Kinh tế Anh rơi vào suy thoái hậu Brexit

Thứ Ba, 02/02/2021, 08:19
Theo nghiên cứu mới nhất được Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức (BMWi) công bố ngày 5-1, thỏa thuận thương mại tự do mà Anh và Liên minh châu Âu (EU) đạt được ngày 24-12-2020 sẽ làm giảm đáng kể những tác động tiêu cực của tiến trình Brexit (Anh rời khỏi EU).

"Thỏa thuận toàn diện không hàng rào thuế quan và hạn ngạch giữa EU và Anh là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Đức, EU cũng như Anh" - Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier khẳng định. Ông Almaier cho rằng, ảnh hưởng tức thì của Brexit với quan hệ thương mại tương lai với Anh "dường như ít hơn mức từng quan ngại”.

Tuy nhiên, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson ký một thỏa thuận thương mại với Brussels (Bỉ) vào đêm Giáng sinh vừa qua, thực tế không thể tránh khỏi là việc quản lý lãnh thổ và hải quan của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu khó khăn. Theo Hãng tin AP, sau khi giải quyết một số vấn đề tồn đọng quanh chuyện cạnh tranh bình đẳng khi Anh rời EU (Brexit), các nhà đàm phán Anh và EU vẫn tranh luận về quyền đánh bắt cá của EU trong vùng biển của Anh. 

Cuộc làm việc ngay trong đêm Giáng sinh để đảm bảo thông qua một thỏa thuận tạm thời hậu Brexit. Thực tế là thỏa thuận chỉ được thống nhất một tuần trước khi nó có hiệu lực, có nghĩa là sự gián đoạn nghiêm trọng đối với vô số doanh nghiệp dựa vào chuỗi cung ứng liền mạch là không thể tránh khỏi.

Thỏa thuận về quyền đánh bắt cá của EU trong vùng biển của Anh gây tranh cãi. Ảnh: AFP.

Bất chấp những tuyên bố lặp đi lặp lại của ông Johnson rằng Brexit là cơ hội tuyệt vời cho các nhà xuất khẩu của Anh và sẽ dẫn đến sự hồi sinh cho thương mại tự do, thực tế lại rất khác: Cá đánh bắt được bắt đầu thối rữa vì các nhà xuất khẩu không thể đưa chúng sang Liên minh châu Âu. Các công ty logistics nghi ngờ rằng, cả xuất khẩu và nhập khẩu sẽ khả thi đối với nhiều doanh nghiệp trong dài hạn. "Cú ngã" từ Brexit và đại dịch COVID-19 đang đẩy nền kinh tế Anh rơi vào tình trạng suy thoái mạnh trong quý đầu tiên của năm 2021, theo dữ liệu do IHS Markit công bố hôm 22-1. Có nghĩa là một cuộc suy thoái kép đang hiện hữu.

Ví dụ rõ ràng nhất về những gì Brexit đang gây ra cho doanh nghiệp Anh đến từ ngành đánh bắt cá của Scotland. Bất chấp những tuyên bố của chính phủ trong các cuộc đàm phán Brexit rằng ngành đánh bắt cá đang ở rất gần vị trí hàng đầu trong danh sách ưu tiên của họ thì có một thực tế lo ngại rằng, toàn bộ ngành có thể sụp đổ trong vài tuần.

James Withers, một giám đốc điều hành về đồ uống và thực phẩm của Scotland, cho biết: "Điều này không đơn giản như một trục trặc về công nghệ thông tin cần được sửa chữa. Trước đây, chỉ trong vài ngày, chúng tôi có thể gửi thực phẩm tươi sống đến Madrid (Tây Ban Nha) chỉ duy nhất qua thủ tục giấy tờ. Bây giờ, có khoảng 26 bước cho mỗi giao dịch".

