Hành trình san sẻ yêu thương của Hoa hậu Trần Nguyễn Jessica

Thứ Tư, 19/09/2012, 11:30

Khi chưa dứt sữa nhưng nếu mẹ qua đời, đứa trẻ sẽ bị chôn sống theo mẹ. Hủ tục nghiệt ngã buộc trẻ phải chết tồn tại chủ yếu trong 2 tộc người Jrai và Bana ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Cội nguồn của tội ác nơi rừng sâu núi thẳm này và hành trình trở về cõi chết của nhiều đứa trẻ suýt bị chôn sống đã được Chuyên đề ANTG phản ánh chi tiết, liên tục từ giữa tháng 8.

Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, khi biết chuyện hủ tục kinh hoàng qua Chuyên đề ANTG, yêu thương những trẻ thơ bất hạnh và cảm kích tình người sâu thẳm của các sơ thuộc dòng tu Ảnh Phép Lạ khi đã dang rộng vòng tay cưu mang biết bao đứa trẻ có thân phận buồn tại Mái ấm Vinh Sơn 1, Hoa hậu áo dài Trần Nguyễn Jessica, người Mỹ gốc Việt, đã chủ động liên lạc, cùng PV Chuyên đề ANTG tìm đến mái ấm giữa rừng già san sẻ yêu thương.

Đăng quang Hoa hậu áo dài người Việt tại Bắc California vào tháng 2/2010, Jessica Trần Nguyễn sinh ngày 12/11/1991. Tuy được sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng nhờ được gia đình chăm chút chuyện gốc gác nguồn cội nên cô hoa hậu người Mỹ gốc Việt này nói và viết tiếng Việt lưu loát. Theo thông lệ sau khi đăng quang, Hoa hậu áo dài sẽ phải tích cực làm công tác xã hội trong vòng 1 năm và Trần Nguyễn Jessica chọn Việt Nam là nơi mà cô chỉ biết qua lời kể của cha mẹ làm tâm điểm gửi gắm yêu thương.

Chuyện làm từ thiện của Trần Nguyễn Jessica kể ra cũng khá đặc biệt. Năm 2010, khi về tới Việt Nam và tham gia vài chuyến đi với ban tổ chức cuộc thi, Trần Nguyễn Jessica tách đoàn cùng mẹ là bà Kiều Xuân rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm trong địa bàn TP HCM để được lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ nhiều hơn. Khi được một người thân quen giới thiệu về hoạt động xã hội của Báo CAND và Chuyên đề ANTG, Trần Nguyễn Jessica cùng mẹ chủ động liên hệ và cũng từ đây, tấm lòng thiện nguyện ấy đã đưa bước chân vì cộng đồng của cô hoa hậu khi ấy mới 18 tuổi có mặt ở hầu hết các mái ấm đang nuôi dưỡng, chăm sóc người già, người nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi, trẻ nhiễm chất độc da cam… trong địa bàn thành phố.

Người viết thoạt đầu thoáng chút hồ nghi rằng cô Trần Nguyễn Jessica cũng như không ít hoa hậu khác, làm từ thiện cho có làm chứ điều ấy chẳng xuất phát từ trái tim. Tôi quyết định “thử thách” cô hoa hậu. Sau khi đưa em đến Mái ấm Thiện Duyên (Củ Chi, nơi nuôi dưỡng trẻ khuyết tật bị bỏ rơi), Mái ấm Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, nơi chăm dưỡng các bé gái có nguy cơ bị lạm dụng)…, người viết "chiêu dụ" cô đến những nơi "ác liệt" hơn như Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, Trung tâm AIDS Mai Hòa, Mái ấm Thiên Ân (nơi nuôi trẻ bại não ở Củ Chi)...

