Hiểm họa chết người từ xe chở sắt thép lưu thông

Thứ Tư, 30/11/2016, 07:05
Những chiếc xe đầu kéo không thùng, những rơ-moóc chở những khối thép lá, thép thanh, thép cuộn... nặng hàng chục tấn được ràng rịt tạm bợ bằng xích vẫn cứ hùng hục lao trên đường phố như những hung thần, đang là nỗi kinh sợ, ám ảnh nhiều người và phương tiện tham gia giao thông.

Chỉ cần một sự cố xảy ra do tuột thắng, thắng gấp khi lưu thông hoặc va quẹt với phương tiện khác, thì khối sắt thép khổng lồ ấy có thể quăng xuống mặt đường lăn ra xung quanh đè bẹp mọi thứ, gây ra tai nạn chết nhiều người và thiệt hại tài sản, nhà cửa hai bên đường...

Ngồi gần cửa Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 500- 6V trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7, để quan sát gần nửa giờ, chúng tôi ghi nhận hàng chục xe đầu kéo, rơ-moóc chở đầy sắt thép các loại từ phía cảng Bến Nghé quẹo “khúc cua tử thần” giao nhau giữa đường Huỳnh Tấn Phát với Lưu Trọng Lư hướng ra Nguyễn Văn Linh mà rùng mình, ớn lạnh. Những chiếc xe đầu kéo nặng nề bẻ cua với hơn 12m thân rơ-moóc chở thép cuộn, thép thanh, thép lá chỉ được cột tạm bằng xích quàng qua thân, không thùng chắn khiến nhiều người đang lưu thông phải dạt tránh ra xa.

Xe đầu kéo, rơ-moóc vận chuyển thép tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT đang lưu thông trên mọi ngả đường (ảnh minh họa).

Chú Quý chạy xe ôm ngay đầu con hẻm 118 cho biết: Lúc nào chỗ cua này cũng rập rình nguy hiểm chết người. Xe có thể bị nghiêng, lật do bẻ cua gấp, dây xích có thể đứt làm sắt thép hàng chục tấn lăn lông lốc xuống đường. Cũng may là chưa có người bị tai nạn chết chỗ này, nhưng thấy ớn lắm... Đã có không ít những vụ TNGT do xe chở sắt thép gây ra ở nhiều nơi, nhưng việc đảm bảo an toàn đối với xe chở thép vẫn chưa được chủ doanh nghiệp, người điều khiển và cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.

Vẫn câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” để những tai nạn bất thần ập đến là chuyện không đáng có. Những giọt nước mắt muộn màng không thể cứu vãn những đau thương, mất mát do TNGT gây ra.

Cách đây không lâu, vào khoảng 4h sáng ngày 29-7, xe tải mang biển số 77C-105.71 chở hơn 20 tấn sắt thép xây dựng lưu thông trên QL19C hướng Nam - Bắc đến địa phận thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đang đổ dốc ngay khúc cua gấp đã mất thắng lao thẳng sang lề phải, lao xuống dốc sâu 10m cách vị trí lạc tay lái khoảng 200m. Vụ tai nạn đã khiến cho 3 người ngồi trên xe cùng quê Bình Định là Đặng Văn Hào (23 tuổi), Hồ Kỳ Nam (26 tuổi) và Lê Văn Phúc (24 tuổi) chết tại chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn xe chở sắt thép tự lật tại Đồng Xuân, Phú Yên khiến 3 người tử vong. Ảnh: K.Thái.

Một vụ tai nạn khác liên quan đến xe chở sắt thép đã xảy ra vào ngày 23-6, trên đường Bùi Trọng Nghĩa, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai) do xe đầu kéo mang biển số 60C-171.69 kéo theo rơ-moóc chở dầm thép bất ngờ thắng gấp do chướng ngại vật, khiến dầm thép nặng hàng chục tấn đổ dồn về phía trước làm đứt xích. 3 dầm thép rơi xuống trúng vào ca bin một xe tải đang đậu bên đường làm bẹp rúm. Rất may là người trong xe tải không ai bị thương vong.

Vận chuyển khối lượng hàng hóa có tải trọng lớn như sắt thép hàng chục tấn, dù cho tài xế cẩn thận đến đâu cũng chưa đủ, mà cần phải có những kinh nghiệm dày dạn khi xử lý các tình huống phát sinh trong khi tham gia giao thông. Khi xe đổ đèo, dốc hoặc buộc phải thắng gấp, các khối sắt thép sẽ rung lắc tạo ra xung lực va đập mạnh vào nhau, các sợi xích chằng buộc có thể bị đứt tung do khối sắt thép khổng lồ rung chuyển với lực mạnh.

