Hong Kong: Huyết mạch ngầm định hình bản sắc văn hóa

Thứ Tư, 19/06/2019, 06:57
Nhắc đến Hong Kong, công chúng sẽ nghĩ ngay đến những ánh đèn neon mê hoặc, những tòa nhà chọc trời và những khung cảnh tuyệt đẹp trước tầm mắt khi nhìn từ đỉnh núi Thái Bình (Victoria Peak).

Đặt chân đến đây, bất cứ ai cũng sẽ choáng ngợp trước hệ thống giao thông nhộn nhịp, những trung tâm thương mại sang trọng, những quán bar bắt mắt và nhịp sống tràn đầy năng lượng của thành phố. Nhưng, khi bạn bước chậm lại, thật khó để tìm một giá trị văn hóa địa phương ở đây, nơi các nghệ sĩ trẻ tuổi đang vật lộn giữa thế giới của thương mại và văn hóa ngoại lai.

Thời trang và sự đụng độ giữa các nền văn hóa

Phần lớn, văn hóa của Hong Kong gắn bó chặt chẽ với văn hóa, giá trị và truyền thống của Trung Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện xoay quanh chủ đề bản sắc văn hóa của Hong Kong vẫn còn rất mơ hồ. Sau 156 năm dưới sự cai trị của Anh, khi Hong Kong quay trở về với đại lục vào năm 1997 phần lớn người nói tiếng Quảng Đông trên thành phố đảo đã chuyển sang nói tiếng Trung Quốc phổ thông (Quan Thoại) như Trung Quốc đại lục.

Vì vậy, việc giao thoa văn hóa là không tránh khỏi. Một mặt, văn hóa Trung Quốc đại lục luôn gợi đến cảm giác ấm cúng của các cuộc họp mặt gia đình, với những bữa ăn ngon, thời gian nghỉ ngơi thơ mộng và những bộ phim truyền hình hấp dẫn.

Một thương hiệu thời trang đã nỗ lực xoa dịu xung đột bản sắc văn hóa này đó là Yat Pit có trụ sở tại Hong Kong. Thương hiệu này được thành lập bởi On Ying-lai - một người Hong Kong từng học ngành thiết kế thời trang ở Anh và Jason Mui -một đại diện của nền văn hóa thứ ba là Vương quốc Anh, từng làm việc ở Hong Kong trong 8 năm qua với mục đích kết nối các di sản của thế hệ trước.

Nghệ sĩ 3D Ruby Gloom.

Họ đã cùng nhau tạo ra những thứ thiết yếu trong tủ quần áo hằng ngày dựa trên các tài liệu tham khảo về văn hóa Hong Kong và Trung Quốc đại lục và lưu giữ trong studio của họ ở Sham Shui Po.

“Những gì chúng tôi đang làm là đi sâu vào di sản Trung Quốc, sau đó giải mã nó để tạo ra những bộ trang phục cho một thế hệ, họ có thể chọn mặc những gì đại diện cho chính mình với tất cả niềm kiêu hãnh. Chúng tôi không muốn bỏ chúng vào hộp và dán “nhãn Hong Kong” hay “nhãn Trung Quốc”.

Những gì chúng tôi đang làm chỉ là lấp đầy một khoảng trống. Tôi lớn lên ở Hong Kong vào giữa những năm 80, dưới sự cai trị của Anh. Tôi học bằng Anh nhưng tất cả gia đình và cuộc sống của tôi đã sống rất nhiều với truyền thống và giáo lý của Trung Quốc. Đó là một sự pha trộn hoàn hảo của các nền văn hóa”, Ying-lai nói.

Jason Mui nói thêm: “Hầu hết các nhà thiết kế lớn của châu Âu đều đã sử dụng các họa tiết trong thời trang của Trung Quốc cho các thiết kế của mình. Nhưng đây vẫn luôn là một ảo mộng của Trung Quốc. Bây giờ, định nghĩa của thiết kế Trung Quốc đã thay đổi về đặc tính và nguồn gốc. Nghĩa là, chúng ta phải nói lên được mình đến từ đâu, những gì mình được dạy và những gì chúng ta coi trọng”, Yat Pit kể về phát hiện này của mình.

