Làn sóng du lịch đe dọa di sản tôn giáo cổ ở Trung Quốc

Thứ Tư, 01/06/2016, 12:30
Tại trung tâm Con đường tơ lụa cổ xưa, ngay rìa sa mạc Gobi, là địa điểm hành hương từ nhiều thế kỷ qua - hàng trăm thạch động được tạo thành từ vách sa thạch trong hơn 1.000 năm chứa đựng một số bích họa và hình ảnh Phật giáo đẹp nhất thế giới. Nhưng những bức bích họa mỏng manh - một số có niên đại từ thế kỷ IV, kể những câu chuyện về cuộc đời đức Phật và cái nhìn về kiếp sau - đang bị đe dọa trước làn sóng du khách mới đổ dồn về chiêm ngưỡng và sức hấp dẫn của lợi nhuận.

Bị bỏ rơi từ nhiều thế kỷ, những thạch động Mogao may mắn sống sót trước mọi tác động từ con người và thiên nhiên - chiến tranh, động đất, lũ lụt và bão cát. Ngày nay, những thạch động nằm bên ngoài thị xã Đôn Hoàng miền tây Trung Quốc đang trở thành trung tâm cho mọi nỗ lực bảo tồn tái sinh của chính quyền Bắc Kinh và chúng cũng là biểu tượng của chương trình hợp tác Trung - Mỹ trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa thông qua Viện Bảo tồn Getty (GCI) ở Los Angeles (Mỹ).

Wang Xudong - Chủ tịch Học viện Đôn Hoàng, cơ quan điều hành, bảo quản và phục chế di tích -  báo cáo: "Trong 100 năm qua, phần lớn thiệt hại gây ra bởi tự nhiên, nhưng những cuộc tham quan của lượng du khách ngày một đông thêm đe dọa phá vỡ trạng thái cân bằng độc đáo bên trong các thạch động. Xác người chết cũng phát tán nhiều vi sinh vật và sẽ rất đáng sợ nếu chúng phát triển bên trong các thạch động".

Tượng Phật và các đệ tử trong một thạch động Mogao.

Hơn 1,1 triệu du khách đến thăm các thạch động trong năm 2015 - tăng 40% chỉ trong 1 năm và gấp 20 lần trong 2 thập niên qua - trong đó tuyệt đại đa số là người Trung Quốc. Theo cố vấn từ GCI, Học viện Đôn Hoàng cố gắng giới hạn du khách tham quan ở mức 3.000 người/ngày. Sau đó, giới hạn được tăng lên 6.000 người/ngày do lượng du khách đổ về quá đông.

Để giải tỏa bớt sức ép, du khách được yêu cầu đăng ký trước và trước khi lên đường tham quan phải xem 2 bộ phim dài 20 phút trong một trung tâm về lịch sử Đôn Hoàng cũng như những thạch động thiên nhiên ở đây. Sau đó, du khách đi tham quan 40 thạch động được mở cửa cho công chúng. Du khách bị cấm chụp ảnh do đèn flash có thể gây tổn hại cho những bích họa.

Các thạch động Mogao.

Wan Xudong khuyến khích du khách tham quan vào mùa vắng khách để được giảm một nửa giá vé. Cách những thạch động gần 10km, công nhân xây dựng đang thi công khu phức hợp du lịch do tư nhân tài trợ - trong đó bao gồm một nhà hát và chuỗi khách sạn. Tại thị trấn Đôn Hoàng, một trung tâm hội nghị trị giá 250 triệu USD cùng nhà hát 2.000 chỗ ngồi đang được xây dựng để làm nơi tổ chức sự kiện thường niên gọi là Triển lãm Văn hóa Con đường tơ lụa. Một sân bay hiện đại cũng được mở rộng với số tiền đầu tư 150 triệu USD.

Chương trình phục hồi di tích cũng được triển khai tại Đôn Hoàng với sự hợp tác lâu dài giữa Học viện Đôn Hoàng, GCI và các chuyên gia nước ngoài. Đội ngũ chuyên gia phục chế chụp hàng trăm bức ảnh màu hay trắng - đen độ phân giải cao bên trong những thạch động. Sau đó, những bích họa được nghiên cứu để nhận định chất liệu được người xưa sử dụng là gì trước khi quyết định chọn chất liệu thay thế và phương pháp tốt nhất để phục chế.

Một số bức họa hư hại và bong tróc khỏi mặt đá rất dễ bị biến mất do độ ẩm hay động đất. Các chuyên gia phục chế cũng cẩn thận chọn loại vữa thích hợp để lấp những khe hở trên các bích họa. Dự án phục chế cũng làm nền tảng ứng dụng cho mọi hang động khác trên khắp Trung Quốc cũng như giúp chính quyền nước này quản lý tốt các di sản văn hóa của họ.

Một kỹ thuật viên đang phục chế bích họa trong thạch động số 98.

Năm 1907, nhà khảo cổ Anh gốc Hungary Aurel Stein thuyết phục một sư thầy ở Đôn Hoàng bán 24 chiếc rương chứa đầy văn tự cổ Phật giáo và 4 chiếc rương khác đựng những bức họa và hình ảnh cũng như đồ thêu cổ. Các nhà thám hiểm người Pháp, Nhật Bản và Nga cũng lấy đi hàng ngàn tài liệu vô giá.

Năm 1923, nhà khảo cổ người Mỹ Langdon Warner tiếp tục lấy đi một số tác phẩm điêu khắc trong các thạch động và dùng keo dính để bóc tách khoảng chục bức họa ra khỏi các bức tường đá. Lịch sử gọi họ là "những kẻ săn kho tàng hèn hạ". Những người khác cũng tham gia sưu tầm di tích gây thiệt hại cho các thạch động ở Đôn Hoàng.

Du khách chụp ảnh trước tòa tháp 9 tầng quanh thạch động số 96.
Du khách thăm Hồ Bán nguyệt, một trong những điểm du lịch ở Đôn Hoàng cùng với các thạch động Mogao.

Những tổn hại do lửa và graffiti vẫn còn nhìn thấy được trong vài thạch động. Hiện nay, 735 thạch động cũng như hơn 2.000 bức họa còn tồn tại.

Wang Xudong nhận định hơn 40.000 tranh vẽ và văn tự cổ nằm rải rác khắp nơi trên thế giới. Cùng với các đối tác nước ngoài, Học viện Đôn Hoàng triển khai dự án kỹ thuật số chụp ảnh những thạch động và mọi thứ bên trong chúng. Theo Wang Xudong, đây là cách hiệu quả để bảo tồn di tích mãi mãi.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.