Kiến nghị cấm kinh doanh vật phẩm và tài sản ảo
Tại Thông tư liên tịch được ban hành vào tháng 6/2006, giữa Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Công an về quản lý game online nêu rất rõ không cho phép kinh doanh tài sản có giá trị và quy định doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trò chơi theo giờ, không được kinh doanh vật phẩm do máy tính tạo ra. Do vậy, vật phẩm ảo, tài sản ảo… từ dịch vụ cung cấp game online tạo ra thì không được phép kinh doanh.
Hệ lụy từ vật phẩm và tài sản ảo
Trong công văn do Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài ký gửi Thủ tướng Chính phủ, chủ yếu xoay quanh các kiến nghị về tình trạng kinh doanh vật phẩm ảo trong game online.
Dư luận biết đến những vật phẩm ảo trong game online bắt đầu từ trò chơi trực tuyến mang tên “Võ Lâm Truyền Kỳ” của Công ty Vinagame. Đó là những vật phẩm từ đao, thương, kiếm, ngọc, áo giáp… có giá trị tiền mặt từ vài trăm lên đến hàng tỉ đồng. Đặc biệt, sự cạnh tranh chức vụ thống soái bang hội trong trò chơi ảo này còn khiến nhiều đại gia cho đến ca sĩ nổi tiếng, sẵn sàng bỏ ra nhiều tỉ đồng để mua một nhân vật có đẳng cấp vượt trội trong trò chơi.
Không dừng lại ở tiền bạc, nhiều game thủ còn tung tin đồn trong cái thế giới ảo ấy, có những game thủ nữ sẵn sàng đổi tình lấy vật phẩm. Mà những vật phẩm này, có tin đồn chủ yếu do các admin, tức người quản lý trò chơi tạo ra để biến thành món hàng đổi chác.
Rồi những phi vụ ăn cắp mật khẩu, dùng vũ lực để cướp đoạt vật phẩm. Thậm chí, mâu thuẫn trong game online, hẹn nhau ra ngoài đường rồi dùng hung khí băm bổ đối thủ cũng là chuyện rất thường xảy ra. Rồi cả những vụ giết người để cướp tài sản nhằm phục vụ nhân vật trong game đang cần thời gian để lên cấp. Cả những vụ cướp xảy ra trong thế giới ảo.
Game thủ tên Tuấn Long nhà ở quận 6, TP HCM. Long là chủ nhân của một nhân vật có "số má" trong “Võ Lâm Truyền Kỳ”. Thông qua các cuộc trò chuyện trực tuyến, Long đồng ý nhượng lại cho một game thủ khác vật phẩm ngọc bội với giá 30 triệu đồng.
Sau khi thỏa thuận bằng miệng xong với nhau, Long trao vật phẩm cho người mua ngay tại một đại lý Internet. Vừa cất vật phẩm vào hộp đồ dùng ảo của mình, game thủ kia… ngay lập tức bỏ chạy thục mạng. Long vừa nhao người định đuổi theo thì bỗng đâu lù lù xuất hiện nhóm đông khoảng 10 thanh niên nhào ra chặn đường, tỏ ý hăm dọa Long. Cùng đường, Long hậm hực cho qua.
Theo kiến nghị của UBNd TP HCM cần phải cấm triệt để các giao dịch mua bán vật phẩm và tài sản ảo trong game online. |
Vài ngày sau, Long phát hiện vật phẩm của mình đã được một trang web mua bán trực tuyến mua lại với giá 18 triệu đồng, và đang rao bán với giá 27 triệu đồng. Long đã nhờ nhà cung cấp dịch vụ là Vinagame có biện pháp giúp mình thu hồi lại vật phẩm ảo kia, nhưng bị đại diện nhà cung cấp từ chối.
Đau lòng hơn, vì cần tiền để nâng cấp cho nhân vật trong game online bằng vật phẩm. Tháng 4/2010, Phan Quốc Thái, 16 tuổi ngụ xã Vĩnh Hựu, Gò Công Đông, Tiền Giang đã ra tay sát hại ông ngoại của mình để có tiền cày game nâng thứ hạng cho nhân vật. Sau khi xuống tay hạ sát ông mình, Thái còn nhẫn tâm đến mức cắt đầu nạn nhân để phi tang, còn thi thể thì quẳng xuống con kênh gần nhà.
