Hỗn độn… nhạc trẻ Việt

Thứ Hai, 15/08/2016, 20:00
Hỗn độn. Đó là cảm giác của phần lớn công chúng nghe nhạc hiện nay về thị trường nhạc Việt. Lần dò từng bước để đạt tới ngưỡng chuyên nghiệp hay chỉ là những thử nghiệm quái lạ không tuân theo chuẩn mực nào? Ai, nhạc sĩ ca sĩ nào, mới đáng gọi là tài năng hàng đầu thời hiện tại?

Không ai đưa ra câu trả lời thật xác đáng. Chỉ còn lại những phát ngôn "quái gở", những MV, album nhảm… ngang nhiên tồn tại.

Bức tranh loang màu

Thị trường nhạc Việt ghi nhận sự xuất hiện của hàng loạt ca khúc lạ tai, được viết theo lối tả thực với ca từ dễ dãi, đôi khi còn thô tục và âm nhạc thì lủng củng, ít tiết tấu. Một điểm chung dễ thấy của những ca khúc dạng này là tiết tấu sôi động, hiện đại nhưng giai điệu âm nhạc và ca từ thì ít tính nghệ thuật. Ý tưởng nội dung giống nhau đến 90%, đều phản ánh trần trụi các vấn đề tiêu cực xã hội, tình yêu đơn phương, hờn giận trách móc, chia ly, đau khổ...

Những ca từ của bài hát lâm li bi đát kiểu như: "Thì giờ anh nói anh phải lòng trót anh ta, thôi đường anh cứ đi, nỗi đau riêng em". Bên cạnh ngôn từ nhảm nhí, nhiều ca khúc còn có tên gây sốc như "Kiếp đàn ông thân xác đàn bà"; "Bất ngờ anh yêu người cùng phái"... Thậm chí trên các diễn đàn âm nhạc cũng xuất hiện nhiều bài hát có lời lẽ tục tĩu như bài "Phiếu bé ngoan".

Vũ đạo trên sân khấu trong một đêm diễn của nhạc thị trường hiện nay.

Điều đáng ngạc nhiên là không ít ca sĩ bất chấp tất cả để chỉ mong nổi tiếng sau một MV (movie). Điển hình là Sĩ Thanh.  Nhanh chóng trở thành cái tên hot của Vbiz với câu nói "Oh My Chuối" đặc trưng. Không để sự nổi tiếng bị nguội lạnh, cô cùng ê-kíp tung ngay sản phẩm âm nhạc với tựa đề “Oh my chuối”, bị đánh giá là có ca từ vô cùng nhạy cảm có phần dung tục với những động tác vũ đạo khoe thân phản cảm.

Hay ban nhạc HKT với "Nàng kiều lỡ bước" được xem là "đỉnh cao thảm họa" của HKT. Những ca từ như: "Vì ham mê giàu sang, kiều bán đi hạnh phúc đời mình. Rồi em theo cuộc chơi mà chẳng ai xem là cao quý. Để hôm nay mình em thầm khóc cho quãng đời tăm tối, em đã mang căn bệnh thế kỷ" rõ ràng mang một hiệu ứng không tốt cho người nghe.

Điều đáng nói là, cho dù ngôn ngữ vỉa hè, tầm thường, tùy tiện, lủng củng, gây sốc, sến súa... song những ca khúc dạng này lại có vẻ như được nhiều bạn trẻ yêu thích hơn hẳn sản phẩm của các nhạc sĩ chuyên nghiệp(!) Bằng chứng là chúng (những bản nhạc ấy) được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn mạng và nhanh chóng được thuộc lòng. Không những thế, còn thăng hạng liên tục trên các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến.

Ngay cả những tác giả của các ca khúc này cũng phải ngạc nhiên vì sự "thành công" ngoài sức tưởng tượng và sự mong đợi của họ.

