Họa sĩ – Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu: Trọn tấm lòng với Bác, với miền Nam

Thứ Năm, 21/02/2019, 11:38
Tròn 100 năm ngày sinh của cố họa sĩ – nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức “Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu”. Những ý kiến, chia sẻ tại lễ kỷ niệm như những dòng hồi ức giúp công chúng hiểu thêm cuộc đời và sự nghiệp của một người thầy, người họa sĩ – nhà điêu khắc tài hoa.


Từ gánh vẽ phông màn đến giảng đường đại học

Họa sĩ Diệp Minh Châu (1919 – 2002) sinh ra tại xã Nhơn Thạch, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong một gia đình nông dân. Thuở còn nhỏ cậu bé Châu đã say mê hội họa, nên được bạn bè gọi là Châu vẽ. Nhưng mãi đến khi 15 tuổi cơ duyên hội họa mới đến với Diệp Minh Châu.

Ấy là khi cậu gặp họa sĩ Hoàng Tuyển và được ông chỉ bảo từ bố cục, đường nét, màu sắc để tạo ra một bức tranh phong cảnh, rồi cùng ông theo gánh hát vẽ phông màn ở các tỉnh Nam Bộ. Một lần được xem triển lãm chung tại Châu Thành (Bến Tre) của Hoàng Tuyển cùng các họa sĩ Nguyễn Thành Sinh, Tạ Kế, Diệp Minh Châu bị thu hút bởi bức chân dung vẽ các cô gái Huế và Hà Nội của Nguyễn Thành Sinh (họa sĩ từng học Trường Mỹ thuật Gia Định), bèn xin thầy Sinh theo học.

Họa sĩ – Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu.

Những bài học cơ bản về mỹ thuật, những chỉ bảo làm thế nào để có một bức chân dung đẹp của thầy Sinh đã cuốn chàng thanh niên Diệp Minh Châu ngày một đam mê hơn với hội họa. Khi theo gánh hát ở Sài Gòn, Diệp Minh Châu lần lượt vẽ những bức chân dung về các nữ diễn viên như: Phùng Há, Năm Phi, Thanh Loan rồi Ba Vân, Năm Châu... Nhìn bức vẽ của học trò, thầy Sinh khuyên nếu Diệp Minh Châu học Trường Mỹ thuật ắt sẽ thành công.

Lời khuyên của thầy cùng với niềm đam mê hội họa đã khiến chàng thanh niên Diệp Minh Châu khăn gói lên xe lửa chạy than ra Hà Nội. Đó là năm 1939. Chuyện kể rằng, khi ra Hà Nội, Diệp Minh Châu đã đến gõ cửa nhà thầy Tô Ngọc Vân để xin ý kiến thầy về một số bức đã vẽ từ trước.

Thầy Vân xem xong tranh nói: “Tôi chưa thấy học trò nào trước khi đến học đã vẽ được như anh. Tôi biết anh sẽ đỗ cao, nhưng chưa dám nói trước, anh thật xứng đáng”. Và rồi đúng như dự đoán của họa sĩ Tô Ngọc Vân, Diệp Minh Châu đã đỗ thủ khoa kỳ thi tuyển năm 1940 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Để có kết quả ấy, Diệp Minh Châu đã phải nỗ lực thật nhiều, thậm chí phải đi vẽ phông màn cho gánh hát ở Hà Nội để có tiền trang trải cuộc sống trong thời gian trọ học để ôn thi ở Hà thành. 

Sau này khi đã là sinh viên khoa Điêu khắc khóa XIV, Diệp Minh Châu đã sáng tác nhiều tác phẩm tham gia nhiều triển lãm và giành nhiều huy chương. Có thể kể tới tác phẩm “Trăng thu”, “Nhớ mong”, “Hương sắc”, đặc biệt là bức “Văn Miếu” (Huy chương Đồng, năm 1942) hay bức “Cầu nguyện” (Huy chương Bạc, năm 1943) gây được sự chú ý của giới mỹ thuật. Những năm sau, ông hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc ở Hà Nội, tham gia một số triển lãm gây quỹ giúp đồng bào bị đói và nạn nhân chiến tranh.

Trọn tấm lòng với Bác, với miền Nam

Năm 1945, khi cả nước đang sục sôi tinh thần đấu tranh giành độc lập tự do, Diệp Minh Châu cũng xếp bút nghiên lên đường đi kháng chiến. Với hành trang là chiếc ba lô cặp vẽ, Diệp Minh Châu có mặt khắp nơi từ Bắc vào Nam.

Bức huyết họa vẽ Bác Hồ của họa sĩ Diệp Minh Châu.

