Kỳ thi THPT quốc gia: Đã chốt phương án, vẫn ngổn ngang trăn trở

Thứ Sáu, 26/09/2014, 19:00

Như vậy, sau hơn một tháng lấy ý kiến sâu rộng, phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chốt vào ngày 9/9 với 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Áp lực tâm lý, dư luận xã hội đã phần nào được giải tỏa khi những "giải pháp kỹ thuật" tổ chức kỳ thi do Bộ GD & ĐT công bố với lời hứa sẽ đảm bảo không gây sốc, không đánh đố, không xáo trộn đối với học trò. Về cơ bản, phương án thi này được dư luận ủng hộ vì nó khá gần gũi với việc dạy và học ở trường phổ thông.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của nhiều nhà khoa học, kỳ thi quốc gia nếu không được tính toán kỹ lưỡng, thận trọng thì sẽ xảy ra nhiều rủi ro, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh.

Điều kiện "cần và đủ" đã thực sự chín muồi?

Mặc dù kỳ thi quốc gia đã được ấn định sẽ tổ chức vào ngay tháng 6/2015 nhưng đến nay vẫn có ý kiến băn khoăn cho rằng, vì sao cứ nhất thiết phải tổ chức vào năm 2015 mà không phải là 2016 hoặc 2017? Liệu điều kiện cần và đủ cho kỳ thi tầm vóc như vậy đã thực sự chín muồi hay chưa? Câu hỏi này đã được lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, đổi mới thi chỉ có thể đạt được kết quả nếu dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc.

Thực hiện Nghị quyết 29, trong quá trình xây dựng phương án tổ chức kỳ thi quốc gia, cùng với khảo sát đánh giá đúng hiện trạng thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, CĐ ở nước ta thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tham khảo sâu rộng kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này từ mô hình tổ chức thi, quy trình thực hiện, cách thức sử dụng kết quả (một số nước điển hình như: Mỹ, Nga, Phần Lan, Pháp, Áo, Ailen, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...).

Bên cạnh đó, dự thảo phương án tổ chức kỳ thi quốc gia đã được tham khảo ý kiến rộng rãi, cụ thể: Đã có 24 giám đốc các Sở GD&ĐT, hiệu trưởng trường ĐH, CĐ cho ý kiến; 142 nhà quản lý giáo dục, giáo viên và đại biểu dự hội nghị tổng kết năm học vào cuối tháng 7/2014; 120 trường ĐH, CĐ bày tỏ quan điểm và 137.379 cán bộ quản lý, giáo viên cùng 929.584 học sinh của 2.788 trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc 63 Sở GD&ĐT và Cục Nhà trường cho ý kiến về dự thảo trên.

Đa số các ý kiến nhất trí nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 và đồng tình với phương án thi theo môn (phương án 1) vì phương án này đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên, học sinh và các trường phổ thông. Kết quả thi có thể đủ độ tin cậy để thực hiện hai sứ mệnh là vừa xét tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ GD&ĐT đã thiết kế một phương án thi khá "an toàn" trong bối cảnh hiện tại.       

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường.

Dư luận kỳ vọng, kỳ thi quốc gia cần những giải pháp kỹ thuật tối ưu để không gây căng thẳng cho xã hội.

Với những học sinh, học viên không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý.

Đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Thí sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi quốc gia.

Như vậy, đối với tuyển sinh ĐH, CĐ đã tách khâu thi và khâu xét tuyển, tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH.

Về tổ chức thi, Bộ GD&ĐT cho biết, công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT. Các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh, sẽ dự thi tại các cụm thi tại địa phương do các Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ; còn với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ dự thi tại các cụm thi ở các trường ĐH (tương tự như các cụm thi ĐH năm 2014) do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các Sở GD&ĐT.

Sẽ vẫn có nhiều kỳ thi "con"?

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án, một số hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội cho biết, học sinh lớp 12 cũng đã bớt lo lắng và yên tâm với việc học, ôn luyện. Việc thiết kế 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn - giống như thi tốt nghiệp năm 2014 thì thí sinh, đặc biệt là thí sinh đang ôn khối D sẽ khá thuận lợi.

