Kết thúc có hậu sau bài báo “Nhặt chữ trên đỉnh Tà Xùa”

Thứ Ba, 23/12/2014, 08:30
Tháng 3/2008, chúng tôi có chuyến công tác lên huyện vùng cao Bắc Yên của tỉnh Sơn La. Chứng kiến cuộc sống và học tập cực kỳ vất vả, thiếu thốn cùng sự hiếu học của nhiều học sinh trường Tiểu học xã Háng Đồng (Bắc Yên, Sơn La), chúng tôi thực sự cảm động. Bài viết “Nhặt chữ trên đỉnh Tà Xùa” ra đời như là một sự chia sẻ, cảm thông với những vất vả của các em.

Cũng không ngờ là sau khi bài báo được đăng tải, Giáo sư Đặng Thanh Lê đã vận động nhiều tổ chức quyên góp, giúp đỡ để xây một ngôi nhà bán trú cho các em học sinh ở đây.

Tôi còn nhớ như in cái buổi sáng rét cắt da cắt thịt vào tháng 3/2008, tôi từ bản Làng Sáng (bản xa nhất xã Háng Đồng) quay trở về trung tâm xã để tiếp tục chuyến công tác. Từ trên con đường bé chỉ vừa một xe máy đi, cheo leo trên vách núi tôi thấy thấp thoáng những cái lều lúp xúp giống như lều canh dưa ở miền xuôi.

Đặc biệt khi đến một khúc cua thì tôi mới nhìn rõ tấm biển cắm ở gần những túp lều ấy: “Cụm trường Tiểu học Háng Đồng”. Và cũng vì mải ngắm mấy cái lều ấy mà suýt chút nữa tôi đã đâm sầm vào thầy Hà Văn Tuấn – Giáo viên Trường tiểu học Háng Đồng cũng đang trên đường từ xã xuống trường.

Tôi dừng xe và lại gần những túp lều ấy thì phát hiện ra đó chính là những căn nhà tạm của học sinh trong trường. Chui vào một căn lều khói mù mịt, phải mất một lúc tôi mới nhìn thấy hai cậu nhóc đang hì hụi nhóm lửa nấu cơm. Chỉ có cơm trắng, ăn với mì tôm.

Hỏi chuyện các em, tôi được biết hiện có nhiều em học sinh ở các bản Háng Đồng C và bản Làng Sáng ở rất xa trường, nên phải dựng những túp lều trọ học. Đám trẻ con ấy đứa lớn 13, 14 tuổi, đứa nhỏ khoảng 8 đến 10 tuổi. Nhỏ thế nhưng các em đã phải rời xa vòng tay của cha mẹ để trọ học.

Em Mùa A Khu, ở bản Làng Sáng kể, cứ sau giờ học sáng thứ sáu, em bắt đầu khởi hành về nhà. Khi mặt trời lặn thì mới đến bản. Trưa Chủ nhật A Khu được mẹ cấp cho khoảng 3kg gạo mang đi, ăn trong cả tuần tiếp theo. Hôm vừa rồi, Khu đi chặt củi trên rừng chẳng may bị đứt tay, vết đứt khá sâu. Không được ai chỉ dẫn về vệ sinh, Khu vơ đại nắm đất trét vào. Khu bảo: “May là cháu bị đứt tay trái, chứ đứt tay phải là không cầm bút được”.

Nhìn bàn tay bé xíu, xúc cơm chan với nước mì tôm ăn thun thút mà tôi thấy nghẹn ngào. “Thỉnh thoảng bọn cháu xin các thầy được ít mỡ đem xào với rau rừng cải thiện chú ạ. Cũng có hôm may mắn thì bẫy được một hai con chuột, bữa cơm sẽ tươi hơn” – Khu vừa nhai, vừa kể.

