Khởi động lại sân khấu truyền thống

Chủ Nhật, 31/05/2020, 21:53
Sân khấu truyền thống miền Bắc vốn dĩ đã eo xèo, đại dịch COVID-19 càng khiến nó eo xèo hơn. Đời sống của những người nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống, càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, không dừng lại trước những thách thức, khi dịch tạm lắng, các Nhà hát và nghệ sĩ đã và đang bắt tay vào khởi động những chương trình để phục vụ khán giả thủ đô.

1. Bay lên những ước mơ" - sân khấu kịch thiếu nhi trở lại

Chỉ còn ít ngày nữa là đến dịp 1-6, Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Vốn là một nhà hát phục vụ cho thiếu nhi, nên dịp này, sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ đã đỏ đèn trở lại sau nhiều tháng đóng cửa cách ly xã hội tránh đại dịch. NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: Sau hơn 4 tháng đóng băng mọi hoạt động biểu diễn, nhà hát đã lấy lại phong độ với một loạt chương trình nghệ thuật, đặc biệt là các chương trình phục vụ thiếu nhi nằm trong dự án "Bay lên những ước mơ".

Cảnh trong vở "Nam mô Thích ca Mâu ni phật".

Những ngày này, nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật thuộc Nhà hát Tuổi Trẻ đều đang dốc sức, khẩn trương tập luyện để có những chương trình kịp ra mắt vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6.

Dự án nghệ thuật mang tên “Bay lên những ước mơ" gồm những vở diễn đặc sắc dành cho thiếu nhi, với 3 chương trình: Kịch vui thiếu nhi “Vaxilixa và phù thủy độc ác", nhạc kịch thiếu nhi “Cuộc chiến vô cực" và ca múa nhạc - kịch vui “Trống choai đi đâu thế".

NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng chia sẻ, chuỗi hoạt động biểu diễn này đánh dấu sự trở lại nhanh chóng của nhà hát sau thời gian giãn cách xã hội từ ảnh hưởng của dịch bệnh, được các nghệ sĩ gửi gắm nhiều tình cảm, tâm huyết với mong muốn chung tay góp sức cùng toàn xã hội chiến thắng bệnh dịch. Trong đợt này, nhà hát được sự giúp sức của các nhà tài trợ yêu nghệ thuật nên sẽ dành tặng hàng ngàn vé xem chương trình cho con em các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội... để tri ân tới đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng.

Ngoài ra, các buổi diễn trong dự án “Bay lên những ước mơ" sẽ được thực hiện theo quy chuẩn chống dịch, các em nhỏ cùng phụ huynh tới xem biểu diễn sẽ được hướng dẫn các biện pháp cần thiết nhằm duy trì khoảng cách an toàn, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và được phát tặng khẩu trang khi có nhu cầu nhằm mục đích mang đến sự trải nghiệm và thuận tiện tối đa trong rạp hát mà vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch. Thay vì để khán giả ngồi 600 chỗ ngồi trong rạp biểu diễn thì sẽ chỉ hạn chế số lượng là 300 em.

NSƯT Nguyệt Hằng, diễn viên tham gia trong chương trình "Bay lên những ước mơ" tâm sự rằng đại dịch COVID-19 khiến mọi người đều phải sống chậm, mọi thứ đứng yên, những người nghệ sĩ như chị thì nhớ nghề và cũng chỉ mong muốn mọi dịch bệnh đi qua để bắt đầu lại. Cho dù rất nhiều khó khăn để kéo khán giả đến với sân khấu nhưng chị và các đồng nghiệp đều hết mình cho vai diễn và không ngừng trau dồi để mang đến cho khán giả những giây phút ý nghĩa nhất khi đến rạp.

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan.

2. Chiếu chèo đã sẵn sàng biểu diễn...

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam tất bật đi lại chỉ đạo tập vở diễn mới tại nhà hát để chuẩn bị đỏ đèn phục vụ khán giả tại rạp Kim Mã. Chị cho biết, đại dịch COVID-19 đã khiến cho đời sống của các anh chị em nhà hát lao đao. Nghề hát chèo, thường sẽ có những lời mời đi biểu diễn nhân dịp đầu xuân năm mới thì từ đầu năm tới nay, mọi hoạt động biểu diễn đã hoàn toàn dừng lại. Nhiều nghệ sĩ phải lăn lộn kiếm sống bằng những cách khác nhau như bán hàng online, chạy đôn chạy đáo các công việc tay trái để trang trải cuộc sống gia đình những ngày khó khăn vừa qua.