Tác động thực tế của điều này có nghĩa là một số nhà xuất khẩu đã cắt đứt thị trường châu Âu trong một đêm. Gần như mỗi ngày, hình ảnh về các chợ cá hầu như không có người và những con thuyền neo đậu tại cảng lan truyền trên mạng xã hội. Ông Withers đã nghe các câu chuyện về những chiếc thuyền Scotland đi 48 giờ để xử lý sản phẩm đánh bắt ở Đan Mạch, chỉ để đưa hàng của họ vào một thị trường duy nhất. Trong một ngành công nghiệp mà tỉ suất lợi nhuận thường thấp, mỗi giờ dành ra để giải quyết các thủ tục vì những quy định cứng nhắc, "hành là chính" sẽ ảnh hưởng cực lớn đến cả độ tươi mới của sản phẩm và năng suất của doanh nghiệp.

Cảnh tượng ở Scotland có thể không gay cấn bằng tình trạng thiếu lương thực và hàng loạt xe tải tồn đọng mà nhiều người dự đoán xảy ra hậu Brexit, nhưng thiệt hại đã hiển thị trong dữ liệu kinh tế. Các vấn đề Brexit đang làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái do các hạn chế của đại dịch gây ra và kéo dài thời gian giao hàng của các nhà cung cấp, IHS Markit cho biết vào hôm 22.1. Theo IHS, trong khi 33% các nhà sản xuất báo cáo về sự sụt giảm trong xuất khẩu liên quan trực tiếp đến sự sụt giảm vì đại dịch thì khoảng 60% liên quan đến sự sụt giảm do Brexit.

ForagePlus - một doanh nghiệp kinh doanh dinh dưỡng cho ngựa có trụ sở tại Wales - đã có hàng chục kiện hàng đi châu Âu bị trả lại trong tuần này do trục trặc trong hệ thống xử lý thông tin hải quan mới của công ty vận tải. "Về cơ bản đó chỉ là một sự xáo trộn" - người sáng lập ForagePlus, Sarah Braithwaite, nói với CNN Business. Gần một tháng đã qua kể từ khi công ty có thể vận chuyển bất cứ thứ gì vào châu Âu do đại dịch và Brexit.

Các công ty vận tải đường bộ và các công ty hậu cần thực sự lo ngại rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều trong những tháng tới.

Nhiều nguồn tin trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng cho CNN Business hay, người tiêu dùng Anh sẽ không cảm thấy bị gián đoạn nhiều vì tháng 1 là tháng mà các cảng thường không sôi động và Vương quốc Anh đã tích trữ hàng hóa để chuẩn bị cho một Brexit mà không đạt được thỏa thuận nào. Nhưng điều đó có thể thay đổi khi khối lượng giao dịch tăng lên trong những tháng tới khiến các hệ thống biên mậu chịu thêm áp lực. Điều này có thể dẫn đến việc giảm dần sự đa dạng của các sản phẩm tươi sống dành cho người tiêu dùng ở Anh. 

"Trong ngắn hạn, khi các chuỗi cung ứng tự sắp xếp, chúng tôi có thể quay lại cách mua sắm theo mùa nhiều hơn hoặc phạm vi lựa chọn hạn chế hơn" - phát ngôn viên của Logistics UK cho hay. Điều này có nghĩa là sau nhiều thập niên ăn trái cây và rau quả tươi vào mọi thời điểm trong năm, người Anh có thể phải bắt đầu coi dâu tây là món ăn mùa hè.

Khu vực mà tình trạng thiếu lương thực có thể nhanh chóng trở thành một vấn đề thực sự là Bắc Ireland, nơi hiện các kệ siêu thị đã trống trơn theo hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội. Do vị trí độc tôn của Bắc Ireland, nó đã tách khỏi phần còn lại của Vương quốc Anh và vẫn nằm trong thị trường chung của EU, khiến việc nhập khẩu thực phẩm từ Vương quốc Anh trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Simon Coveney - Bộ trưởng Ngoại giao Ireland - nói rằng, hình ảnh các kệ hàng trống trong các siêu thị ở Bắc Ireland "rõ ràng là một vấn đề Brexit" và "một phần của thực tế" về việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu.

Gia Minh
.
.