Hương Khê sau cơn lũ quét

Thứ Sáu, 11/11/2016, 07:45
Những ngày vừa qua, hàng triệu tấm lòng cả nước hướng về miền Trung và những vùng chịu hậu quả của thiên tai, lũ lụt. Cơn lũ đầu chưa xong, cơn lũ sau lại ào tới, cuốn trôi mọi thứ. Lũ “chồng” lũ, Hương Khê, Hà Tĩnh vốn đã nghèo lại càng thêm xơ xác.

Và cũng trong tình cảnh ấy, vẫn thấy nổi bật lên, là tình người trong lũ; sự gắn bó quân dân, bà con đồng sức đồng lòng khắc phục và vượt qua hậu quả nặng nề của thiên tai.

Thị trấn Hương Khê vài ngày sau cơn lũ thứ hai, thoáng qua bề ngoài cũng không khác gì mấy, ngoại trừ vệt ngấn nước còn đọng lại trên tường nhà và một ít rác rều vướng lại các chạc cây.

Thiếu tá Lê Xuân Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Hương Khê và cũng là một người trong gia đình có hơn một thế hệ gắn bó với huyện, bảo Hương Khê thì lũ lụt nhiều, nhưng có lẽ chưa bao giờ nước lên nhanh như trận lụt năm nay. Đặc biệt là trận lụt đầu tiên. 4 giờ chiều đồng chí Giang (Cao Song Giang, Trưởng Công an xã Hương Trạch) báo nước bắt đầu tràn qua đường cái, thế mà chỉ đến 7 giờ tối là ngập trắng, dân chỉ kịp chạy lấy người...

Báo cáo sơ bộ chỉ riêng trong trận lụt đầu tiên toàn huyện có 10.357 hộ bị ngập, trong đó có 2.576 hộ bị ngập sâu trên 2m nước. Dân chủ yếu làm nông, lâm nghiệp nên thiệt hại rất nặng nề. 200 ha bưởi Phúc Trạch bị cuốn trôi. 400 ha khác bị ảnh hưởng. Nhiều nhà kiên cố cũng bị nước lũ cuốn trôi.

Đồng chí Lê Anh Tú, Chỉ huy phó Quân sự xã Phương Điền chỉ tay hướng con đường vào Phương Điền đang bị chia cắt bởi nước ngập.

Đồng chí Lê Đức Anh, Phó Trưởng Công an xã Phúc Trạch vào nhà dân hỗ trợ sơ tán người già, bị nước cuốn trôi xe máy, mấy ngày sau mới tìm lại được. Thiệt hại nặng nề nhất vẫn là các xã thuộc trục sông Ngàn Sâu như Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Hương Giang, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ, Phú Phong, Hương Xuân, Phúc Đồng, Hòa Hải.

Trong tình hình cấp bách đó, lực lượng Công an huyện Hương Khê đã luôn sát cánh cùng bà con nhân dân. Từ khi lũ lụt xảy ra đến khi nước rút, 100% cán bộ chiến sĩ ứng trực. Có ngày cao điểm, 3 chiếc xuồng của Công an huyện gần như không tắt máy.

Lãnh đạo Công an huyện ngay khi ấy đã cử trực tiếp 22 cán bộ chiến sĩ xuống khu vực 22 xã ngập úng, chịu ảnh hưởng của lụt để đảm bảo công tác an ninh trật tự tại địa bàn cũng như cứu hộ kịp thời. Có cán bộ chiến sĩ xuống xã mấy ngày không về trong khi chính nhà mình cũng đang bị ngập.

Toàn bộ lực lượng của Công an huyện được huy động đảm bảo 4 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Cũng bởi tinh thần tận tụy và chỉ đạo sát sao ấy mà mấy năm trở lại đây, Hương Khê năm nào cũng có lũ nhưng không có thiệt hại trực tiếp về người. Chỉ có điều huyện nghèo, bà con chủ yếu làm nông nghiệp, nên cứ mỗi đợt lũ về là tan hoang hết cả...

Chị Nguyễn Thị Huyền đứng trên nền căn nhà đã bị lũ cuốn trôi.

Đường về xã Phương Điền đi qua cầu Phúc Đồng bắc qua sông Ngàn Sâu. Đứng trên cầu nhìn xuống nước vẫn lênh láng tràn qua mặt đê. Mấy cây cột điện chơ lơ giữa biển nước, nhìn như cây tre cắm giữa mặt ao. Cũng chính vì lý do này mà chúng tôi không vào được Phương Mỹ, xã duy nhất lúc ấy vẫn còn đang bị cô lập hoàn toàn. Lý do là bởi nhiều chỗ nước ngập không đủ sâu để đi thuyền máy, trong khi điện đã đóng, không lội được.

