Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát và TSKH Phan Hồng Giang:

Là tình em vang vọng ngóng anh…

Thứ Ba, 21/02/2017, 13:40
Tôi đến thăm gia đình nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát vào đúng ngày lễ tình nhân 14 tháng 2 và câu chuyện về tình yêu đầy thi vị của họ, câu chuyện lần đầu tiên được chia sẻ với những hoài niệm dường như chưa bao giờ nhạt phai cùng tháng năm...

Từ trên căn hộ chung cư đầy thơ mộng và ấm áp của họ có thể nhìn thấy toàn cảnh Hồ Tây lộng gió. Căn hộ đầy sách và những khung hình kỷ niệm của hai người. Nhà thơ Hồng Ngát nói cười rạng rỡ bên cạnh người chồng hơn mình gần chục tuổi, đầy điềm đạm và sự đĩnh đạc.

Tôi đến thăm gia đình họ vào đúng ngày lễ tình nhân 14 tháng 2 và câu chuyện về tình yêu đầy thi vị của họ, câu chuyện lần đầu tiên được chia sẻ với những hoài niệm dường như chưa bao giờ nhạt phai cùng tháng năm...

Vợ chồng nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát và TSKH Phan Hồng Giang.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát miệng nói, tay làm, nhanh thoăn thoắt pha nước, gọt hoa quả mời khách. Chị có gương mặt sáng và đôi mắt biết nói, đôi mắt một thời đi vào thi ca "mắt đen hạt nhãn" của người con gái Hưng Yên. TSKH Phan Hồng Giang thì chỉ nhoẻn miệng cười trước những câu nói đùa của vợ: "Ôi ngày "Va-lung-tung" là của các bạn trẻ. Bọn mình già rồi, bạn hỏi chuyện cũ của bọn mình khiến mình cũng phải nhớ lại một chút đây, cũng đã mấy chục năm có lẻ rồi còn gì". Năm tháng qua đi - chuyện xưa giờ thành cũ. Mà ai cũng có "chuyện xưa" cả.

Sau 27 năm rồi, chàng lúc ấy 49, mình mới 40, bây giờ ăn cơm mới nói chuyện cũ chắc cũng không bị làm sao, chắc cũng không có gì là ngại nữa. Năm 90 của thế kỷ trước, khi ấy mình sống một mình với con gái út ở một ngôi nhà nhỏ trong ngõ hẻm trên  phố Tôn Đức Thắng mà sinh thời nhà thơ Ngô Quân Miện làm hai câu thơ đùa trêu nhưng rất hay rằng "Ngõ Thông phong sao gió chẳng vào - Hồng tuy héo nhưng Hồng vẫn Ngát" .

Mẹ con mình sống  với nhau như vậy đã 3 năm kể từ khi mình tốt nghiệp ĐH Điện ảnh ở Nga về năm 1987. Khi ấy mình hoàn toàn là người tự do, không bị ràng buộc gì. Bỗng vào một ngày đẹp trời không hề được báo trước hay hẹn trước, anh ấy, nhà phê bình Phan Hồng Giang (PV), xuất hiện kèm theo mấy quyển sách anh dịch bảo đem đến tặng mình. Ngạc nhiên vì làm sao anh biết được nhà mình trong ngõ hẻm, lại bao nhiêu năm nay có bao giờ mình trò chuyện hay tiếp xúc gì với anh ấy đâu?

Biết anh làm ở NXB Văn học, mỗi lần đến đó in sách, in thơ mình cũng chẳng gặp, chẳng nói chuyện... Mọi người có thể không tin. Nhưng chuyện đúng thật là vậy. Có những người ngày ấy ác ý, cho là mình chủ động "dụ" anh ấy. Nhưng anh bảo đúng là tự anh tìm đến với em. Vì sao lại thế, anh bảo vì anh đọc được bài thơ của em trên báo Văn Nghệ vừa in xong, phát hành  ngày 12-1-1990, đến giờ anh vẫn còn nhớ rõ, bài "Tiếng gọi của mùa xuân" rất hay, hợp với tạng anh nên anh đến.