Do được nhiều bạn trẻ có phong cách nghe nhạc dễ dãi yêu thích nên nhạc "thời trang" được nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ tìm đến như một cách dễ nhất để thu hút fan hâm mộ, gây dựng tên tuổi. Có cầu ắt có cung, các nhà sản xuất âm nhạc cũng lên kế hoạch một cách bài bản hơn để khai thác loại nhạc này. Cứ thế, cả người sáng tác lẫn người hát bị cuốn theo vòng xoáy của người thưởng thức. Kết quả là, thị trường nhạc Việt ngày một trở nên biến dạng với đầy dẫy những ca khúc "ăn khách rẻ tiền".

Nhạc nghiêm túc lép vế

Câu chuyện ở Trung tâm Bảo vệ bản Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là ví dụ sinh động cho sự lấn át của dòng nhạc thị trường. Danh sách kê khai nhuận bút được chi trả hằng quý đến các nhạc sĩ đã quá chênh lệch giữa nhuận bút của những nhạc sĩ chính thống với những nhạc sĩ sáng tác theo hướng thị trường, giải trí.

Theo quy định về tác quyền của VCPMC thì nhuận bút được chi trả theo số lần ca khúc được sử dụng trong các chương trình âm nhạc ở sân khấu, khách sạn, nhà hàng, nhạc chuông, nhạc chờ, sản xuất băng đĩa... Căn cứ vào đó, tác phẩm của ai được sử dụng nhiều thì đương nhiên sẽ được nhiều nhuận bút.

Điều đáng buồn là khi các nghệ sĩ đã thành danh thì nhuận bút lại khiêm tốn, chỉ là tiền triệu còn những người "làm" nhạc thị trường thì có thể lên đến cả trăm triệu đồng một năm. Sự chênh lệch này, bất cứ nhạc sĩ nào cầm đồng nhuận bút cũng phải ngậm ngùi. Đương nhiên không phải chuyện nhiều hay ít mà là bởi nó đã phản ánh thị hiếu âm nhạc có phần đáng buồn của công chúng hiện tại. Và các tên tuổi thuộc dạng "cây đa, cây đề" cũng chịu sự tác động của thị trường hiện tại. Chính vì sự khó sống được với âm nhạc chính thống, âm nhạc tử tế nên buộc các nghệ sĩ phải bươn chải.

Đã có tình trạng sáng tác theo đơn đặt hàng hay người làm nhạc tử tế phải sống dựa vào các gameshow, các chương trình làm nhạc quảng cáo... Mà chính bản thân họ cũng phải thừa nhận, vì sản xuất nhanh, sản xuất nhiều nên họ không có đủ thời gian và công sức để chăm chút cho đứa con tinh thần của mình. Điều này, vô hình trung đem đến những sản phẩm cũng đậm chất thương mại, hời hợt về mặt nghệ thuật, cảm xúc.

Ở giới ca sĩ cũng chẳng khả quan hơn. Đó là do đáp ứng thị hiếu giải trí mà những cái tên vốn đã rất thị trường như Sơn Tùng... ngày càng nhanh nhạy khi tung ra toàn các MV hát thì ít mà "tấu hài" thì nhiều. Thế nhưng các MV này lại được đón nhận, hưởng ứng hơn cả những sản phẩm chỉn chu, nghiêm túc của chính họ.

Đương nhiên, đó là những gì công chúng đang thích nên không thể chỉ trách người nghệ sĩ. Nhưng cũng chính từ thực tế đó mới sản sinh một hệ lụy là hàng loạt các sản phẩm âm nhạc được ra đời nhưng cái gọi là âm nhạc để lại trong lòng khán giả thì chẳng được là bao.

Thêm nữa, trong khi các nghệ sĩ theo dòng nhạc chính thống phải chật vật lắm mới được công chúng biết đến thì những gương mặt thị trường lại có thể làm những bất thường: Chỉ sau một đêm là cả vạn người biết tới, bằng những scandal đình đám.

Lệch chuẩn?

