Khói gốm Làng Phù Lãng

Thứ Tư, 07/07/2021, 08:16
Một ngày "thăm" làng gốm Phù Lãng qua nhanh, tôi đứng lại nơi ngã ba đầu đường làng nhìn vào làng. Giữa trời xanh biếc xanh chợt dâng lên thong thả những làn khói mảnh. Bất giác tôi đưa tay chao chao trong không khí rồi nắm tay đưa lên hin hít. 

Một mùi khói củi lò gốm ấm áp lan trong khí quản. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, bạn đồng hành và cũng là người đêm hôm trước khi cùng tôi đứng hóng gió trên ban công nhà khách và nghe tôi kể chuyện năm xưa. Anh vỗ nhẹ vào vai tôi: "Sao không nhờ xã đội tìm giúp cô Hoan?". Tôi không trả lời nhưng trong lòng thấy chộn rộn. Cứ để ký ức đẹp mãi.

Đó là một sớm mù sương của mùa đông năm 1976, khi đó tôi đang nằm trên thùng chiếc xe Gat 51, chỗ đó chỉ cách đường biên giới đúng con suối có cái tên rất đẹp - suối Đồng Văn (Bản Phai Lầu, xã Đồng Văn, Huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh), đúng lúc đó chợt thoảng mùi khói bếp. Đoán là sắp sáng nên tôi quyết định xuống khỏi thùng xe. Lần theo hướng gió và bằng trực giác tôi đã phát hiện ra bếp của Đại đội 6. 

Tôi bước vào, dĩ nhiên động tác chân có dậm dịch để "nhà bếp" khỏi giật mình. Không có tiếng người đáp nhưng tôi đã thấy một bếp lửa củi than hồng rực. Ngay trước cửa bếp có một "thím bộ đội" đang ngồi. Bước tới gần bếp hơn nhưng "thím bộ đội" vẫn như chẳng thèm để ý. Bất giác tôi chững lại bởi thấy "thím bộ đội" đó đang cúi rất sát bếp củi, một động tác hơi là lạ. Lạ hơn nữa là "thím" ấy vừa cúi sát bếp vừa đưa bàn tay phải chao chao như vớt gì đó. Nghểnh cổ nhìn qua vai, tôi phát hiện ra "thím" này đang chao vốc từng nắm khói bếp rồi đưa lên mũi hít hít.

Rất lâu sau, nghĩa là tôi đã hút xong điếu thuốc và gương mặt của hai người đã rõ ràng, tôi mới hỏi: "Em ngửi khói à?". Rất tự nhiên "thím bộ đội" cười vui: "Em nhớ làng em quá". Tôi lại hỏi: "Nhớ làng thì ngửi khói là đỡ nhớ à? Để anh làm thử xem có đỡ nhớ u anh không?". "Thím bộ đội" cười thành tiếng: "Làng anh có gì để nhớ giống như em nhớ làng em ấy?".

Rồi bất ngờ 'thím bộ đội" nhỏ nhẹ: "Làng em có nghề nung gốm. Làng Phù Lãng ấy. Anh đã nghe đến chưa?". Tôi thú thực: "Chưa”. Nhưng sao lại liên quan đến ngửi khói bếp?" Bấy giờ Hoan - tên của "thím bộ đội" mới nói: "Làng em có nghề nung gốm. Gốm Phù Lãng được nung bằng củi anh ạ. Xa nhà xa làng em cứ thấy nhớ thế nào ấy mùi khói củi lò gốm. Nhớ khói làng lắm anh ạ".

***

Bẵng đi, cũng phải tới 11 năm sau tôi mới có dịp đến làng Phù Lãng. Số là bữa đó đơn vị phân công tôi áp tải xe xuống nhà máy xi măng Hoàng Thạch để nhận hàng. Sẵn lượt đi xe không nên cậu lái xe đã "đề nghị" tôi cho cậu ấy được "đánh" một xe củi "Gọi là lấy chút ăn đường cho anh em mình", cậu lái xe nói vậy.

Thực tình câu chuyện của "thím bộ đội" năm nào tôi đã quên. Chỉ tới khi xe đi vào đường trong làng tôi mới thấy "sợ". Một cảm giác rờn rợn chợt đến khi dọc hai bên đường làng, những bụi tre đâu đó và khắp tường bao quanh các ngôi nhà đều được xếp ngay ngắn những tiểu sành tiểu gốm. Cậu lái xe chừng như nhận thấy điều lạ ở tôi nên cười: "Đó là những tiểu nung hỏng nên dân làng tận dụng xếp thành tường rào thôi. Chỉ là đất nung thôi mà". Bấy giờ tôi mới hiểu ra năm xưa Hoan đã nói: "Chắc anh sẽ sợ mà không dám vào làng đâu".

