Hình tượng con dê trong thời tiền sử

Thứ Năm, 19/02/2015, 20:30
Sau 4 năm đất nước thống nhất, các nhà khảo cổ đã vào miền Nam để khảo sát và phát hiện ra một khu mộ chum ở khu di tích Gò Đình, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đáng nói là nơi đây tìm được 15 chiếc khuyên tai hai đầu thú được chôn trong mộ cùng với các hạt đá mã não màu hồng đậm, cuốc sắt, giáo sắt, giáo đồng, khuyên tai thủy tinh, đồ gốm minh khí…

35 năm trôi qua, giờ đây, khu mộ Gò Đình đã được các nhà khoa học xác định là khu mộ thuộc văn hóa Sa Huỳnh trong tổng thể hàng chục di tích Sa Huỳnh phát hiện khắp miền Trung và miền Nam.

Những chiếc khuyên tai hai đầu thú nói trên đều làm bằng đá màu xanh nhạt hay trắng đục, được mài trau chuốt công phu. Con thú có đầu nhô ra phía trước, miệng há rộng, có vẻ có râu ở phần cằm, mắt nổi rõ hình bầu dục và được khắc họa hoa văn gân lá, hai đầu thú giống nhau và nằm đối xứng qua móc đeo có hình khuyên để đeo vào tai.

Khi mới phát hiện, các nhà khoa học gọi khuyên tai này hình đầu lừa, đầu châu chấu, cũng có ý kiến cho là đầu dê. Chiếc khuyên tai hai đầu thú đẹp nhất và lớn nhất ở Gò Đình có chiều dài 6,4cm, riêng phần quai đeo cao 4,2cm. Khoảng cách giữa hai đầu thú là 6,5cm.

Những chiếc khuyên tai tượng dê trong văn hóa Sa Huỳnh.

Trong sưu tập 15 chiếc khuyên tai hai đầu thú này có chiếc bị gãy phần sừng, nơi gãy được khoan 4 lỗ có lẽ để nối các đoạn sừng bằng dây đồng. Có chiếc hình dáng còn thô, nhiều vết ghè đẽo mà chưa được mài hoàn chỉnh. Đó là những chiếc khuyên tai đang trong quá trình chế tác dở dang.

Điều đó cũng chứng minh nơi đây là một công xưởng nhỏ chế tác loại khuyên tai hai đầu thú này. Vùng núi Quảng Nam cũng là nơi có nhiều đá để làm nguyên liệu cho việc sản xuất khuyên tai hai đầu thú tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của toàn vùng.

Từ khi phát hiện sưu tập khuyên tai Gò Đình đến nay, đã phát hiện hàng chục chiếc khuyên tai hai đầu thú ở trên địa bàn của văn hóa Sa Huỳnh và các vùng lân cận như khu mộ Giồng Cá Vồ (Cần Giờ, TP HCM ), Bãi Cọi (Hà Tĩnh) và nhiều vùng biển xa ở Đông Nam Á như UThong (Thái Lan), Malaysia, Philippines…

Từ khi lặn lội lên miền núi Quảng Nam để nghiên cứu sưu tập 15 chiếc khuyên tai hai đầu thú, tôi đã đề nghị gọi tên hình tượng con thú trên khuyên tai là dê. Nay thì điều đó lại càng chắc chắn. Với đôi sừng cong, mắt hình lá có gân nổi, phần mồm dê có vẻ có râu, lại có vẻ như đang há miệng. Xem ra, người xưa muốn đặc tả nét khu biệt của loài dê trên những chiếc khuyên tai bằng đá và thủy tinh này bằng cách nhấn mạnh đôi sừng và râu cằm chăng?

Người Sa Huỳnh mang hình tượng dê khắc họa trên khuyên đeo tai là để chuyển tải ý nghĩa tín ngưỡng và tâm thức của họ. Có thể người xưa trang trí hai đầu dê đối xứng ở hai bên khuyên tai để biểu đạt sự phồn thực, đăng đối âm dương, vốn là nét chính của tín ngưỡng nguyên thủy, giống như hình tượng hươu đực - hươu cái khắc họa trên trống đồng Đông Sơn vậy. Nhất là họ biết được cái “tố chất” của loài dê là sinh sôi nảy nở nhanh, lại thích ứng với mọi điều kiện sống trên sườn đồi, vách núi để sinh tồn.

Tượng dê bằng đồng thau ở vùng Hồ Bắc (Trung Quốc).

Cũng cần nói thêm về loài dê vốn gần với vùng núi đá, đồng cỏ mà vùng miền núi Quảng Nam thích hợp với việc nuôi dê, có thể chính đây là địa bàn làm ra những chiếc khuyên tai tượng dê đầu tiên, rồi mới lan tỏa đến vùng biển của văn hóa Sa Huỳnh và nhiều vùng biển xa xôi nữa.

Không chỉ người Sa Huỳnh tôn vinh dê, mà một số văn hóa cổ đại khác cũng đã có những tượng dê trong nghệ thuật tạo hình của mình, nhất là ở vùng thảo nguyên trên lục địa Âu-Á. Vào khoảng thế kỷ 7-6 trước Công Nguyên ở vùng bắc Trung Quốc giáp với vùng Nội Mông, người ta cũng đúc các tượng dê bằng đồng thau rất đẹp và coi đó như một linh vật, biểu thị sự phồn thực.

PGS.TS Trịnh Sinh
.
.