Tại chiến khu miền Nam, không có điều kiện để nặn tượng, Diệp Minh Châu vừa là chiến sĩ vừa là họa sĩ. Những tác phẩm của ông thời kỳ này đã phản ánh một cách sinh động không khí kháng chiến của đất Nam Bộ với những nét vẽ khoáng đạt, chân thực. Từ cảnh sắc thiên nhiên đến những dáng dấp, gương mặt của các chiến sĩ du kích miền Nam tràn đầy khí thế quyết chiến, quyết thắng… tất cả đã ùa vào tác phẩm của ông. Có thể kể tới tác phẩm “Qua rừng lá”, “Du kích qua làng”, “Chiến sĩ rẽ lau”, “Lớp học bình dân trong lán ven rừng”, “Phong cảnh Đồng Tháp Mười”…

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến đánh giá: “Tranh màu nước, ký họa kháng chiến của Diệp Minh Châu tại bưng biền Nam Bộ là minh chứng mở đầu cho một khuynh hướng sáng tác mới, luôn bám sát cuộc sống, mỗi tác phẩm như một bức tranh lịch sử. Có thể kể tới tác phẩm “Trận Giông Chùa” (tranh màu nước sáng tác năm 1948, nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), hay tác phẩm vẽ lụa năm 1949 “Du kích Bến Tre”, “Du lịch Long Phú” mang đậm hình hài người chiến sĩ với vũ khí thô sơ đánh giặc”.

Có thể nói đề tài Nam Bộ là một trong những đề tài xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của Diệp Minh Châu. Dù ở nơi nào, ông vẫn luôn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt. Ông theo sát thực tế chiến đầu gian khổ của nhân dân Nam Bộ, quê hương Bến Tre - vùng đất mạch rồng anh dũng, kiên cường. Sau này, khi có điều kiện để chuyên tâm với điêu khắc, đề tài miền Nam luôn khiến ông trăn trở, say mê tìm tòi sáng tạo để phản ảnh trong tác phẩm điêu khắc của mình như: “Lòng người miền Nam” (1950), “Hương sen Đồng Tháp” (1957), “Võ Thị Sáu trước quân thù” (1958), “Bà má miền Nam” (1958), “Phú Lợi căm thù” (1959), “Miền Nam bất khuất”, “Miền Nam thành đồng” (1967), “Nữ thần chiến thắng” (1968)…

Cùng với mảng đề tài Nam Bộ, nhắc đến họa sĩ – nhà điêu khắc Diệp Minh Châu không thể không nhắc đến những tác phẩm về Bác Hồ của ông. Riêng về đề tài Bác Hồ, ông đã có trên 200 bức trong đó đáng chú ý là bức huyết họa vẽ Bác Hồ. Bức vẽ được ông sáng tác tháng 9-1947, ngay trong “Lễ độc lập” ở xã Thiện Hộ, chiến khu Đồng Tháp Mười. Với cảm xúc trào dâng, Diệp Minh Châu đã tự trích cánh tay mình lấy những giọt máu nóng để vẽ bức “Bác Hồ và ba em thiếu nhi Trung – Bắc - Nam” (lụa). Ở góc bức tranh, ông kính cẩn gọi Hồ Chủ tịch bằng Cha với dòng chữ “Thay mặt cho nghệ sĩ Nam Bộ, con xin kính dâng Cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm sáng tạo trong những phút say sưa nhất của đời con và cũng là tác phẩm mà chính Cha đã tạo nên”. Bức tranh như một lời thề thiêng liêng của kháng chiến Nam Bộ với cách mạng và cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả.

Tượng “Bác Hồ và thiếu nhi” của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu.

Sau này, Diệp Minh Châu có may mắn được sống cạnh Bác tại chiến khu Việt Bắc (1950 -1951), ông đã vẽ trên 30 bức với nhiều góc độ về diện mạo và tâm hồn của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ông gửi gắm sự trân trọng, kính yêu với Bác trong bức trực họa như “Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc”, “Bác câu cá bên bờ suối”, “Ánh nắng trưa trước sân nhà Bác”, “Nhà Bác trên đồi Việt Bắc”…

Đánh giá các tác phẩm vẽ về đề tài Bác Hồ của họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Văn Chiến cho rằng: “Bức huyết họa vẽ Bác và những bức trực tiếp vẽ Bác ở chiến khu không chỉ là kết quả của hội họa mà còn là sự tích lũy sâu sắc quan trọng về nội dung, chủ đề cho những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng sau này của ông. Đó là thời gian quan trọng tích lũy tư liệu và nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo”.

Đầu những năm 1956, Diệp Minh Châu lại cùng một số họa sĩ – nhà điêu khắc được vào phủ Chủ tịch vẽ và nặn tượng Bác. Thực tế và hình tượng sâu sắc cùng sự rung động trong sâu thẳm ký ức về Bác sau này đã trở thành chất xúc tác để Diệp Minh Châu truyền vào pho tượng, tượng đài về đề tài Bác Hồ của mình. Đó là các bức: “Chân dung Bác” (năm 1960), “Bác đi tìm đường cứu nước” (năm 1965), “Bác dịch sử Đảng”, “Bác Hồ bên suối Lênin” (năm 1965), “Bác Hồ - Lênin và Các Mác” (1982), “Bác Hồ” (1993),…

