Làm gì để ngăn chặn những vụ tai nạn giao thông thảm khốc

Thứ Hai, 24/06/2019, 20:38
Theo thống kê của Cục CSGT, từ ngày 16-11-2017 đến 15-6-2019, trên cả nước đã xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe chở khách, xe taxi và xe tải gây ra, làm chết 219 người, bị thương 149 người.

Đặc biệt, trong đó nguyên nhân trực tiếp do xe chở khách, taxi và xe tải gây ra 28 vụ, chiếm gần 46% số vụ, làm chết 114 người. Những vụ tai nạn nghiêm trọng không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm người mà còn khiến cho gia đình họ lâm vào cảnh chia ly, tan tác, con mất cha, vợ mất chồng và thiệt hại về kinh tế hàng trăm tỷ đồng.

Tang thương những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng

"Tôi ám ảnh tiếng kêu cứu của những nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông hôm ấy! Nửa đêm, chỉ nghe tiếng rầm như nổ bom rồi tiếng kêu cứu. Tôi chạy ra, cùng những người khác và lực lượng công an giúp đỡ nạn nhân" - đó là lời kể của anh Nguyễn Văn Tính ở xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra lúc 0h15 phút ngày 17-6 tại Km 34+300 tuyến Quốc lộ 6 thuộc địa phận xóm Tiểu khu, xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu làm 3 người chết, 37 người bị thương.

Vụ tai nạn trên xảy ra giữa xe ô tô tải BKS Lào UN-8500 do Nguyễn Thư Quỳnh (sinh năm 1991) trú tại xã Cao Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội) điều khiển, đi hướng Sơn La - Hà Nội đã va chạm mạnh với xe khách giường nằm BKS 27B - 003.71 do anh Cao Xuân Hồng (sinh năm 1974), trú tại huyện Thanh Ba (Phú Thọ) điều khiển đi hướng Hà Nội - Sơn La. Bước đầu điều tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn trên là do địa hình quanh co gấp khúc và dốc, lái xe tải đang trên đà xuống dốc đã lấn vào làn đường không kịp bẻ lái dẫn đến chạm mạnh với xe khách lên dốc ngược chiều.

Trước đó 3 ngày, vào 14-6 tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh,  tài xế Trần Đình Trung điều khiển xe đầu kéo mang biển số 52C - 847.80 kéo theo rơmooc biển số 51R - 323.49 chạy trên quốc lộ 22, hướng TP.HCM về Tây Ninh đã tông vào xe 4 chỗ do tài xế Nguyễn Văn Diệp (70 tuổi, ngụ huyện Gò Dầu, Tây Ninh) điều khiển chạy hướng ngược lại. 

Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Vụ tai nạn khiến ông Diệp và 4 người trên xe trong cùng gia đình tử vong tại chỗ. Nguyên nhân ban đầu do tài xế Trung đi không đúng làn đường quy định, lấn trái gây tai nạn.

Ngày 4-6, tại Thanh Hoá cũng xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng khi lái xe khách buồn ngủ đã tông vào lan can cầu rồi lao thẳng xuống sông khiến 2 người chết, 7 người bị thương nhẹ. Xe khách này đang trên hành trình từ Bắc Giang vào Bình Dương.

Vụ tai nạn đau lòng khác xảy ra ngày 21-1 tại Km76+500, tuyến quốc lộ 5 thuộc địa phận thôn Cổ Phục, xã Kim Lương (Kim Thành, Hải Dương) khi xe tải Hyundai đâm vào đoàn người đi dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Kim Lương khiến 8 người tử vong. Hay như vụ xe container cuốn phăng đoàn người chờ đèn đỏ xảy ra ở Long An vào khoảng 15h20 ngày 2-1-2019. Tai nạn làm 4 người thiệt mạng, gần 20 người bị thương, 21 xe máy biến dạng...

30% tai nạn do nguyên nhân buồn ngủ

Phân tích của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an cho thấy, trong hầu hết các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đều do ý thức chủ quan của lái xe. Có vụ thì lái xe sử dụng ma tuý, có vụ lái xe uống rượu bia, có vụ lái xe buồn ngủ nên đã để xảy ra tai nạn. 

