Làng đào nức tiếng đất kinh kỳ
Mỗi độ tết đến xuân về, cả cánh đồng trồng đào rực rỡ sắc hồng tươi thắm, nhộn nhịp kẻ bán người mua, khách bộ hành nườm nượp thưởng thức vẻ đẹp kiêu sa lộng lẫy của hoa đào...
Tục chơi đào ngày Tết
Đi trên đường Âu Cơ, qua chợ hoa Quảng Bá là đến vườn đào Nhật Tân. Nhật Tân xưa kia một thời nổi tiếng từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, dọc phố là hàng chục quán thịt chó tưng bừng tấp nập. Hơn chục năm ồn ã khách vào ra, rồi dần dần những cửa hàng lần lượt đóng cửa.
Nhật Tân ngày nay lại trở về yên bình với thuở xa xưa làng trồng đào ở bờ Bắc hồ Tây. Không ai biết làng Nhật Tân có nghề trồng đào từ khi nào, ông tổ nghề là ai. Tương truyền, sau khi vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh đuổi mấy chục vạn quân Thanh ở Thăng Long, ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu (1789), Vua sai lính phi ngựa thần tốc ngày đêm mang cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng Ngọc Hân công chúa, thay thiệp báo tin mừng chiến thắng và cành đào tươi thắm cũng là lời nhắn gửi tình cảm đến với người vợ yêu thương.
Ông Kỳ Anh - chủ vườn đào Nhật Tân - bên cây đào già hàng chục năm tuổi. |
Do khí hậu mà đào chỉ có ở vùng đất lạnh, còn mai thì nở khi tiết trời ấm áp, có nắng vàng rực rỡ nên ngày tết miền Bắc thì chơi hoa đào, miền nam lại thưởng thức hoa mai. Miền Bắc có nhiều địa danh trồng đào từ Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên... nhưng lại chả đâu có địa danh đã đi vào điển tích văn hóa như làng đào Nhật Tân. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp là vườn đào tưng bừng khoe sắc, khách thập phương đến vùng này đông vui nhộn nhịp như trẩy hội.
Đào Nhật Tân nổi tiếng đến độ, người dân Hà Thành tự bao đời nay dù nhà rộng ngõ dài hay nhà nhỏ ngõ hẹp vẫn sắm một cành đào để chơi tết. Cùng với thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ là cành đào Nhật Tân mới thấy không khí xuân hừng hực căng tràn nhựa sống len lỏi vào từng gia đình, góc phố. Màu hồng của hoa đào tượng trưng cho sự phồn vinh, an vui, hạnh phúc.
Trong kho tàng cổ tích Việt Nam có chuyện rằng: Ngày xưa ở vùng núi phía Đông Sóc Sơn, Bắc Việt có một cây đào mọc từ lâu đời. Các bô lão trong làng cũng không ai hay biết tuổi thọ của cây đào, chỉ biết khi mình sinh ra thì cây đào đã đứng ở đó, tán to rộng che mát cả một góc rộng lớn. Trong làng, yêu ma rình rập, phá hoại dân lành vô tội, có hai vị thần là Trà và Uất Lũy trú ngụ trên cây hoa đào khổng lồ này diệt trừ bọn yêu ma. Lũ yêu ma sợ hãi hai vị thần nên chúng ái ngại luôn cả cây đào, chỉ nhìn thấy cành hoa đào là chúng đã kinh hồn bạt vía.
Đến ngày cuối năm, hai vị thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng, dân chúng vô cùng hoang mang vì sợ hai vị thần đi rồi thì ai sẽ là người bảo vệ dân làng. Biết được nỗi lo lắng này, hai vị thần nghĩ ra một cách là bẻ cành hoa đào về cắm lọ, bọn ma quỷ sẽ sợ hãi mà lập tức tháo chạy. Từ đó, hằng năm, cứ mỗi độ mừng xuân đón năm mới, ai nấy đều có một cành đào về cắm trong nhà với ý nghĩa xua tan ma quỷ đem lại sự an vui, hạnh phúc cho gia đình.
Trải qua biến thiên của thời gian, câu chuyện về hai vị thần ngụ ở cây đào như dần chìm vào quên lãng, người ta chơi đào chỉ vì một lẽ màu hồng của hoa đào tượng trưng cho một mùa xuân mới, ấm áp, tràn đầy hi vọng, mùa xuân của tình yêu.
