Làng cổ Vườn Chuối sắp bị xóa sổ?

Chủ Nhật, 07/02/2010, 10:15
Vườn Chuối là ngôi làng cổ hơn 3.000 năm tuổi liên tục được Báo CAND cảnh báo sắp bị xóa sổ vĩnh viễn. Các nhà nghiên cứu của Hội Khảo cổ học và Viện Khảo cổ học đã đến tận nơi xem xét. Nhưng chưa có một phản hồi nào về mặt quản lý văn hóa từ phía UBND TP Hà Nội. Xem ra, di sản này bị phá nát chỉ còn là... ngày một ngày hai.

Giá trị thật sự của làng cổ Vườn Chuối

Người ta biết nhiều đến làng Lai Xá, (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) ở chỗ đây được coi như một làng có nhiều người ra Hà Nội "khai sáng" ra nghề nhiếp ảnh những năm kỹ nghệ chụp ảnh đen trắng mới vào Việt Nam.

Nhưng, ít người biết được (kể cả người làng) là nơi đây có 2 di tích của người Việt cổ đang nằm trong lòng đất. Đó là di tích Vườn Chuối và Chùa Gio, đã được giới khảo cổ biết đến và khai quật từ năm 1969. Hai di tích này đều nằm ở giữa cánh đồng Lai Xá của làng nơi vừa được canh tác vừa là nghĩa trang

Chỉ đến khi do yêu cầu nghiên cứu khoa học, các nhà khảo cổ ở Đại học Quốc gia tiến hành khai quật 60m2 ở di chỉ Vườn Chuối, tìm được nhiều hiện vật và di tích mộ táng thì mảnh đất này mới sôi động hẳn lên. Nhiều "phi vụ" ăn theo lập tức mọc lên ngay sau khi các nhà khoa học rút đi.

Mà "phi vụ" nào cũng xẻ ngang xẻ dọc di tích: một số là đào bới để tìm cổ vật nhưng tìm thì ít mà phá thì nhiều vì họ chỉ là các "nhà đào bới" nghiệp dư. Một số vác hẳn máy "rà kim loại" vốn để rà phế liệu sắt vụn, nhưng cũng là phương tiện hữu hiệu đến hành nghề tìm kiếm trống đồng. May mà công an địa phương đã nhanh tay ngăn chặn được.

Rồi có hẳn một "làn sóng" di chuyển mồ mả lên khu vực vừa khai quật tìm thấy di cốt người cổ vì cho rằng thế đất đấy tuyệt đẹp, lưu giữ xương cốt ngàn năm mà chưa tiêu, hẳn là con cháu được phát lộc lâu dài. Cứ thế, khu di tích Vườn Chuối cứ bị "băm nát" dần dần.

Nhưng, lại còn một nguy cơ nữa, "hoành tráng" hơn xóa  sổ hẳn di tích. Đó là một khu đô thị mới có tên là khu đô thị Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng đầu tư. Quả là di tích Vườn Chuối đang đứng trước nguy cơ thực sự.

Vậy, di tích Vườn Chuối có giá trị thực sự ra sao? Có lẽ cũng là một dịp để đánh giá lại, âu cũng là một nguồn tài liệu để giúp các nhà quản lý văn hóa cân nhắc xử lý trong lúc "nước sôi lửa bỏng" với một di sản quý.

Vườn Chuối được coi là một làng cổ thuộc nền văn hóa Đồng Đậu thuộc hệ thống văn hóa cổ đại của người Việt được gọi là các văn hóa Tiền Đông Sơn, tiến đến văn hóa Đông Sơn rực rỡ sau này. Chứng tích của ngôi làng cổ này là tầng văn hóa khá dày. Trong tầng văn hóa có một loạt các dụng cụ của người xưa.

Từ năm 1969, cuộc khai quật đầu tiên ở đây đã tìm được 66 hiện vật từ các loại rìu đá chặt cây, đục đá làm nhà sàn, các loại vòng trang sức bằng đá sắc màu lóng lánh, khuyên tai đá ngọc, hạt chuỗi. Có lưỡi câu bằng đồng có ngạnh hệt như lưỡi câu hiện nay, dọi xe chỉ và viên bi bằng gốm.

