Kỳ họp thứ 4-Quốc hội khóa XII: Chi 491.300 tỉ đồng để ổn định quốc kế dân sinh

Thứ Ba, 18/11/2008, 13:00
Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát; ổn định dần kinh tế vĩ mô; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững; chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và có hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội... đó là mục tiêu tổng quát của Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 mà Quốc hội vừa thông qua.

Trước những thách thức và cơ hội trong năm 2009, để đạt mục tiêu này, Quốc hội cũng quyết nghị tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 491.300 tỉ đồng...

2009 – năm nhiều thách thức

Phát biểu kết thúc phần thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định: trước những khó khăn của năm 2008, cả hệ thống chính trị và toàn dân đều vào cuộc với sự thống nhất, quyết tâm và trách nhiệm cao trước yêu cầu ổn định và tiếp tục đổi mới, phát triển đất nước.

Vì vậy, những tháng cuối năm 2008, Quốc hội lưu ý Chính phủ tập trung vào một số vấn đề rất bức thiết như tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho sản xuất. Tiếp tục áp dụng các biện pháp kiên quyết hơn để không làm khó khăn thêm cho đời sống của những đối tượng nghèo, người có thu nhập thấp.

Đánh giá tình hình năm 2009, Chính phủ đã nêu rõ mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng nền kinh tế nước ta còn có nhiều khó khăn thách thức. Trước hết là ảnh hưởng của tình trạng lạm phát cao của năm 2008; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định; sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và của các doanh nghiệp còn ở mức thấp; các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của lạm phát; hoạt động của hệ thống tài chính còn nhiều rủi ro; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là người nghèo, người làm công ăn lương, người về hưu và các đối tượng chính sách.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu lao động tay nghề cao; kết cấu hạ tầng kinh tế chưa bảo đảm yêu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống cảng biển và đường bộ đến cảng ở các vùng kinh tế động lực.

Tình hình thiên tai, dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp. Đây là những yếu tố cơ bản ảnh hưởng bất lợi đến việc phấn đấu duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong năm 2009...

Ổn định quốc kế dân sinh

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, để đạt mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 thì công tác điều hành của Chính phủ phải bảo đảm hợp lý giữa kiềm chế lạm phát và tốc độ phát triển kinh tế.

Bởi trong thực tế nhiều nhân tố kiềm chế lạm phát tác động ngược chiều với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nếu tăng trưởng kinh tế ở mức quá thấp đồng nghĩa với thu hẹp sản xuất kinh doanh, theo đó rất khó khăn đến việc làm, thu nhập và đời sống của số đông người lao động và nhân dân.

Ngược lại, nếu để lạm phát không giảm thậm chí tăng trở lại thì hệ quả về ổn định vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội cũng rất khó khăn, vì "chữa bệnh lần đầu thông thường dễ hơn chữa bệnh khi tái phát trở lại".

Vì vậy trong 10 nhiệm vụ cơ bản để phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, Quốc hội đặt nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao chất lượng phân tích và dự báo tình hình trong nước và quốc tế, đặc biệt là những biến động về tình hình kinh tế, tài chính thế giới, chủ động xây dựng các phương án ứng phó, hạn chế tác động bất lợi của khủng hoảng từ bên ngoài đến hệ thống tài chính, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Trong điều hành nền kinh tế, sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát nhưng linh hoạt trong điều hành lãi suất và tỉ giá, chủ động kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng và cơ cấu tín dụng phù hợp để tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tăng khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính quốc gia. Rà soát các văn bản pháp quy có liên quan về lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả chi tiêu công ngay từ việc duyệt kế hoạch đầu tư năm 2009, triệt để tiết kiệm chi; công khai danh sách các công trình dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, trong đó tập trung vốn cho các công trình dự án giao thông, thủy lợi, điện và công trình phục vụ an sinh xã hội cần hoàn thành trong năm 2009 và quý I năm 2010.

Có kế hoạch cụ thể, phát hành phù hợp với khả năng giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ở các làng nghề, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân.

Quốc hội sẽ giao Chính phủ nghiên cứu thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng để đối phó với khủng hoảng tài chính.

Đánh giá toàn diện hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; hoàn thiện khung pháp luật để chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhất là hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.

Một nhiệm vụ quan trọng mà Quốc hội đặt ra là kết hợp nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước và thu hút các nguồn vốn khác để tăng đầu tư cho "tam nông" theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X).

Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu; giảm tối đa nhập siêu; phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khuyến khích sản xuất và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng có giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu một số loại tài nguyên, khoáng sản.

Coi trọng thị trường trong nước, đẩy mạnh công tác kiểm soát giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu, nâng giá, kiếm lời bất chính. Thực hiện chính sách giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo lộ trình gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát; đồng thời, có sự hỗ trợ hợp lý, trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều khi Nhà nước điều chỉnh tăng giá.

Với nhóm các vấn đề xã hội, Quốc hội đặt ra nhiệm vụ thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách đã ban hành về hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân các vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, dịch bệnh, người hưởng lương có thu nhập thấp, người về hưu.

Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học, đặc biệt là chương trình giảng dạy và chất lượng giáo viên ở cấp tiểu học và bậc đại học. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động mạnh mẽ mọi nguồn vốn trong xã hội để nâng cao chất lượng điều trị, phục vụ tại các cơ sở y tế công lập; kiểm tra quản lý và sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho y tế tuyến huyện và  tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá thuốc.

Hoàn thiện cơ chế, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất thải tại các bệnh viện, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Với lĩnh vực an ninh - quốc phòng, Quốc hội đặt ra nhiệm vụ tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; bảo đảm tiến độ cải cách tư pháp, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong tình hình mới. Đánh giá, nhận định đúng, kịp thời tình hình để chủ động xử lý hiệu quả các tình huống, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông.

Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, Quốc hội đã quyết nghị tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 491.300 tỉ đồng.

“Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói

Nguyễn Thiêm
.
.