***

Cho đến hè năm rồi, như một sự tình cờ, cơ quan quân sự huyện Quế Võ có mời một số nhà văn nhà báo về thăm huyện nhà. Ý của các anh "bộ đội huyện" là muốn các nhà văn nhà báo "giúp" địa phương nhiều hơn để mọi người biết đến một Quế Võ thuần nông xưa giờ đang chuyển mình mạnh mẽ thành một "huyện công nghiệp" tiến tới thành một đô thị của tỉnh Bắc Ninh. Thêm nữa "huyện nhà" có một vị tướng lừng danh - Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Buối tối hôm ấy sau bữa "cơm quê" chúng tôi được Tướng Trà mời uống nước ngay sân nhà khách của gia đình ông. Tướng Trà vui vẻ giới thiệu: "Địa danh Phù Lãng có thể có từ cuối thời Trần đầu thời Lê. Làng Phù Lãng có 3 thôn, đó là các thôn: Trung thôn, Thượng thôn, Hạ thôn". Tôi gật gù: "Làng có nhiều thôn chứng tỏ Phù Lãng là một làng lớn".

Một số sản phẩm gốm Phù Lãng.

Theo sách "Kinh Bắc - Hà Bắc" thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng có tên là Lưu Phong Tú. Ông là một vị quan thời cuối Triều Lý và ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp đi này, ông học được nghề làm gốm và đem về truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này được truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương).

Cho mãi đến đầu thời Trần (thế kỷ 13) nghề được truyền đến đất Phù Lãng. Bởi thế nghề gốm Phù Lãng mới được hình thành và phát triển vào khoảng thời Trần, thế kỷ 14. Chuyện làng gốm và nghề gốm càng nghe càng thấy háo hức. Háo hức nhất là chúng tôi được biết sau một thời gian cũng kha khá dài sản phẩm gốm Phù Lãng bị lãng quên bởi không cạnh tranh nổi với gốm sứ Trung Quốc và gốm sứ nơi khác như Bát Tràng hay Đông Triều thì giờ đang hồi sinh mạnh mẽ.

***

Điểm dừng chân đầu tiên mà các cán bộ xã đội cùng huyện đội dẫn chúng tôi tới là một công ty gốm. Một công ty làm từ A đến Z bởi tất tần tật từ khâu thiết kế, sản xuất, nung gốm và bán hàng đều do công ty "tự cung tự cấp". Bà giám đốc dẫn chúng tôi thăm một lượt các khu vực. Tới khu đặt các sản phẩm vừa ra lò thấy mẫu mã gồm toàn tượng đất nung còn nóng hổi tôi giơ máy ảnh định chụp thì bà giám đốc ngăn: "Bác thông cảm. Hàng này chúng em vừa xong khâu thử nghiệm. Chưa đưa ra thị trường nên khi khác bác về chụp ảnh ạ".

Bà giám đốc thấy tôi có vẻ chưa hài lòng vì bị "ngăn không cho chụp ảnh" nên chuyển đề tài. Theo đó bà cho biết "Ðất để làm đồ sành đồ gốm phải là loại đặc biệt, có độ dẻo. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho đất bạc màu rồi đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho "ngậm" nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi.

Chỉ tay vào một cậu thanh niên chừng ba mươi tuổi, dáng gầy nhỏ, bà giám đốc giới thiệu: "Con trai lớn của em đấy các bác ạ. Mẫu mã này đều do cháu thiết kế và trực tiếp lên khuôn. Mấy hôm nung cháu nó hầu như thức suốt đêm".

Thì ra Chính, con trai bà giám đốc, đã tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Cậu không ở lại Hà Nội để làm việc mà quyết định về làng. Đã thế Chính còn kéo luôn được cô bạn cùng học là gái Hà thành chính hiệu về cùng. Cậu lấy "gái phố" về làng làm vợ để cùng "dựng lại" nghề gốm cổ truyền. Tôi cười: "Thảo nào chú thấy hình cô gái tượng mẫu trông xinh xinh này quen quen. Hóa ra là cháu lấy khuôn mặt vợ mình để làm mẫu. Mà chú thấy rất được đấy". Chính cười hồn nhiên, cậu nói nhẹ nhàng: "Sản phẩm gốm truyền thống của làng cháu xưa nếu không là chum vại muối dưa cà thì cũng là tiểu sành đựng tro cốt các cụ. Tuy các sản phẩm ấy vẫn được mọi người dùng tới nhưng giá trị không cao. Hơn nữa cũng không bán được nhiều lắm". Tôi vội chen ngang: "Vậy cháu đã làm mới cho gốm?".

Chính lại cười: "Chẳng mình cháu đâu. Thợ gốm cả làng cũng đều nhận thấy sản phẩm kiểu cũ bị lép vế trước những sản phẩm gốm sứ nơi khác. Chúng cháu nhận ra phải làm mới. Mới về mẫu mã. Mới về hình thức và mới về khâu tiếp cận thị trường.

Quả là cánh trẻ có khác. Có chí tiến thủ và nhất là dám làm dám chơi. Câu chuyện của Chính lại đưa tôi về chuyện nung gốm. Chính cho hay: "Gốm Phù Lãng "ăn nhau" ở chỗ đây là hoàn toàn sản phẩm vẫn nung bằng củi". Tôi trách nhẹ: "Sao không nung bằng ga, bằng than hay đại loại gì đấy. Chứ nung bằng củi vừa khói bụi lại vừa nhiêu khê".

