Huyền bí chùa ở Bình Định

Thứ Sáu, 03/03/2017, 17:25
Đất Võ có rất nhiều ngôi chùa độc đáo như chùa Nhạn Sơn (TX. An Nhơn) với sự tích "ông đen, ông đỏ", là chùa Núi (huyện Phù Cát) nổi danh cùng các vị sư hóa giải thú dữ trong lịch sử… Ít ai biết, ngay tại thủ phủ Quy Nhơn cũng có nhiều cổ tự, níu chân khách đường xa bằng những nét riêng biệt.


Diện kiến báu vật

Nổi tiếng nhất tại thủ phủ Quy Nhơn (Bình Định) là chùa Long Khánh, tọa lạc tại đường Trần Cao Vân, phường Trần Hưng Đạo với "tuổi đời" gần ba thế kỉ. Ghi chép về chùa này, sách Đại Nam Nhất Thống chí từng viết: "Chùa Long Khánh nằm ở phía tây cửa biển Thị Nại, trong động cát ở thôn Cẩm Thượng, huyện Tuy Phước, mặt trông ra đầm Ngư Ki, do hòa thượng Nguyễn Trinh Tường dựng từ năm thứ 6 của đời vua Gia Long". Làng Cẩm Thượng trước đây nay thuộc các phường Lê Hồng Phong, Lê Lợi và Trần Hưng Đạo của TP Quy Nhơn.

Để được tận mắt những vật quý hiếm này, chúng tôi cất công tìm gặp người đứng đầu của chùa. Lần hồi bước lên lầu 1 của gian phía sau, rất may cho khách đường xa là thầy Nguyên Phước đang dạo bước hóng mát tứ phương với từng bước chân ung dung và khuôn mặt thanh thản. Bắt tay thật chặt khách đường xa, sau vài câu chuyện tâm giao, thầy Nguyên Phước từ tốn giới thiệu vài nét sơ lược, chùa được kiến trúc theo hình chữ "khẩu", phía trước có chánh điện gồm thượng và hạ điện.

Phần thượng điện thờ phật Adiđà và đức Quan Âm. Hậu điện thờ phật Thích Ca. Hai bên có đông phòng và tây phòng. Hai dãy này dành riêng cho tăng ni. Phía sau là tổ đình, thờ các vị khai sơn phá thạch.

Cất bước thong thả vãn cảnh chùa đầu xuân, nhà sư vẫn chưa tiết lộ bí mật về báu vật mà người đời truyền tụng. Chỉ đến khi thấy khách tin tưởng, nhà sư Nguyên Phước mới từ từ hé mở về điều mà lữ khách đang rất nóng ruột, nóng gan để tìm hiểu.

Đưa viễn khách xuống chánh điện, thầy Nguyên Phước lần hồi mở từng lớp cửa để chúng tôi diện kiến Thái Bình Hồng Chung làm bằng đồng. 

Thái Bình Hồng Chung.

Đó là quả chuông cao 1,2 mét, đường kính 0,6 mét, trọng lượng 150 kg. Thân chuông phân 4 ô, trên 2 ô có khắc bài văn gồm 154 chữ, khắc thành 11 hàng.  Cỡ chữ 2cmx2cm, được dịch nghĩa như sau: "Hòa thượng pháp danh Chiếu Huyền, pháp hiệu Kim Ngân, thuộc đời thứ 36, kệ phái Trí Bản Đột Không tông chánh Lâm Tế (là trụ trì chùa Linh Phong được mời) chứng minh… Chuông đúc xong vào ngày tốt, tháng cuối mùa hè (tháng 6), năm Ất Sửu (1805)".

Xuống chánh điện, trên thềm cửa giữa có một tấm hoành gỗ dài 2,50 mét, ngang một mét, khắc ba đại tự tên hiệu màu vàng nằm trên nền sơn son. Hoành này của một đệ tử người Trung Hoa, làm từ Trung Quốc gửi sang hiến cúng cách nay trên 200 năm (1813-2017) nên xác mộc khá cũ kỹ.

Từ chữ Hán, dịch ra như sau, chính giữa là chùa Long Khánh; dòng chữ bên trái có nghĩa: Đệ tử là Phan Hồng Điểu lập hoành vào ngày tốt; dòng chữ bên phải có nghĩa: Năm Quí Dậu, nhằm niên hiệu Gia Khánh thứ 18  (1813) đời vua Nhân Tông nhà Thanh, rồi hiến cúng cho chùa.