Các nguyên nhân chủ quan khác như chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường cũng chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, kết quả phân tích 28 vụ TNGT do xe ô tô khách, ô tô taxi và xe ô tô tải gây ra thì trên các tuyến đường quốc lộ xảy ra 25 vụ (chiếm tỷ lệ 89,3%), làm chết 105 người, bị thương 115 người. Trên các tuyến  tỉnh lộ, nội thị và nông thôn xảy ra 3 vụ (chiếm tỷ lệ 10,7%), làm chết 9 người, bị thương 5 người.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, lái xe chạy quá thời gian quy định dẫn đến mệt mỏi, mất kiểm soát cũng là một trong những nguyên nhân để xảy ra TNGT. 

Đại tá Đỗ Thanh Bình chứng minh bằng số liệu cụ thể, đó là thời gian xảy ra tai nạn thường vào lúc từ 0h đến 6h. Trong khoảng thời gian ngắn đã xảy ra 9 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng (chiếm tỷ lệ 32,1%), làm chết 43 người, bị thương 48 người. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các khoảng thời gian xảy ra tai nạn vì đây là thời điểm lái xe mệt mỏi, buồn ngủ, nhất là khi đã điều khiển phương tiện trong thời gian dài.

Điển hình như vụ TNGT ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá làm 2 người chết, 8 người bị thương. Lái xe là Lê Văn Tùng, sinh năm 1989, Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, đã lái xe nhiều giờ liên tiếp không được nghỉ ngơi nên đã "chợp mắt" lúc nào không biết. Cú "chợp mắt" trong khi vẫn ôm vô lăng của Lê Văn Tùng đã khiến xe lao vào thành cầu Hồ rồi lao thẳng xuống sông.

Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng ở Trảng Bàng, Tây Ninh cũng có nguyên nhân từ việc lái xe buồn ngủ do chạy quá nhiều thời gian. Theo lời khai của Trần Đình Trung thì do buồn ngủ, không làm chủ được tay lái nên lao qua làn đường ngược chiều, tông vào chiếc xe 4 chỗ.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông, những vụ tai nạn giao thông liên quan tới giấc ngủ chiếm tới 30% tổng các vụ tai nạn giao thông trong một năm. Điều này chứng tỏ, buồn ngủ là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Báo cáo về những vụ tai nạn ô tô do tài xế buồn ngủ gây ra cho thấy đa phần liên quan đến nam giới trẻ tuổi. 

Mức độ nghiêm trọng tỷ lệ thuận với cảm giác mệt mỏi. Hầu hết tài xế gây tai nạn đều có thời gian thức kéo dài, ngủ ít hơn 5 giờ vào đêm trước khi gặp nạn, nhất là trong khoảng từ 2 đến 8h sáng hoặc chiều tối. Thiếu ngủ làm giảm sự tỉnh táo và nhanh nhẹn, giảm kỹ năng vận động và giảm tập trung, chậm đáp ứng phản xạ, tăng rủi ro khi đưa ra quyết định.

Có sự yếu kém trong quản lý nhà nước?

Điểm lại nguyên nhân các vụ TNGT, ngoài ý thức chủ quan của lái xe thì công tác giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng đang "có vấn đề". 

CSGT kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe.

Cụ thể như việc đào tạo sát hạch giấy phép lái xe (GPLX) còn nhiều lỗ hổng. Những vụ TNGT xảy ra thời gian qua đều ít nhiều liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo, thể hiện qua sự yếu kém của lái xe khi xử lý, nhận diện tình huống, qua thái độ coi thường tính mạng của hành khách và người tham gia giao thông. Công tác này bị lơi lỏng đến mức lái xe cụt chân, có lệnh truy nã vẫn được đổi GPLX.

Bên cạnh đó, việc giám sát, quản lý hành trình của phương tiện cũng chưa được quan tâm đúng mức. Theo quy định, thì tất cả các phương tiện kinh doanh vận tải đều bắt buộc phải có hệ thống giám sát hành trình. Theo Điều 65 của Luật giao thông đường bộ năm 2008, thì người điều khiển phương tiện không được lái quá 10h/1 ngày, và không được lái xe liên tục quá 4h. Cả doanh nghiệp lẫn lái xe đều phải có trách nhiệm thực hiện. 