Bạn cùng phòng với A Khu là em Sùng A Dơ nhà nghèo nhất bản Làng Sáng. Bố em mất sớm, mẹ già không còn sức lao động. Ngoài vài cân gạo mang đi mỗi tuần, Dơ không hề được cho thêm tiền để phòng khi ốm đau hay phải mua giấy bút. Những tuần thời tiết xấu không về nhà được là thời gian Dơ phải vay tạm bạn bè từng nhúm gạo để ăn.

Cậu học sinh lớp 3 ấy ngồi co ro trong chăn, vừa ho sù sụ vừa nói chuyện với tôi bằng cái giọng ngòng ngọng của một đứa trẻ ít có dịp ra khỏi bản: “Ở đây khổ lắm, còn khổ hơn cả nhà cháu. Cháu chẳng có gì để ăn. Mà cháu cũng không có giày dép để đi nên chân lúc nào cũng lạnh”.

Những “tổ chim” trên đỉnh Tà Xùa thời điểm tháng 3/2008.

Các em học sinh ở đây khổ vì thiếu ăn, thiếu mặc đã đành, lại càng vất vả bởi thời tiết khắc nghiệt. Thầy giáo Lò Văn Tuấn, giáo viên Cụm trường Tiểu học trung tâm Háng Đồng (Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La) kể: Một đêm nọ thầy ra suối lấy nước, thầy giật mình khi thấy một đứa trẻ đang nằm gần bờ suối, tay vẫn giữ khư khư chiếc cặp. Thầy vội ôm lấy đứa trẻ, chạy một mạch về nhà đốt lửa sưởi ấm. Thầy Tuấn xót xa khi nhận ra đứa trẻ chính là học sinh của mình…

Sau khi bài báo “Nhặt chữ trên đỉnh Tà Xùa” được đăng tải khoảng một năm, tháng 6/2009 tôi bất ngờ nhận được tin vui từ Ban Biên tập Chuyên đề ANTG.

Đó là việc Giáo sư (GS) Văn học Đặng Thanh Lê, thứ nữ của học giả nổi tiếng Đặng Thai Mai đã đến gặp Trung tướng - nhà văn Hữu Ước – lúc đó đang là Tổng Biên tập Báo CAND để đề đạt nguyện vọng muốn chung tay giúp đỡ các học sinh của Trường tiểu học Háng Đồng.

Giáo sư Đặng Thanh Lê từng là giảng viên tại Khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, và khi đó đang là Giám đốc Trung tâm Việt Nam học thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội 1.

Giáo sư Đặng Thanh Lê cho biết, sau khi đọc bài báo, bà rất cảm động. Sau đó, bà đã chuyển bài báo này tới GS.TS Yang Soo Bae, một người học trò cũ của bà. Ông Yang Soo Bae đã từng học tại Việt Nam, từng làm luận án Tiến sĩ về Truyện Kiều, hiện đang giảng dạy tại Hàn Quốc và là Tổng Thư ký Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam (VESAMO). Sau khi nhận được bài báo do GS Đặng Thanh Lê gửi sang, ông Yang Soo Bae đã dịch sang tiếng Hàn để trình bày với Ban lãnh đạo Hội Những người Hàn Quốc yêu Việt Nam.

Ban lãnh đạo VESAMO đã thảo luận và quyết định lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng cơ sở nội trú ban đầu cho Trường tiểu học Háng Đồng. Ban lãnh đạo VESAMO đã gửi bản dịch nói trên và kêu gọi đóng góp để xây dựng Quỹ.

Lắng nghe câu chuyện của GS Đặng Thanh Lê, Trung tướng - nhà văn Hữu Ước rất cảm động trước tấm lòng của các thành viên trong VESAMO. Thông qua Trung tâm Việt Nam học, thông qua cá nhân GS Đặng Thanh Lê và qua Chuyên đề ANTG, Trung tướng - nhà văn Hữu Ước xin trân trọng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của Ban lãnh đạo và các thành viên thuộc VESAMO dành cho Chuyên đề ANTG.