Về bảo vật cuối cùng của Long Khánh tự là Bảo Khánh, được đúc bằng đồng. Thầy từ tốn đưa chúng tôi lên lầu 1, thong dong quay bước vào gian trong. Sau đó, vị hòa thượng này mang ra Bảo Khánh hình bán nguyệt, bìa hình khắc hàng chữ, được dịch "khánh này đúc vào ngày đầu tháng mạnh đông (tháng 10), năm Ất Tị (1715). Bảo Khánh nặng ước chừng 6 kg, trên có một sợi dây vàng để xách tay gọi là giá.

Dòng chữ "Long Khánh tự".

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chuông, trống, khánh, bản… là các loại pháp khí của Phật Giáo. Khánh tiếng Phạn là Kiền Chùy (trong luật Phật thường gọi là Kiền Chùy Thành), dịch là chuông hay khánh. Khánh làm bằng đồng chừng bằng cái đĩa lớn, treo trong một cái giá gỗ, thường dùng để báo hiệu trong phạm vi nhỏ, chẳng hạn như để báo thọ trai hay khi thỉnh một vị tăng, ni từ trong liêu ra pháp đường; hoặc đón rước một vị đại sư hay danh tăng đến tự viện, nghi lễ này đi trước là khay lễ gồm nhang, đèn, hoa, quả.

Kế theo là một vị cầm khánh treo trong giá, vừa đi vừa đánh khánh rồi tiếp theo là vị được đón rước theo sau - có thể có cả lọng - rồi mới tiếp đến những tăng ni khác tùy theo phẩm trật xếp thành thứ tự. Những vị tăng ni nhập đại định, muốn báo cho vị ấy xuất định, người ta cũng dùng tiếng khánh.

Bảo Khánh.

Tiễn chúng tôi lúc cáo từ, bất giác nhìn lên cây bồ đề trước chùa, thầy Nguyên Phước chợt nhớ những lần hành hương về miền đất Phật tại Ấn Độ. Với trí tuệ uyên thâm và trí nhớ cực tốt, nhà sư say sưa giới thiệu về người sáng lập Phật giáo đã giác ngộ dưới một cây bồ đề tại Ấn Độ cách đây 25 thế kỷ và ngày nay cây bồ đề vẫn sống.

Điều khác biệt là cây bồ đề ở Ấn Độ có thân trắng, trong khi cây bồ đề tại chùa Long Khánh và trên toàn cõi Việt Nam có thân màu xám. Vị sư này giải thích về Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) nằm ở phía nam thành phố Gaya thuộc bang Bihar, là thánh tích nơi có cây Bồ đề vi diệu mà Đức Phật đã ngồi thiền nhập định 49 ngày đêm và thành đạo.

Thắng cảnh kỳ co

Rời Long Khánh tự, chúng tôi vượt đầm Thị Nai, tiến về xã đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), nơi có thắng cảnh Kỳ Co để chiêm ngưỡng tượng phật đôi cao nhất Việt Nam. Quy Nhơn có ba xã bán đảo là Nhơn Lý, Nhơn Hội và Nhơn Hải. Trước đây muốn sang Nhơn Lý phải đi thuyền bè ở cảng Hàm Tử (P. Trần Hưng Đạo) nhưng nay đã có đường bộ thông suốt. Lượng người đổ về đây mỗi ngày một đông ngoài vãn cảnh chùa là đi tham quan Kỳ Co. 

Địa danh Kỳ Co trước đây ít ai biết tới nhưng nhờ truyền hình và cả… facebook, nó nổi như cồn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nổi tiếng đến độ gần bằng với những vùng đất của tỉnh Phú Yên bên cạnh trong bộ phim "hoa vàng trên cỏ xanh". Minh chứng cho điều này là số lượng truy cập địa danh này trên google rất lớn. Cũng có những hòn đá thoai thoải cạnh sóng biển rì rào, Kỳ Co hiện ra giữa hai hòn núi cao, được núi mẹ chở che nên quanh năm mát mẻ.

