Khiếp đảm công nghệ xóa hình xăm
Tôi lớn lên bên hông chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Giai đoạn những năm 1990, đây là khu vực được cho là qui tụ các thể loại “anh hùng hảo hán” có “số má” đông nhất phía Bắc. Tất nhiên quan niệm về “số má” thời ấy đều rất giản dị là những tiền án tiền sự đủ loại tội danh nhưng hầu hết là án tích trộm cắp tài sản. Thậm chí, có những tay phiêu bạt giang hồ có thời gian sống trong tù nhiều hơn ngoài xã hội, thoắt ẩn thoắt hiện, lên chợ được vài bữa lại mất hút đâu đó trong trại giam.
Dưới mái hiên trước cổng nhà tôi mỗi buổi chiều hè nóng nực là địa điểm tụ bạ quen thuộc của cả dân chợ, không ít thì nhiều đám giang hồ mình trần trùng trục áo vắt trên vai, lê la uống trà mạn, hút thuốc lào tán dóc. Đập vào mắt tôi đến mức quen thuộc là những hình xăm trổ xanh lét, kín mít trên lưng, trước ngực… nôm na đó chỉ là những phần cơ thể có thể nhìn thấy được, nếu gã nào vô tình vén quần gãi chân thì cũng lại xanh lè lẹt như đổ nguyên cả lọ mực.
Mỗi hình xăm đều là một câu chuyện dài về cuộc đời kẻ mang nó và có điển tích đi kèm mang màu sắc triết lý riêng. Ví dụ hình rồng thể hiện chí khí nam nhi như con rồng vùng vẫy ngoài biển "chí anh hùng phi long đông hải”, nghĩa khí quân tử. Hình cành đào than vãn kiếp đời đẹp đẽ ngắn ngủi, khát khao hoàn thiện bản thân. Xăm cá chép ước vọng vươn tới mục đích tốt đẹp “cá hóa rồng”, hình xăm này hay bị đám tứ chiếng trêu chọc nhau là nồi lẩu cá om dưa. Hay đơn giản nhất là hình xăm nốt ruồi Ấn Độ một chấm xanh bằng đầu đũa giữa hai lông mày đích thị dân móc túi hai ngón, đó như một ám hiệu nhận ra đồng nghiệp lúc “đi chợ”.
Lại có gã vóc dáng lẻo khoẻo xăm hình bàn cờ tướng trên lưng. Tò mò hỏi vài người mới biết hắn đi tù đời “xăng pha mi” không gia đình thăm gặp. Phận thua sức kém chỉ loanh quanh hầu dâng các đại ca. Đến mức “chấp nhận” nằm xuống làm bàn cờ trên lưng phục vụ các anh giải khuây giết thời gian lúc nhàn rỗi.
Dân giang hồ cũng duy tâm cho rằng mỗi hình xăm đều vận vào người mang nó một định mệnh. Nếu cứ úi xùi đen đủi nghèo hèn vào tù ra trại mãi thì xóa quách đi như lau bảng hoặc chỉnh sửa bằng cách xăm đè lên hoạt cảnh khác để đổi vận, một liệu pháp tâm lý vô cùng ngây thơ. Chỉ có một số ít ỏi muốn gạt bỏ vết tích quá khứ lầm lỗi được “văn bản” hóa bởi những hình thù kỳ dị hay chữ Tàu lem nhem để quay về đời lương thiện. Dạo ấy quanh khu phố chợ chỉ lác đác vài thợ xăm có tiếng bên Hàng Chiếu, Chợ Gạo và trong xóm tôi thì có tay “Quang vẽ” bách nghệ vừa biết “vẽ” lại vừa biết vài chiêu xóa xăm vô cùng thô sơ, bi thảm đau đớn.
Nhớ có đận gần giữa đêm, có tiếng đàn ông gào thét thảm thiết thành từng cơn. Đại đa số người lớn trong xóm hình như đều đã quen với nghề nghiệp của Quang nên chả ai bận tâm. Tôi không kìm được sự hóng hớt tuổi mới lớn bèn vùng dậy, tò mò chạy sang xem. Giữa nhà một gã giang hồ trẻ măng xăm trổ xanh lét, mặt mũi đỏ lựng như con gà chọi vì rượu, bốn tay huynh đệ ngồi giữ chặt chân tay. Quang chồm hỗm loay hoay ngang dọc bên cạnh chật vật chấm thuốc tím đậm đặc lên mảng hình xăm trên ngực “bệnh nhân”.
