Đại hội chi hội nhà văn Công an:

Hình tượng người chiến sĩ CAND gắn với thách thức thời cuộc

Thứ Tư, 30/09/2020, 09:20
Ngày 27/9/2020, tại Hội trường Báo CAND, 92 Nguyễn Du, Hà Nội đã diễn ra Đại hội Chi hội Nhà văn Công an lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tới dự và chỉ đạo Đại hội có thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng các đại biểu và các hội viên Chi hội Nhà văn công an.

Quả ngọt mùa cũ

Chi hội Nhà văn Công an có 39 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cũng là chi hội có số hội viên đông thứ 4 của Hội Nhà văn Việt Nam (sau Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Quân đội). Chi hội Nhà văn Công an có 3 thế hệ: Trẻ, trung tuổi và cao niên. Các nhà văn đều vẫn sáng tác và có ít nhất một đầu sách văn học ra đời trong nhiệm kỳ 2015-2020.

5 năm qua, một số nhà văn lớn tuổi nhưng sáng tác khỏe và đã có được từ 3 đến 5 đầu sách như các nhà văn Lương Sĩ Cầm, Khổng Minh Dụ, Văn Phan, Tôn Ái Nhân, Mai Vũ, Phan Quế, Nguyễn Đăng An... Các nhà văn trung tuổi cũng đoạt được nhiều giải thưởng và ra mắt nhiều đầu sách có tiếng vang như nhà văn Hữu Ước đã xuất bản bộ tiểu thuyết “Kiếp người” 3 tập, 3 tập thơ và có 5 kịch bản sân khấu, 1 kịch bản phim và đoạt giải biên kịch xuất sắc kịch bản “Tiếng chuông” tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ 4 (năm 2020).

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành chúc mừng Ban chấp hành Chi hội Nhà văn Công an khóa V, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhà văn Nguyễn Như Phong có 2 tiểu thuyết, một cuốn được tặng giải Nhì cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 3 (năm 2018, tiểu thuyết “Đặc biệt nguy hiểm”), giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2017-2020 (tiểu thuyết “Kim tiền”).

Nhà văn Đặng Vương Hưng đã biên soạn bộ sách 4 tập, mỗi tập dày hàng nghìn trang về “Nhật ký thời chiến Việt Nam” được dư luận đánh giá cao... Nhà văn Bùi Anh Tấn xuất bản 2 tập tiểu thuyết “Bảo kiếm và giai nhân”, tiểu thuyết “Ta và em...” và 2 tập truyện ngắn. Nhà văn Lại Văn Long có 2 tiểu thuyết đoạt giải 3 cuộc thi tiểu thuyết mang tên Cây bút vàng lần thứ 3 năm 2018 với tiểu thuyết “Mật danh D9” và giải Khuyến khích cuộc thi tiểu thuyết và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống năm 2020, tiểu thuyết “Gia tộc tướng cướp”.

Nhà thơ Phạm Khải đoạt 2 giải thưởng dành cho tác phẩm lý luận phê bình văn học. Tác phẩm “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo” (giải thưởng của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội năm 2015) và tác phẩm “Trang sách mạch đời” - giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017.

Nhà văn Phan Đình Minh đoạt giải Tư với truyện ngắn “Đàn ông đều có bàn chải” cuộc thi truyện ngắn hay của tạp chí Nhà văn và tác phẩm. Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim đoạt giải C với ký sự “Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo” trong cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 3 (2018), nhà văn trẻ Chu Thanh Hương (sinh 1986), in 3 tiểu thuyết, đoạt 2 giải thưởng (1 giải B và 1 giải C) cuộc thi về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cho các tiểu thuyết “Bí ẩn Phụng Hoàng Sơn” (2015) và “Phận Liễu” (2020)...

Phát biểu tại Đại hội, nhà văn Khổng Minh Dụ chia sẻ: Vốn là một chi hội có truyền thống phát triển nhân lực và đóng góp các nhà văn trẻ cho Hội Nhà văn Việt Nam, lực lượng các nhà văn công an đóng góp đều tay, các nhà văn cao niên cũng không ngừng sáng tạo văn chương và được giải thưởng, như nhà văn Lương Sĩ Cầm trên 92 tuổi vẫn còn sáng tác. Nhiều nhà văn sung sức như Hữu Ước, Như Phong...

