Huy Du - một nhạc sĩ tài hoa đã ra đi

Thứ Tư, 02/01/2008, 09:30
Từng là nhạc sĩ quân đội, làm Trưởng đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, rồi chuyển sang làm Phó tổng Thư ký rồi Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam (nay gọi là chủ tịch) từng là đại biểu Quốc hội, nhưng ở đâu, lúc nào, Huy Du cũng bộc lộ một tư chất nghệ sĩ với đầy đủ ý nghĩa. Điều đó được thể hiện rất rõ trong toàn bộ tác phẩm của ông.

Nhạc sĩ Huy Du ngay từ những năm kháng chiến chống Pháp đã gần gũi với công chúng bởi một số bài hát nổi tiếng như: “Ai về thủ đô” (1946),  “Ba Vì năm xưa” (1948), “Gánh thóc về tự do” (1948), “Hàng dừa xanh” (1959). "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát", "Đường chúng ta đi"...

Ông là một trong những nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, có sự nghiệp sáng tác đồ sộ cả về số lượng và chất lượng, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần Việt Nam suốt nửa sau thế kỷ XX, đã in đậm dấu ấn trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng, đặc biệt là bộ đội.

Tuy không quá đột ngột nhưng tin nhạc sĩ Huy Du tạ thế không khỏi gây sững sờ cho bạn đồng nghiệp, học trò và hàng triệu công chúng. Vào hồi 20h50’ ngày 17/12/2007, nhạc sĩ lớn của chúng ta trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu Nghị, hưởng thọ 82 tuổi.

Vẫn biết ông đã vượt quá ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”; vẫn biết ông đã mắt mờ, tai kém, chân run từ dăm bảy năm nay và mang trọng bệnh ung thư đại tràng những năm cuối đời, lại vẫn biết sự nghiệp ông bề thế, những gì ông để lại cho đời là vô giá nhưng tôi - và chắc chắn với nhiều người khác - vẫn thấy thật đáng tiếc.

Trong ý nghĩ của tôi, ông không bao giờ già. Cứ nói chuyện nghệ thuật, sáng tác, chuyện Hội Nhạc sĩ thì ông không bao giờ có thể dứt được.

Nhớ cách đây không lâu, tôi còn sang nhà ông chơi, gặp nhau ông vẫn cười vui mà rằng: “Họ phát hiện tớ ung thư đại tràng mấy năm nay rồi mà tớ cứ đợi mãi chẳng thấy gì. Hóa ra ông trời vẫn thương tớ cậu ạ. Tớ còn tiếp tục sống”. Nghe ông nói, tôi thấy ấm lòng và tin rằng ông chưa thể ra đi như nhiều người dự đoán.

Ấy thế mà vèo một cái, vài tháng trôi qua, bận bịu theo dòng đời hối hả, tôi không có dịp sang thăm ông thì nhận tin ông đã qua đời.

Thế là, từ nay, người dân sống ở khu Nam Thành Công không bao giờ còn thấy một ông già da đỏ au, tóc trắng như cước vẫn chậm rãi, lững thững tản bộ mỗi buổi chiều, tay luôn cầm một vài tờ báo, sẵn sàng trò chuyện với bất cứ ai, hào hứng đàm đạo mọi chuyện nhân tình, thế sự.

Hòa nhạc và tốp ca bài "Sông Hàn vang tiếng hát" của nhạc sĩ Huy Du được biểu diễn tại Đà Nẵng.

Từng là nhạc sĩ quân đội, làm Trưởng đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, rồi chuyển sang làm Phó tổng Thư ký rồi Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam (nay gọi là chủ tịch) từng là đại biểu Quốc hội, nhưng ở đâu, lúc nào, Huy Du cũng bộc lộ một tư chất nghệ sĩ với đầy đủ ý nghĩa. Điều đó được thể hiện rất rõ trong toàn bộ tác phẩm của ông.

