Hỗ trợ nghệ sĩ trong dịch COVID-19: Làm sao cho công bằng
- Sân khấu cho thiếu nhi lỡ hẹn vì COVID-19
- Sân khấu bội thu giải thưởng dù khó khăn do COVID-19
- Ứng dụng công nghệ - “cứu cánh” của hoạt động nghệ thuật “thời COVID-19”
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58%, trong đó tỉ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 2,64%; tỉ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,54%. Riêng số lượng người lao động tự do, công nhân chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đây cũng là nhóm thuộc diện khó khăn, nhất là trong tình hình hiện nay. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để gói hỗ trợ vừa phê duyệt này được thực hiện hợp lý, đúng đối tượng?
10,4 tỉ đồng cho hơn 2.000 viên chức là nghệ sĩ
Theo đề xuất đã được phê duyệt, Bộ VH,TT&DL đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ, trong đó hỗ trợ khoảng 2.000 viên chức là các đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại 100 đơn vị công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang hưởng lương hạng IV (mức lương thấp nhất hiện nay). "Hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, diễn viên hạng IV, họa sĩ hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Mức hỗ trợ là 1,8 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần", nội dung văn bản nêu rõ.
Đại dịch COVID-19 khiến các nhà hát, sân khấu nghệ thuật phải đóng cửa. |
Theo Bộ VH,TT&DL, đây là nhóm đặc thù có năng khiếu, tài năng, lại đào tạo lâu năm nhưng thời gian hoạt động ngắn và khó đi hết các bậc lương. Theo thống kê của VH,TT&DL, hiện nay có hơn 100 đơn vị sự nghiệp hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không gồm các đơn vị của lực lượng vũ trang) với hơn 2.000 viên chức là nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV. Nếu hỗ trợ theo mức đề xuất ở trên thì tổng số tiền hỗ trợ nghệ sĩ là hơn 10,4 tỉ đồng. Ngoài ra, bộ này cũng đề nghị hỗ trợ gói tương đương cho hướng dẫn viên du lịch bị mất việc. Hiện, tổng số hướng dẫn viên được cấp thẻ trên toàn quốc là 26.721 người.
Nghệ sĩ có thật sự khó khăn?
Lên tiếng về thông tin này, NSƯT Trịnh Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đề xuất của Bộ VH,TT&DL và sự phê duyệt kịp thời của Chính phủ cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo và khiến các nghệ sĩ thấy ấm lòng, có niềm tin với các lãnh đạo. Sự quan tâm này là đúng lúc và thiết thực.
NSƯT Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh. |
“Bởi, khi dịch bệnh bùng phát, nhà hát đóng cửa, các suất diễn không có, nghệ sĩ vào biên chế giờ chỉ còn lương nhà nước, còn người hợp đồng không có lương. Trong khi đó, các nghệ sĩ ngoài đoàn công lập gần như không có thu nhập. Họ buộc phải tìm kế sinh nhai ở nhiều công việc khác nhau. Không phải họ không yêu nghề, mà cơm áo gạo tiền khiến họ không trụ nổi”, NSƯT Trịnh Kim Chi bày tỏ.
Bản thân nữ nghệ sĩ rất đau đớn khi biết nhiều đồng nghiệp phải đi ship hàng, bán đồ online để rau cháo qua ngày. Có người bỏ ra ngoài làm, hay về quê làm thợ mộc... Có người thậm chí phải vào bệnh viện xin các suất cơm từ thiện để chống đói. “Đó còn chưa kể các nghệ sĩ lớn tuổi, trước nay họ chỉ biết làm nghề, giờ làm sao họ có thể livestream bán hàng hay đủ sức làm các công việc tay chân nặng nhọc?”, NSƯT Trịnh Kim Chi tâm sự.
Trong khi đó, hàng chục nhà hát công lập và ngoài công lập hơn một lần “kêu trời” vì không có kinh phí để nuôi con người, nghệ sĩ rời nhà hát - nơi vốn được mệnh danh là thánh đường bỗng trở thành... chuyện “bình thường ở huyện”. NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thừa nhận, liên đoàn đã thực sự tê liệt. Diễn viên không còn nguồn thu nhập dựa vào biểu diễn. Đội ngũ diễn viên trẻ chỉ có hợp đồng và tiền lương không nằm trong ngân sách, phải từ nguồn thu của cơ quan. Thế nhưng, dịch bệnh khiến liên đoàn không thể tổ chức biểu diễn, dẫn tới không có nguồn thu trả cho diễn viên. Từ đầu năm 2021, Liên đoàn đã phải đi vay mượn để chi trả.
“Dịp tết vừa qua nhiều anh em về quê, anh em cũng bảo nhau thôi ở quê luôn đi, khỏi phải lên để đỡ tiền thuê nhà. Từ khi bắt đầu dịch bệnh năm ngoái thì Liên đoàn cũng tổ chức bếp ăn buổi trưa để lo cho anh em nhưng đến giờ phút này thì bữa trưa cũng không lo được nữa vì không có tiền”, NSND Tống Toàn Thắng nghẹn ngào.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến hôm 26/5, nhiều đơn vị nhà hát ở Hà Nội cho biết đợt dịch thứ tư khiến sân khấu miền Bắc lao đao. Nhiều nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã xin nghỉ, chuyển sang bán bảo hiểm, làm nhôm kính, lái xe. Tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, một số NSƯT xin nghỉ ra ngoài kiếm sống. Ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhiều người bán online, giao hàng để đảm bảo nguồn thu cho cuộc sống hàng ngày.
