Hệ lụy từ cơn “sốt đất” Vân Đồn: Nguy cơ trắng tay!

Thứ Hai, 21/05/2018, 13:29
Mặc dù chưa chính thức trở thành đặc khu kinh tế, nhưng thị trường nhà đất ở huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) từ hơn 1 năm nay bỗng nhiên sôi động ngoài sức tưởng tượng. Không chỉ người dân địa phương mà còn rất nhiều người ở các tỉnh, thành phố khác cũng bị cuốn về đây mua đi bán lại, khiến giá cả tăng vùn vụt theo từng ngày...

“Cò đất” ăn theo cơn sốt

Đó là vào khoảng giữa năm 2017, chỉ cần qua cầu sang đến địa phận huyện Vân Đồn, ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh những tấm biển hiệu giăng lên khắp nơi, từ gốc cây cho đến bờ tường, vách núi, chỗ nào cũng thấy mua bán nhà đất... Thời điểm này, người, xe từ khắp các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, đổ về đông như trẩy hội.

Con đường trung tâm dọc thị trấn Cái Rồng của huyện Vân Đồn, các quán cà phê, trung tâm môi giới nhà đất ăn theo mọc lên nhản nhản. Đến cuối năm 2017, thị trường nhà đất ở Vân Đồn trở nên cực kỳ sôi động. Nhiều người dân địa phương vốn chỉ quen với công việc đi biển đánh bắt hải sản, lúc này bỏ nghề truyền thống chuyển sang môi giới nhà đất...

Được người quen giới thiệu, chúng tôi hẹn gặp chị Tr., chủ đại lý hải sản ở Vân Đồn, kiêm luôn nghề môi giới nhà đất. Chị Tr. cho biết mình và một số bạn bè cũng đang “ôm” vài mảnh nên có khách vừa giới thiệu cho mình lại vừa giới thiệu cho người khác kiếm chênh lệch. Chúng tôi đến xã Hạ Long, chị Tr. giới thiệu 3 mảnh đất đều có diện tích hàng nghìn m2, nằm dưới chân núi, mặt hướng ra biển, trong đó đất ở là vài trăm m2, còn lại là đất vườn tạp.

Tỉnh Quảng Ninh đã quyết định tạm dừng các giao dịch đất đai ở Vân Đồn.

Theo chị Tr. toàn bộ diện tích đất này đều đã được các đại gia từ nơi khác đến gom lại của người dân thành những mảnh vuông vắn. Mỗi m2 đất có lúc được rao bán với giá khoảng 20 triệu đồng, tương đương hàng chục tỷ đồng cho một mảnh có diện tích vài nghìn m2. Cũng theo lời giới thiệu của chị Tr., đây là vị trí đắc địa nằm ngay cạnh các dự án vui chơi giải trí, sau này giá trị sẽ cao hơn gấp nhiều lần.

Vào thời điểm giá nhà đất đang lên cao, chúng tôi còn được người quen giới thiệu đến gặp chị T., một công chức trong cơ quan hành chính của huyện Vân Đồn. Do nắm được nhiều thông tin về bất động sản trên địa bàn nên chị T. ngoài giờ hành chính cũng kiêm thêm nghề môi giới. Chị T. khẳng định có thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu của khách, từ đất rừng cho đến đất thổ cư vườn tạp liền kề, đất dự án đô thị, kể cả những dự án còn chưa mở bán...

Người dân ở huyện đảo Vân Đồn đến giờ vẫn còn ngỡ ngàng trước một hiện tượng chưa từng xảy ra ở vùng đất này. Bởi trước kia, đất đai cho không ai thèm lấy, ở những vị trí trung tâm có bán đắt lắm thì mỗi m2 cũng chỉ có giá vài trăm ngàn đồng đến vài triệu. Nhưng không biết từ đâu xuất hiện hàng trăm người kéo đến mua đi bán lại khiến giá đất lên cao ngất ngưởng. Theo đó, hàng loạt trung tâm môi giới nhà đất mọc lên, thậm chí có những cơ sở còn treo biển hoành tráng là sàn giao dịch bất động sản.

Cơ quan quản lý thị trường phối hợp cùng với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra xác định có đến 15 trung tâm môi giới mới mọc lên. Chưa kể còn có không biết bao nhiêu người chỉ cần có chút am hiểu về địa bàn cũng đứng ra môi giới, chỉ trỏ kiếm chênh lệch...

Nguy cơ trắng tay

Báo cáo của UBND huyện Vân Đồn trong thời gian này cho thấy rõ mức độ sôi động của thị trường nhà đất. Năm 2017, huyện Vân Đồn đã tiếp nhận và xử lý hơn 2 nghìn trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Trong đó, đất dự án đầu tư bất động sản là 190 trường hợp, còn lại giao dịch đất thổ cư là 1.814 trường hợp.

