Hy Lạp bứt phá giữa đại dịch
- Hy Lạp thể hiện lập trường cứng rắn về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ
- Đằng sau chuyến thăm Hy Lạp của Ngoại trưởng Mỹ
- Hy Lạp: Giảm mạnh giá dịch vụ vận tải công cộng
Ngày 17-3-2021, Hy Lạp đã huy động được 2,5 tỷ euro trong đợt bán trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm nhằm cải thiện tình hình nợ nần của quốc gia này trong thời kỳ đại dịch. Đây là đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 30 năm đầu tiên của Hy Lạp kể từ năm 2007.
Lạc quan về Hy Lạp
Theo Cơ quan Quản lý nợ công Hy Lạp, số đặt mua trong đợt phát hành trái phiếu này cao gấp hơn 10 lần so với số phát hành. Điều này phản ánh niềm tin dài hạn của các nhà đầu tư vào trái phiếu có mức lãi suất 1,956%, mức cao nhất trong khu vực đồng euro. Nhu cầu mua trái phiếu chỉ kém kỷ lục được thiết lập hồi đầu năm nay. Cụ thể, cuối tháng 1-2021 Hy Lạp đã huy động được 3,5 tỷ euro (tương đương 4,2 tỷ USD) với đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm có lãi suất gần 0,8%.
Trong năm 2020, Hy Lạp tiếp tục chìm sâu vào suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 và chính phủ phải tiến hành các biện pháp đóng cửa và giãn cách, khiến nền kinh tế này suy giảm khoảng 8,2%. Chi phí dành cho việc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 cao đã đẩy tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp lên hơn 200% trong năm ngoái. Vì lẽ đó, Athens hy vọng tận dụng mức lãi suất thấp hiện tại để cải thiện tình trạng nợ nần và bù đắp phần nào ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với lĩnh vực tài chính công.
Hy Lạp chính thức trở lại thị trường trái phiếu. |
Lãi suất trái phiếu Hy Lạp đã giảm kể từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng nợ công. Quốc gia này hiện vẫn còn quỹ tiền mặt trị giá 30 tỷ euro, đồng nghĩa với việc Hy Lạp không vội vàng huy động vốn ngắn hạn ngay lập tức. Tuy nhiên, chính phủ vẫn muốn tăng ngân sách do nền kinh tế chịu những ảnh hưởng từ đại dịch nghiêm trọng hơn dự kiến. Athens cũng đã có kế hoạch triển khai các biện pháp gây quỹ trị giá 11,6 tỷ euro, nhiều hơn khoảng 4 tỷ euro so với kế hoạch ban đầu.
Giới chức Hy Lạp tỏ ra khá lạc quan. Theo Bộ trưởng Tài chính Christos Staikouras, đợt bán trái phiếu này là tín hiệu cho thấy Hy Lạp đã chấm dứt sự phụ thuộc vào các gói cứu trợ quốc tế liên tiếp trong giai đoạn từ 2010-2018. Theo ông Staikouras, chương trình này cũng đánh dấu sự trở lại thị trường quốc tế của Hy Lạp, khi trái phiếu chính phủ có thể đóng vai trò bảo đảm cho các nhà đầu tư với thời hạn thanh toán nợ xa hơn hẳn những gì được quy định trong thỏa thuận với các tổ chức cứu trợ.
Trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2012, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên trên 44%, khiến quốc gia này bị loại khỏi các thị trường quốc tế. Với mức lãi suất thấp, chính phủ Athens có cơ hội khai thác các trái phiếu dài hạn và hoàn thành đường cong lãi suất.
Dù vậy, phải thừa nhận rằng các giao dịch trái phiếu tại Hy Lạp vẫn chưa thực sự sôi động như giai đoạn trước. Dữ liệu từ Ngân hàng Hy Lạp cho thấy doanh thu trên thị trường chứng khoán thứ cấp điện tử, hay còn gọi là HDAT, đạt tổng cộng 2,6 tỷ euro trong tháng 2-2021, khá khiêm tốn so với mức đỉnh 136 tỷ euro hồi tháng 9-2004.
Đợt phát hành trái phiếu gần đây là cơ hội hiếm có để các nhà đầu tư sở hữu tài sản của Hy Lạp, đặc biệt là khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có những biện pháp kích thích thị trường thông qua việc mua trái phiếu. Số lượng đặt hàng trái phiếu kỳ hạn 10 năm hồi đầu năm hứa hẹn mang về con số kỷ lục 29 tỷ euro.
Athens cũng đang có kế hoạch hoàn trả một phần khoản nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước thời hạn để giảm chi phí hằng năm. Khoản trả trước hạn trị giá khoảng 3,3 tỷ euro (3,9 tỷ USD) sẽ bao gồm gần 2/3 số nợ chưa trả cho IMF.
Điểm sáng trong khu vực
Theo Văn phòng Thống kê của Liên minh châu Âu (EU) - Eurostat, lạm phát tại khu vực đồng euro (eurozone) vẫn ở mức dương trong tháng 2-2021, với chỉ số giá tiêu dùng đã cân đối (HICP) tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ hai liên tiếp HICP tăng. Lạm phát tại EU trong tháng 2-2021 tăng nhẹ so với tháng trước, lên mức 1,3%. Tuy nhiên, vẫn có 7 quốc gia khu vực ghi nhận tình trạng giảm phát, trong khi đó, HICP tại Hy Lạp giảm mạnh nhất, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp đến là Slovenia và Cyprus.
Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, các lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào đà gia tăng giá tiêu dùng là dịch vụ, thực phẩm, rượu và thuốc lá, trong khi các mặt hàng công nghiệp phi năng lượng có xu hướng giảm. Lạm phát tại khu vực đồng tiền euro tăng trong những tháng gần đây và lãi suất trái phiếu cao hơn đã khiến các nhà đầu tư lo ngại lãi suất trên thị trường sẽ tăng và chi phí đi vay cũng tăng theo, từ đó tác động đến đà phục hồi kinh tế của khu vực.
Để trấn an dư luận, Chủ tịch ECB Christine Lagarde gần đây nói rằng lạm phát tăng trong những tháng qua chủ yếu do một số yếu tố mang tính tạm thời và giá năng lượng tăng, trong khi sức ép giá cả cơ bản vẫn yếu do nhu cầu thấp và tình trạng thiếu việc làm ở mức đáng lo ngại. Căn cứ vào những đánh giá chung về các điều kiện tài chính và triển vọng lạm phát, ECB đã quyết định tăng tốc độ mua trái phiếu theo chương trình khẩn cấp được thiết lập riêng trong đại dịch vào quý II-2021. ECB ước tính lạm phát tại khu vực đồng euro sẽ tăng lên khoảng 1,5% trong năm 2021, trước khi giảm xuống mức 1,2% vào năm 2022, và tăng lên 1,4% vào năm 2023.
Đang có những dấu hiệu đầy hứa hẹn cho những quốc gia cần huy động vốn khác trong EU. Latvia đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm ngay trong tuần này trong khi Pháp đã dễ dàng bán 7 tỷ euro trái phiếu kỳ hạn 23 năm.
Rõ ràng, điều mà giới đầu tư cần ở thời điểm này là các khoản tiền được sử dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy sự hồi sinh bền vững của nền kinh tế khu vực. Mọi chuyện trông chờ vào chính phủ các quốc gia nói chung và ECB nói riêng.