Italia: Hàng xa xỉ phập phồng

Thứ Sáu, 16/12/2011, 05:40

Cuộc đại suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công lan rộng trong khu vực đồng euro đã làm bộc lộ rõ khả năng phục hồi nhanh và cả tính dễ bị tác động của một trong những ngành công nghiệp chủ chốt của Italia - đó là mặt hàng xa xỉ nổi tiếng khắp thế giới của nước này. Nhiều doanh nghiệp Italia đang hy vọng vào kế hoạch cải cách thúc đẩy kinh tế của chính phủ mới.

Ngày 4/12/2011, tân Thủ tướng Mario Monti của Italia phê chuẩn các biện pháp thúc đẩy kinh tế nước này như cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và một số đề xuất khác nhằm phục hồi nền kinh tế đồng thời giúp ngăn chặn sự sụp đổ của đồng euro. Doanh số hàng xa xỉ của Italia - áo len dài tay cashemere, túi xách thời trang hay ôtô thể thao  đã phục hồi nhanh sau giai đoạn suy thoái kinh tế trong hai năm 2008 - 2009, nhưng tương lai của nó - cũng như nhiều ngành công nghiệp khác - sẽ còn phải tùy thuộc vào sự thích ứng với những hiện thực mới của toàn cầu hóa như thế nào.

Công ty sản xuất mặt hàng đồ gốm cao cấp của Ubaldo Grazia và nhiều doanh nghiệp khác ở Deruta đang hết sức cố gắng để giành giật từng khách hàng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, khi mà những cửa hàng sành điệu và nhà hàng ở California, New York, Mỹ và những nơi khác cắt giảm bớt đơn đặt hàng để đối phó với tình trạng kinh tế đang suy yếu. Công ty của Grazia thuộc thế hệ thứ 25 và ông đang lo ngại về tương lai của thế hệ thứ 26.

Trong khi đó doanh nghiệp sản xuất áo len dài tay cashmere của Brunello Cucinelli, 58 tuổi, thể hiện một bức tranh khác hẳn. Cucinelli lạc quan với doanh số tăng thêm hai con số nữa trong năm 2011, một phần nhờ những thị trường mới nổi như Trung Quốc. Nhờ làm ăn phát đạt mà công ty mang tên của Brunello Cucinelli giúp sửa chữa lại ngôi nhà thờ, lát đường và xây dựng một nhà hát 240 chỗ ngồi tráng lệ như đền Pantheon ở Rome trong làng Solomeo nằm cách vùng Umbria, miền Trung Italia, chừng nửa giờ đường ôtô. Sự tương phản giữa hai doanh nghiệp vùng Umbria này đã cho thấy rõ hai mặt phục hồi nhanh và tính dễ bị tác động của ngành công nghiệp sản xuất các mặt hàng xa xỉ nổi tiếng thế giới của Italia.

Cucinelli nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và thích nghi với thị hiếu của những người có nhiều tiền hiện nay. Cucinelli làm nên nhãn hiệu với mặt hàng áo len dài tay thể thao nhưng mới đây ông còn phát triển thêm mặt hàng áo vest hiện đại và trang phục dạ hội có giá đến 3.500 USD. Cucinelli cũng đang cố gắng xâm nhập thị trường ở các quốc gia đang phát triển. Người Mỹ vẫn còn là lượng khách hàng đông đảo nhất đối với mặt hàng xa xỉ (với doanh số 65 tỉ USD trong năm 2010), nhưng những món nợ công khổng lồ ở nước này viễn cảnh của sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thuế cao hơn ở Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản có nghĩa là những thị trường trọng yếu từ lâu này sẽ mang về lợi nhuận ít hơn trong những năm sắp tới.

Ubaldo Grazia và sản phẩm gốm.

Cũng giống như những lãnh đạo doanh nghiệp khác ở Italia, Santo Versace, Chủ tịch Công ty thời trang Gianni Versace chỉ trích sự thất bại của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi trong việc cắt giảm chi tiêu công, thu thuế, thu hút đầu tư  và chống thói quan liêu làm kìm hãm kinh tế đất nước. Do đó khi Silvio Berlusconi từ chức, các doanh nhân như Grazia liền khui rượu sâm panh ăn mừng mặc dù vẫn không mấy lạc quan về tương lai kinh doanh của công ty mình.

Một số trong khoảng 200 nhà máy và xưởng sản xuất mặt hàng đồ gốm cao cấp của Italia đã biến mất. Để cứu vãn tình hình, một số doanh nghiệp ở Deruta cố gắng tìm kiếm những thị trường mới. Như Roberto Domiziani, nhà sản xuất bộ đồ ăn và sản phẩm nội thất cao cấp, hướng đến thị trường Brazil còn Grazia tìm cách xâm nhập thị trường Nga. Grazia cũng đang đầu tư thử nghiệm cải tiến sản phẩm với những nguyên liệu mới cũng như kiểu dáng thiết kế hiện đại hơn để sản xuất hàng hóa chất lượng cao hơn. Ngoài ra, công ty của Grazia còn mở những khóa dạy vẽ nghệ thuật cho học viên để quảng bá nghề làm gốm.

Ubaldo Grazia sở hữu doanh nghiệp đồ gốm gia đình đã 500 năm tuổi và công ty hiện đang thuộc thế hệ thứ 25 nhưng hiện nay số họa sĩ của doanh nghiệp chỉ còn lại 5 người so với 75 người cách đây vài năm. Grazia nhớ lại ông nội của ông bắt đầu xuất khẩu mặt hàng gốm sang Mỹ trong thập niên 20 của thế kỷ XX. Trong những thập niên sau đó nhu cầu đặt hàng ở Mỹ ngày càng tăng mạnh cùng với lượng du khách tấp nập đổ về thành phố Deruta tham quan. Nhưng tất cả chỉ là quá khứ.

Brunello Cucinelli - xuất thân từ gia đình nông dân trong ngôi làng gần Solomeo - bắt đầu sự nghiệp từ năm 1978 với số tiền vay nhỏ nhoi để mua len cashmere sản xuất áo len. Doanh số của Cucinelli tăng 29% trong năm 2010. Công ty đang lên kế hoạch quảng cáo sản phẩm vào đầu năm 2012 ở Milan, thủ đô tài chính và thời trang của Italia. Các nhà phân tích cho rằng thành công của Cucinelli có được nhờ vào chất lượng sản phẩm, kiểu dáng hợp thời trang và thiết kế tinh tế. Công nhân của Cucinelli nghỉ ăn trưa trong 90 phút và không làm việc quá 6 giờ chiều. Trước đây khách hàng của Cucinelli toàn là những nhà tỉ phú ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhưng hiện nay Cucinelli có kế hoạch nhắm đến thị trường gần 3 tỉ người ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga

Duy Ân (tổng hợp)
.
.