Và trong 4 tháng tính từ đầu năm 2018, tiếp tục xử lý 562 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, trong đó có 370 giao dịch đất thổ cư, tập trung tại địa bàn các xã Hạ Long, Đông Xá, Đoàn Kết và Đài Xuyên.

Cũng theo kết quả kiểm tra của huyện Vân Đồn, giá đất trên địa bàn bị “cò” đẩy lên cao hơn rất nhiều. Cụ thể như giá đất ở mặt tỉnh lộ 334 thuộc xã Hạ Long, từ 5 đến 6 triệu tăng lên 15 đến 17 triệu đồng/m2. Hay như khu dân cư trung tâm, đầu đường vào sân bay Vân Đồn, có những thời điểm được rao bán giá trên 30 triệu đồng/m2. Kể cả đến đất rừng tại vị trí thuận lợi lúc trước chỉ có 150 triệu đồng/ha, nhưng đến gần đây tăng lên thành 250 triệu đồng.

Cùng với đó, giá đất nông nghiệp đang giao dịch trung bình từ 1,2-1,5 triệu đồng/m2, cũng tăng gấp 2, gấp 3 lần so với trước đây. Không chỉ khu vực trên đất liền, nhiều người còn tìm đến mua đất ở các xã đảo như Quan Lạn, Ngọc Vừng...

Các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các dự án kinh doanh hạ tầng đã được đầu tư nhiều năm nay cũng đang được mua đi, bán lại khá sôi động, có những thời điểm giá đất còn tăng lên theo từng ngày. Điển hình như đất trong khu đô thị Thủy sản Thống Nhất có lúc lên đến 25-27 triệu đồng/m2.

Các dự án khu đô thị Ao Tiên, dự án khu đô thị Vương Long, hay dự án khu dân cư đô thị Cái Rồng, cũng được sự “quan tâm” của rất nhiều nhà đầu tư mặc dù giá cả được đẩy lên cao bất thường.

Nguyên nhân của “cơn sốt ảo” được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho rằng một phần do các cơ quan chức năng chưa phối hợp đồng bộ trong thực hiện chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý chống đầu cơ tăng giá. Một nguyên nhân nữa là do một số nhà đầu cơ lợi dụng tình trạng buông lỏng quản lý để trục lợi.

Họ liên tục mua đi bán lại, thổi giá, tạo giá ảo, chủ yếu tập trung vào đất nền của các dự án đã được cấp phép đầu tư cách đây 10-15 năm nhưng cả một thời kỳ dài không bán được. Tất cả giao dịch đều bằng giấy tay, không thông qua các thủ tục hành chính, pháp lý theo quy định…

Nhiều dự án nhà ở trên địa bàn huyện Vân Đồn được “cò đất” đẩy giá lên cao ngất ngưởng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thành, có rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới những người dân ham lời rơi vào vòng xoáy do giới “cò đất” tạo ra. Nhiều người cứ nghĩ ôm đất rồi sau này doanh nghiệp vào làm dự án sẽ phải thỏa thuận với họ để mua lại hoặc bồi thường giá cao. Tuy nhiên thực tế sẽ không thể có, bởi theo định hướng phát triển của đơn vị hành chính đặc biệt, chính quyền đặc khu sẽ đứng ra thu hồi đất thực hiện dự án phát triển trên địa bàn. Vì vậy không có chuyện nhà đầu tư phải đi thỏa thuận với các hộ dân.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ ra đã có nhiều trường hợp trên địa bàn huyện Vân Đồn, người mua đất gần như mất trắng vì không có cơ sở khiếu nại. Cụ thể là khi đầu cơ đất đồi, hy vọng khi dự án sân bay Vân Đồn triển khai họ sẽ được quyền bán đất san lấp. Tuy nhiên đây là tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước, chính quyền thực hiện giải phóng mặt bằng theo giá quy định. Do đó người dân phải hiểu rõ rằng việc mua bán đất trao tay không có giấy tơ âgì là hết sức mạo hiểm, sẽ không ai hợp thức hóa cho những trường hợp này.

Ổn định để đón đợi “sân chơi” lớn

Trước tình hình bất ổn về giá đất tại Vân Đồn, từ tháng 11-2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã liên phải tục ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đặc biệt là UBND huyện Vân Đồn siết chặt quản lý tài nguyên, đất đai, sử dụng các biện pháp để ngăn chặn tình trạng chia lô, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá đất lên cao, tạo giá ảo, thoát ly giá thị trường thực tế, làm xáo trộn thị trường bất động sản trên địa bàn. Hậu quả để lại trước tiên là gây hoang mang cho các nhà đầu tư, không thể nhận biết đâu là giá trị thật.

