Khoảng lặng mang tên Đoàn Kiến Quốc

Thứ Hai, 07/11/2016, 10:40
Sau khi đăng quang tại giải vô địch các đội mạnh toàn quốc năm 2015, Đoàn Kiến Quốc lại lui về làm công tác huấn luyện cho Đội tuyển bóng bàn tỉnh Khánh Hòa. Ở cái tuổi 37, đối với một VĐV bóng bàn, phong độ đã rơi vào độ trễ. Dù vậy, nhưng với anh, bóng bàn vẫn như là lẽ sống.

Trong một ngày chớm đông, anh có mặt ở Hà Nội để tham dự giải vô địch Diễn đàn Bóng bàn Việt Nam (Hanoi Open 2016) lần thứ 10 tranh Cúp Báo Công an nhân dân. Anh không tham gia thi đấu như một VĐV nhưng sẽ đánh giao lưu để cống hiến cho khán giả những pha bóng đẹp mắt.

Cái duyên bóng bàn đến với Đoàn Kiến Quốc từ khá sớm. Khi mới 7 tuổi, anh thường xuyên đi theo anh trai trong các buổi tập luyện. Thấy anh say mê, huấn luyện viên đã cho anh thử sức. Càng tập càng hăng say, anh càng nhận ra mình có năng khiếu đặc biệt. "Bố là người thầy đầu tiên của tôi. Bố mua 1 bàn bóng đặt ở nhà, cứ rảnh rỗi là hai bố con chơi cùng nhau. Mấy anh em tôi đều say mê bóng bàn. Anh trai lớn của tôi cũng chơi chuyên nghiệp cho Đội tuyển tỉnh Khánh Hoà" - VĐV Kiến Quốc cho hay.

Đoàn Kiến Quốc là VĐV bóng bàn duy nhất của Việt Nam có 2 lần liên tiếp tham dự Olympic.

Anh bắt đầu tham dự các giải dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng tại tỉnh Khánh Hòa cho tới giải Cây vợt trẻ. Dấu ấn đưa anh vào con đường thi đấu chuyên nghiệp chính là giải Vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân dân.

Năm 1996, anh gia nhập Đội tuyển Quốc gia. Sau 16 năm gắn bó với Đội tuyển Quốc gia, đến năm 2012, anh bất ngờ xin rời đội tuyển, trở về đầu quân cho Khánh Hòa với mong muốn được gần gũi với gia đình cũng như góp phần giúp cho bóng bàn Khánh Hòa vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Từ đó đến nay, công việc chính của Đoàn Kiến Quốc là tập trung đào tạo các VĐV trẻ của Khánh Hòa.

Sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của anh đã trải qua nhiều vinh quang. Tại SEA Games 2005 tổ chức ở Philippines, anh giành tấm huy chương bạc ở nội dung đồng đội sau khi thất bại trước đội tuyển Singapore ở chung kết. Bốn năm sau, tại SEA Games 25 ở Lào, anh đã xuất sắc giành được tấm huy chương vàng đầu tiên khi cùng người đồng đội Đinh Quang Linh vượt qua cặp đôi người Singapores là Gao Ning và Yang Zi ở trận chung kết nội dung đôi nam.

Từ SEA Games 27, anh từ chối tham gia thi đấu với lý do đã lớn tuổi, muốn nhường lại cơ hội cho các VĐV trẻ cũng như muốn dành thời gian để hoàn tất chương trình học ở Đại học Thể dục Thể thao.

Anh cũng là VĐV bóng bàn đầu tiên của Việt Nam giành vé tham dự Olympic 2 kì liên tiếp. Tại Olympic 2004 diễn ra ở Athens (Hy Lạp), Kiến Quốc dừng bước ngay ở vòng một nội dung đơn nam khi thất bại trước tay vợt người Ý gốc Trung Quốc là Min Yang với tỉ số 1-4. Tại Olympic 2008 diễn ra ở Bắc Kinh (Trung Quốc), anh vượt qua tay vợt người Úc ở vòng sơ loại với tỉ số 4-0. Đây cũng là chiến thắng đầu tiên của một tay vợt bóng bàn Việt Nam ở đấu trường Olympic.

Các vận động viên thi đấu trong ngày khai mạc. Ảnh: Xuân Trường.