Đặc biệt, với xe chở thép cuộn, nguy cơ tai nạn tiềm ẩn cao hơn khi chạy với tốc độ cao và buộc thắng gấp. Lực quán tính sẽ tăng cao đột ngột khiến cho các cuộn thép lắc mạnh làm đứt xích ràng và lăn xuống đường gây ra tai nạn. Khoảng 10h ngày 25-5-2016, tài xế Nguyễn Công Sơn điều khiển xe đầu kéo mang biển số 72C-029.49 chở cuộn thép nặng hơn 25 tấn, lưu thông trên QL51 hướng từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên Đồng Nai. Khi đến ngã tư xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành (BRVT) tài xế thắng gấp làm dây xích ràng cuộn thép bị đứt, cuộn thép lăn về hướng ca bin xé rách thùng, chui tọt vào khiến tài xế bị thương nặng.

Trước đó không lâu, tại cầu vượt Sóng Thần trên QL1A quận Thủ Đức (TP HCM) một xe đầu kéo chở thép cuộn đang đổ dốc cầu, bất ngờ dây xích chằng đứt khiến cho 3 cuộn thép lăn lông lốc cuốn theo cả dải phân cách bê tông văng tứ tung. Hàng trăm người và phương tiện lưu thông trong buổi sáng qua khu vực này bị một phen kinh hồn bạt vía, vứt bỏ phương tiện bỏ chạy thoát thân. Giao thông bị ùn tắc, gián đoạn nhiều giờ mới trở lại bình thường sau khi cơ quan chức năng xử lý xong hiện trường.

Hiện trường vụ TNGT trên đường Trường Chinh, TP Phan Thiết (Bình Thuận) do xe chở thép va chạm xe máy. Ảnh: Hoàng Châu.

Do xe đầu kéo và rơ-moóc chở nặng, nên tốc độ lưu thông các phương tiện này cũng khá chậm vì thế hầu hết các sự cố tai nạn xảy ra không gây thương vong nhiều như các loại phương tiện vận tải khác. Tuy nhiên, không ai có thể lường trước các sự cố tai nạn xảy ra từ hàng chục tấn sắt thép khổng lồ trên xe khi bị đứt xích ràng lăn xuống đường...

Sự nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ TNGT với xe vận chuyển hàng hóa là sắt thép khối lượng cực lớn đang hằng ngày diễn ra trên các nẻo đường từ xe hai bánh, ba bánh, xe đầu kéo, rơ-moóc... luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Nhưng mất an toàn nhất vẫn là tình trạng các chủ hàng, người lái xe không chấp hành các quy định về vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt là trên các đường kết nối ra vào các cảng, các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà máy sản xuất thép. Số lượng, khối lượng hàng hóa xuất xưởng mỗi ngày rất lớn, lượng xe đầu kéo, rơ-moóc vận chuyển hoạt động nhộn nhịp, mật độ rất cao.

Tại các khu công nghiệp huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), mỗi ngày ước có đến vài trăm đến hàng ngàn xe đầu kéo, rơ-moóc chở các loại sắt thép ra vào KCN để vận chuyển đi các nơi. Những xe chở hàng chục tấn thép, nhà tiền chế... len lỏi khắp các ngả đường đang có hàng trăm ngàn công nhân đi làm và người dân tham gia giao thông luôn rập rình những nguy cơ về TNGT...

Ai cũng muốn được an toàn và trở về nhà mỗi khi ra đường, nhưng với người lái xe vận tải hàng hóa nặng như sắt thép ngoài việc tuân thủ tốc độ theo quy định cần phải có trách nhiệm cao hơn trong việc buộc giữ hàng hóa khi vận chuyển. Nếu hàng hóa có khối lượng lớn, cồng kềnh cần phải có chân đế, gờ chịu lực, chèn cứng để phân bổ đều tải trọng toàn bộ khung xe không gây rung lắc trong suốt quá trình vận chuyển.

“Thần chết” vẫn diễu hành trên phố

Quyết liệt ra quân xử lý triệt để nạn xe chở quá tải, quá khổ, cơi nới thùng, sang tải... luôn là mối quan tâm hàng đầu của lực lượng CSGT và ngành Giao thông vận tải và chính quyền địa phương các cấp. Đã từng có nhiều đợt các cơ quan, lực lượng chức năng vào cuộc, ra quân, mở “cao điểm” rất rầm rộ... thế nhưng sau một thời gian im ắng, tưởng như đã dẹp xong thì mọi việc lại diễn ra như chưa hề có cuộc ra quân nào.

