Iran: Bán thận hợp pháp

Thứ Ba, 24/10/2017, 07:39
Ở Iran, người cần ghép thận có thể số bỏ tiền lên đến vài ngàn USD để mua thận từ người khác và điều đó được coi là hợp pháp. Chương trình giúp giải quyết hiệu quả danh sách chờ ghép thận dài dằng dặc của Iran kể từ năm 1999.

Trái ngược với các quốc gia như Mỹ, nơi có đến hàng chục ngàn bệnh nhân mòn mỏi hy vọng có cơ quan ghép và hàng ngàn người đã chết trong khi chờ đợi vào mỗi năm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác chống đối chương trình ghép tạng có tính “thương mại hóa” này của Iran. Trong khi đó, việc mua bán những quả thận trên thị trường đen vẫn diễn ra ở nhiều quốc gia như Pakistan, Ấn Độ, Philippines và hằng năm vẫn có nhiều người chết vì không có thận để ghép. Do đó, một số bác sĩ và chuyên gia y tế đề nghị Mỹ cũng như các quốc gia khác nên xem xét chương trình bán thận như Iran để cứu nhiều mạng người.

Ali Rezaei đứng trước Trung tâm Thận Hasheminejad.

Hashem Ghasemi, lãnh đạo Hội Bệnh nhân ghép tạng và Thẩm tách máu (DATPA) ở Iran, phát biểu: “Một số người hiến tặng có động cơ tài chính. Nếu không thì họ sẽ không hiến thận. Song cũng có một số người có động cơ nhân đạo”.

Năm 1998, chính quyền Iran lập ra chương trình bán thận. Một người cần thận phải liên hệ với DATPA để xem xét. Chính quyền trả tiền cho ca phẫu thuật còn người hiến tạng được chăm sóc y tế miễn phí trong ít nhất 1 năm. Những tờ giấy quảng cáo sơ sài với dòng chữ viết tay nguệch ngoạc được tìm thấy ở khắp nơi, từ bức tường gạch cho thân cây hay cột điện và thậm chí ngay trên tấm biển chỉ đường đến một trong những bệnh viện hàng đầu của Iran - Trung tâm Thận Hasheminejad ở Tehran.

Nội dung trên những tờ giấy khá giống nhau: “Rao bán thận”. Những tờ giấy mới luôn xuất hiện mỗi ngày được dán chồng lên tờ giấy trước đó.

Đằng sau mỗi tờ giấy là một câu chuyện buồn - thất nghiệp, mắc nợ, gia đình khốn khổ - trong đất nước đang khốn đốn do bị Mỹ trừng phạt kinh tế kéo dài vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Ali Rezaei, thợ lắp máy lạnh 42 tuổi lâm vào cảnh thất nghiệp và nợ nần khi chủ đầu tư dự án bất động sản bỏ trốn ra nước ngoài, thú thật: “Nếu bán được quả thận, tôi sẽ trả được nợ nần. Tôi cũng sẵn sàng bán cả lá gan nữa”.

Những tờ giấy rao bán thận được dán khắp nơi trên đường phố Tehran.

Nasser Simforoosh, Chủ tịch Khoa Tiết niệu và Ghép thận Trung tâm Y khoa Shahid Labbafinejad ở phía bắc Tehran, bình luận: “Người ta bán thận vì cần tiền và đó là thực trạng đang diễn ra khắp thế giới. Thay vì làm chuyện bất hợp pháp như là ăn cắp hay buôn lậu, người ta bán thận để giải quyết cuộc sống. Đây không phải là sự bóc lột. Kết quả cuối cùng đều tốt cho người bán và người mua”.

Iran là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép thận được bán với giá 4.600 USD một quả thận. Từ năm 1993, các bác sĩ ở Iran đã cấy ghép hơn 30.000 quả thận theo chương trình này. Giới chức Tehran lập luận rằng, chương trình giúp cho người nghèo kiếm được tiền một cách tương đối an toàn đồng thời cứu được mạng sống người khác và cho phép giảm thiểu thời gian chờ đợi để có thận ghép.

Tuy nhiên, vẫn có đồn đại cho rằng thị trường đen nội tạng luôn hoạt động song song với chương trình hợp pháp của Chính phủ Iran. Cách đây vài năm, giới truyền thông Iran đưa tin có hàng trăm ca mổ ghép thận bất hợp pháp diễn ra hằng năm ở nước này và thủ thuật thường thực hiện trong các bệnh viện tư nhân phục vụ bệnh nhân giàu có đến từ các quốc gia Vùng Vịnh. Do đó, giới chức Tehran tuyên bố luôn cố gắng kiểm soát chặt chẽ để chắc chắc rằng chỉ có người Iran mới được tiếp nhận quả thận cũng như ca mổ phải được thực hiện trong hệ thống bệnh viện nhà nước quản lý.

Người mua và người bán bắt buộc phải qua giai đoạn xét nghiệm y khoa và tâm lý cũng như thẩm tra lý lịch nhằm ngăn ngừa hành động môi giới hay giao dịch trên thị trường đen. Behrooz Broumand, bác sĩ chuyên khoa thận và thư ký về các vấn đề quốc tế Hội Ghép tạng Iran, đánh giá: “Giá ngày càng tăng thêm và tình trạng thương mại hóa ghép tạng đúng là cuộc chạy đua. Khi còn người nghèo thì cuộc chạy đua này không thể dừng lại”.

Chuyên gia ghép thận Nasser Simforoosh và bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Shahid Labbafinejad ở Tehran.

Một phụ nữ 35 tuổi tự xưng là Sarah (không phải tên thật) cũng vì nợ nần mà giấu gia đình để rao bán thận trên Internet với mong muốn có tiền thật nhanh. Rồi Sarah bắt đầu dán giấy quảng cáo trên đường phố. Một vài kẻ môi giới tìm đến đề nghị Sarah gửi cho họ vài trăm USD để sắp xếp vụ mua bán thận rồi sau đó họ bỗng nhiên biến mất. Sarah bị lừa như thế 2 lần. Cuối cùng, Sarah ngậm ngùi nói: “Tôi biết chỉ có bán thận theo chương trình hợp pháp là cách an toàn nhất”.

Hiện nay, hơn 1.480 người được ghép thận từ người hiến còn sống ở Iran vào mỗi năm, theo số liệu từ chính quyền nước này. Mỗi năm ở Iran thực hiện 2.700 ca ghép tạng và chừng 25.000 người phải chạy thận nhân tạo thường xuyên do sức khỏe có vấn đề cũng như tuổi đã quá cao không thể can thiệp phẫu thuật.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.