Đón chúng tôi vào Phương Điền bằng thuyền là đồng chí Lê Anh Tú, Chỉ huy phó quân sự xã Phương Điền và Lữ Xuân Bình, Thôn đội trưởng Thôn đội 5. Thiếu úy Lê Đức Nhật, cán bộ đội Công an phụ trách xã đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc áo phao cho yên tâm.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền, nhà ở xóm 6, từ hôm tới giờ ngày nào lên trụ sở xã ở xóm 3 cũng phải đi qua mấy quãng đò mới tới nơi. Lũ đợt đầu Phương Điền ngập 7 ngày, cô lập hoàn toàn. Lũ lần hai nước lên chậm hơn, và rút cũng chậm hơn.

Ông Minh bảo, đã là người dân Hương Khê thì chẳng lạ gì với lũ lụt cả. Huyện nằm nơi đầu nguồn sông Ngàn Sâu, cuối nguồn là huyện Đức Thọ. Ba bề bốn bên là núi, toàn bộ lũ của Hương Khê chỉ thoát qua đường sông Ngàn Sâu. Nước qua cầu Cửa Rào, là điểm cuối của huyện, thì bắt đầu gặp đoạn 9 khúc quanh co tự nhiên làm giảm lưu lượng lẫn tốc độ thoát nước một cách đáng kể nên ngập là đương nhiên.

Dưới chân thủy điện Hố Hô.

Mỗi khi nước về, mấy xã đầu nguồn như Hương Trạch, Phúc Trạch sẽ ngập trước, nhưng rút cũng nhanh. Sau đó nước sẽ đổ về “ngâm” Phương Điền, Phương Mỹ, Phúc Đồng. Năm nào cũng vậy. Đợt lũ nào cũng thế. Không có thủy điện Hố Hô cũng ngập (như trận lũ năm 2007, to gần bằng năm 2010 chẳng hạn, đã làm gì có đập Hố Hô). Mà có Hố Hô cũng ngập. Thủy điện có xả lũ chỉ là thêm nước mà thôi.

Nói đến đây lại nhớ lúc làm việc tại Công an huyện, Thượng tá Phạm Thanh Hải, Phó Trưởng Công an huyện Hương Khê cho biết trong số những đoàn cứu trợ lũ lụt vừa rồi, đã phát hiện có trường hợp lợi dụng phát quà để tuyên truyền thông tin sai lệch, kích động giáo dân và bà con nhân dân. Hố Hô là thủy điện nhỏ, trữ lượng chỉ khoảng 38 triệu m3 với 2 tổ máy 7 megawat làm sao đủ sức gây lụt đến vậy?

Bảo rằng ảnh hưởng môi trường, môi sinh, thì chắc chắn là có. Nhưng nhằm vào nó là nguyên nhân chính để đổ lỗi cho chính quyền về hậu quả và trách nhiệm của trận lụt vừa qua thì hẳn là thiếu hiểu biết và không minh bạch chút nào.

Lũ về mang theo không ít thì nhiều phù sa cho đất. Tưởng rằng thế thì canh tác sẽ thuận lợi hơn, nhưng chẳng phải. Người dân mấy xã rốn lũ như Phúc Đồng, Phương Mỹ, Phương Điền chỉ sản xuất được lúa vụ xuân. Còn từ cuối tháng 8 đổ đi đến cuối năm là mùa mưa lũ, nước ngập đồng. Mỗi năm một vụ, lúa chỉ đủ ăn. Nuôi bò mấy tháng mùa lũ chỉ có cỏ khô, năng suất thấp. Cây ăn quả lâu năm có cây nào chịu được ngâm trong lũ?

Công an huyện Hương Khê và các lực lượng Dân quân tự vệ giúp vận chuyển người dân qua vùng ngập nước.