Mỗi thao tác chấm hóa chất, một làn khói trắng nhờ khét lẹt mùi thịt cháy bốc lên. Lại là tiếng gào bởi đau đớn, lại là tiếng an ủi như trên trái đất này chỉ có đàn ông mới biết yêu thương nhau, Quang cầm khăn mặt thấm thấm mồ hôi ướt nhẹp trên trán cho “người bệnh” sau đó tống ngay nó vào miệng, rồi nhẹ nhàng vỗ về: “Cắn chặt vào này, chuẩn bị lại hơi hơi đau nhớ… Nằm im ngoan nào, ngoan nào”.
Xăm đã khổ, xóa chúng đi thì còn gian khổ hơn. Thời bi tráng của công nghệ tẩy xăm lạc hậu ấy, Quang “vẽ” cũng chỉ loanh quanh với mấy cách thức dùng axít, thuốc tím, mỏ hàn… Được cái là nhanh, thấy kết quả ngay nhưng hậu quả để lại thì khôn lường bởi sẹo lồi chằng chịt hoặc nhiễm trùng. Có tay thử qua được một lúc thì không chịu nổi đành dùng phương pháp tự đốt bằng thuốc lá, thi thoảng lại chấm điếu thuốc đỏ lửa vào hình xăm trên khuỷu tay. Nhiều gã gan dạ hơn thì mượn rượu, chuẩn bị sẵn bông băng cầm dao lam mà gọt đi “cái ký ức” trên thịt. Phải chăng đó là những ký ức buồn bị ghi chép lên da thịt và họ cần tìm đường về sự lãng quên.
Nói về thế giới xăm thì được cho là bắt nguồn từ người Polynesian và người Tahitian gọi là "Tatau" có nghĩa là một thứ dấu ấn, sau này là từ “tattoo” được cho là gốc từ đây. Lịch sử xăm mình có từ vài ngàn năm trước và thay đổi khác nhau qua từng chặng thời gian. Mặc dù xã hội đã và đang phát triển văn minh hơn rất nhiều nhưng các hình xăm luôn len lỏi và làm quyến rũ không ít người.
Phải thừa nhận rằng văn hóa xăm mình song hành với đời sống con người qua thời gian. Nhưng nó được nhìn nhận thế nào qua lăng kính văn hóa đặc thù từng nơi cũng lại là một vấn đề rất khác. Dường như đại đa số người Việt vẫn cảm thấy “có vấn đề gì đó” khi nhìn thấy hình xăm trên cơ thể người khác?
Có thể nhận thấy chưa bao giờ trào lưu xăm mình của giới trẻ lại phát triển rầm rộ như khoảng thời gian trong vài năm gần đây. Trên mạng xã hội Facebook của tôi có xấp xỉ 5.000 người bạn “mạng”. Không tuần nào là không thấy có bạn chụp ảnh tự sướng khi nằm trên bàn dịch vụ tattoo chuẩn bị xăm mình. Còn ảnh khoe hình xăm thì nhan nhản không thể đếm nổi, nhiều đến mức còn làm lay động một gã lạc hậu, cổ hủ như tôi cũng phải lăn tăn suy nghĩ: “Hay đi xăm một hình be bé trên người để làm kỷ niệm (kết hợp đổi vận), viết báo mãi mà vẫn nghèo”.
Trào lưu này giờ đây không đặc quyền riêng dành cho phái mạnh, phải thừa nhận là quá kinh ngạc bởi số lượng các bạn nữ xăm mình. Tất nhiên hình xăm của họ rất khêu gợi và đẹp trên nền những làn da trắng mịn màng được chăm sóc kỹ lưỡng bởi những mỹ phẩm đắt tiền. Tôi đoán chắc những gã đàn ông đích thực không thể không ngoái nhìn mơ mộng nếu lỡ gặp họ ở bể bơi, ánh nắng chiều thu vàng óng chiếu xiên xiên mỏng dính ngang một tác phẩm xăm đầy tính mỹ thuật nào đó. Theo một thống kê vui, chị em xăm bắp vế nhiều bởi để đè lên vết sẹo bỏng bô xe gắn máy.
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, hình xăm thời nay phải nói đẹp sắc sảo và tinh tế hơn nhiều… Có lẽ chính vì thế, nhiều người không cưỡng lại được vẻ đẹp quyến rũ của các hình xăm.