Ca sĩ Lan Anh, một ca sĩ được đào tạo bài bản, đã e ngại: "Thời buổi những giá trị ảo lấn át, những nghệ sĩ như chúng tôi nhiều khi cũng trăn trở bằng cách nào để đến được với công chúng gần hơn? Thực tế hiện tại rất ít đất cho chúng tôi diễn, bởi bây giờ toàn những sân chơi mang tính giải trí... Có khi nào, chúng tôi lại phải nổi bằng cách đi xe sang, mang túi xịn?...".

Nhạc sĩ Trần Minh Phi đã phải than thở rằng: "Nhạc nghiêm túc bị lấn át bởi vì không thể chống chọi lại với số đông". Nếu như ngày xưa, nghệ thuật lấy sáng tạo, lấy cái đẹp khúc thức và ca từ làm cứu cánh thì nay nghệ thuật lại lấy đồng tiền là mục tiêu. Mà làm theo đồng tiền là phải phục vụ thị hiếu. Vì thế nên mới kéo theo việc, nghệ sĩ sáng tác theo đơn đặt hàng, ca sĩ chạy theo thị hiếu mà hát những ca khúc nhảm, nhạt...

Còn công chúng, từ một bộ phận chạy theo nhu cầu giải trí, càng được đáp ứng lại càng được nhân rộng. Vì thế, kéo theo đại bộ phận công chúng lệch chuẩn thẩm mỹ âm nhạc. Và đương nhiên, hầu hết các nhạc sĩ trẻ đều lựa chọn xu hướng đi theo dòng nhạc mới để sớm nổi, khiến cho thị trường nhạc Việt ngày càng trở nên bát nháo hơn.

Thực tế trong âm nhạc không có mới hay cũ, chỉ có hay hay không thôi. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Và điều quan trọng nhất là nhạc sĩ phải có đủ văn hóa để nắm bắt cái văn minh đó nếu không sẽ tạo ra sản phẩm kệch cỡm. Ví dụ như hip hop là sản phẩm âm nhạc của người da đen, khi kết hợp với âm nhạc châu Á thì phải hiểu để làm thế nào dung hòa được sự khác biệt của hai nền văn hóa.

Nếu không có đủ trình độ người nhạc sĩ không thể tiếp cận được. Nhưng đáng tiếc là sự học hỏi của các nhạc sĩ trẻ của chúng ta vẫn còn chưa đến nơi đến chốn, vậy nên họ mới vẽ nên một bức tranh không rõ nét cho âm nhạc Việt.

Nhạc sĩ Huy Thục từng cho rằng âm nhạc chúng ta thiếu nhất là… âm nhạc. Nghĩ mà xem trước đây tôi hay bạn không biết tiếng Nga, Anh, nhưng đều có thể nghe và thuộc lời, cảm nhận được các bài hát nó hay đến thế chỉ bởi vì nó có nhạc. Giờ thì sao, nghe 100 bài cũng chưa chắc thuộc nổi một hoặc nhớ rồi lại quên ngay...

Thiếu định hướng

Theo nhạc sĩ Huy Thục, trước đây, vai trò của lý luận được đề cao, người nghệ sĩ muốn sáng tác hay biểu diễn thì cần phải học lý thuyết của sáng tác, biểu diễn. Và không phải vai trò lý luận không được đề cao mà bởi trường học chỉ đào tạo ra được những nhà lý luận phê bình về nhạc cổ điển, không lời... Còn âm nhạc hiện đại vẫn chưa được đề cập đến. Dần dần diễn đàn cho âm nhạc được nhường sân cho các nhà báo, “bình loạn” nhiều hơn nghiêm túc. Hiện tại thì chính truyền thông đang đóng vai trò định hướng cho âm nhạc. Nên, chuyện hỗn loạn là dễ hiểu.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ có một khoảng trống về văn hóa đương đại nếu nó không được nhìn nhận, nếu người ta chỉ quay về những giá trị cũ. Chỉ riêng trong lĩnh vực nhạc nhẹ, người mà tôi gọi là trẻ nay đều đã bước qua tuổi 40. Họ đã hoạt động âm nhạc từ khi còn ở độ tuổi gọi là "Tuổi 20 yêu dấu". Họ đã là một thế hệ âm nhạc mới, có dấu ấn đàng hoàng. 20 năm là khoảng thời gian khá dài, đủ để hình thành sự nghiệp cho mỗi cá nhân và thành tựu cho cả một thế hệ. Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Võ Thiện Thanh, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Lưu Hà An, Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Duy Hùng v.v... lần lượt tiếp nối nhau.