Chiến thắng này khiến anh càng có thêm quyết tâm. Tại vòng 1, một lần nữa, anh có chiến thắng ngoạn mục trước tay vợt người Pháp là Christopher Legout, khi đó đang hơn anh 171 bậc trên bảng xếp hạng thế giới. Tuy nhiên, ở trận đấu tiếp theo, anh đã không thể tạo nên bất ngờ khi để thua tay vợt  người Nga Smirnov. Dù không thể tiến sâu tại Olympic nhưng cái tên Kiến Quốc được giới chuyên môn quốc tế chú ý hơn.

Đã có một thời, vào cái thời của anh, Việt Nam được biết đến như quốc gia mạnh nhất Đông Nam Á ở môn bóng bàn. Trong các kì SEA Games, VĐV của Việt Nam luôn có mặt trong các trận chung kết để tranh huy chương vàng.

Chỉ ít năm sau, Singapore vượt lên thành quốc gia không có đối thủ tại đấu trường khu vực. Hỏi anh có phải vì bóng bàn Việt Nam tụt hậu, anh cười hiền lành: "Singapore đang thống trị Đông Nam Á sau khi nhập tịch ồ ạt các VĐV hàng đầu thế giới. Chúng ta không thể có cửa cạnh tranh với họ. Những VĐV bóng bàn trẻ hiện nay của Việt Nam cũng rất nhiều tiềm năng, họ có kĩ thuật rất tốt, lại được tham dự nhiều giải đấu để cọ xát, học hỏi kinh nghiệm. Họ giành thành tích cao ở các giải trẻ nhưng cứ tham dự những giải đấu đỉnh cao thì lại không có thành tích. Tôi cho rằng, những VĐV ấy cần phải được đầu tư nhiều hơn nữa".

Đồng chí Phạm Văn Miên, trưởng ban tổ chức giải và CBCS Báo CAND chụp ảnh lưu niệm với Đội tuyển báo CAND. Ảnh: Xuân Trường.

Kể từ sau tấm huy chương vàng của anh tại SEA Games 25 (năm 2009), dường như bóng bàn Việt Nam vẫn chưa có "duyên" với tấm huy chương vàng. Hàng loạt tay vợt mạnh như Đinh Quang Linh, Đoàn Bá Tuấn Anh, Nguyễn Anh Tú, Mai Hoàng Mỹ Trang... vẫn chưa thể tạo ra dấu ấn đột phá.

Nhìn lại cuộc đời 30 năm gắn bó với bóng bàn, anh trầm ngâm: "Tôi hài lòng với những gì mình có. Bóng bàn cho tôi nhiều thứ, có bạn bè, có đồng đội, có đối thủ, có tên tuổi. Ra đường nhiều người nhận ra tôi, dù tôi nghỉ thi đấu đã lâu. Tại thời điểm quyết định giải nghệ, tôi đắn đo nhiều lắm. Lúc đó, tôi vẫn còn đam mê nhưng không còn sung sức như trước. Tôi hiểu rằng, đã đến lúc mình cần nhường cơ hội cho lớp trẻ".

Thiếu tướng Phạm Văn Miên trao giấy khen cho các nhà tài trợ. Ảnh: Xuân Trường.

Ấy vậy nhưng, anh cũng thừa nhận, thể thao cũng lấy đi của anh nhiều thứ. "Lúc xác định theo bóng bàn chuyên nghiệp, tôi đã phải bỏ học. Khi tôi chuẩn bị thi lên cấp 3 thì Trung tâm đào tạo VĐV trẻ phía Nam tuyển thí sinh. Tôi bỏ thi để đi kiểm tra bóng bàn. Phải đến năm 22 tuổi, tôi mới tốt nghiệp cấp 3. Việc học đại học cũng lận đận.

Năm 2004, khi tôi vừa trúng tuyển Đại học Thể dục Thể thao ở TP Hồ Chí Minh thì cũng là lúc tham gia vòng loại Olympic Athens. Tôi lại bỏ học. Cứ triền miên thi đấu, rồi lại bận rộn với công tác huấn luyện, đến giờ tôi vẫn chưa học xong đại học. Nếu thuận lợi, cuối năm nay tôi sẽ tốt nghiệp" - anh tâm sự. 