Tuy nhiên, có một thực tế là nhà văn công an chưa thể được phép tự mãn, vì quả thật là đề tài trong lực lượng vũ trang, tấm gương trong lực lượng vũ trang, cụ thể ở đây là công an, còn quá nhiều, nhưng tác phẩm phản ánh về họ thì còn chưa đầy đủ.

Biết bao nhiêu tấm gương, bao nhiêu thành quả chưa được khắc họa trong tác phẩm văn học. Bản thân nhà văn Khổng Minh Dụ cũng đã có nhiều tập sách được xuất bản, nhưng với ông, chưa bao giờ là đủ cả. Ông mong muốn, tới đây các cơ quan chức năng tạo điều kiện nhiều hơn nữa để các thế hệ nhà văn được tiếp cận thực tế là một nguồn tư liệu quý để có các tác phẩm hay về ngành Công an.

Mong muốn có những tác phẩm hay, xứng tầm

Trong nhiệm kỳ qua, Chi hội Nhà văn Công an đã phối hợp với Nhà xuất bản CAND tổ chức cuộc thi sáng tác tiểu thuyết và truyện ngắn mang tên Cây bút vàng lần thứ 3 (2016-2018). Chi hội đã tổ chức 2 trại viết cho gần 80 lượt nhà văn, cây bút tại Đồ Sơn, Hải Phòng (năm 2016) và Phú Quốc, Kiên Giang (năm 2018).

Năm 2019 đã phối hợp với Cục Công tác đảng và Công tác chính trị tổ chức trại viết kịch bản cho Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ 4 - năm 2020. Kết quả các cuộc thi và các trại viết này đã góp phần quan trọng đưa hình tượng đẹp người chiến sĩ CAND vào đời sống văn học - nghệ thuật nước nhà.

Thiếu tướng - Nhà văn Khổng Minh Dụ phát biểu đóng góp ý kiến tại Đại hội.

Trong các cuộc thi sáng tác văn học này, nhiều nhà văn đã đoạt giải cao, gắn bó hơn với mảng đề tài văn học và lực lượng CAND, như nhà văn Lương Sỹ Cầm, Hữu Ước, Phan Quế, Bùi Anh Tấn, Nguyễn Như Phong, Phạm Khải, Lại Văn Long, Trần Hoàng Thiên Kim, Mai Vũ, Nguyễn Xuân Hải, Phan Đình Minh, Chu Thanh Hương... Ngoài ra, còn bồi dưỡng được một số cây bút bên ngoài gắn bó với lực lượng CAND như Phùng Văn Khai, Phạm Thanh Khương, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Hiếu, Lê Duy Nghĩa, Phạm Vân Anh, Mùa Đông, Lê Thị Bích Hồng...

Năm 2019, Chi hội Nhà văn Công an tổ chức tọa đàm “Dòng văn học Công an trong văn học Việt Nam”. Buổi tọa đàm đã khẳng định mảng đề tài về an ninh, trật tự và hình tượng người chiến sĩ công an trong những năm qua luôn là nhân vật trung tâm của văn học Việt Nam viết về đề tài an ninh trật tự.

Chi hội Nhà văn Công an là chi hội tổ chức được nhiều trại viết nhất và mở nhiều cuộc thi nhất so với các chi hội khác trong cả nước và đã góp phần tích cực cho các cuộc thi văn học - nghệ thuật của lực lượng Công an trong thời gian qua. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Chi hội Nhà văn Công an là một trong những chi hội mạnh của cả nước. Cho đến nay văn học Công an đã khẳng định được tầm vóc của mình”.

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành đánh giá: Qua 23 năm xây dựng và phát triển, Chi hội Nhà văn Công an luôn khẳng định được vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình, là cầu nối của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND. Chi hội Nhà văn Công an có nhiều cây bút xuất sắc là cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác trong lực lượng CAND, có nhiều đồng chí làm công tác chỉ huy, lãnh đạo chủ chốt ở các đơn vị. Chi hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của ngành Công an, tập hợp, đoàn kết các nhà văn trong sự nghiệp xây dựng, đảm bảo được những yêu cầu của đất nước...