Người viết tin rằng khi được đề cập đến những mái ấm đang chăm dưỡng hàng trăm thân phận dị dạng, nhiễm những căn bệnh dễ lây lan, căn bệnh thế kỷ mà cả nhân loại đều sợ, nếu không làm từ thiện vì trái tim, với kiểu làm từ thiện qua loa, làm cho có làm thì hẳn rằng Trần Nguyễn Jessica cùng mẹ sẽ "dội". Nhưng thật bất ngờ, càng tiếp xúc với những số phận không may ấy, cô hoa hậu sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ càng bừng cháy ngọn lửa yêu thương.

Sau nhiều lần đề nghị của Trần Nguyễn Jessica, tôi đã đưa cô đến Hội người mù Lâm Đồng, các mái ấm nuôi trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… Những chuyến đi như thế, mẹ con cô hoa hậu người Mỹ gốc Việt đi xe khách, xe đò, ăn bờ ngủ bụi, gặm bánh mì thường trực, đúng chất dân "phượt" chính hiệu chứ không có kiểu xuống xe lên ngựa!

"Em và mẹ muốn đi thật nhiều nhưng tiếc là không có nhiều thời gian. Về Mỹ, em sẽ đi làm thêm, sẽ để dành thật nhiều và năm sau, em mong rằng sẽ lại cùng các anh ở Báo CAND và ANTG tiếp tục lên đường". Trước lúc lên máy bay về Mỹ, Trần Nguyễn Jessica đã nhắn tin gửi gắm tâm tư với tôi như thế.

Thời gian trôi nhanh. Những bộn bề của cuộc sống đã ném mọi chuyện vào thì quá khứ. Khi bước chân vì người nghèo của cô hoa hậu người Mỹ gốc Việt những tưởng chìm vào lãng quên thì người viết nhận được cuộc gọi của em sau 1 năm xa cách. Đầu dây bên kia, Trần Nguyễn Jessica cho biết, 1 tháng nữa em sẽ về Việt Nam, vớiá thời gian 1 tháng 3 ngày ở lại, cô đã có một vài điểm chính trong kế hoạch và mong muốn nhờ người viết tư vấn, lên lịch giúp cô đến những nơi khác có người khó khăn cần giúp đỡ.

Sơ Y Buik cùng đàn con trăm đứa được Jes cùng mẹ tìm đến sẻ chia

Tháng 8/2012, năm thứ 3 Jes (tôi gọi tắt tên cô như thế) về nước và cô bày tỏ mong muốn được đến vùng đất tồn tại hủ tục “Dọ-tơm-amí”chôn sống trẻ sơ sinh, được gặp những đứa trẻ từ cõi chết trở về và cả những bà sơ nhân hậu, những người với lòng yêu thương con người vô hạn đã cứu sống, cưu mang biết bao đứa trẻ người Bana, Xơ-đăng, K'Ho, Jrai… ở núi rừng Tây Nguyên. "Anh à, em thương các bé và phục các sơ quá. Em muốn đến, muốn làm điều gì đó hỗ trợ các em và các sơ" - trước khi về Việt Nam, đầu dây bên kia, Jes thổ lộ.

Cùng đi với Jes có một số sinh viên ở các trường đại học sinh hoạt trong nhóm Vì cộng đồng. Những bạn trẻ này, vì cảm kích câu chuyện, hành trình san sẻ yêu thương của em đã tình nguyện gắn kết, hỗ trợ.

Xuất phát từ TP HCM, vượt hành trình gần 600km, chiếc xe 16 chỗ ăm ắp quà tặng rồi cũng đến Mái ấm Vinh Sơn 1. Mái ấm nằm lặng lẽ sau nhà thờ gỗ Kon Tum, công trình kiến trúc nổi tiếng từ thời Pháp hơn 100 năm tuổi. Đặt chân vào mái ấm, Jes cùng mẹ vỡ òa trước hình ảnh gần 200 em thơ cười rất tươi dẫu rằng phía sau từng nụ cười ấy là những trang đời buồn tủi, đớn đau. Hôm ấy, các thành viên trong chuyến đi lặng người khi được sơ Y Buik, mẹ cả mái ấm cho biết đàn con của mình có đến 193 đứa trẻ. "Con" đông, mái ấm ở nơi xa xôi cách trở ít được các Mạnh Thường Quân biết và tìm đến sẻ chia nên gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để chăm lo cho bọn trẻ, các sơ phải làm ruộng, làm rẫy, nuôi trồng những mong có thêm chút đỉnh cải thiện bữa ăn kham khổ cho đàn con thơ vốn dĩ chịu nhiều thiệt thòi, khát khao mái ấm gia đình, tình phụ mẫu!

