Kỳ lạ chuyện cúng cho người sống

Thứ Năm, 17/04/2014, 09:30

Cách thành phố Hà Nội non 70km, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang hiện lên như một ốc đảo với những đồi vải xanh mướt. Nơi này, gần như tách biệt hẳn với thế giới chen chúc ồn ào khói bụi của thành phố. Tách biệt bởi vô số cầu tạm chòng chành dẫn lối. Tách biệt bởi những con đường đất đỏ lép nhép như thử thách những ai không đủ kiên nhẫn thâm nhập vùng đất này. Trong “ốc đảo” nhỏ bé và dị biệt này, người Nùng vẫn bảo tồn một tục lệ rất đỗi lạ lẫm và thú vị”: Cúng cho người sống!

"Cúng cho người sống, chứ ai cúng cho người chết làm gì!"

Câu nói của anh Nông Văn Mười - phó thôn Bãi Lời (xã Tam Dị, huyện Lục Nam, Bắc Giang) khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.

Nói rồi, anh Mười dẫn chúng tôi đến nhà già làng La Văn Hải. Già làng Hải năm nay đã 70 tuổi, là người có uy tín và được trọng vọng nhất thôn Bãi Lời. Sau nhiều lần đợi chờ, cuối cùng hôm nay chúng tôi cũng được thực mục sở thị buổi lễ "cúng sống" cho ông. Khi chúng tôi đến cũng là lúc con cháu trong gia đình đang tất bật chuẩn bị cho một dấu mốc đáng nhớ trong đời của vị già làng này. Già làng La Văn Hải vẫn rất minh mẫn, rắn rỏi với đôi mắt sáng dưới chiếc mũ nồi lệch của người Nùng.

Rít một hơi dài thuốc lá, già làng Hải kể rằng, xã Tam Dị là nơi người Tày- Nùng tập trung an cư đã mấy trăm năm nay. Ở "ốc đảo" Tam Dị này, người Nùng vẫn luôn giữ được những phong tục truyền thống từ thời xa xưa. Cho dù, nhiều người gièm pha người Nùng là đi ngược lại truyền thống nhớ ơn người đã khuất của người Việt Nam. Nhưng già làng Hải lại cho rằng, tục lệ "cúng sống" của người Nùng xuất phát từ lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Già làng Hải lý giải: "Người Nùng, cũng như các dân tộc khác, con gái khi "xuất giá tòng phu" phải toàn tâm toàn ý gánh vác hết công việc nhà chồng. Công việc nương rẫy, con cái đã khiến những người phụ nữ không còn thời gian để về thăm cha mẹ đẻ nữa. Đến khi cha mẹ già, ốm bệnh hoặc đột ngột nhắm mắt xuôi tay thì lúc ấy, con gái có muốn cũng không thể nào giúp đỡ bố mẹ được nữa. Chỉ biết khóc lóc tiếc thương, nhưng bố mẹ cũng không thể nào sống lại được, không thể thưởng thức được những miếng ngon con gái mang đến nữa. Chính vì vậy, người Nùng đã đặt ra tục lệ "cúng sống". Lễ này nhất thiết phải do con gái đứng ra tổ chức.

Già làng La Văn Hải, người được con cháu "cúng sống".

Từ năm 60 tuổi trở đi, những người Nùng với điều kiện đã lập gia đình, có con cháu thì bắt đầu được tổ chức lễ "cúng sống". Lễ "cúng" được tổ chức trùng với ngày tháng sinh của các cụ. Nhưng không nhất thiết mỗi năm tổ chức một lần như "cúng giỗ" cho người đã mất. Lễ "cúng sống" chỉ được tổ chức vào một năm thật thích hợp do "thầy then" (thầy cúng của người Nùng) chọn. Chính vì vậy, mặc dù đã qua ngưỡng 60 tuổi từ lâu, nhưng ông Hải phải đợi đến năm nay mới được năm để tổ chức lễ "cúng sống" lần đầu tiên. May mắn lần "cúng" thứ hai, ông Hải sẽ chỉ phải đợi 2 năm.

Theo quan niệm của người Nùng, người nào được con cái tổ chức lễ "cúng sống" với số lượng càng nhiều thì càng có phúc. Ông Hải từng rất ngưỡng mộ một cụ ông khác trong làng vì mới hơn 70 tuổi mà đã được con gái làm cho gần 10 cái lễ "cúng sống". Tôi buột miệng hỏi: "Vậy tại sao mỗi năm ông không tổ chức lễ "cúng" một lần giống người ta?".

Ông Hải trợn mắt, xua tay, lắc đầu nguầy nguậy: "Ấy, làm thế không được. Người ta được năm "hợp" thì người ta làm thế được. Nếu như cố ý làm khi không được tuổi thì "thọ" đâu không thấy, chỉ rước thêm họa vào nhà thôi". Khi tôi hỏi: "Thế “thầy then” sao biết được năm nào có ngày tốt?". Ông Hải gật gù sùng kính: "Thầy then là người nhà trời, họ nắm được sách trời mà, mình phải nghe…".