Nhạc sĩ Dương Thụ và nhạc sĩ Huy Thục.

Và thế hệ này cũng tiếp nối những người đi trước: Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Thanh Tùng, Bảo Chấn... Nhưng với cách thức quảng bá trong đời sống âm nhạc hiện nay do sự chi phối của thương mại nó đã bị lu mờ trước làn sóng âm nhạc thị trường, nhạc xưa do các ông bầu kinh doanh khởi xướng. Làm gì để cải thiện tình hình này là một câu hỏi rất lớn.

Khi nào nhạc "sạch" tìm được chỗ đứng? Và khi nào nghệ sĩ có thể sống được với nhạc tử tế? Có lẽ còn là một chặng đường dài tìm kiếm. Nhưng "sẽ chẳng đi đến nơi nào đàng hoàng tử tế được nếu không thay đổi tư duy, nâng cao dân trí cũng như văn hóa ứng xử trong phê bình lý luận", nhạc sĩ Trần Minh Phi khẳng định. Điều này đúng, bởi đã đến lúc đối tượng thưởng thức, khán giả cần phải nhận rõ vai trò của mình trong việc nâng tầm cho nghệ thuật tử tế phát triển.

Chính công chúng chứ không phải ai khác đã đến lúc phải tự "làm sang" gu thưởng thức nghệ thuật của mình. Và cũng chính công chúng đã đến lúc thực thi quyền lực của mình để loại trừ những chiêu trò phản nghệ thuật, đào thải những sản phẩm kém chất lượng để âm nhạc tử tế và người làm nghề tử tế được sống tốt với nghề!

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn thì cho rằng còn nhiều người rất tâm huyết và tài năng. Những con người đó sẽ tìm đến với nhau, chơi với nhau và tạo ra được một không gian âm nhạc dành cho những khán giả thực sự biết nghe. Âm nhạc có mới hay có thế nào, cũng không thoát ra khỏi Chân - Thiện - Mỹ. Còn những hiện tượng bây giờ là lỗi do truyền thông. Nếu truyền thông không tung lên thì làm sao mà người ta biết được?

Âm nhạc Việt sẽ thay đổi, sẽ chuyên nghiệp hơn, phân thành từng dòng từng loại. Chương trình nhạc pop không bao giờ đứng chung với nhạc jazz. Người ca sĩ này, không bao giờ đứng chung sân khấu với người kia.

Còn nhạc sĩ Dương Thụ thì có góc nhìn trầm hơn. Ông cho rằng làm nghệ thuật nghiêm túc thì ai cũng như thế thôi. Lớp trẻ nhiều người hay lắm, nhưng hơi nhanh quá, đôi khi khiến chúng ta thất vọng. Nếu thật sự yêu họ, phải kiên nhẫn và có con mắt xanh và phải cố gắng để hiểu họ, vì họ sinh ra trong một thời đại khác. Giới trẻ là tương lai của âm nhạc Việt Nam. Nếu không ưu ái và tạo điều kiện cho họ thì còn cho ai nữa?

Chúng ta "đầu tắt mặt tối" mà hiệu quả trong cuộc sống chẳng có là bao. Làm cái gì cũng vội vã, không đến nơi đến chốn mà vẫn nghĩ rằng, "mình đi tắt đón đầu", đó thật sự là một bi kịch. Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là phải biết mình là ai. Biết mình là ai sẽ có lựa chọn đúng, mới có thể hoàn thiện mình được. Sự hoàn thiện của mỗi cá nhân sẽ mang lại những giá trị không chỉ cho bản thân mình mà còn cả cho xã hội và cộng đồng mình sống.

Mỹ Trân
.
.