Thường thì người nghệ sĩ khi đảm đương công việc quản lý, nhất là ở những cương vị cao dễ ảnh hưởng đến sáng tác; hoặc không viết được nữa, hoặc vẫn có thể cho ra tác phẩm nhưng ít nhiều khô cứng. Ở Huy Du, điều đó đã không xảy ra.

Cảm xúc dào dạt, rất trữ tình, lãng mạn hòa quyện với một tư duy trí tuệ và sâu sắc để tạo nên một phong cách độc đáo, vừa có sức nặng, chiều sâu tư tưởng, lại vừa bay bổng đã khiến những bài hát của ông có sức hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng.

Giai điệu đẹp, óng ả, giàu sức biểu cảm cộng với những tiết tấu được dụng công tìm tòi đã tạo nên những hình tượng âm nhạc thật đắt, khiến ca khúc của ông rất dễ “vào” số đông công chúng bình dân, nhưng vẫn lôi cuốn những người nghe khó tính, có trình độ cao.

Có thể thấy điều này ở hàng loạt bài rất nổi tiếng: “Nổi lửa lên em”, "Anh vẫn hành quân", "Cùng anh tiến quân trên đường dài", "Việt Nam trên đường chúng ta đi", "Thề quyết bảo vệ Tổ quốc", "Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi", "Bạch Long Vĩ đảo quê hương", "Tình em", "Bài ca biển cả...".

Nhạc của Huy Du giản dị, dễ nghe, dễ hát mà sâu sắc, có tầm tư tưởng khái quát cao và không chung chung, khô cứng. Chất “chính luận” và chất “trữ tình” là hai yếu tố nổi bật rõ nét luôn hòa quyện chặt chẽ, nhuần nhuyễn trong ca khúc Huy Du.

Về phương diện ngôn ngữ âm nhạc, có thể nói ông là một trong những  nhạc sĩ xuất sắc tiêu biểu nhất cho khuynh hướng “dân tộc hiện đại” - một phương châm đúng đắn luôn được nhiều người đề cao, phấn đấu nhưng không dễ thành công.

Với lớp nhạc sĩ hậu thế có thể học được ở Huy Du rất nhiều điều: cách tiếp cận cuộc sống, khai thác những khía cạnh độc đáo, nuôi cảm xúc trong quá trình hoàn chỉnh một tác phẩm sáng tạo giai điệu các thủ pháp về ly điệu, chuyển điệu, tư duy hòa thanh tổ chức kết cấu, nghệ thuật phổ thơ, làm lời ca...

Và bao trùm lên tất cả là khả năng thể hiện được hồn dân tộc trong bối cảnh hiện đại với việc đưa được không khí nóng hổi của cuộc sống vào tác phẩm.

Được đào tạo chính quy ở Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc), lại đắm chìm trong thực tế đời sống, Huy Du tiêu biểu cho những nhạc sĩ học nhiều nhưng khi sáng tác lại thoát ra được những khuôn phép của lý thuyết.

Tác phẩm của ông đa dạng về phong cách, phóng túng về bút pháp, đề tài nào ra đề tài ấy, tất cả đều chững chạc, chuẩn mực mà vẫn không kém phần sinh động.

Đây thực sự là dấu ấn hùng hồn của chủ nghĩa lãng mạn cách mạng mà nếu không lăn lộn trong cuộc sống chiến đấu sẽ không thể có.

Viết về sự nghiệp sáng tác của Huy Du, phải là cả một công trình nghiên cứu đồ sộ. Xin bạn đọc hãy coi đây chỉ là một cảm xúc tức thời của một người thuộc thế hệ đàn em, học trò của ông trước sự ra đi của một tài năng lớn, một bậc thầy.

Nhạc sĩ Huy Du đã ra đi nhưng chắc chắn những tác phẩm nổi tiếng của ông sẽ còn sống mãi với nhân dân, với dân tộc và với thời gian

Nguyễn Đình San
.
.