Ngay cả một diễn viên lừng lẫy như Thành Lộc cũng phải bán bớt đồ trong nhà để có tiền sinh sống. “Ông hoàng cải lương” Kim Tử Long từng sở hữu 1.000 cây vàng, hàng chục chiếc xe hơi, chuỗi nhà hàng nổi tiếng giờ đây cũng phải phụ vợ livestream bán hàng online để kiếm thêm khi thu nhập giảm đến 80%.
Cần tiêu chí rõ ràng
Việc cơ quan chủ quản quan tâm đến đời sống của các nghệ sĩ trong thời điểm này là hành động đáng ghi nhận và trân trọng. Tuy nhiên, đề xuất trên của Bộ VH,TT&DL đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Bên cạnh người đồng tình cũng có không ít ý kiến phản đối cho rằng trong tình hình chung hiện nay, không riêng gì giới nghệ sĩ mà có rất nhiều đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó, các cơ quan chức năng cần dành sự quan tâm đến nhiều người dân khác, đặc biệt là nhóm lao động yếu thế là lao động tự do, công nhân các khu công nghiệp... và những người ở tuyến đầu chống dịch.
Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. |
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng nghệ sĩ cũng là người lao động, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, những lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, để được hỗ trợ phải kèm theo điều kiện họ bị chấm dứt hợp đồng hoặc tạm hoãn hợp đồng nên cần tính toán hỗ trợ sao cho hợp lý.
“Việc Bộ VH,TT&DL phản ánh tâm tư nguyện vọng của các nghệ sĩ là chính đáng và cần được lắng nghe để chính sách không bỏ sót các đối tượng. Tuy nhiên, phương án hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ đối tượng nào thì các bộ, ngành liên quan cần phải ngồi lại với nhau để đảm bảo tính công bằng. Nguồn lực của chúng ta có hạn, “miếng bánh” hỗ trợ không thể phân phát rải đều cho tất cả các đối tượng. Quan điểm của tôi vẫn là nên ưu tiên những đối tượng lao động đang khó khăn nhất là công nhân, lao động tự do... không có thu nhập tích lũy”, bà Ngân bày tỏ.
Cũng có ý kiến cho rằng “nghệ sĩ hiển nhiên có nhà lầu, xe hơi, cát-xê tiền triệu” giờ Bộ VH,TT&DL lại “xin” hỗ trợ nghệ sĩ thì không nên. Song, NSƯT Trịnh Kim Chi cho rằng không nên “cào bằng” các đối tượng nghệ sĩ. Có người có thu nhập cao như các sao hạng A, không làm nghề, họ có thể kiếm thêm thu nhập từ các hoạt động quảng cáo, kinh doanh... nhưng cũng có người là diễn viên phụ, diễn viên múa, họa sĩ, nhân viên hậu đài, khi nhà hát đóng cửa, họ gần như không có thu nhập nên hỗ trợ họ là cần thiết trong giai đoạn tất cả cùng đang khó khăn hiện nay.
NSND Tống Toàn Thắng vui mừng vì gói hỗ trợ sẽ giúp nhiều cho các nghệ sĩ khó khăn. |
Nhìn vào thực tế, bà Kim Ngân nhấn mạnh thêm, các đơn vị cũng cần có phương án phù hợp để phân chia gói hỗ trợ cho hợp lý, đúng đối tượng. “Các đơn vị đề xuất cần phải đưa ra lý lẽ thuyết phục, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng. Trong giới nghệ sĩ cũng có đối tượng khác nhau. Để thực thi được chính sách, cần có sự đồng thuận rõ ràng, minh bạch và công bằng”, bà Kim Ngân nói thêm.
Đồng quan điểm, NSƯT Trịnh Kim Chi hy vọng, nếu được thông qua, số tiền này như nguồn động viên tinh thần đối với những người gắn bó với các nhà hát vượt qua cơn bĩ cực. Chắc chắn, để sự hỗ trợ này có hiệu quả, các cơ quan chức năng liên quan sẽ phải có thêm sự tính toán hợp lý và có hướng dẫn cụ thể. Khi đó, các nhà hát cứ tuân theo quy định, xác định từng trường hợp cụ thể, áp theo tiêu chuẩn và quy định để hỗ trợ.
“Hơn nữa, bản thân nghệ sĩ có cái tôi cao. Nếu bản thân họ cảm thấy vẫn có thể lo toan cuộc sống được hơn đồng nghiệp mà vẫn được đưa vào danh sách hỗ trợ, họ sẵn sàng nhường suất đó cho người khó khăn hơn. Đặc biệt là những nghệ sĩ già yếu và neo đơn”, NSƯT Trịnh Kim Chi nói thêm.
Còn NSND Tống Toàn Thắng cho rằng: “Thực ra, gói hỗ trợ này cũng góp phần hỗ trợ về mặt tinh thần cho các nghệ sĩ, để họ thấy được sự quan tâm của Nhà nước, họ bớt chạnh lòng, chứ diễn viên nào cũng khó khăn. Việc hỗ trợ, tháo gỡ cho các nghệ sĩ là điều rất đáng quý trong thời điểm hiện nay".