Lăng kính mùa xuân

Thứ Năm, 07/02/2019, 10:06
Những năm còn nhỏ, tôi thường cảm thấy rất buồn rầu mỗi lần nhìn vào những căn nhà thắp bóng đèn vàng. Tôi luôn hình dung trên bàn nước của căn nhà đó là những chai nước lọc có nắp là những nắp phễu bằng giấy trắng. Đó là những ngôi nhà sạch sẽ nhưng thiếu sinh khí. Chẳng hiểu vì sao?

Hẳn tôi đã có một kí ức không đẹp nào đó trong một căn phòng tương tự. Có thể là một cuộc viếng thăm tẻ ngắt tới nhà một trong những người quen của bố mẹ khi tôi còn bé. Và đứa trẻ là tôi hẳn đã cảm thấy sượng sùng và tê cứng giữa những câu chuyện xã giao nhàm chán, những lời hỏi han đãi bôi của người lớn tới mức kí ức của tôi gắn với những căn phòng tương tự chỉ còn lại là cảm giác buồn rầu.

 Cho mãi tới nhiều năm sau, dù đã trưởng thành và hiểu biết hơn, dù đã thăm viếng rất nhiều căn nhà hạnh phúc, tôi vẫn không thể gạt bỏ cảm giác rằng những căn phòng đó thật ảm đạm và những con người sống trong những căn phòng đó là những người có một cuộc đời tẻ ngắt.

Chúng ta, dường như, ai cũng nhìn cuộc sống qua lăng kính của những trải nghiệm và kí ức rất riêng tư của mình, hơn là nhìn cuộc sống thực như nó vốn là. Cuộc sống chảy trôi ngoài kia, đôi khi không còn là chính nó khi được nhìn qua lăng kính được đóng khung bởi những trải nghiệm cá nhân.

Chiều 26 Tết, tôi đặt một món hàng và được em shipper giao đến tận nhà. Khuôn mặt khô nẻ dưới gió đông và bụi đường, em mang dáng dấp quen thuộc như cả ngàn người trẻ tới thủ đô từ một miền đất xa xôi nào đó để tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Trong lúc chờ trả tiền, em xin tôi một cốc nước.

Giữa ngày đông giá rét, uống một hơi hết cạn cốc nước rồi em bảo: Em cảm ơn chị! Chị ơi sao ở đây chả thấy không khí Tết gì chị nhỉ, như ở quê em giờ đã rộn ràng lắm rồi! Em đi đường Hà Nội cả ngày mà chả thấy chút không khí Tết nào cả.

Ồ em ơi, chàng trai từ vùng quê nào đó tới thành phố quê hương chị, chả phải em vừa từ ngoài đường tấp nập về đó sao? Chả phải em vừa từ dòng người lũ lượt mua sắm tắc đường rẽ vào ngõ nhỏ nhà chị đó sao? Em có thấy những chậu đào chậu quất chậu mai trên phố, những chợ hoa tạm dựng lên giữa những vỉa hè hay những bãi đất trống công trường còn vật liệu ngổn ngang?

Em có thấy những tấm biển nguệch ngoạc "Nhận đặt bánh chưng", "Giò xào", "Bưởi Diễn" khắp hang cùng ngõ hẻm? Em có thấy những cặp vợ chồng già chầm chậm chở nhau đi ngắm chợ hoa? Em có thấy những băng rôn giảm giá ở khắp các cửa hàng và một không khí mua sắm rạo rực cứ như thể "không nhanh là hết"? Em có thấy những gói quà Tết to nhỏ bọc giấy bóng kính hay lồng trong túi nilon đỏ theo chân người đi khắp phố?

Những quầy hàng hoa quả bán thêm phật thủ, dưa hấu, bày thêm những bao lì xì, những đồ trang trí cây đào cây quất chói lói sắc đỏ sắc vàng? Và cả những khuôn mặt người hối hả khắp nơi nơi, chở theo những lo toan, những tất bật, những dự định đã thành hay dang dở trong một ngày cuối năm ra phố. Trong căn nhà bé nhỏ của chị, có hai đứa nhỏ đang dọn dẹp đồ chơi, áo quần cho ngăn tủ được ngăn nắp khi Tết đến xuân về.

Em không thấy sao những cảnh, những vật, những người mà dù chỉ thoáng thấy trong một bức ảnh thì chị cũng lập tức cảm thấy Tết đã về tới bậc thềm nhà em ạ. Những ngày giáp Tết của chị, của nơi chị sinh ra và lớn lên, là thế đó. Vẫn chưa đủ rộn ràng sao chàng trai xứ lạ?