Anh còn bảo trước đó, anh còn đọc được một chùm thơ mà anh cho là rất hay (nhất là bài "Tâm sự một dòng sông") in trên hai tờ thơ gấp do NXB Văn học ấn hành,  mà anh là người đọc duyệt trước khi đưa Giám đốc ký in. Nghe vậy mình cảm thấy anh là người tinh tế, sâu sắc và hoá ra là rất... yêu thơ chứ không giống như vẻ ngoài "lành lạnh" của anh. Lúc đầu cũng chỉ vậy thôi, trò chuyện, thăm hỏi và tặng sách, tặng thơ để đọc. Dần dà sau này anh ấy mới ngỏ lời rằng yêu mình và muốn sống cùng mình.

Người ta vẫn nói rằng, hôn nhân thường là do định mệnh thì trong câu chuyện của nhà thơ Hồng Ngát và TSKH Phan Hồng Giang, mọi thứ là do số phận đã an bài. Nhà thơ Hồng Ngát bảo, đó là do số phận run rủi, đưa đẩy vì có những điều ta theo đuổi thì lại không tới, không gặp, có những điều bất ngờ không chờ, không đợi thì lại đến, lại có, lại được. Không giải thích được.

Ở hoàn cảnh của anh Phan Hồng Giang ngày đó đương nhiên là có những trở ngại nhất định. Cũng nhiều mệt mỏi và trớ trêu. Nhưng sau rồi cũng vượt qua, đúng như ý muốn của anh. Vì anh cũng thuộc dạng người trông thì hiền vậy nhưng cũng rất quyết đoán. Muốn là làm, để được sống theo ý mình.

Tôi hỏi nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát rằng, chị là một nhà thơ, một nhà biên kịch, cởi mở, hồn nhiên và có một quan hệ mở vì nghề nghiệp liên quan đến nhiều người, còn nhà phê bình Phan Hồng Giang là một nhà phê bình nghiêm túc và khá kỹ tính, dường như hai tính cách ấy khó mà hoà hợp nhau, tại sao hai anh chị lại có thể "hút nhau" mãnh liệt như thế?

Chị Hồng Ngát cười: Điều này thì các bạn mình ngày xưa cũng đã hỏi như thế. Mình cũng không biết nữa. Chắc có lẽ tại sự bù trừ của hai tính cách khác nhau chứ không phải đối lập. Cái chính trong cuộc sống  là phải biết trân trọng nhau. Tìm những nét chính, nét tốt ở trong nhau để lấy làm căn bản.

Trân trọng những gì mình có, vun vén nó mỗi ngày. Nhìn nhau, trông nhau, nhường nhịn nhau để sống. Mỗi người lo mỗi phần việc của mình. Không anh nào đổ gánh nặng lên vai anh nào. Gánh nặng có chăng thì chỉ có mình là "nặng gánh" thôi. Nhưng dù mảnh khảnh nhưng mình cũng rất chịu khó lao động, kiếm tiền để gánh nặng đó không gây ảnh hưởng đến cuộc sống chung. Để anh thấy rằng mình rất cố gắng, không hề ỷ lại.

Nhưng cũng may, anh là người thông minh lại nhân hậu, nên nhìn cách sống của mình anh cũng hiểu hết, đã chia sẻ cùng mình rất nhiều. Khi ta gánh nặng trên đường có người đưa cho ta bát nước mát, cái khăn lau mồ hôi, hoặc một lời khuyên, lời chia sẻ ta cũng chả còn thấy nặng nữa huống hồ đôi khi họ cất gánh hộ ta cả chặng đường dài. Mình đã viết điều đó trong bài thơ "Khác nhau"…

Bọn mình sống với nhau gần như không có xích mích. Thỉnh thoảng mình có cáu kỉnh điều gì (mà toàn là từ người bên ngoài " thổi " vào) thì anh đều nhịn. Anh bảo "một điều nhịn là chín điều lành". Vì thế bọn mình đã hoà hợp với nhau được ngần ấy năm nay, cho dù những năm đầu có người vẫn cho rằng " chả mấy mà chán nhau, văn nghệ sĩ quá dễ để hiểu nhau nên khó mà ở lâu được cùng nhau lắm!".