Gạo, quần áo ấm, tập vở, bánh kẹo, một số tiền đã được Jes cùng mẹ trao gửi cho đàn trẻ thơ và các sơ ở Mái ấm Vinh Sơn 1 với tất cả lòng yêu thương chân thành. Khi biết rằng Kon Tum có đến 4 mái ấm như thế, Jes năn nỉ các sơ dẫn đường đến cho bằng hết dẫu bị "hù" đường đi rất cực khổ. Sang đến Mái ấm Vinh Sơn 2 ở cách đó chưa đầy 1km, gần 200 đứa trẻ đáng thương khác cũng được Jes sẻ chia. Những đứa trẻ sau phút giây ngỡ ngàng nhìn em như người sao Hỏa đã nhanh chóng gần gũi, cứ ôm chặt lấy cô không chịu rời.

Sau những phút giây lắng lòng tại Mái ấm Vinh Sơn 2, cuộc hành trình san sẻ yêu thương của Jes lại tiếp tục. Mái ấm Vinh Sơn 3, Vinh Sơn 4 nằm ẩn giữa rừng già, thuộc địa phận huyện Đắk Glei, cách trung tâm TP Kon Tum hơn 20km. Sợ "cô gái Mỹ" không đủ sức tiếp tục cuộc hành trình, các thành viên trong đoàn dành cho Jes sự ưu ái đặc biệt và những lúc được thăm hỏi như thế, em mạnh mẽ hẳn lên. "Đói thì gặm bánh mì, khát thì uống nước lọc" - Jes hào hứng, pha trò. Rồi em thổ lộ rằng đã đi chặng đường hàng ngàn kilômét, chỉ còn vài mươi kilômét nữa thôi thì sao bỏ cuộc được!

4 mái ấm với gần 600 đứa trẻ dù đã được các sơ dòng tu Ảnh Phép Lạ nỗ lực chăm dưỡng nhưng đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiều em bị suy dinh dưỡng, các sơ dù rất đau lòng nhưng lực bất tòng tâm đã khiến trái tim của không chỉ Jes mà bất kỳ ai biết chuyện trĩu nặng.

Khi câu chuyện về Jes, về hành trình em đến Kon Tum san sẻ yêu thương với hàng trăm trẻ em ở các Mái ấm Vinh Sơn đến với bạn đọc thì cô đã rời Tây Nguyên, đang rong ruổi về các tỉnh miền Tây sẻ chia, giúp đỡ người nghèo ở Sóc Trăng, Bạc Liêu… theo kế hoạch. Jes siêng đi vì cô tâm niệm có đến tận nơi, có gặp tận mặt mới hiểu, mới rõ, mới biết bà con, trẻ em vùng sâu xa đang gặp cảnh khó ngặt thực sự cần gì. Jes đi cũng vì cô mong muốn rằng những sự trợ giúp của mình và biết bao người con gốc Việt ở Mỹ đến được tận tay những người cần sự giúp đỡ. Jes chịu đi cũng vì em muốn truyền gửi thông điệp rằng hành trình thiện nguyện của em không dừng lại khi rời vương miện. San sẻ yêu thương là hành trình dài không có điểm dừng. "Còn sức thì em còn đi. Em hạnh phúc khi được sẻ chia" - Jes, thổ lộ! 

Hơn lúc nào hết, nơi quê nhà, những vùng sâu xa cần lắm những người Mỹ gốc Việt như Jes, để ngọn lửa của tình yêu thương càng thêm gần, càng thêm cháy bừng những san sẻ yêu thương

N.Thành Dũng
.
.