Những kỷ niệm ấm áp về thầy

Không chỉ là một nghệ sĩ, chiến sĩ cách mạng luôn đem hết tâm lực của mình để sáng tác tác phẩm, Diệp Minh Châu còn góp phần quan trọng trong việc đào tạo một thế hệ các nhà điêu khắc cách mạng mà nhiều người trong số họ đã trở thành các nhà điêu khắc danh tiếng.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo, thì nhà điêu khắc Diệp Minh Châu là một người vô cùng nhạy cảm với đời sống thường nhật. Ông chia sẻ rằng dù đã được sống trong không gian dạy và học của các thầy trò khoa điêu khắc khóa đầu tiên gồm 3 thầy (Phạm Gia Giang, Diệp Minh Châu, Nguyễn Thị Kim), nhưng khi được Đài Tiếng nói Việt Nam đặt viết bài về “Diệp Minh Châu - người con miền Nam sống trên đất Bắc”, ông vẫn cảm thấy rất khó viết vì chưa hiểu, chưa thuộc nhiều về thầy. Để hoàn thành bài viết ông xin thầy Châu hẹn một buổi trao đổi nghệ thuật và thầy chấp nhận.

“Đến nhà thầy tôi đã thấy thầy ôm đàn vừa đàn vừa ca, cô Dung (nữ họa sĩ, vợ thầy) thấy có khách ra pha trà mời khách. Tiếp một kẻ hậu sinh như tôi, tôi cảm nhận được sự nhiệt tình cởi mở ấm áp từ vợ chồng thầy. Bắt đầu cuộc trao đổi nghệ thuật cởi mở, thầy vừa đàn, vừa ca và kể lại những chuyện đời và đạo của hơn nửa thế kỷ. Thế rồi thầy gọi cô Dung ra “không còn hứng nữa, em nhảy với anh”. Đúng như vậy, sau khi thầy và cô ôm nhau nhảy vans, cô và thầy khơi nguồn cảm hứng tiếp chuyện hồi ức về đời và đạo của mình”.

Còn trong mắt của nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam) thì họa sĩ – nhà điêu khắc Diệp Minh Châu còn là một người thầy vô cùng đáng kính.

Ông nhớ lại: “Khoa điêu khắc lớp tôi năm đó (1957 - 1960) gồm có các anh chị Huỳnh Công Nhân, Châu Đình Du, Lều Thị Phương, Phạm Thái Bình, Phạm Phú Oanh, Trần Bích Ngọc và tôi. Thầy Diệp Minh Châu được phân công dạy chúng tôi về tượng tròn. Khác với những thầy khác là thầy ít quan tâm đến tỷ lệ, cấu trúc mà chỉ lưu tâm đến cách tạo khối, nghĩa là khối phải có chất điêu khắc, khối phải có tình cảm, có duyên gây cho người xem thích thú. Với trình độ ban đầu bước vào nghề sao tôi hiểu được những điều như vậy. Vậy mà chỉ khi xem thầy nặn tượng “Phú Lợi căm thù” (năm 1959) tôi mới thấm điều ấy. Thầy nặn tượng Phú Lợi có một đêm. Khi bàn tay thầy với xúc cảm dạt dào, những tấc đất dẻo được phù phép vặn vẹo và những cái vuốt tay thuần thục tạo thành những khối, những tiếng thét đau đớn với những cái nẩy tay để thể hiện con người đau đớn, quằn quại bị tra tấn dã man…”.

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh cũng không quên nhắc đến những lời động viên nhắc nhở của thầy Châu trong những lần phụ việc cho thầy: “Có một lần khi tôi đổ giúp thầy một cái tượng chân dung, thầy mời tôi uống rượu rồi chậm rãi kể chuyện cho tôi nghe về tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyên Hồng và thầy bảo: “Người ta sinh ra trên đời có quyền làm bác sĩ, kỹ sư nhưng không có quyền làm nghệ sĩ. Nhớ lấy”.

Họa sĩ - nhà điêu khắc Diệp Minh Châu giờ đã đi xa, và cậu học trò Lưu Danh Thanh ngày nào giờ cũng đã bước vào tuổi 80, thế nhưng câu nói của người thầy năm xưa vẫn khiến ông đau đáu trăn trở: “Tôi có cảm giác như thầy đã dặn với theo thế hệ các đồng nghiệp của tôi, những người vẫn còn nhiệt huyết yêu nghề và sẽ đi trọn cuộc đời như thầy…” – nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh xúc động chia sẻ.

Năm 1996, họa sĩ – nhà điêu khắc Diệp Minh Châu vinh dự được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1) cho các tác phẩm “Võ Thị Sáu”, “Hương Sen” , “Bác Hồ bên suối Lênin”, “Bác Hồ với thiếu nhi”, “Chân dung nhà văn Nguyễn Tuân”, “Hồ Chủ tịch và thiếu nhi Trung – Bắc - Nam”.

Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật: Nhà điêu khắc Diệp Minh Châu là một nghệ sĩ miền Nam đã dành trọn tấm lòng mình với Bác Hồ. Ông đã sáng tác thành công nhiều tác phẩm về Bác và những tác phẩm xuất sắc về hình tượng người chiến sĩ anh hùng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tác phẩm của ông có một phong cách bộc trực mạnh mẽ, khoáng đạt, đậm chất Nam Bộ, tình cảm gần gũi.

Hà Thao
.
.