Đợi mãi mà đến giờ vẫn chưa thấy họ bỏ nhau, kể thì cũng tức(!) ..Nói vui thôi, đã gọi là số phận mà, số phận cho gì thì được nấy, bắt như thế nào thì phải chịu như thế nấy, không nói trước được. Đến hôm nay mình vẫn viết cho anh hai câu thơ như thế này: "Ước gì anh biến thành cau - Em thành trầu biếc quện nhau suốt đời!".

Gắn bó với nhau ngót 30 năm trong cuộc đời dài rộng, đối với nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát và TSKH Phan Hồng Giang, đó là những chuỗi ngày đầy kỷ niệm. Họ vẫn nhớ những ngày đầu anh dọn về sống với chị. Gia tài đem theo chỉ là vài bộ quần áo, một cái vỏ chăn và một cái màn đơn vải xô đã cũ cùng hai quyển từ điển tiếng Nga.

Tất cả "tài sản " của anh  chỉ có vậy.  Anh nghĩ chỉ cần hai quyển từ điển là có thể nuôi sống được cả gia đình! Anh đâu biết ngày ấy văn học Nga đã bắt đầu mất giá, chả ai thuê anh dịch. Cuộc sống ban đầu cũng khó khăn nhưng mình động viên anh, bảo rằng em chỉ cần người , quí người chứ em không cần gì hết. Rồi sau đó hai vợ chồng chung lưng đấu cật làm lụng nên cuộc sống đến bây giờ cũng trở nên khấm khá hơn.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Nhà phê bình, dịch giả Phan Hồng Giang là con trai thứ ba của nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh. Nhưng chị bảo, mỗi người có cuộc sống của mình, tự dựa vào chính mình và tự làm nên danh tiếng cho mình. Tuy  nhiên,  các con cháu cũng được thơm lây bởi danh tiếng của bố mẹ để lại. Và chị cảm ơn các cụ đã sinh thành ra anh - để anh đã đến với mình, chung sống cùng mình ngần ấy năm trời.

Quan trọng hơn nữa, với chị, anh là người hiểu biết, kiến thức rất sâu rộng, uyên thâm, là người  lịch lãm và tinh tế. Anh viết không nhiều nhưng các bài viết đều để lại ấn tượng. Anh có nhiều bản dịch  rất được bạn đọc hâm mộ, tái bản hàng chục lần (như "Cánh buồm đỏ thắm", "Truyện ngắn Sê-khốp", "Đaghextan của tôi"...).

Còn về cuộc sống thì anh cực kỳ giản dị. Cái anh quý, anh cần đó là tri thức, là sự hiểu biết, là sách, là tất cả những gì thuộc về trí thức, khoa học. Là sự nhẹ nhàng tinh tế trong ứng xử... Anh luôn trân trọng tài năng và sự sáng tạo.

Mỗi bài thơ mình viết ra anh đều là người đọc trước tiên. Anh rất ít khi đi xem phim hay xem kịch nhưng những bộ phim, vở kịch mình làm, mình viết kịch bản thì anh đều là người đi xem đầu tiên. Có anh đồng hành trong cuộc sống và hỗ trợ trong công việc mình thấy vững vàng hơn. Thật may mắn khi có người bạn đời am hiểu mình, bao dung với mình trong mọi điều như thế.

Mỗi khi mình ngồi viết hay đau ốm anh đều sẵn sàng vào bếp và nấu nướng dù việc đó là việc thường nhật mình phải làm trong gia đình mình. Mỗi khi đi công tác xa, anh đều gọi điện ngày vài lần, đi làm hàng ngày cũng gọi, để nghe được giọng nhau là an tâm rồi dù chả có chuyện gì quan trọng. Tính anh vốn cẩn thận, chu đáo.

Không chỉ chăm vợ, anh Phan Hồng Giang còn chăm sóc các con, cháu còn tốt hơn cả vợ. Anh là con người của gia đình. Vì thế không mấy khi anh thích ra khỏi nhà. Tuy không sinh ra các cháu nhưng anh là người cha tinh thần đã chăm sóc, dạy bảo, giúp đỡ các cháu tận tình.