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho rằng, trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi sẽ có nhiều thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay liên quan đến trí tuệ nhân tạo, internet và số hóa... Bên cạnh những vấn đề như ô nhiễm đất, nước, không khí, một vấn đề hết sức quan trọng cần được quan tâm là “ô nhiễm đầu”.

Trước những thông tin của các “tin tặc”, các thông tin không chính xác thì cần phải xử lý như thế nào? Một loạt vấn đề khác liên quan đến an ninh phi truyền thống (khủng bố, ma túy, tin tặc, rửa tiền, hủy hoại môi trường, dịch bệnh, cực đoan dân tộc, tôn giáo...) đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ với Việt Nam mà trên toàn thế giới...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, hiện nay, từ nội dung đặt ra của Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương cho đến Chính phủ đều luôn đề cao yếu tố sáng tạo. Thế giới cũng đã tổng kết, đổi mới, sáng tạo là yêu cầu bắt buộc. Đây cũng là yêu cầu đặt ra cho các nhà văn, nhà thơ của Chi hội Nhà văn Công an để có những tác phẩm xứng tầm với đội ngũ hùng hậu của các nhà văn công an.

Những điều mong mỏi của nhiệm kỳ tới

Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kì 2015-2020, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cho biết, có 7 nhiệm vụ mà ban chấp hành khóa mới cần làm trong thời gian 5 năm tới đây. Thứ nhất là tiếp tục tổ chức giải thưởng sáng tác văn học mang tên Cây bút Vàng - một thương hiệu 15 năm nay của lực lượng Công an.

Đề xuất Bộ Công an chỉ đạo Nhà xuất bản CAND phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an tổ chức các trại viết tập hợp các nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an viết về đề tài an ninh trật tự. Phối hợp với công an một số đơn vị, địa phương tổ chức cho các nhà văn công an đi tìm hiểu thực tế công tác, đặc biệt là công an cơ sở, công an xã trong phòng, chống tội phạm, để sáng tạo những tác phẩm văn học có giá trị.

Đề xuất Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tặng thưởng các tác giả có những tác phẩm văn học có giá trị về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống nhân kỷ niệm 80 năm kỷ niệm Ngày Truyền thống CAND (2025). Phối hợp với các chi hội văn học, nghệ thuật trong Bộ Công an đề xuất Bộ Công an tổ chức xét chọn và trao giải văn học - nghệ thuật giai đoạn 2005-2025 cho các tác phẩm thuộc các loại hình văn học, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh có nhiều thành công trong sáng tác về hình tượng người chiến sĩ Công an.

Phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Viện Văn học Việt Nam tổ chức hội thảo về văn học viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống để khẳng định những tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật cao của văn học Việt Nam trong mảng đề tài này. Phối hợp với Nhà xuất bản CAND tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn công an xuất bản Tuyển tập Nhà văn công an nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập CAND (2025).

Và cuối cùng là cần quan tâm tổ chức giao lưu thăm hỏi giữa các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn cao niên để xây dựng mối quan hệ thân thích gắn bó trên tình anh em, đồng nghiệp làm công tác văn học - nghệ thuật của lực lượng Công an.

Xin được kết bài bằng một mong muốn của nhà văn trẻ nhất Chi hội Nhà văn Công an, nhà văn Chu Thanh Hương đến từ Công an tỉnh Lạng Sơn: "Mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Chi hội Nhà văn Công an và Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho những nhà văn trẻ như chúng tôi trên con đường sáng tác thông qua việc tổ chức những chuyến thâm nhập thực tế, những trại sáng tác, tạo điều kiện in ấn, phát hành, ra mắt tác phẩm, đặc biệt là tổ chức những cuộc thi sáng tác văn học chất lượng, hiệu quả như Cây bút Vàng, Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yêu cuộc sống”... Tôi đã và đang ấp ủ nhiều tác phẩm để có thể mang đến những đóng góp nhỏ bé vào dòng chảy văn học CAND".

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Công an khóa V gồm 5 nhà văn: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND; Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Tổng Biên tập Tạp chí CAND; Đại tá, nhà thơ Phạm Khải, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, Tổng Biên tập Báo CAND; Đại tá, nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Công an TP Hồ Chí Minh; Thượng tá, nhà văn Như Bình, Trưởng Ban Chuyên đề Báo CAND. Đại hội cũng đã bầu 17 đại biểu dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020-2025.
Mỹ Trân
.
.