Những cây cổ trong làng đào Nhật Tân. |
Làm nhà, sắm điều hòa cho... đào
Từ trên triền đê xuống làng đào có nhiều ngõ rẽ, và chỉ cần đi khoảng 30m, trước mắt đã là một không gian bao la ngập trong màu hồng của sắc đào tươi thắm. Những thân cây đào già xù xì vài chục năm tuổi hay những cành đào non, từ đào thất thốn, đào bích, đào phai, đến giống lai của đào rừng.
Năm nay, trời như chiều lòng người, đào nở đẹp và ra hoa đúng dịp tết. Kỳ Anh, ông chủ vườn đào Nhật Tân có thâm niên nhiều năm trong nghề trồng đào cho biết, vườn đào nhà ông có 200 cây đào thế và hàng nghìn cành đào con. Để chăm sóc cả vườn như vậy, cần phải có 5 nhân công luôn túc trực.
Chỉ vào những người công nhân đang đánh một cây đào thế to sum sê lên xe mang đi, ông cho biết cành đào to đó đã được một công ty thuê với giá 40 triệu đồng. Sau tết Nguyên đán, đến rằm tháng Giêng sẽ đưa cây đào này về trồng lại. Nếu để qua ngày rằm tháng Giêng thì cây đào sẽ bị hỏng, không trồng lại được nữa.
Nhìn những cây đào thế, đào cổ được trồng trong những chậu sành, chậu sứ ngay ngắn. Ông chủ vườn bảo: “Hằng năm, cứ bắt đầu vào ngày rằm tháng Giêng thì đi thu gom đào về để trồng lại ở vườn, đến tháng 10 âm lịch lại bứng cây đào ở vườn vào trồng trong chậu, đợi đến tháng Chạp là bày bán. Mình phải tư vấn thật cho khách mua, phải khẳng định người ta chơi tết đẹp thì mới bán được. Bán được tiền giá cao hay không còn tùy thuộc vào độ đẹp của cây đào. Cây đào dáng xấu, gốc xấu, thế xấu thì không thể lấy được tiền cao”.
Ông chủ vườn đào chỉ cho tôi xem có những cây đào lấy gốc từ đào rừng có tuổi thọ hơn 20 năm mang về vườn nhà và đã uốn được 7 năm. Nhưng ông cũng nói đào cổ Nhật Tân có thâm niên lâu năm mới là đào thực sự quý. Đào cổ Nhật Tân có dáng bé hơn đào rừng lâu năm mang về Nhật Tân lai giống nhưng đào cổ có giá đắt hơn. Đào cổ có giá từ 10 triệu đồng, 40 triệu đồng, thậm chí có cây đặc sắc giá lên tới 70 triệu đồng. Đào cổ đắt dựa trên các tiêu chí của dáng đào, bông đào, gốc đào, thân đào.
Ngày này, cả vườn đào thế hơn 200 cây đã thấy treo giấy lủng lẳng, đánh dấu có người mua. Khi chúng tôi đang trò chuyện thì có người trả giá một cây đào cổ 30 triệu đồng nhưng ông chủ vườn đào vẫn chưa đồng ý bán. Ông chủ vườn đào cho biết, chơi đào còn phải biết thưởng thức để thấy hết nét đẹp, nét cao sang kiêu hãnh của đào. Nghề trồng đào không chỉ đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ công phu mà phải đam mê, say sưa, nếu không đam mê thì sẽ thất bại.
Cùng với vườn đào của ông chủ Kì Anh, làng Nhật Tân còn có cả trăm hộ gia đình trồng đào theo kiểu cha truyền con nối, hay học hỏi lẫn nhau giữa những người trong làng. Có những chủ vườn đào có hàng nghìn gốc đào đến vài nghìn cành đào. Đào ở đây đa dạng về màu sắc hoa, thế đào và tuổi đào.
Làng Nhật Tân còn nổi tiếng bởi đào thất thốn, đào đẹp tiến vua. Loại hoa của đào này mọc ngay trên thân, cánh hoa dày căng, màu thắm tươi rực rỡ. Ông Hữu Nghĩa, chủ một vườn đào thất thốn cho biết, ông gắn bó với giống đào đã hàng chục năm nay. Giống đào này về với đất làng Nhật Tân từ khi nào thì không ai trong làng biết, kể từ đời các cụ xa xưa sinh ra đã có giống đào này.
Gọi là thất thốn vì thốn là đơn vị đo chiều dài, thất là 7, cứ một thốn lại có 7 bông hoa kép 7 tầng, mỗi tầng có 7 lớp, mỗi lớp có 7 cánh. Ở những cây đào già lâu năm, thân xù xì, được chăm sóc chuẩn thì mỗi bông đào thất thốn sẽ có tất cả là 49 cánh. Năm nay người làng Nhật Tân còn quây vườn có mái che, chạy máy điều hòa cho đào thất thốn để hãm nở đúng vào dịp tết Kỷ Hợi.