Anh là người hiền hậu, dịu dàng nên nuông chiều bọn trẻ. Chẳng hạn, như hồi cháu út nhà tôi thi vào tiếp viên hàng không, khi ấy tôi đang đi công tác nước ngoài, anh là người đưa cháu đi thi. Cháu đỗ, khi đi học thì hàng ngày anh đi làm đèo cháu theo luôn, đưa sang bên Gia Lâm cho cháu học rồi mới về cơ quan anh ở Trần Hưng Đạo, chiều tan giờ làm anh lại sang đưa cháu về cùng. Cứ thế ròng rã mấy tháng trời hai bố con đưa nhau đi, về bất kể mưa nắng. Cháu thứ hai cũng vậy.

Khi cháu yêu một cậu người Hà Nội nhưng sinh sống ở Úc, mình thì chả thích lắm vì không muốn con lấy chồng xa, anh thì lại ủng hộ. Anh cho rằng đã là tình yêu thì không nên ngăn cản. Hãy tôn trọng chúng. Và anh chính là chiếc cầu nối tin cậy để hai đứa trao đổi thư từ (ngày ấy chưa có vi tính để email như bây giờ). Cái gì cũng "Nhờ bác!".

Nhận thư và gửi thư hộ đi cũng anh chứ ai. Chàng rể tương lai của mình nhờ địa chỉ cơ quan anh để gửi thư về cho người yêu không bị thất lạc và không bị mẹ vợ tương lai "kiểm duyệt". Sau hai năm, hai con tôi cưới nhau và con rể đón con gái mình sang đó sinh sống đến nay đã 20 năm rồi. Các con chẳng bao giờ quên công của "chiếc cầu nối" này.

Cậu cả nhà mình lấy vợ, sinh con, sau khi hai em gái đã lấy chồng. Vợ chồng cậu ấy sống ở nhà bố đẻ trên Đội Cấn, nhà mặt tiền rộng rãi. Do mình yêu cháu nội, ngày nào cũng lên thăm cháu bế ẵm và thấy chúng còn trẻ, nuôi con cũng vất vả nên bàn với anh cho chúng về ở cùng cho vui nhà. Anh thương vợ, muốn vợ không phải hàng ngày đi đi lại lại nên cũng gật đầu.

Mình có biết đâu rằng sau đó chính anh - từ chỗ không thích trẻ con lắm, lại là người quấn thằng bé nhất. Ông cháu quấn nhau từ bé, giờ thằng bé đã ngoài hai mươi rồi mà ông vẫn lo lắng cho nó như lo cho một đứa trẻ. Không cho ai được chạm đến nó.

Chạm đến một chút là anh bênh nó chằm chặp ngay khiến mình nhiều lúc phát tức, phát ghen lên đấy.  Có cáu giận anh cũng chỉ là những điều lo lắng nhỏ nhặt như vậy thôi.  Ấy thế nhưng nhờ vậy, mình lại viết được một truyện ngắn "Ông và cháu" cũng ấm áp đăng trên báo Văn Nghệ đấy.

Cho đến nay, họ vẫn giữ những bức thư viết cho nhau từ thuở ấy. Có dễ cả cân. Vì cả hai cùng thích chữ nghĩa, mượn chữ nghĩa để giãi bày. Để động viên, an ủi mỗi khi xa, khi buồn, khi khó khăn, vất vả trong cuộc sống.

Có lẽ bức thư tình đầy đủ nhất là bài thơ "Biển đêm" của nhà thơ Hồng Ngát viết gửi TSKH Phan Hồng Giang khi anh đi công tác xa (Bài thơ này đã được nhạc sĩ Lê Vinh phổ nhạc - cố ca sĩ Ngọc Tân là người đầu tiên đã trình bày): "Biển tuyệt vời lộng gió giữa trời đêm/ thuyền áp mái tựa đầu tin cậy ngủ/ thức cùng em có triệu vì tinh tú/ và mênh mông biển rộng đến không cùng/ Nơi xa vời anh có biết không/ em gọi anh thì thầm cùng tiếng sóng/ nếu nơi ấy anh thấy lòng xao động/ là tình em vang vọng ngóng anh về"...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.