Tại Cơ quan điều tra, Thái khai rằng mình nghiện game online nặng, đã nhiều lần trộm cắp tiền của gia đình để quẳng vào nhân vật ảo. Một sáng cuối tháng 4, Thái xin tiền ông ngoại đi chơi game nhưng bị khước từ. Ông ngoại còn la mắng Thái vì chuyện suốt ngày chỉ cắm mặt vào máy vi tính. Cáu giận, Thái đã dùng dao chém chết ông mình.
Vài tháng sau vụ Phan Quốc Thái giết ông, tháng 10/2010 Hồ Vũ Nhân, ngụ tại Giồng Trôm, Bến Tre đã ra tay hạ sát một học sinh lớp 5 để cướp đôi bông tai vàng, mỏng tanh. Sau khi thực hiện hành vi tội ác, Nhân vùi xác nạn nhân xuống đám ruộng bên đường. Chưa kịp tiêu xài số tài sản ít ỏi cướp được của nạn nhân, Nhân đã bị Cơ quan Công an bắt giữ. Nhân là con nghiện game online, lâm vào trạng thái "khát nước" mà nhân vật ảo cứ liên tục "đòi" nâng cấp, Nhân đã ra tay giết người để chiếm đoạt tài sản.
Vậy mà, không hiểu sao một vị trí thức cũng có tên tuổi lại bỏ thời gian và công sức ra để làm một cuộc khảo sát một nhóm người nào đấy nhằm minh chứng cho việc, game online đem lại những tác động tích cực đối với nhiều người trong cuộc sống. Khi giới truyền thông đang ủng hộ hết mình với những kiến nghị quản lý game online, thì một vài công ty đang sinh lợi từ trò chơi trực tuyến lại vin vào cái khảo sát ấy để gây sức ép với những văn bản đưa game online vào khuôn khổ.
Sàn giao dịch vật phẩm game online. |
Công bằng mà nhận định, không thể triệt tiêu sự hưởng thụ của một bộ phận người thích giao lưu trong thế giới ảo hơn là những giao tiếp ngoài đời thực. Bởi cá nhân luôn có quyền tự định đoạt phương thức thụ hưởng cuộc sống theo cách của riêng mình. Nhưng, khi người ta không đủ tỉnh táo để tự mình thoát khỏi sự ma mị ngoài đời sống thực, nhất thiết phải có sự cảnh báo và tiếp sức từ các cơ quan chức năng.
Một kiến nghị thiết thực
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, người đại diện của UBND TP HCM nhận định rất xác đáng về vật phẩm trong game online.
Theo đó, UBND TP HCM xác định việc kinh doanh vật phẩm trong game online là vi phạm các quy định của pháp luật, bởi vật phẩm trong game online chính là những giá trị ảo do phần mềm máy tính tạo ra. Tại Thông tư liên tịch được ban hành vào tháng 6/2006, giữa Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ Công an về quản lý game online nêu rất rõ không cho phép kinh doanh tài sản có giá trị và quy định doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trò chơi theo giờ, không được kinh doanh vật phẩm do máy tính tạo ra. Do vậy, vật phẩm ảo, tài sản ảo… từ dịch vụ cung cấp game online tạo ra thì không được phép kinh doanh.
Trong game online, vật phẩm có giá trị quyết định trong việc nâng cấp cho nhân vật trong game. Đây chính là những điều kiện tiên quyết để nhân vật tạo được một "thân võ công" hoặc chiếm được lợi thế tuyệt đối so với các nhân vật khác. Game thủ thèm khát vật phẩm “hàng hiệu” trong game online không thua gì con nghiện thèm thuốc… Chính từ đây, họ sẵn sàng làm mọi cách để có thể sở hữu được những vật phẩm nhằm nâng cấp cho nhân vật của mình.