Đối với những người làm báo nói chung và những người làm Báo CAND và Chuyên đề ANTG nói riêng, không gì xúc động hơn khi các thông tin đăng tải trên các ấn phẩm của mình được đông đảo bạn đọc, trong đó có bạn đọc ở nước ngoài quan tâm, tin tưởng và chia sẻ.

Trung tướng - nhà văn Hữu Ước cũng trân trọng cảm ơn những tấm lòng từ thiện của các thành viên trong VESAMO đã có nguyện vọng được chung tay đóng góp kinh phí cùng với Báo CAND và Chuyên đề ANTG thực hiện Dự án Tà Xùa, giúp các em học sinh vùng cao huyện Bắc Yên bớt khó khăn hơn trong sinh hoạt và học tập.

Là một cơ quan báo chí lớn, có uy tín đối với bạn đọc trong và ngoài nước, Báo CAND và Chuyên đề ANTG đã và đang tổ chức nhiều cuộc vận động từ thiện lớn, có hiệu quả. Trung tướng - nhà văn Hữu Ước khẳng định, Báo CAND sẽ đầu tư số tiền 100 triệu đồng cho Dự án Tà Xùa.

Trong đó, ngoài số tiền do VESAMO đóng góp, số tiền còn lại sẽ do Báo CAND và Chuyên đề ANTG trích từ Quỹ xã hội từ thiện của Báo.

Dưới sự chỉ đạo của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước và Đại tá Đặng Văn Lân – Phó Tổng Biên tập Báo CAND, dự án xây nhà bán trú cho học sinh Trường tiểu học Háng Đồng đã được triển khai rất nhanh.

Cho tới đầu tháng 1/2010, một ngôi nhà khang trang, chắc chắn đã hoàn thành với tổng kinh phí hơn 220 triệu đồng. Đại tá Đặng Văn Lân và GS Yang Soo Bae mỗi người tự bỏ tiền túi ra 2 triệu đồng để mua dụng cụ sinh hoạt cho các cháu.

Ngày 6/1/2010, Đoàn công tác Báo CAND do Đại tá Đặng Văn Lân dẫn đầu đã cùng đại diện VESAMO và Trung tâm Việt Nam học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 đã vượt hàng trăm kilômét đường rừng để có mặt tại xã Háng Đồng, cùng với chính quyền địa phương tổ chức khánh thành nhà ở bán trú cho học sinh trường tiểu học của xã.

Ngôi nhà bán trú do Báo CAND - Chuyên đề ANTG cùng Vesamo, Trung tâm Việt Nam học xây xong tháng 1/2010.

Nhìn ngôi nhà bán trú - là kết quả của Dự án Tà Xùa, ai cũng cảm thấy phấn khởi bởi sự vững chãi, chắc chắn của nó. Ngôi nhà được làm bằng gỗ dổi, mái lợp tôn, nền lát xi măng được chia làm 4 gian nhỏ. Mỗi gian đủ cho 10 em học sinh cùng ăn ở, sinh hoạt. Có nhà rồi, một vấn đề nảy sinh là lấy đâu ra giường (hoặc phản) cho các em nằm? Câu trả lời cũng đã có ngay. Báo CAND - Chuyên đề ANTG góp thêm 5 triệu đồng để lo việc đóng giường nằm cho các em.

Mới đây, trao đổi với chúng tôi thầy Đỗ Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Háng Đồng vui mừng cho biết, từ khi có nhà bán trú cho học sinh, cùng sự quan tâm giúp đỡ của rất nhiều nhà hảo tâm, các em học sinh của trường đã có thêm động lực để phấn đấu học tập. Nếu như trước kia các em thường chỉ học hết tiểu học rồi về nhà lấy vợ sinh con thì hiện đã có nhiều em học lên cấp THCS thậm chí lên THPT. Điều đó khiến cho các thầy cô rất phấn khởi.

Nhà trường cũng rất biết ơn Báo CAND, Trung tâm Việt Nam học, VESAMO đã là những “Mạnh Thường Quân” đi đầu trong việc chung tay giúp đỡ nhà trường.

Minh Tiến
.
.