Hiểm họa cháy nổ tàu cá

Thứ Hai, 06/11/2017, 16:40
Thời gian qua, những vụ cháy nổ tàu cá trên biển lẫn neo đậu trong bờ đã báo động về tình trạng mất an toàn trong công tác PCCC trên tàu cá. Hậu quả không chỉ thiệt mạng thuyền viên trên tàu cá mà còn thiệt hại rất lớn về tài sản, nguồn sống; khiến cho nhiều ngư dân trở nên trắng tay và nợ nần nguy ngập, đặc biệt là với các tàu cá được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Ông Trần Văn Tùng, một "kình ngư" của ngư trường Bình Thuận sống tại phường Bình Hưng, TP Phan Thiết ngồi rũ rượi bên chai rượu trắng với mấy miếng khô cá đuối, vẻ chán nản tột cùng, ông lựa nhựa nói: "Tao bỏ hết, tao chết cũng được. Nhưng tội cho mấy đứa nhỏ. Trắng tay rồi con ơi, mấy mươi năm dọc ngang trên biển giờ thành tro…". Là người bà con họ hàng, nên chúng tôi lựa lời khuyên ông không nên thất vọng, bình tĩnh tìm cách làm lại từ đầu.

Vụ tàu cá cháy trên vùng biển Phú Quý đầu năm 2017 đã khiến cho ông và cả gia đình rơi vào cảnh trắng tay tuyệt vọng. Trường hợp như gia đình ông không phải là quá hiếm. Nguyên nhân của hầu hết các vụ cháy nổ tàu cá chủ yếu là do các thuyền viên, thợ máy bất cẩn nên gây chập điện, gây cháy nổ, nổ bình gas nấu ăn…

Riêng tỉnh Bình Thuận, trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có 170 vụ cháy nổ tàu cá, gây tổn thất thân tàu và 150 vụ tai nạn thuyền viên. Tuy các vụ cháy nổ tàu cá trên biển không nhiều như trong bờ, nhưng mức độ thiệt hại lại rất lớn và trực tiếp ảnh hưởng, nguy hiểm đến tính mạng người lao động trên tàu. Vụ cháy tàu vỏ gỗ mang số hiệu BTh 99405 TS do ông Lê Phước, ngụ tại Phường Đức Thắng, TP Phan Thiết làm chủ là một ví dụ.

Hình ảnh một số vụ cháy tàu cá trên biển, trong cảng gần đây.

Tàu cá có công suất 500 CV đang đậu tại cảng cá Phan Thiết, phát cháy vào ngày 15-7 làm tàu chìm và hư hỏng toàn bộ thân tàu, máy móc, trang thiết bị. Phòng Cảnh sát PCCC và CHCN Bình Thuận đã điều tra và kết luận: Nguyên nhân tàu cháy nổ thân tàu là do chập dây dẫn điện của thiết bị tiêu thụ điện nằm phía trên bên trong ca bin bên mạn phải tàu và do thuyền viên, thợ máy sơ suất bất cẩn trong việc sử dụng điện. Ước tính thiệt hại do vụ cháy gây ra khoảng 5 tỷ đồng.

Trước đó không lâu, tàu cá mang số hiệu BTh 97409 của ông Phạm Thướng, ngụ xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) cũng đã bất ngờ bốc cháy làm chìm tàu xuống biển. Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 6h sáng, ngày 14-3-2017 khi tàu đang đánh bắt ngoài khơi thuộc vùng biển Phú Quý.

Điều tra, Công ty CP Giám định Bách Việt xác định nguyên nhân cháy tàu là do hệ thống điện khởi động máy tại buồng lái không hoạt động và dây dẫn điện bị hở mạch, bong tróc từ lâu không được xử lý, khắc phục trong thời gian khá dài. Khi máy hoạt động tạo nhiệt độ cao, thêm vào đó trên bề mặt máy bám nhiều dầu nhớt không được vệ sinh, lau chùi đã bắt lửa gây cháy rất mạnh và nhanh chóng phủ toàn bộ con tàu. Vụ cháy đã gây thiệt hại cho chủ tàu khoảng 8 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 13-10 tại cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cũng đã xảy ra một vụ cháy tàu cá ngư dân neo đậu. Theo kết luận của cơ quan CSĐT Công an Sóc Trăng  thì vào khoảng 10h10’, tàu cá mang số hiệu ST- 91115 TS do ông Phạm Út Anh làm chủ đang neo đậu trong cảng cá Trần Đề, bất ngờ bốc cháy dữ dội. Nhận được tin báo, các lực lượng chữa cháy thuộc Hải đội 2 BĐBP, Công an huyện Trần Đề huy động hàng chục cán bộ chiến sỹ và xe cứu hỏa nhanh chóng đến hiện trường tích cực dập lửa, nhưng không thể khống chế được ngọn lửa đang cháy mạnh, gây hư hỏng nặng khoang tàu và khu vực buồng lái.

Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do trong quá trình sửa chữa hầm máy tàu, thợ hàn đã bất cẩn để tia lửa hàn bắn tung tóe chạm vào hầm chứa dầu nên đã gây ra vụ cháy nghiêm trọng trên. Tương tự, tại cảng cá Quảng Ngãi cũng từng xảy ra nhiều vụ cháy tàu đang neo đậu, trong đó có vụ cháy liên tiếp 2-3 tàu cá.

Những vụ cháy nổ tàu cá thường gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, nhất là khi chủ tàu không mua bảo hiểm thân tàu. Vấn đề tương tự như các chủ xe ô tô rất ít người mua bảo hiểm thủy kích và nếu không mang tính bắt buộc thì hầu hết ô tô không mua bảo hiểm tai nạn. Dù xảy ra nhiều vụ cháy nổ tàu cá, nhưng chủ tàu thường bỏ luôn, không tiến hành trục vớt thân tàu.

 Họ quan niệm "có huông" (dớp),  "nếu sửa chữa tàu cháy nổ thì khi hành nghề sẽ gặp xui xẻo. Tại Bình Thuận, các tàu sắt đóng cho ngư dân sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã có 1.126 thân tàu được mua bảo hiểm. Nếu xảy ra tai nạn hoặc cháy nổ tàu 67, các chủ tàu cũng sẽ không trục vớt thân tàu vì giá trị thân tàu với giá trị bảo hiểm gần tương đương nhau.

Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ tàu cá: do sơ suất, bất cẩn trong quá trình vận hành, gây chập điện dẫn đến các dây dẫn đã quá cũ, quá tải hoặc bong tróc, nhiễm nước biển mặn và hơi biển mặn làm oxy hóa các thiết bị, dây dẫn không được kiểm tra, thay thế đã dẫn đến cháy nổ. Trong quá trình đánh bắt trên biển, thuyền viên và thợ máy thường sử dụng bếp gas nấu ăn, hàn xì, rò rỉ ống dẫn gas bất cẩn trong sử dụng cũng là những nguyên nhân khá phổ biến.

Phòng cháy kém, chữa cháy cũng kém vì không có phương tiện. Mọi quan niệm mê tín của chủ tàu cần phải dẹp bỏ, đó là trang bị thiết bị, dụng cụ như bình chữa cháy mang theo trên tàu, hầu như đều bỏ lại bờ vì tâm lý sợ chở theo trên tàu sẽ là vật gây "xui xẻo".

Nam Yên
.
.