Bên cạnh đó sẽ gây nhiều xáo trộn, ảnh hưởng, chi phối công tác giải phóng mặt bằng, do phải dựa vào giá đất thị trường để tính toán, áp giá đền bù. Trong khi giá thị trường ảo thì đương nhiên là sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra hệ lụy của việc đầu cơ, thổi giá không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển chung địa phương mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân nhẹ dạ, cả tin bị rơi vào vòng xoáy này.

Tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về đất đai, thị trường bất động sản nhằm ngăn chặn việc giao đất, mua bán, chuyển nhượng và sử dụng đất trái pháp luật trên địa bàn huyện Vân Đồn. Đến nay đã thực hiện nghiêm việc rà soát, đề xuất xử lý thu hồi 10 dự án, thu hồi chủ trương đầu tư 13 dự án. Kiểm tra, rà soát, xử phạt hành chính và kiên quyết thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng lãng phí…

Cũng trong thời gian này, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ từ bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch các xã Hạ Long, Đoàn Kết, Bản Sen, Quan Lạn (huyện Vân Đồn) liên quan đến những sai phạm trong quản lý đất đai. Cơ quan chức năng hoàn thành việc thanh tra tổng thể, toàn diện các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, gồm các dự án: Ao Tiên (Cty TNHH Du lịch Mai Quyền); Cái Rồng (Cty CP đầu tư Phát triển Vương Long) và Ocean Park (Cty TNHH Quan Minh).

Đất đai bị tạm dừng giao dịch khiến nhiều cơ sở  môi giới trở nên vắng vẻ.

Khẩn trương kiểm tra xử lý các sai phạm trong quản lý đất đai đối với 8 trường hợp ở xã Minh Châu và 18 trường hợp ở xã Đài Xuyên. Làm rõ việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sang đất trồng cây lâu năm, xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan.

Để chủ động kiểm soát, ổn định thị trường nhà đất trên địa bàn huyện Vân Đồn, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành khẳng định tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai tại huyện Vân Đồn, xử lý dứt điểm các trường hợp đã được Nhà nước cho thuê đất, giao đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng trái phép.

Và dự kiến trong quí 3 năm 2018, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt Vân Đồn trên cơ sở rà soát các quy hoạch, dự án để đánh giá cụ thể, chính xác thực trạng, sau đó tiến hành công bố rộng rãi để người dân nắm được.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh khẳng định sẽ rà soát lại đội ngũ cán bộ xem có đủ năng lực, chuyên môn không, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những trường tiếp tay cho tình trạng thổi giá, tạo cơn sốt đất. Tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân, lợi dụng việc Đơn vị hành chính đặc biệt sắp ra đời để đầu cơ, thổi giá đất thoát ly thực tế, thực tiễn gây phức tạp tình hình.

Nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai, vào đầu tháng 5 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc tiếp tục có ý kiến chỉ đạo. Cụ thể trong khi chờ đợi Luật và các quy hoạch trên hoàn thiện, liên quan đến quản lý đất đai tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh thực hiện tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạm dừng giao đất cho các tổ chức, dự án, tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn, trường hợp đặc biệt phải báo cáo UBND tỉnh xem xét.

Liên quan đến quyền lợi của người dân về đất đai như thừa kế, chuyển nhượng…, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh lưu ý phải kiểm soát chặt chẽ, rà soát từng trường hợp cụ thể, UBND huyện tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để “lách” luật.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đọc, Vân Đồn đang đứng trước nhiều thời cơ để phát triển, trở thành đặc khu kinh tế, với những cơ chế, chính sách nổi trội, thu hút các nhà đầu tư lớn. Trong khi Nhà nước đã bỏ ngân sách lớn đề đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn, vô hình trung, lại tạo điều kiện cho một số đối tượng đầu cơ trục lợi “lách” luật để buôn bán trao tay đất đai, đẩy giá đất lên cao. Do đó tỉnh Quảng Ninh xác định cần tăng cường quản lý chặt chẽ công tác đất đai trên địa bàn.

“Cơn sốt” hạ nhiệt

Bà Đặng Thị Hà, Chánh văn phòng UBND huyện Vân Đồn cho biết, sau ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tạm dừng giao dịch về đất đai trên địa bàn, số lượng hồ sơ đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất giảm mạnh.

Cụ thể từ ngày 4 – 5, có 84 hồ sơ, trong đó 3 hồ sơ liên quan đến thế chấp tài sản, 81 hồ sơ chuyển nhượng. Tiếp đến các ngày 7 - 5 có 15 hồ sơ, và ngày 8 – 5 đến nay, mỗi ngày chỉ còn một vài hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng đất.

V.Huy
.
.