Chính lại cười vui, cậu cho biết "Sau công đoạn vào men và tạo màu, phơi khô, sản phẩm được đưa vào lò nung ở nhiệt độ đến 1.000 độ C, để đảm bảo gốm sành nâu có lớp da ngoài đanh mặt, nhẵn bóng và chắc. Xếp sản phẩm trong lò nung phải tuân theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian trong lò".

Tôi lại hỏi: "Chắc nung bằng củi rẻ hơn phải không?".  Chính lắc đầu, cậu cho hay "Chi phí cho mỗi mẻ đốt lò từ 25 đến 30 triệu đồng. Không rẻ. Nhưng việc sử dụng phương pháp truyền thống là dùng củi để nung là nhờ vào sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi". Rồi Chính hồ hởi "Nếu vẻ đẹp của Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, những nét vẽ tinh tế, thì gốm Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc với hồn cốt từ lửa, củi và cả khói".

Nói rồi Chính chỉ tay vào một số sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm cả sản phẩm gốm tráng men và sản phẩm mộc (không tráng men), cậu hỏi "Các chú có thấy gì không?". Quả là câu hỏi khó nhưng tôi vẫn nghiêng đầu ngắm nghía các sản phẩm đó, tôi lắc đầu thú thực: "Chú không nhận ra gì khác cả".

Chính cười vui vẻ rồi cậu cho hay: "Sản phẩm gốm nung bằng củi có cái hay và độc lạ là lửa và khói trong lò nung đã vô tình tạo nên những ánh màu hoặc màu sắc cho sản phẩm. Chú nhìn kỹ mà xem. Đấy, dù là gốm tráng men hay không tráng men khi nung xong và ra lò nhìn sẽ thấy những vệt lửa hay vệt khói, nó tạo nên màu sắc đa dạng chứ không chỉ có một màu. Ví dụ như chỗ vệt đen đen kia là do khói tạo nên hay vệt ánh ánh kia là do ngọn lửa tạo nên. Gốm Phù Lãng hay là chỗ đó, sản phẩm có màu sắc không đều nhau nên mới quý. Nhìn tưởng vẽ mà không phải vẽ chú ạ".

Nghe Chính nói một hồi tôi thấy "chóng cả mặt". Thảo nào mùi khói lò gốm cứ vẫn vương vấn mãi trong lòng những người dân Phù Lãng. Tôi chợt nhớ và toan níu tay Chính để kể cho cậu hay câu chuyện "thím bộ đội" ngửi khói năm nào nhưng thấy Chính đang hứng khởi nên thôi. Chính nói tiếp "Chú biết không, sau quãng thời gian chạy theo hào nhoáng thì giờ đây mọi người đang quay trở lại với gốm nhưng là với những sản phẩm có yêu cầu thẩm mỹ và xây dựng cao". Là lạ nên tôi lại thắc mắc: “Nghĩa là sao?".

Chính lại thong thả: "Nghĩa là chúng cháu phải thiết kế nên những sản phẩm có mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu. Loạt sản phẩm kiểu những bức tượng gốm như chú đã thấy là một trong những mẫu mã mới. Thực tình tượng gốm hay tượng đất nung không mới. Loại như thế đã có từ hàng trăm hàng ngàn năm trước. Vấn đề là chúng cháu làm "mới" cho nó theo kiểu của mình, kiểu Việt Nam mình".

Quả thực giờ nhiều gia đình đã khấm khá nên họ thường thiết kế những tiểu cảnh. Nhỏ nhỏ xinh xinh thì ở một vị trí phong thủy nào đó trong nhà. Lơn lớn thì là những sân vườn rì rào nước chảy. Và những tiểu cảnh đó đều được bài trí từ những sản phẩm gốm. Cái hay là nó giữ được "chất đất" trong nhà trong vườn. Nghe tới đây tôi nhớ đến câu nói của cậu lái xe năm nào, cứ đất với đất là lành cho con cháu.

Vậy là nắm bắt được xu thế đó nên sản phẩm gốm Phù Lãng ngoài những sản phẩm truyền thống thì bắt đầu chuyển nhanh sang nghiên cứu mẫu mã đáp ứng thú chơi "tiểu cảnh". Lại cái hay nữa là gốm sau khi được nung kỹ nên khá bền và không bị nước hay mưa nắng phôi phai. Những lúc thư thái hay dẫn con cháu ra ngồi chơi "ngắm cảnh" là đã có thể nhìn những nhân vật, nhìn những con vật trong "quần thể tiểu cảnh" mà nói về những câu chuyện xưa thấm đẫm tình người.

Rồi Chính mời tôi đi thăm xưởng thiết kế kiêm nơi "trưng bày" sản phẩm mới. Ở đây tôi đã gặp cô gái Hà thành bên lò gốm, hệt như chị Hai, chị Ba quan họ. Những sản phẩm mới này theo như Chính cho biết thì đều "đã có khách" đặt làm và đặt mua. "Vậy là các cháu sẽ làm luôn phần thi công tiểu cảnh cho khách?". "Vâng ạ". Chính bẽn lẽn cười như con gái.

Nguyễn Trọng Văn
.
.