Lễ cúng… tươi vui !

5h chiều trước ngày làm lễ "cúng sống", nhà già làng La Văn Hải đã chật kín con cháu. Ngoài mảnh sân rộng, bàn ghế đã sắp đặt ngay ngắn. Vợ ông tất bật bên lò nấu rượu để phục vụ rượu cho những người đến dự lễ. Nghe đâu, lễ “cúng” của ông Hải tổ chức gần 30 mâm cỗ. Trong nhà, con cháu đang xúm xít cắt những mảnh giấy xanh đỏ thành hình quần áo, thuyền, nhà cửa để ngày mai "thầy then" dùng làm lộ phí để "biếu xén" các cửa quan âm trên đường tới mời Ngọc Hoàng.

"Thầy then" tên là Hoàng Văn Tám, một người đàn ông trung niên với vóc dáng bệ vệ, ông mang theo bộ áo choàng đơn giản để mặc trong khi làm lễ.

Lễ "cúng sống" theo tiếng Nùng gọi là "khay khoăn" (nghĩa là mở cửa hồn). Người Nùng gọi hồn là "khoăn" (khi hồn còn gắn bó với thể xác, còn khi hồn thoát khỏi thể xác gọi là "phi"). Tổ chức "cúng sống" cho bố mẹ là cầu chúc để hồn không bỏ đi, bố mẹ được thượng thọ hơn. Nội dung các bài khấn "then" trong lễ "cúng" chúng tôi được các bô lão trong thôn dịch nôm na đại ý là cầu mong "khoăn" luôn hòa hợp với "phi".

Trong khi cúng lễ, con cháu của ông Hải liên tục mang gạo để "thầy then" cho vào một chiếc rổ con gọi là lễ "Pủ lường", nghĩa là góp lương thực vào kho để bồi dưỡng sức khỏe cho bố mẹ sống lâu.

Lễ cúng gần như trở thành một đêm lễ hội. "Nghệ sĩ" là các “thầy then” ôm đàn tính hát say sưa trong trạng thái lên đồng và những khán giả say mê ngồi vây quanh sân khấu. Sau một đêm miệt mài, "thầy then" kết thúc công việc. Gia chủ và khách khứa bắt đầu ngồi vào mâm và ăn uống vui vẻ. Vào ngày này, các bậc cha mẹ được "cúng sống" thường cố gắng ăn uống thật nhiều để đáp lại tấm chân tình của con gái.

Tiếng cười nói rổn rảng của người lớn, tiếng cụng ly rộn rã pha với tiếng nô đùa  của đám trẻ con, lần đầu tiên chúng tôi tham dự một "lễ cúng" mà lại tươi vui và đặc sắc đến thế.

Ông Hải cười, mắt nhìn xa xăm: "Sau này tôi chết đi, ban thờ Mụ của tôi sẽ được chôn theo. Chúng tôi không tổ chức cúng giỗ tổ tiên về bởi lẽ chúng tôi quan niệm, chết không phải là kết thúc, mà là bước vào một cuộc sống khác...”.

"Có nhiều cách để thể hiện lòng hiếu kính với bề trên…"

Theo nhà nghiên cứu văn hóa, TS Trương Sỹ Hùng thì không nên chụp mũ, hay kỳ thị bất cứ tập tục nào cả. Bởi lẽ, đứng dưới khía cạnh một nhà nghiên cứu, ông hết sức tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc. Bởi từ sự đa dạng ấy mới hình thành nên một chỉnh thể văn hóa Việt đặc sắc. Trước những sự lý giải và căn cứ của người Nùng ở Tam Dị, Lục Nam, ông hoàn toàn ủng hộ niềm tin riêng của họ.

Không thể đánh giá rằng vì không đi theo truyền thống thờ cúng tổ tiên của đại đa số các dân tộc mà nó lại là phản cảm. Người Nùng có một niềm tin khá “thực dụng”, “thực dụng” ở đây mang nghĩa tích cực. Họ trân trọng hiện thực, quý giá hiện tại, và có niềm tin tốt đẹp vào một tương lai sau - cái - chết. Thay vì tốn kém đổ tiền bạc tổ chức những đám cúng, giỗ, rình rang khóc lóc thương xót thảm thiết sau khi cha mẹ đã rời khỏi trần thế thì người Nùng lại chăm sóc chu đáo cho bậc sinh thành ngay khi còn sống với một tư duy chất phác đó là: "Sống mới hưởng thụ được, chết rồi sao hưởng thụ được nữa". 

Không chỉ ở Bắc Giang mà  người Nùng ở một số địa phương như Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng… cũng có tập tục này. T.S Trương Sỹ Hùng nói thêm: Công bằng mà nói, có nhiều cách thể hiện lòng hiếu kính với bề trên, và người Nùng đã chọn một cách giản dị nhưng cũng đặc biệt nhất…".

Huyền Vũ
.
.