Issac Lam, một trong những nhiếp ảnh gia danh tiếng nhất ở Hong Kong cho rằng: “Người Hong Kong hiện nay có xu hướng thích các nền văn hóa nước ngoài nhiều hơn mà quên đi cái của riêng mình”. Giải thích về điều này, Issac Lam cho rằng đây là lẽ đương nhiên vì lịch sử và giáo dục thuộc địa khiến con người nơi đây có xu hướng hướng ngoại. Do đó, những phê bình nhiều nhất về sự sáng tạo của nghệ thuật Hong Kong là thiếu tính cá nhân và bản sắc địa phương.

“Tôi nghĩ rằng lý do là vì người Hong Kong tin rằng họ mẫn cảm với thành phố thành phố của mình và coi đó là điều hiển nhiên. Vấn đề của tôi cũng như những người sáng tạo và nghệ sĩ trẻ là giữ gìn bản sắc văn hóa Hong Kong và tái hiện lại nó theo một cách mới và toàn diện hơn. Bạn sẽ thấy rất nhiều nhiều người thuộc giới tính, độ tuổi và màu da khác nhau làm việc trong ngành của tôi. Và tôi tin mình có thể chạm tới nghệ thuật thẩm mỹ thực sự của Hong Kong”, Issac Lam nói.

Vị nhiếp ảnh gia này cũng bày tỏ sự kỳ vọng ở những thương hiệu như Yat Pit và các nhà thiết kế như Jason và On Ying - những người nắm bắt văn hóa Hong Kong. Điều đó khiến anh cảm thấy mình có trách nhiệm đại diện cho văn hóa Hong Kong và Trung Quốc.

Ca sĩ Merry Lamb Lamb.

Xung đột giữa các thế hệ

Thất vọng và bất mãn đối với các nhà lãnh đạo thành phố đã gây sốt vào năm 2014 khi những người biểu tình, chủ yếu là do giới trẻ của thành phố làm thủ lĩnh đã kích động cuộc “Cách mạng Dù”.

Những người trẻ tuổi của thành phố cảm thấy bị hiểu lầm và bất lực trong một thời gian khi họ phải chi quá nhiều cho tiền nhà trong khi nhận được đồng lương ít ỏi với công việc phải làm trung bình 60-70 giờ một tuần. Vấn đề này xảy ra với rất nhiều nhà sáng tạo trẻ ở các thành phố lớn trên thế giới. Nhưng ở Hong Kong, cảm giác tuyệt vọng càng tăng lên. Chỉ vì thiếu không gian, họ chấp nhận sống chung với bố mẹ và mắc kẹt với những suy nghĩ cố hữu của các bậc phụ huynh - những người vốn coi trọng giá trị công việc ở những ngành y học, pháp luật và kỹ thuật thay vì sáng tạo nghệ thuật.

Cuộc “Cách mạng Dù” cũng là một lời khẩn cầu từ những người trẻ tuổi đến thành phố để nhìn lại những quan niệm trước đây và tạo điều kiện cho quan điểm, cá tính riêng biệt ngay cả khi hợp nhất với Trung Quốc đại lục.

“Không thể phủ nhận rằng cuộc “Cách mạng Dù” đã thay đổi bối cảnh sáng tạo và cách nó đặt giá trị cốt lõi của bản sắc Hong Kong lên hàng đầu. Kết kết quả là nó đã ảnh hưởng đến các nghệ sĩ như Fotan Laiki hay Merry Lamb Lamb, người mà tôi ngưỡng mộ vì họ tạo ra một âm nhạc thực sự đại diện cho những người Hong Kong trẻ tuổi”, nhiếp ảnh gia Issac Lam cho hay.

Bản thân nhạc sĩ indie-Electro, Merry Fung, người có nghệ danh là Merry Lamb Lamb cũng thừa nhận mình đã phải kìm nén cảm xúc của cá nhân từ rất lâu. “Khi nghe thấy tiếng nói của thế hệ mình, tôi hơi buồn, một chút tuyệt vọng và chấp nhận rằng chúng ta không thể thay đổi suy nghĩ của thành phố này. Nhưng điều đó vẫn không thể ngăn chúng nói lên suy nghĩ của mình”, Lamb Lamb nói.

Lamb Lamb là hiện thân của nền văn hóa lai tạo Hong Kong và những xung đột nội bộ đi kèm với nó. Học tại Canada từ năm 15 tuổi, Lamb Lamb đã trở lại Hong Kong cách đây không lâu để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc của mình.