Đặc biệt có những hiện vật là mũi tên làm bằng đá có 3 cạnh, mũi nhọn xương. Nơi đây lại tìm được khá nhiều vết tích xỉ đồng trong tầng văn hóa. Trong cuộc khai quật mới đây vào cuối năm, chính tại đây còn tìm được dấu tích 2 ngôi mộ táng của cư dân Đông Sơn nữa.

Những di vật tìm được ở Vườn Chuối đã rất quý, nhưng những vấn đề lịch sử từ đó được "chắt lọc" ra còn quý hơn.

Đây là một làng cổ đích thực của người Việt trong tiến trình chinh phục đồng bằng Bắc Bộ từ buổi xa xưa: khi đó là quá trình biển mới rút ra khỏi châu thổ, đồng bằng màu mỡ mới hình thành, các tộc người từ trung du tràn xuống khai khẩn lập làng, lập xóm. Họ chọn những gò đất cao để ở. Vì thế mà có ít ra 2 quả gò ở thôn Lai Xá bây giờ được chọn làm nơi cư trú.

Các tộc người này sau một vài trăm năm nữa đã góp phần tạo nên văn hóa Đông Sơn, tạo nên Nhà nước Văn Lang của Vua Hùng, Âu Lạc của An Dương Vương. Vậy thì qua những chứng tích vật chất của di tích này có thể tìm được ngọn nguồn xa xưa của dân tộc Việt, là một vấn đề mà bất cứ người Việt nào cũng muốn biết về lịch sử tổ tiên.

Di tích Vườn Chuối đang bị đe dọa trở thành khu nhà cao tầng.

Vườn Chuối còn là một di tích quý ở chỗ tìm được những vết tích của nghề luyện kim đồng rõ rệt với những bằng chứng xỉ đồng dày đặc, cũng là một địa chỉ cần quan tâm không những đối với các nhà khoa học trong nước mà cả nước ngoài khi nghiên cứu về nghề đúc đồng thời cổ đại.

Đây còn để lại nhiều vết than tro, trong đó, từ năm 1969, một mẩu than thu lượm được nơi đây đã được nước bạn là Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) phân tích bằng phương pháp cácbon phóng xạ C14 cho kết quả: 3070 ± 100 năm (tính từ năm 1950 trở về trước). Như vậy, niên đại làng cổ ở đây là chính xác, hiện vật Vườn Chuối sẽ là chuẩn mực phần nào để so sánh với các nơi khác để định niên đại.

Vườn Chuối còn góp phần vào dựng nên bức tranh toàn cảnh của người Việt cổ thời bấy giờ với nền nông nghiệp làm lúa nước, bắt cá bằng lưỡi câu đồng, đi săn bằng mũi tên đá, biết dệt vải may quần áo, làm đồ gốm, trang sức vòng tay...

Họ cũng có phong tục nhuộm răng đen như sách “Lĩnh Nam chích quái” từng nói đến. Phong tục chôn cất với tục chia của cho người qua đời... Đặc biệt trong tầng văn hóa có dấu tích xương trâu, bò, gạc hươu đã cho thấy họ đã biết thuần dưỡng trâu, bò và săn bắn giỏi.

Có lẽ cái giá trị lớn nhất của di tích Vườn Chuối là một trong những di tích quan trọng để các nhà khảo cổ có những bằng chứng để nói được: người Việt đã có nền văn minh từ nhiều ngàn năm trước, thời đại Hùng Vương - An Dương Vương là có thật, dựa vào các nền tảng văn minh làng xã nông nghiệp như vậy.

Làn sóng đô thị hóa và những nghịch lý

Sự cố "Vườn Chuối" lẽ ra không xảy ra, nếu như không có một dự án đô thị hóa sắp "nuốt chửng" một di tích.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Lẽ ra di chỉ này phải được khoanh vùng và xếp hạng cấp Quốc gia từ nhiều năm nay rồi mới phải. Nhưng, vì nhiều lý do nào đó, di tích bây giờ vẫn chưa có "danh phận" gì. Và, như thế thì việc xây dựng đô thị lẽ ra phải có những tài liệu di tích để "tránh ra" thì đằng này lại vướng phải.