Tuy nhiên, khi quỹ đạo trở lại bình thường, mọi mặt về chuyên môn, NSND Thanh Ngoan vẫn đốc thúc anh chị em quay trở lại sân khấu để tập vở. Ngay khi hết cách ly xã hội, các diễn viên trong nhà hát đã trở lại với sân khấu chèo để tập lại các tích chèo cổ và sẵn sàng phục vụ khán giả.

NSND Thanh Ngoan cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, những dự án lớn hầu hết phải dừng lại, các chuyến lưu diễn nước ngoài để giới thiệu nghệ thuật chèo ra thế giới của nhà hát cũng dừng lại nên hiện tại, nhà hát chèo Việt Nam chủ yếu tập lại, dựng lại các tích chèo như "Quan âm Thị Kính", "Bắc Lệ đền thiêng", "Chiếu chèo", "Nam mô Thích Ca mâu ni phật", "Dây tràng hạt diệu kỳ", "Lưu Bình trả nghĩa", "Chương trình âm nhạc năm cung chèo"...

Thời điểm trước COVID-19, có nhiều dự định, dự kiến cho năm 2020 để làm các chương trình lớn kỷ niệm nhưng nửa năm qua để các nghệ sĩ giữ được cảm hứng và niềm tin với công việc cũng là một sự nỗ lực của cả tập thể. NSND Thanh Ngoan cho rằng, nhà hát chèo nói riêng và các nhà hát nói chung đều gặp vấn những kịch bản mới, ý tưởng mới. Ý tưởng mới ấy lại phải hợp thời đại thì mới kéo được khán giả đến với mình.

Cảnh trong vở "Vaxilia và phù thủy độc ác" của Nhà hát Tuổi trẻ.

Trong thời điểm giãn cách xã hội để tránh dịch, chị cũng phải đọc tiểu thuyết hoặc lấy từ kịch bản phim, hướng dẫn cho mọi người viết, xây dựng, chuyển thể sang chèo để có những vở mới, phù hợp thời đại. Hiện tại, sân khấu chèo chỉ có những tích cũ được lặp đi lặp lại cho dù hay đến mấy thì khán giả vẫn cần những cái mới, chị đã khuyến khích tất cả mọi người trong nhà hát nếu ai có ý tưởng hay thì ngồi với nhau, cùng xây đắp nên kịch bản.

Nghệ thuật truyền thống đang mất dần vị thế trong lòng khán giả, nhất là các khán giả trẻ. Muốn quay lại và đỏ đèn theo lịch hằng đêm, NSND Thanh Ngoan cùng các nghệ sĩ đã phải chấp nhận mọi thách thức và sự vất vả để được làm nghề và cống hiến. Song song với việc củng cố, chị đã đào tạo được một đội ngũ kế cận để các bạn trẻ nối tiếp việc gìn giữ, phát huy được nghệ thuật chèo.

Quan điểm của chị là không có một người nào là thừa, không có một người nào là không quan trọng - kể cả người xuất hiện vài giây trên sân khấu, người điều khiển âm thanh, ánh sáng, người tạp vụ chuẩn bị sân khấu... chị luôn đòi hỏi chương trình phải có chất lượng cao nhất. Bởi vì một buổi biểu diễn thành công thì thành công đó thuộc về cả một tập thể, của nhà hát. Chính vì thế, sau đại dịch, các diễn viên của nhà hát đều đã và đang lấy lại phong độ để củng cố lại bộ máy cũng như các chương trình tập luyện để phục vụ khán giả với tất cả tấm lòng và trái tim của mình. Nhà hát đang khắc phục mọi khó khăn và đã sẵn sàng để biểu diễn và đón khán giả tại 31 Kim Mã trong thời gian sớm nhất.

3. Múa rối đón chờ khán giả...

Nhà hát Múa rối Trung ương thường ngày đón nhiều lượt khách nước ngoài ở các thời điểm trong năm. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà hát vẫn thưa vắng khách vì du khách vẫn chưa được trở lại Việt Nam. Cuộc sống của người nghệ sĩ múa rối có những bất ổn nhưng thời điểm hiện tại, nhà hát đang nỗ lực để tập luyện đón khán giả trong nước trở lại.

NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát cho biết, các nghệ sĩ đã bắt đầu tập luyện để chuẩn bị chương trình Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Anh và các nghệ sĩ trong nhà hát múa rối cũng có ý định từ đầu năm là sẽ mang vở diễn thành công của năm 2019 "Thân phận nàng Kiều" đi chu du lưu diễn xuyên Việt nhưng dự án ấy cho đến nay nhà hát vẫn chưa thực hiện được  vì phải giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, NSND Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, song song với việc tập các vở múa rối mới, trau dồi các vở rối truyền thống để phục vụ khán giả Thủ đô thì nhà hát cũng sẽ thực hiện lưu diễn các tỉnh để phục vụ bà con. Bởi vì theo anh, trong ký ức của khán giả, múa rối vẫn chỉ quanh quẩn các vở rối nước, rối cạn truyền thống nên khán giả sẽ không mặn mà với các vở rối đã đi cùng năm tháng nhưng lại gặp phải lối mòn ấy nữa.

Cảnh trong vở "Vaxilia và phù thủy độc ác" của Nhà hát Tuổi trẻ.

Thực tế cho thấy, các lãnh đạo và diễn viên nhà hát đã nỗ lực để làm mới rối. Điển hình vở rối "Thân phận nàng Kiều" đã gây ngạc nhiên trong lòng khán giả bởi vì "Truyện Kiều" vốn đã khó làm hay trên sân khấu, nay với sân khấu múa rối lại khó bội phần. NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, anh đã mất gần 10 năm để chuẩn bị một "Thân phận nàng Kiều" tham gia liên hoan sân khấu có yếu tố thử nghiệm khuyến khích các nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo cái mới.

Cho dù khó khăn gấp bội, từ kịch bản đến tạo hình con rối. Anh ý thức rất rõ những ưu điểm và hạn chế của múa rối khi thể hiện một tác phẩm kinh điển như “Truyện Kiều”. Lý do là con rối rất khó diễn thân phận, vì mặt con rối vô tri vô giác. Họa sĩ giỏi sẽ tạo nên hồn cốt cái mặt ấy bằng nét vẽ. Còn để thể hiện khóc, cười, tâm trạng, rồi vui vẻ, sung sướng, đau khổ... thì rối càng không thể. Đối với công đoạn tạo hình con rối, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định 50% thành công, đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng quyết định gửi gắm cho người bạn, người anh lâu năm là họa sĩ Lê Đình Nguyên, còn có biệt danh là Nguyên “trâu”, người có 30 năm kinh nghiệm trong công việc này.

Thông thường, với một vở diễn múa rối phải mất ít nhất 6 tháng để tạo hình con rối, từ khâu vẽ ma-két trên giấy đến hoàn thiện con rối bằng gỗ. Nhưng, với vở “Thân phận nàng Kiều”, họa sĩ Lê Đình Nguyên chỉ mất gần 2 tháng để thực hiện... Sau nhiều công đoạn, “Thân phận nàng Kiều” giành 4 giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 4 gồm: Đạo diễn xuất sắc nhất, Họa sĩ tạo hình xuất sắc nhất và 2 giải vàng dành cho các diễn viên.

NSND Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, đại dịch COVID-19 khiến không chỉ múa rối mà nhiều ngành nghề khác đều gặp khó khăn, tuy nhiên, chính những lúc này, là cách để nhìn lại bản thân mình. Nhà hát cũng sẽ có những hướng đi phù hợp với thời kỳ mới và tìm cách ứng phó với những khó khăn. Điều mừng nhất là cho dù chuyện gì xảy ra nhưng đội ngũ các diễn viên, nhân viên các nghệ sĩ đều có mặt đầy đủ, các anh chị vẫn tập luyện miệt mài cho dù hôm nay chưa có khán giả nhưng với tinh thần yêu nghề hết lòng.

Và nói như NSND Thanh Ngoan, cho dù sân khấu truyền thống, như chèo, có thể thưa vắng khán giả, nhưng nếu làm tốt, làm hay và gần gũi với đời sống từ những cách tiếp cận và có một sự nhiệt huyết thì khán giả chắc hẳn không quay lưng với nghệ thuật truyền thống, bởi đó là điệu tâm hồn của người Việt, của cha ông...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.