Bà con thì đã quá quen với cảnh ngập, nhà ở dưới thấp đến mùa mưa lũ thì gửi đồ và người lên ở xen dăm với nhà trên núi nên người và gia súc, gia cầm cũng đỡ hơn. Nhưng hoa màu thì mất trắng. Thành ra nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nhiều người già ở đây khẳng định lũ ngày xưa vẫn có, nhưng không nhiều và mau như bây giờ. Thủy điện cũng là tác nhân, song nếu quên đi 650 ha đất rừng bị phá đi trồng cao su thì sẽ là thiếu sót lớn. Cao su là loại cây đã trồng nó rồi thì không trồng được loại cây gì khác, từ gốc nọ sang gốc kia trống huếch trống hoác, làm gì có tác dụng ngăn lũ. Mủ thì không cạo được vì thổ nhưỡng này đâu có phù hợp.

Mà trồng ở đâu thì trồng, chứ lại mang cao su lên phá rừng đầu nguồn để trồng thì đúng là hết nói? Đợt trước mấy cái dự án phát triển cây cao su dềnh dang là thế, giờ thì...

Và rốt cuộc, người phải chịu hậu quả, có ai khác ngoài bà con? Con gái bà Hương, mới sinh được 2 tháng mà 4 lần phải chạy lũ. Bà ở xóm 2, cũng ngần ấy lần phải lên xóm 3 dọn đồ chạy lũ và dọn dẹp nhà cửa cho con sau khi nước rút. Ngồi ở bên đường chờ đò, bà Hương than con gái lấy chồng 2 năm nay chưa tách được hộ, giờ cứu trợ đến chia theo hộ gia đình, con gái chẳng được gì, tội nó quá!

Công an huyện Hương Khê hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Lương và chị Nguyễn Thị Huyền bị lũ cuốn trôi nhà.

Nằm giáp ranh với xã Hương Hóa của tỉnh Quảng Bình, và cùng là đầu nguồn Ngàn Sâu, dưới chân thủy điện Hố Hô nhưng do địa hình thấp hơn nên Hương Trạch chịu hậu quả lũ cũng nặng nề hơn nhiều.

Chị Nguyễn Thị Huyền ở xóm Kim Sơn, xã Hương Trạch ngơ ngác trên nền nhà trống trơn, nơi mới chỉ cách đây ít ngày còn căn nhà gỗ, là nơi chui ra chui vào của 2 mẹ con chị. Chồng chị Huyền bị đuối nước trong trận lụt năm 1990. Một mình chị nuôi con gái đến giờ.

Tối hôm 14/10, nước lũ về nhanh quá, chị Huyền chỉ kịp dắt con và cõng bố chồng là ông Nguyễn Lương, năm nay đã 86 tuổi, lên nhờ nhà cao hơn trên đồi. Tài sản, hoa màu để lại mất trắng. Đến cái nhà cũng bị lũ cuốn trôi, trơ lại mỗi nền nhà.

Hôm rồi huyện đội cho người sang gom lại được ít gỗ, nhưng cũng chẳng đủ dựng lại. Hơn 20 con gà, may còn được một con mái kịp nhảy lên cành cây cao. Bưởi Phúc Trạch hơn 100 gốc sắp ra quả, nước ngâm bật cội hết. Hỏi chị bây giờ mần răng chừ hè? Chị cười: Nỏ biệt mần răng chừ!

Trong cảnh nước lũ tràn về, nhà nhà chạy lụt, vẫn có những câu chuyện cảm động xóm quê. Trường hợp hai ông bà Hoàng An và Phan Thị Nghiên thật quá thương tâm. Ông năm nay 78 tuổi, bà 75. Mưa về, nước lên, hai ông bà không chạy kịp lên đồi, đành chui lên căn gác tránh lũ.

Đồng chí Cao Song Giang - Trưởng Công an xã Hương Trạch - với tay tới vết rều đọng lại trên cành cây, đánh dấu mức nước ngập.

Giữa mưa to gió lớn như vậy, ông bà dỡ ngói ngồi thò đầu lên mong tìm người giúp đỡ mất một ngày một đêm. Người làng sau biết chuyện, phân công thanh niên dũng cảm đi thuyền vào tiếp tế nước uống và đồ ăn cho hai ông bà, chờ nước rút. Của cải trong nhà trôi sạch, chẳng còn gì...

Đến thời điểm này, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân vẫn không ngừng vận động, quyên góp tiền và quà cho đồng bào đang phải chịu hậu quả nặng nề của bão lũ ở các tỉnh miền Trung và khắp cả nước. Thật là qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau. Mong rằng những tấm lòng, những tình cảm và những sự giúp đỡ trong sáng ấy đến được với bà con càng nhanh càng tốt, đến đúng nơi cần đến, đạt được hiệu quả đích thực.

Việt Ba
.
.