Trò chơi Đặc nhiệm anh hùng. |
Cũng theo kiến nghị này, thì qua kiểm tra, đối chiếu các kịch bản của các đơn vị cung cấp game online, cơ quan chức năng của thành phố xác định trong kịch bản hoàn toàn không có nội dung mua bán vật phẩm ảo. Đồng thời, cũng không có những danh sách vật phẩm đăng ký mua bán có kèm theo giá tiền trong game online. Như vậy, có thể thấy rất rõ ràng là việc thực hiện các giao dịch mua bán vật phẩm ảo của những đơn vị cung cấp game online là hoàn toàn sai lệch so với quy định của Bộ Thông tin - Truyền thông.
Bên cạnh các vi phạm có tính chất cố tình này của những đơn vị cung cấp game online, các cơ quan chức năng của UBND TP HCM còn xác định những tác động tiêu cực liên quan đến việc kinh doanh vật phẩm ảo.
Đầu tiên, việc kinh doanh vật phẩm trong game online chưa được pháp luật của Nhà nước công nhận, điều này sẽ dẫn đến quyền lợi của người mua vật phẩm ảo bị xâm phạm. Bởi khi có những trục trặc trong các giao dịch xảy ra, họ sẽ không được bảo vệ.
Trên thực tế, có những giao dịch mua bán vật phẩm ảo có giá trị thấp nhất là vài triệu cho đến hàng tỉ đồng đã được thực hiện giữa người chơi với người chơi. Nhưng, sau khi bỏ ra hàng đống tiền để mua vật phẩm, người chơi bị đơn vị cung cấp dịch vụ game online khóa tài khoản hoặc bị mất cắp tài khoản khiến không thể tiếp tục "tham chiến" trong thế giới ảo là điều quá đỗi bình thường. Trong trường hợp này, không có ai có thể đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Bởi họ đã chủ động tham gia một giao dịch không đúng quy định, không được bảo hộ.
Lãng phí cuộc sống thực tế trong mê trận của thế giới ảo. Ảnh minh họa. |
Còn nhớ, vào cuối năm 2008, một quản lý của trò chơi trực tuyến từng dính phải chuyện kiện tụng vì tự tạo ra vật phẩm để bán cho các game thủ nhằm kiếm lợi cả trăm triệu đồng. Thời điểm ấy, dư luận cũng bàn tán xôn xao. Nhưng rốt cuộc, đâu lại vào đấy vì luật còn thiếu những khoản quy định về tài sản ảo. Hệ lụy của việc này là chuyện ai sai cứ sai, ai làm cứ làm, còn ai xử… thì phải chờ(?!).
Tiếp đến, kiến nghị xác định việc mua bán vật phẩm trong game online Nhà nước sẽ không kiểm soát được giá cả vì không có cơ sở pháp lý để kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm pháp luật về giá. Bởi giá trị của các vật phẩm là do phía đơn vị cung cấp game online quy định. Theo Pháp lệnh về giá, thì đây chính là hình thức độc quyền về giá và vô hình trung, họ đã vi phạm các quy định về chống độc quyền theo Luật Thương mại.
Chính từ sự rối rắm này, Nhà nước có thể mất một khoản thuế đáng kể trong việc đánh thuế vào các giao dịch có giá trị lớn. Đó là khoản thuế giá trị gia tăng khi các game thủ thực hiện những giao dịch mua bán vật phẩm. Ngoài ra, khoản thu lợi từ các đơn vị cung cấp game online cho việc mua bán vật phẩm cũng không bị đánh thuế.
Chính vì vậy UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ UBND TP HCM trong việc kiên quyết thực hiện các biện pháp nhằm không cho phép kinh doanh các vật phẩm ảo trong game online, trong khi đang chờ các cơ quan chức năng khác ban hành những quy định nghiêm ngặt về hình thức kinh doanh này.
Theo quan điểm của chúng tôi, đây là kiến nghị thể hiện sự quyết tâm của UBND TP HCM trong việc ngăn chặn cơn bão game đang có dấu hiệu hoành hành trở lại một cách kín đáo hơn