Phải chăng vì giữa thành phố này, em chẳng thể tìm đâu được không khí Tết của riêng em? Không khí Tết hẳn phải có tiếng lợn kêu eng éc sáng sớm khi bị đưa vào lò mổ, tiếng giã giò thậm thịch của những nhà vừa “đụng lợn”, tiếng gà kêu quang quác khi bị lùa nhốt vào bu đem ra chợ? Không khí Tết có mùi khói rơm thui chân giò, om cá kho, có tiếng trai gái í ới gọi nhau nhờ đèo ra phố huyện mua thêm thứ này thứ khác. Hay em sẽ nhớ những con đường quê vắng vẻ chiều cuối năm bụi lầm lên dưới cái nắng hanh.

Những con đường đi giữa cánh đồng rồi men sát những vạt ao nhà. Những tiếng người qua lại trên đường í ới hỏi han người dưới ruộng đang cố gieo nốt đám mạ hay người đang ngồi giặt chiếu ở mé bờ ao xem hăm mấy thì nhà gói bánh. Hay em nhớ những buổi tát ao làng ngày cuối năm rộn ràng như mở hội, trai tráng mình trần lấm bùn giữa ngày đông lạnh mà ham hố ganh nhau lùa cá đến quên cả cái lạnh chỉ còn lại tiếng cười giòn trên những đôi môi tím tái.

Hay em nhớ những mảnh sân gạch ngày cuối năm, chỗ này những vạt mạ xanh rì mới nảy trên đám bùn lót tấm nilon, chỗ kia mẹ em phơi củ cải, phơi dưa, phơi đám lá dong mới rửa. Hay có khi em chỉ nhớ một nụ cười con gái, hơi thở ấm nhẹ của cô ấy sau lưng em vào một ngày hai đứa đưa nhau đi sắm Tết. Nụ cười và hơi thở đã níu cả mùa xuân của em ở lại nơi nào đó với cô ấy mất rồi.

Hẳn trong cả một ngày dài đi khắp hang cùng ngõ hẻm của một thành phố còn xa lạ, em chỉ nhìn thấy những ô cửa sổ sáng mờ mờ, những mặt người giấu kín sau chiếc khẩu trang, em chỉ nghe thấy những im lìm bởi những lời thăm hỏi đã lọt thỏm sau những cánh cổng sắt cao hay những tấm kính dày. Những hàng hóa ê hề, những con đường tắc quanh năm, những mặt người tất tả vội vã đến chẳng kịp chào nhau, những cuộc điện thoại riết róng của khách giục giao hàng. Ai cũng nhanh cũng vội, cũng dường như sẵn sàng cáu gắt phải không em?

Hẳn cũng giống như đứa bé là tôi chỉ nhìn thấy sự buồn rầu trong những căn nhà thắp đèn vàng với những chai nước sắp hàng trên giá, ngắm những tất tả của phố phường, chắc em chỉ thấy đọng lại là những mệt mỏi lo toan – những cảm xúc của riêng em trong khung cảnh phố phường xa lạ ấy.

Rồi em sẽ rời khỏi thành phố này trước khi Tết đến. Em sẽ rời khỏi thành phố cũng giống như những huyên náo tất bật vội vàng được dồn nén suốt những ngày giáp Tết sẽ theo chân những người con xứ lạ ra đi, để lại một thành phố uể oải trở mình thức dậy trong cái tịch mịch tinh khôi của buổi sáng mùng Một đầu năm. Em sẽ rời khỏi thành phố này để về nơi có Tết của riêng em.

Hay nói đúng hơn, em sẽ mang Tết trong lòng để về nơi đón Tết của riêng em. Nơi có những gì thân quen, gần gụi, nơi lưu giữ những kí ức êm đềm ấm áp của những mùa xuân hạnh phúc mà em đã đi qua. Và bởi thế, nên hai tiếng Quê hương mới gọi mời, thôi thúc, giục giã bước chân trở về của những đứa con xa nhà mỗi dịp Tết đến Xuân về đến thế.

Em ơi, Tết đã đến thật gần rồi đó, nhưng bởi Tết chưa đến trong lòng em nên Tết vẫn chưa về trên phố em qua. Nhưng em có biết không, hẳn sẽ đến một ngày, đến cả những mệt mỏi lo toan này cũng sẽ trở thành kí ức êm đềm ấm áp, bởi những lo toan ấy là để em chắt chiu gầy dựng cho những ước mơ tuổi trẻ, hay đơn giản hơn là cho cái Tết trù phú no đủ bên những người thân.

Biết đâu đến một ngày, ngắm một góc phố nào đó của Hà Nội, là em đã thấy mùa xuân hiện diện. Vì em nhớ đó là nơi em đã mua chiếc áo nhung về cho mẹ, và mẹ cứ cười sung sướng mãi không thôi khi sáng đầu năm diện tấm áo con mua ra đình lễ Thánh. Chúc em sẽ có những kí ức đẹp trong lòng Hà Nội mùa xuân, để những mùa sau, em sẽ thấy Tết về trên phố em qua, để mỗi nơi em đi, đều là nơi mùa xuân có mặt.

* Ảnh trong bài: Đình Nguyễn.

Quách Thúy Quỳnh
.
.