Tuy nhiên, trên thực tế, ngành giao thông vận tải chưa chú trọng kiểm soát, xử lý các vi phạm về chạy quá thời gian, quá tốc độ nên đa số các lái xe đều chạy quá số giờ quy định mà không bị nhắc nhở, xử phạt. Như trường hợp lái xe Lê Văn Tùng gây tai nạn ở Thanh Hoá,  lái xe khai nhận bắt đầu ôm vô lăng từ đêm hôm trước đến khi xảy ra tai nạn là khoảng 5h sáng nên thời gian lái xe đã vượt rất nhiều so với quy định.

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, chúng ta đã có quy định lắp hộp đen trên xe khách đường dài nhưng hầu như chỉ đến khi xảy ra tai nạn thì dữ liệu từ hộp đen mới được mang ra để phục vụ điều tra. Hoặc định kỳ một thời gian, ngành giao thông đi kiểm tra các hãng và căn cứ dữ liệu từ hộp đen trên xe để xử phạt số lần chạy quá tốc độ. 

Như vậy, hộp đen ở Việt Nam hiện nay đang được dùng cho công tác quản lý, trong khi ở các nước khác, dữ liệu này phải được chia sẻ, kết nối với CSGT để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn khi xe/tài xế có sự cố và xử lý nghiêm khi có vi phạm.

Cần xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ

Vấn đề đảm bảo TTATGT, tai nạn giao thông cũng đã làm "nóng" nghị trường Quốc hội trong nhiều kỳ họp, đặc biệt là tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV vừa qua khi Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đăng đàn trả lời chất vấn. 

Đại tướng Tô Lâm cho biết lực lượng CSGT đã có nhiều nỗ lực khắc phục tình trạng mất ATGT nhưng trên thực tế vẫn còn một số bất cập như việc điều chỉnh trật tự ATGT trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ nhưng trong một số văn bản dưới luật thì việc bảo đảm ATGT vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. 

CSGT kiểm tra vi phạm ma tuý đối với lái xe.

Theo Bộ trưởng, việc đấu tranh tội phạm trên đường giao thông là rất cần thiết bởi các hành vi từ đâm chém, giết người, cướp, vận chuyển hàng hóa lậu... đều diễn ra trên mặt đường nên nếu chỉ điều chỉnh bằng Luật Giao thông đường bộ thì không hiệu quả.  

Chính vì vậy, Bộ Công an đề xuất trong thời gian tới sẽ xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT. Dự luật này cũng sẽ bao gồm việc tăng các chế tài xử phạt để việc xử phạt vi phạm ATGT đạt hiệu quả cao hơn.

Được biết, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn nhiều vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ, như: các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; chế tài xử lý đối với hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy khi điều khiển phương tiện còn nhẹ… 

Công tác phối hợp giữa các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong hoạt động quản lý chất lượng phương tiện (phương tiện hết niên hạn sử dụng, phương tiện quá hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), quản lý vi phạm của lái xe (nhiều trường hợp giấy phép lái xe vi phạm bị tước, bị tạm giữ đã quá hạn xử lý vi phạm hành chính nhưng người có giấy phép lái xe bỏ không đến xử lý); việc khắc phục các "điểm đen" gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông chưa kịp thời. 

Đầu tư kinh phí thực hiện các dự án về an toàn giao thông còn hạn chế, nhiều đề án, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng hiện nay không được cấp vốn nên không triển khai thực hiện được. Phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát trật tự, an toàn giao thông chưa được đầu tư nhiều, chưa được phủ rộng trên nhiều địa bàn, tuyến giao thông trọng điểm…

Chính vì vậy, ngoài các giải pháp do lực lượng Công an chủ trì như tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hiểm họa về sử dụng rượu, bia khi lái xe; hiểm họa sử dụng chất gây nghiện; văn hóa giao thông; quy tắc điều khiển phương tiện giao thông… thì Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo các đơn vị chức năng nâng cao hiệu quả việc sát hạch cấp GPLX và quản lý lái xe; thường xuyên tiến hành kiểm tra việc chấp hành của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; tăng cường quản lý, kiểm tra sức khỏe lái xe, nhất là đối với lái xe đường dài tại các doanh nghiệp, đơn vị vận tải.

Có như vậy, mới có thể giảm được TNGT, giảm nỗi lo của người dân mỗi khi ra đường.

Phương Thủy
.
.