Tình trạng xe quá tải trọng, quá khổ, sang tải, cơi nới thùng tuy đã có giảm đáng kể, do hoạt động các trạm cân thường trực 24/24h và các đơn vị phối hợp, liên ngành lập chốt chặn, tăng cường tuần tra, kiểm soát. Thế nhưng “thần chết” vẫn ung dung diễu hành trên đường phố với các xe đầu kéo, xe tải, rơ-moóc chở thép, sắt khối.

Trong ký ức của nhiều người dân thành phố, những vụ TNGT khiếp vía kinh hoàng từng xảy ra trên các tuyến đường tại các quận, huyện do những cuộn sắt thép bất thần lao từ trên xe tải xuống, vẫn luôn ám ảnh trong mỗi lần ra đường nhìn thấy xe đầu kéo, rơ-moóc chở thép từng xảy ra tại Thủ Đức, quận 7, quận 2...

Một xe vận tải thép từ cảng Bến Nghé ôm cua tử thần ra đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Ảnh: Hoàng Châu.

Cách đây không lâu, sau vụ cháu bé 10 tuổi ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị tử vong do xe xích lô chở tôn cứa cổ, dư luận cả nước lại bùng lên xôn xao với muôn vàn nỗi lo sợ về các loại xe chở tôn, thép, vật liệu xây dựng như “tử thần” hằng ngày vẫn cứ rầm rập ngược xuôi trên đường trong các làn xe hỗn hợp lưu thông.

Một mặt, các cơ quan chức năng vẫn phải tập trung quyết liệt, mạnh tay xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên đường đối với các phương tiện vận chuyển sai quy định, vận tải quá tải trọng, quá khổ nhưng đồng thời phải xử lý triệt để, tận gốc từ các chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp, chủ kinh doanh mua bán, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện với cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình vận chuyển bằng phương tiện ô tô. Sắt thép từ nhà máy sản xuất, từ các cảng và kho hàng nhập khẩu buộc phải được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, đến các công trình xây dựng nhưng vấn đề an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật không thể lơ là được.

Nếu không thể cân tải trọng một xe đầu kéo, rơ-moóc chở hàng chục tấn thép trên đường thì ngay tại cảng, kho giao nhận hàng, cơ quan chức năng phải xử lý ngay tình trạng cố tình chất hàng quá tải tại thời điểm chất hàng lên xe. Bên cạnh đó, các lực lượng tuần tra, kiểm soát của CSGT, Thanh tra giao thông hoàn toàn quản lý, lập chốt chặn tại các khu vực mà xe sang tải, chất thêm hàng hóa để xử phạt thì tình trạng “tử thần diễu phố” sẽ giảm đáng kể.

Những cuộn thép, thanh thép, lá thép nặng nhiều tấn, muốn sang tải buộc phải có cần cẩu nâng thì chắc chắn không phải chuyện nhỏ như cây kim, diêm quẹt mà cơ quan chức năng không thể phát hiện.

Chúng ta chưa có những đường riêng biệt dành cho các loại xe siêu trường, siêu trọng và các cảng biển nằm sâu trong nội đô chưa di dời ra xa theo quy hoạch, các KCN, KCX nối kết với các đường giao thông liên tỉnh, quốc lộ còn ngang qua các khu dân cư tập trung đông đúc, nên nguy hiểm vẫn luôn rình rập với các loại xe vận tải sắt thép khối lượng lớn qua lại hằng ngày. Do đó, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, cơ quan chức năng cần có những quy định, cam kết bắt buộc đối với chủ cơ sở, doanh nghiệp, chủ phương tiện, người điều khiển khi vận chuyển hàng hóa là sắt thép phải theo lộ trình, giờ giấc quy định riêng và các giới hạn sắp xếp hàng hóa, buộc giữ hàng hóa...

Bộ GTVT đã ban hành các quy định cụ thể về tải trọng, khổ hàng, giới hạn xếp đặt hàng... đối với từng loại xe được phép tham gia giao thông vận chuyển trên các tuyến đường. Nhưng ý thức chấp hành các quy định của chủ phương tiện, chủ hàng, người điều khiển phương tiện vận tải chưa nghiêm. Tai nạn giao thông vẫn cứ xảy ra.

Cách an toàn nhất với người đi đường, người tham gia giao thông lúc này là tìm cách tránh xa hơn 10m, không nên chạy gần, phía trước, sau hoặc bên hông các loại xe chở cồng kềnh, xe đầu kéo, rơ-moóc đang chở thép sắt nặng hàng chục tấn lưu thông, đặc biệt là khi lên xuống các con dốc, các dốc đầu cầu hoặc dừng đèn xanh đỏ các giao lộ không có làn đường riêng...

Hàm Yên
.
.