Rìu xéo, dao găm, mũi giáo, vòng trang sức bằng đồng ở di chỉ Vườn Chuối.

Các doanh nghiệp xây dựng không có tài liệu, một cái danh sách di tích được khoanh vùng, nên việc họ làm không tính đến di tích cũng có cái lý của họ. Đáng trách là một vài cơ quan quản lý văn hóa phải lường trước được điều này mà có kế hoạch xin xếp hạng trước, khoanh vùng bảo vệ, tránh cho những sự cố "nước đến chân mới nhảy", di tích vừa bị phá mà tốn công các nhà xây dựng phải quy hoạch lại.

Sự cố "Vườn Chuối" chỉ là điển hình, có thể còn nhiều sự cố mà xây dựng sẽ còn chạm đến di tích nữa, nếu chúng ta biết còn một số di tích nữa chưa được quy hoạch: riêng huyện Hoài Đức còn một số làng cổ nữa như  các làng cổ Chùa Gio ở An Thượng, Vinh Quang ở Cát Quế, Giang Xá, Gò Chùa, Lũng Hồng ở Đức Giang, Chiền Vậy ở Kim Hoàng.

Mong thay các làng này đã được giới khảo cổ biết đến và đã từng được khai quật từ hàng chục năm trước mà vẫn chưa được khoanh vùng bảo vệ, sẽ sớm được các nhà quản lý văn hóa Hà Nội lưu tâm đến. Vì một lẽ cấp thiết là làn sóng đô thị hóa xảy ra dồn dập quá, nhất là sau khi Hà Tây trở thành một vùng của Hà Nội, mà các di tích như Vườn Chuối lại chỉ cách Hồ Gươm theo đường chim bay có đúng... 16 km.

Chưa kể, mảnh đất huyện Hoài Đức lại là vị trí được đô thị hóa còn gấp gáp hơn khi nằm giữa hai con đường quốc lộ đang "nóng" lên từng ngày: đường Láng - Hòa Lạc và đường 32 nối Hà Nội với Sơn Tây.

Mà cũng không cứ gì huyện Hoài Đức với các làng cổ vừa kể, các nhà khảo cổ cũng đã tính ra được có đến 63 làng cổ và khu mộ cổ thuộc thời đại Hùng Vương-An Dương Vương trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ). Hầu hết các di tích này mới được giới khảo cổ biết đến mà các nhà quản lý văn hóa chưa quan tâm. Vậy thì chuyện đô thị hóa sẽ như một con sóng lớn xô hàng chục di tích quý giá này là chuyện nhỡn tiền, nếu không có sự chuẩn bị trước.

Trở lại chuyện di tích Vườn Chuối, nếu như chúng ta hy sinh di tích này để làm khu đô thị mới thì thật đáng tiếc thay. Chẳng một nước nào trên thế giới xóa sổ di tích kiểu như vậy cả. Cần có một biện pháp mạnh để giải quyết mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn.

Trước mắt, cần có một đội ngũ chuyên gia văn hóa, bảo tồn đánh giá giá trị di tích, trước khi cho thi công bất cứ hạng mục công trình nào ở đây. Từ đó, có thể đề ra các giải pháp. Nhưng giải pháp nào cũng cần coi trọng di sản cha ông, nếu không có được một khu vực khoanh vùng bảo vệ thì cũng cần mang các di vật của làng cổ đem về trưng bày một cách nghiêm túc trong Bảo tàng Hà Nội.

Có lẽ, việc "đụng độ" giữa di tích và xây dựng đô thị còn là... chuyện dài, nếu như các nhà quản lý văn hóa Hà Nội không có những việc cần làm ngay là thống kê, khoanh vùng và xếp hạng các di tích trong lòng đất-việc mà lẽ ra phải làm từ vài chục năm về trước

PGS.TS. Trịnh Sinh
.
.