Từ ngày Kỳ Co nổi danh, tượng phật đôi lớn nhất nước nằm cạnh bên cũng kích thích trí tò mò của hàng nghìn du khách trong nam ngoài bắc tìm đến đây để tham quan, chiêm bái mỗi ngày. Hàng loạt cửa hàng, quán xá, bãi giữ xe mọc lên như nấm sau mưa để phục vụ cho nhu cầu của khách hành hương, phật tử vãn cảnh chùa cho đến "thượng đế" đi du lịch.

Trước đây, làng chài này mệnh danh là đảo xuất ngoại khi có 500 người ra nước ngoài để buôn bán "chui" để mưu sinh, trong đó có 450 người sang Philippin vì biển cả mất mùa. Nhưng nay nhờ sự hồi sinh của xã đão khi chú trọng phát triển ngành du lịch không khói, các ngành dịch vụ tăng lên theo bước chân dày đặc của du khách nên lượng lao động nhàn rỗi của địa phương đã có nhiều việc làm hơn trước và thoát khỏi ước mơ đi tìm miền đất hứa để mà bám trụ tại quê nhà.

Sau khi tham quan Kỳ Co, ai nấy cũng đều tìm đến tịnh xá Ngọc Hòa. Ngôi chùa này tọa lạc tại thôn Bãi Bấc của xã bán đảo này, nghe đâu được xây dựng từ thế kỉ trước. Ngôi chùa này toàn một màu vàng rực rỡ của nhà Phật. Đặc biệt nhất, phía sau chùa, trên một bãi đất rộng, gối đầu vào đồi núi là "lưỡng tượng" uy nghiêm, đồ sộ, sáng cả một góc trời xanh thẫm, có gió lùa quanh năm.

Tượng Phật đôi.

Tượng Phật đôi này có chiều cao cả đế vào khoảng 30 mét, xoay về hai hướng Nam và Bắc. Hướng nam (cổng chính tịnh xá) là tượng Quan Thế âm kiết tường, hướng bắc là Quan Thế âm nam hải. Bên trong tượng thì rỗng. Đặc biệt là đế của cặp tượng phật này là nơi để tro cốt của khoảng 8.000 dân vùng biển cố cựu, được di dời từ các nghĩa trang trong vùng để tập trung thờ cúng tại đây.

Đó là một căn phòng có tên gọi là nhà An Bình. Nhà sư trụ trì tịnh xá Ngọc Hòa cho biết, từ năm 2013, để phát triển du lịch, một số nghĩa trang trong vùng bị giải tỏa, phật tử và người dân mong muốn hài cốt của gia đình họ được đưa về đây nhang khói nên nhà An Bình ra đời từ tâm niệm nhân văn đó. Sắp tới, "sự kiện" này sẽ được đưa vào kỉ lục Guinness của nước ta. Tượng đôi được xây dựng từ chân trụ là nhà An Bình luôn luôn vang tiếng kinh kệ cũng là điều lạ so với nhiều ngôi chùa khác tại Việt Nam.

Lối vào nhà An Bình là những chiếc cửa xây dựng rất mỹ thuật của Phật giáo, chất liệu là gạch ong vốn là nguyên liệu chính xây nên các tháp Chăm cổ của vùng đất này, tồn tại mãi với thời gian. Muốn lên chiêm bái tượng đôi, lữ khách phải leo lên vài chục bậc thang. Từ đây, khách đường xa cho đến phật tử có thể quan sát bãi biển Kỳ Co tuyệt đẹp và những làng biển, xóm biển quanh đó.

Rời Nhơn Lý trong chiều hoàng hôn bàng bạc, để lại sau lưng chúng tôi là cảm nhận về một vùng đất từng rất xa xôi với bản thân người dân phố biển và quá mịt mờ với viễn khách bởi đò ngang trắc trở, với những con sóng bạc đầu dữ dội trong mùa biển động. Thế mà, phút chốc như một phép nhiệm màu, địa danh này như gần hơn khi chính quyền Bình Định muốn lấn biển và phát triển du lịch.

Hiện du lịch Bình Định đang gắn với phật giáo tâm linh với việc trùng tu nhiều ngôi chùa cổ. Bây giờ các đường bay đã nối gần hơn các vùng miền và Kỳ Co chỉ cách sân bay Phù Cát chưa tới 50 km.

Hà Tiên
.
.