Trân
.
.