Tuy nhiên, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Kỳ thi quốc gia sẽ xóa khối thi, nhưng trên thực tế, các trường ĐH, CĐ trong phương thức tuyển sinh của mình sẽ yêu cầu những môn thi "truyền thống" của họ, ví dụ, nhóm ngành kỹ thuật như bách khoa, xây dựng sẽ vẫn tuyển toán, lý, hóa; hoặc những ngành như sinh học, y học sẽ vẫn duy trì các môn như toán, hóa, sinh hay nhóm ngành xã hội thì chủ lực vẫn là văn, sử, địa, do đó, việc ôn luyện từ trước của thí sinh sẽ không ảnh hưởng gì nhiều.

Năm học mới, học sinh cả nước sẽ bước vào một năm cải tiến mạnh mẽ về thi cử trong các trường phổ thông.

PGS.TS Mai Văn Trinh còn cho biết thêm, để thực hiện mục đích vừa xét tốt nghiệp phổ thông, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kỳ thi với đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông. Vì vậy, theo Cục trưởng Cục Khảo thí, các em thí sinh yên tâm học tập, không có gì phải lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.

Kỳ thi quốc gia được các Sở GD&ĐT đón nhận trong trạng thái khá "êm ả", vì theo như một Giám đốc Sở GD&ĐT khu vực miền Trung, kỳ thi vẫn trên tinh thần của kỳ thi tốt nghiệp 2014 nên không xáo trộn nhiều và mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp cũng không phải là cái gì quá "to tát", có học có thi, có trượt có đỗ. Nhưng đến thời điểm này, "nóng bỏng" nhất có lẽ là các trường ĐH, CĐ. Nói cách khác, nhiều trường ĐH "tinh hoa" hay ĐH trọng điểm, ĐH vùng đang có sức cạnh tranh mạnh mẽ thì như ngồi trên "chảo lửa".

PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội đã nhiều lần chia sẻ với chúng tôi những băn khoăn về kỳ thi quốc gia. Và lần này, sau khi kỳ thi quốc gia được công bố, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú vẫn tiếp tục lo lắng.

Ông cho biết: "ĐH Y Hà Nội và rất nhiều trường khác đều mong muốn lấy được kết quả của kỳ thi quốc gia để tuyển sinh, nhưng kỳ thi này mới bắt đầu, nếu trông chờ vào nó quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn tuyển. Do đó, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ dự trù một kỳ thi sát hạch thứ hai, do trường tự tổ chức thi, tự coi thi, số môn thi sẽ gồm toán, hóa, sinh. Đề thi chắc chắn chúng tôi phải nhờ Bộ GD & ĐT, nhưng nếu nhiều trường cũng thi bổ sung 3 môn toán, hóa, sinh thì lúc đó, sẽ có rất nhiều đề thi toán, hóa, sinh.

Vậy sẽ bảo mật đề thi như thế nào nếu các trường có kỳ thi phụ sẽ không tổ chức thi cùng một ngày? Mà để chúng tôi tự ra đề thì chúng tôi không đủ năng lực, tự ra đề sẽ phát sinh dạy thêm, học thêm, học tủ, luyện thi cũng phức tạp lắm. Mà để đảm bảo cung ứng đề cho các nhóm trường khác nhau với nhu cầu khác nhau, đòi hỏi phải có ngân hàng đề đủ mạnh. Điều này, không biết Bộ GD&ĐT có đảm bảo hay chưa?".

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, tổ chức thi tại các trường ĐH sẽ không đủ chỗ, nên phải thi tại trường THPT, nhưng việc phân bố học sinh đến từng hội đồng thi như thế nào cũng phải tính toán kỹ. Thêm nữa, Bộ GD&ĐT chủ trương điều động cán bộ, giảng viên ĐH đi coi thi, nhưng trước họ coi thi thí sinh thi vào trường mình, giờ họ coi thi thí sinh không phải của trường mình, chắc chắn tâm lý và trách nhiệm sẽ khác.

"Phải có chế tài, quy định nào đó để ràng buộc trách nhiệm của đội ngũ giám thị là giảng viên đại học, nếu không sẽ xảy ra tình trạng lơ là, thiếu trách nhiệm là chất lượng của kỳ thi quốc gia sẽ ảnh hưởng lớn" - PGS.TS Nguyễn Hữu Tú đề xuất.

Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ không khống chế các trường tổ chức kỳ thi bổ sung vì như thế vi phạm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Và Bộ sẽ quyết tâm tổ chức thi nghiêm túc nhất để càng có nhiều trường ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia. Nhưng hiện tại nhiều trường đại học như ĐH Hà Nội, ĐH Xây dựng, nhiều trường khối ngành kinh tế và một số trường trong lực lượng vũ trang đang rục rịch chuẩn bị cho một "kỳ thi con" để sát hạch thí sinh.

Băn khoăn cụm thi, hồ sơ "ảo"

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông băn khoăn về việc chia hai loại cụm thi của Bộ GD&ĐT: cụm do trường ĐH chủ trì (dành cho thí sinh vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa tuyển sinh ĐH, CĐ) và cụm do Sở GD&ĐT chủ trì (dành cho thí sinh tham dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT).

Trong khi đó, tâm lý của học sinh học xong cấp III là phải thi vào ĐH, CĐ nên khả năng thí sinh dự thi ở các cụm do Sở GD&ĐT tổ chức sẽ rất ít. Nếu khu vực thi địa phương có tới 40.000 thí sinh dự thi thì sẽ bố trí như thế nào? Như Hà Nội, những năm trước có đến gần 80.000 thí sinh dự thi, do đó, có bao nhiêu cụm thi, cần tính toán kỹ về phần khu vực thi cho hợp lý để thuận tiện nhất cho thí sinh mà không tốn kém.

Chung quan điểm với PGS.TS Nguyễn Hữu Lập, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đề xuất: Không nên chia học sinh thành 2 loại ở hai cụm thi như vậy. Quy định như trên sẽ phân biệt công dân loại 1, công dân loại 2 và sẽ rất ít thí sinh dự thi tại cụm thi của Sở GD&ĐT.

Cũng nên đặt ra tình huống: thí sinh thi ở địa phương nhưng đạt điểm cao, sau đó lại muốn thi đại học với lý do chính đáng, lúc đó Bộ xử lý thế nào? Bộ dự kiến có nhiều cụm thi nhưng quy định này vì các trường đại học chứ không phải vì học sinh. Là một kỳ thi quốc gia xét 2 mục đích nên học sinh ai cũng muốn thi ở địa phương của mình chứ rất ngại đi sang các tỉnh khác.

Một phó hiệu trưởng đại học khối ngành kinh tế cho hay, kỳ thi quốc gia "hai trong một" nên để các địa phương tổ chức, các trường ĐH sẽ giám sát chất lượng, vì lâu nay các địa phương có khá nhiều kinh nghiệm trong việc phân luồng, phân tuyến học sinh thi tốt nghiệp. Các Sở sẽ nắm về thí sinh của mình tốt hơn các trường ĐH. Trong khi đó, đội ngũ coi thi, chấm thi vẫn phải huy động một số lượng lớn giáo viên phổ thông. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần phải suy xét kỹ làm sao có thể tận dụng được tối đa những cái chúng ta đã có "nếp truyền thống" là kỳ thi tốt nghiệp. Như vậy, học sinh sẽ không phải di chuyển nhiều, không bị xáo trộn tâm lý nếu như các em được thi tại chính địa phương của mình.

Thêm một rắc rối nữa sẽ phát sinh trong kỳ thi quốc gia. Đó là mỗi thí sinh sẽ có bao nhiêu nguyện vọng xét tuyển? Theo phương thức tuyển sinh mới, thí sinh không phải chờ đợi các trường gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm có dấu đỏ như những năm trước, mà chính các em có thể in trực tiếp kết quả thi của mình từ Internet để đăng ký xét tuyển các trường ĐH.

Nhưng theo cách thức đó thì sẽ phát sinh một lượng hồ sơ "ảo" khổng lồ vì một thí sinh có thể nộp vài chục hồ sơ xét tuyển vào vài chục trường đại học. Điều này gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường. Hiện tại, về số lượng nguyện vọng xét tuyển của thí sinh, Bộ chưa xây dựng được, nhưng Bộ cho biết sẽ có "ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn" để hạn chế bớt thí sinh ảo. Tuy nhiên trên thực tế, số thí sinh trên "ngưỡng" vẫn chiếm một tỉ lệ rất lớn

Thu Phương
.
.