10 lần tổ chức giải vô địch Diễn đàn Bóng bàn Việt Nam, hầu như Kiến Quốc đều có mặt, khi thì với tư cách VĐV thi đấu, khi thì chỉ để giao lưu, biểu diễn. Dưới góc nhìn của anh, đây là một sân chơi lớn cho các tay vợt chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư trên khắp cả nước. "Khi đến nhà thi đấu, tôi giật mình vì quy mô tổ chức năm nay hoành tráng quá. Từ công tác tổ chức đến trang thiết bị đều đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Các bàn chơi còn được trải thảm đỏ, điều mà đến giải Vô địch Quốc gia cũng không có. Có lẽ, đây là giải có quy mô và số lượng VĐV tham dự lớn nhất Việt Nam. Tôi đánh giá cao việc Ban tổ chức bổ sung thêm nội dung U8, U10 cho các cháu thiếu nhi. Sau này, chính các VĐV nhí này sẽ là thế hệ tài năng tạo nên diện mạo mới cho bóng bàn Việt Nam. Tôi cũng trực tiếp đưa 2 VĐV U10 của Đội tuyển Khánh Hòa ra dự giải" - anh nói.

Đã đi qua đỉnh cao vinh quang nhưng cái tên Đoàn Kiến Quốc vẫn là dấu ấn đặc biệt đối với những người yêu bóng bàn Việt Nam. Việc giải nghệ của anh tạo ra một khoảng lặng khó lấp đầy. Có lẽ, phải rất lâu nữa, bóng bàn Việt Nam mới có người đủ sức thay thế cái bóng quá lớn ấy.

Hanoi Open 2016 lập kỉ lục về số lượng VĐV tham dự

Tối 3-11, giải Hanoi Open 2016 đã chính thức khởi tranh tại cung thể thao Quần Ngựa (Hà Nội), nơi có sức chứa 5.000 chỗ ngồi. Đây là giải đấu được Báo Công an nhân dân tổ chức thường niên.

Năm nay, giải có ý nghĩa rất đặc biệt khi được diễn ra đúng vào dịp chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Báo Công an nhân dân ra số đầu tiên (1/11/1946 - 1/11/2016).

Hanoi Open 2016 quy tụ gần 800 VĐV đến từ 120 đoàn trong cả nước, trong đó có những tay vợt hàng đầu Việt Nam như Đoàn Bá Tuấn Anh, Lê Tiến Đạt, Trần Tuấn Quỳnh, Nguyễn Thị Nga, Đinh Thị Hằng... Giải đấu lập kỉ lục về số lượng VĐV tham dự lớn nhất từ trước tới nay.

Đặc biệt, VĐV biểu diễn bóng bàn hàng đầu thế giới - Adam Bobrow (Mỹ) cũng sẽ tham gia biểu diễn tại giải. Tại Hanoi Open 2016, các VĐV được phân chia thành 5 hạng: hạng chuyên nghiệp và hạng A, B, C, D. Ngoài ra, Ban tổ chức còn bổ sung thêm 2 hạng thi đấu dành cho thiếu nhi (U8 và U10). Các VĐV sẽ thi đấu các nội dung: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đồng đội.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên - Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, Trưởng ban tổ chức giải cho biết, đây là giải đấu có uy tín, đã được Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam công nhận và đưa vào hệ thống thi đấu chính thức. Mục đích của giải đấu là nhằm tạo ra sân chơi cho các VĐV bóng bàn chuyên nghiệp và nghiệp dư trên cả nước, qua đó thúc đẩy phong trào tập luyện thể thao nói chung, bóng bàn nói riêng.

Các trận đấu sẽ được Ban tổ chức bố trí tại 16 bàn, với 3 ca đấu liên tục trong ngày. Trong đó, ca sáng từ 7h - 11h; ca chiều từ 13- 17h và ca tối từ 19h -21h hằng ngày. Mặc dù nằm trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nhưng kinh phí tổ chức giải hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. 

Tổng kinh phí dự kiến của giải năm nay lên tới khoảng 600 triệu, trong đó có 200 triệu trao thưởng cho các VĐV đạt thành tích cao. Giải sẽ diễn ra trong 4 ngày liên tiếp, từ ngày 3 đến ngày 6-11.

Khánh Vy
.
.