Dịch vụ xăm mình ở các đô thị lớn mọc lên như nấm và không một cơ quan chức năng nào kiểm soát. Thật là mâu thuẫn bởi nó là một thứ dịch vụ liên quan đến sức khỏe con người bởi nó tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường máu nhưng cũng không thuộc Bộ Y tế quản lý. Là một dịch vụ kinh doanh nhưng cũng chẳng có cơ quan nào tới tính thuế vì chưa có luật quản lý ngành nghề này. Thế là dịch vụ “Tattoo” càng có động lực, lợi thế để nở rộ theo nhu cầu của giới trẻ.
Những thần tượng ca sĩ trong nước, điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc, nhân vật bụi phủi bên trời Tây… giờ cũng chẳng ngần ngại khoe hình xăm nhan nhản trên báo, trên mạng xã hội. Nhiều bạn trẻ tôi quen thừa nhận xăm hình như gây “nghiện”, từ một hình kỷ niệm be bé thế là cứ thấy “nhớ” là đi xăm thêm. Vì bây giờ dễ quá lại chả đau đớn gì, loanh quanh 2, 3 năm kín mít người, đào quất hoa văn bò lổm ngổm qua cả cổ áo lên tận mang tai.
Gia đình tôi có 2 cô cháu gái cũng đang tuổi loay hoay lớn, cả 2 cũng không nằm ngoài trào lưu xăm mình của giới trẻ. Cô cháu lớn thì yêu bố thái quá nên cũng quyết định đi xăm tên cha sau cổ như cách để thể hiện tình cảm. Ông cụ tên Đức mang nghĩa đức độ, đạo đức. Con bé sính chữ ra dịch vụ xăm nói họ cho tên ông bằng chữ Tàu. Thật tiếc có thể anh vẽ mẫu hình xăm chưa qua lớp chữ Hán, cậy biết vi tính thế là lên mạng sử dụng công cụ dịch của hãng Google, tất nhiên nó ra kết quả cũng là chữ Đức nhưng mang nghĩa là nước Đức.
Xăm xong con bé lớn giấu kỹ lắm cho đến khi bong vẩy thành hình mới tý tởn mang ra khoe, cả nhà được cái cũng tâm lý nên thay vì trách cứ mà òa vỡ xúc động. Duy nhất ông cụ nhìn lắc đầu chán nản, cẩn thận lên gác tìm quyển từ điển tra lại cho chính xác. Sau khi nghe giải thích nói có sách mách có chứng, cháu gái lớn ngồi bưng mặt khóc nấc.
Sẹo để lại sau khi xóa hình xăm có vết mực sâu và lâu năm. |
Đứa bé thấy chị khóc thì cũng lấm lét kéo áo hở bên hông cho gia đình xem hình đi “vẽ bậy” cùng cô chị. Lần này chữ Tàu phiên nghĩa cho hình bên cạnh thì đúng, kế bên chữ họa cô Điêu Thuyền trong truyện Tam Quốc được xăm màu tuyệt kỹ tay nghề. Ông bố chỉ biết ngửa mặt lên giời: “Con ơi là con, con biết Điêu Thuyền phận đời thế nào không, con ơi là con ơi”.
Sau cuộc họp gia đình, tôi được cho là có quan hệ nhiều nhất nhận nhiệm vụ dẫn cả hai đi xóa, một ký ức kinh khủng ùa về. Cũng phải nói thật là may mắn bởi hình xăm mới lên da non kết hợp công nghệ xóa laser cao cấp, hiện đại trong Bệnh viện thẩm mỹ Thu Cúc “cứu” được cái sự dại dột cả hai đứa cháu sạch sẽ và không đau đớn.
Kể cả với công nghệ như hiện nay thì việc kết quả xóa hình xăm cũng không phải là đơn giản. Sẽ càng khó, tốn kém tiền bạc lẫn thời gian nhiều tháng trời bởi phụ thuộc vào thời gian tồn tại hình xăm, càng để lâu càng khó xóa, phụ thuộc vào độ sâu của mũi kim khi xăm, màu sắc hình xăm…
Thỉnh thoảng tôi có gặp lại mấy anh giang hồ xưa giờ ở tuổi xế chiều, hình xăm còn nguyên trên làn da đã lão hóa. Ngày ấy sao thấy rồng, đào, quất, cá chép, Lâm Xung hảo hán… đẹp là thế, còn bây giờ các nét xăm rạn theo da to như cái đũa lẫn vào nhau, bầy hầy đen xì không thể tả.
Mỗi lần như thế, tôi không thể nén tiếng thở dài khi ngầm so sánh về thú xăm mình của các chàng giang hồ thời trước với các bạn trẻ ngày nay. Không biết đời con trai tôi khi lớn nhìn hình xăm các bạn thế hệ trẻ ngày nay nó có thở dài giống tôi không nhỉ?