Hiện nay, đào thất thốn Trung Quốc cũng được giao bán trên mạng với giá chỉ từ 2 đến 3 triệu đồng/cây. Trong khi đó, một cây đào thất thốn Nhật Tân để ra được thị trường thì phải liên tục chăm sóc tối thiểu 10 năm, giá cũng đắt hơn rất nhiều. Còn những cây đào thất thốn cổ có tuổi đời trên hai mươi năm được liệt vào đào hoàng gia, quý tộc.
Hành hương về xứ hoa đào
Có hai vị khách luống tuổi chậm rãi tản bộ trong khu vườn đào rực rỡ. Vừa đi, vừa trò chuyện, thỉnh thoảng dừng lại trước một cây đào ngắm nghía, rồi thích thú chỉ vào một cành hoa hay một bông hoa mà suýt xoa tấm tắc. Ông Đào Minh Xuyên và người bạn đồng hành là ông Ngô Xuân Hải, cùng quê ở Phù Cừ, Hưng Yên. Hai ông tuổi đã ngoại lục tuần, trên vai là chiếc ba lô và mỗi độ tết đến xuân về, họ lại vi vu trên từng cây số.
Ông Xuyên cho biết, hai ông đều là dân chơi ảnh, cứ mong ngóng mãi để vào dịp giáp tết được lên vườn đào thưởng thức cái hương vị rất đặc biệt chỉ riêng vùng Nhật Tân này. Ông Xuyên bảo: “Kể cũng lạ, tôi đi khắp nơi cùng chốn, dọc ngang các tỉnh phía Bắc nhưng chẳng đâu có màu sắc thắm như đào của Nhật Tân, do đặc điểm thổ nhưỡng riêng biệt nên đào ở đây có vẻ đẹp không nơi nào có cả. Đào Nhật Tân lại phong phú. Giống đào này đem trồng ở vùng đất khác lại không cho ra được màu sắc đẹp như ở đây”.
Ông Ngô Xuân Hải từ Nam ra Bắc để thưởng thức đào Nhật Tân. |
Ông Xuyên cũng vui mừng cho biết, nhiều năm trước, đến Nhật Tân ngắm đào phải qua con đường lầy lội, cỏ lau ngút ngàn, bây giờ đường đi lối lại đã phong quang sạch sẽ. Người làng Nhật Tân áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nên đào ngày càng trở nên đẹp hơn, điều chỉnh đào khắc phục được khí hậu khắc nghiệt để cho hoa nở đúng dịp tết Nguyên đán.
Người chơi đào giờ cũng công phu, tùy theo nhu cầu của từng người mà chọn đào cho phù hợp với sở thích và điều kiện kinh tế. Từ những cành đào có giá vài ba trăm đến cây đào cổ giá hàng chục triệu đồng.
Ông Ngô Xuân Hải là người Bắc vào Nam sinh sống đã lâu, ông bảo hằng năm cứ đến giữa tháng Chạp là ông lại ra Hà Nội để đến với vùng đào Nhật Tân. Ở trong Nam không có đào, ông ra Bắc để thưởng thức hương vị đào ngày tết, đi khắp nơi trên từng cây số, mới thấy cái sự sang quý tinh khôi rực rỡ của đào Nhật Tân. Đào bích tán rộng, hoa kép thắm đỏ rải đều khắp các cành, kể cả cành tăm nhỏ xíu. Bích đào có thể chơi ở chậu lớn, cắt cành to cắm lọ lộc bình trưng trong phòng khách, hoặc cành nhỏ để ở ban thờ tổ tiên. Đào phai là giống hoa màu nhạt, phơn phớt hồng, cũng có loại cánh kép, có loại cánh đơn trông mỏng manh và thanh nhã.
Một giống đào khác nữa là gọi là đào phía Bắc. Đào này cho quả, hoa có màu phớt hồng, hoa đơn 5 cánh cứng cáp, mang dáng vẻ tự nhiên khỏe khoắn, giống cây này có tự nhiên ở các vùng miền núi phía Bắc từ Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Mộc Châu... nay cũng được lai giống mang về trồng ở làng Nhật Tân.
Đứng giữa vườn đào mang khí xuân ngào ngạt, người khách bộ hành xa quê ngẩn ngơ trước cảnh đẹp tuyệt mỹ của hoa đào. Thời gian dần trôi bao kỉ niệm, quá khứ xa xăm với một thời dĩ vãng đã lùi xa, bao biến động thăng trầm dâu bể, đào vẫn đứng đó tồn tại song hành với thời gian.