“Tôi cảm thấy như mình không thực sự đến từ Canada và cũng không thực sự đến từ Hong Kong. Giống như tôi đang ở giữa biển khơi. Suốt một thời gian dài, tôi cảm thấy mình không phù hợp với nơi đó. Tôi bị bắt nạt ở trường trung học vì thế tôi đã tạo ra một thế giới của riêng mình, thông qua âm nhạc và anime (phim được chuyển thể từ các truyện tranh Manga của Nhật Bản). Đó là nơi an toàn, nơi tôi có thể nói bất cứ điều gì tôi muốn và thể hiện sự tức giận và buồn bã của mình để an ủi bản thân và những người khác”, Lamb Lamb giãi bày.

Mặc dù âm nhạc của Lamb Lamb là sự pha trộn giữa nhịp điệu synth-pop, điện tử và nhịp điệu lấy cảm hứng từ anime nhưng nó thường trái ngược với thông điệp trong lời bài hát của cô. Cô thường viết về sự sự cô độc và lối sống Otaku (có từ Nhật Bản, chỉ những người đam mê điều gì đó một cách thái quá).

Những bộ trang phục của thương hiệu Yat Pit; Yat Pit không muốn dán nhãn rạch ròi giữa Hong Kong hay Trung Quốc.

Là một người hướng nội, Lamb Lamb dành phần lớn thời gian ở nhà để viết và kết nối với bạn bè qua mạng. Lần duy nhất cô rời khỏi nhà là đến phòng thu để kết hợp một bản nhạc mới hoặc xem liveshow ở This Town Needs với người bạn tốt của cô là rapper Dough-Boy và nghệ sĩ 3D Ruby Gloom.

Gloom có lẽ là một trong số ít các nghệ sĩ 3D kỹ thuật số ở Hong Kong bắt đầu được chú ý. Sau khi hoàn thành một tấm bằng tiếng Anh để xoa dịu cha mẹ, Gloom đã tìm được con đường đến với nghệ thuật thị giác sau một thời gian ngắn làm việc trong lĩnh vực thời trang. Hiện, cô đã thành lập một công ty về nghệ thuật 3D của riêng mình mang tên Bakerie Entertainment.

“Tôi được sinh ra vào những năm 90, tôi thực sự thích phong cách Cyberpunk (một nhánh của thể loại khoa học viễn tưởng). Thực tế, tôi bị ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Nhật Bản. Nhưng tôi thấy Hong Kong có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Cyberpunk. Rất nhiều trò chơi và phim ảnh sử dụng Hong Kong làm tài liệu tham khảo và vì đó là nơi tôi đến, tôi nghĩ sẽ thật tuyệt khi tạo ra một biểu tượng cho nơi này”, Gloom nói.

Thành công gần đây nhất của Gloom là tạo ra hình ảnh đại diện cho Fashion Farm Foundation - một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho sân khấu thời trang và thiết kế địa phương của Hong Kong. Nhờ đó, thương hiệu của cô được xuất hiện trên khắp các tấm đèn LED ở Vịnh Causeway - một cơ hội quảng bá “béo bở” cho Bakerie Entertainment.

Tuy nhiên, với sự nổi tiếng ngày càng tăng của mình, Gloom nhận ra rằng nghệ thuật của cô gợi nên một chút khủng hoảng về sự tồn tại (Existential crisis). “Tôi tự hỏi mình rằng sẽ ra sao nếu tôi chết đi? Vì những người khác có thể dùng hình ảnh của tôi và cái tên Ruby Gloom vẫn có thể tồn tại mà không có tôi. Ước mơ cuối cùng của tôi là tạo ra một robot Ruby Gloom thực sự có thể sống mãi mãi”, Gloom nói về ý tưởng táo bạo của mình.

Nếu bỏ qua việc tương lai nhân loại sẽ bị chiếm lĩnh bởi trí tuệ nhân tạo thì viễn cảnh của Hong Kong cũng còn nhiều lo ngại. Đó sẽ là cuộc sống khó khăn trong một thành phố lớn, tràn ngập tiếng ồn, ánh đèn sáng rực và nhiều thách thức khác khiến con người ngày càng chịu nhiều áp lực. Nhưng cũng chính không gian này đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ dám bước về phía trước, khiến người khác phải lắng nghe tiếng nói nói của họ, ngay cả khi họ đến từ nơi dễ khiến người khác bị tổn thương.

“Đó là một bữa tiệc đáng thương nhưng đó là những gì chúng ta cần”, Lamb Lamb kết luận.

Thảo Dung (theo Another)
.
.