Nhạc sĩ, NSND Đinh Ngọc Liên: Lặng lẽ khúc quân hành

Thứ Năm, 15/06/2017, 17:20
"Nếu lịch sử âm nhạc thế giới yêu cầu giới thiệu một thành tựu cách mạng tiêu biểu, một gương sáng về khả năng ứng dụng tài năng âm nhạc cho nhu cầu kháng chiến, về đào tạo hoạt động nhảy vọt từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, thì tôi xin giới thiệu nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đi nhận vòng nguyệt quế".

Đó là những dòng chữ mà giáo sư, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết về nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đinh Ngọc Liên từ năm 1987, khi ông còn là Viện trưởng Viện Âm nhạc - Múa, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức.

30 năm sau, khi nhạc sĩ, NSND Đinh Ngọc Liên trở thành người thiên cổ đã lâu, dòng tộc của ông lại vinh dự đón nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật do Chủ tịch nước truy tặng. Có lẽ đây cũng là vinh dự, sự ghi nhận tột đỉnh của Đảng, Nhà nước dành cho một người nghệ sĩ nổi tiếng nhưng có số phận vô cùng đặc biệt này...

1. Chúng tôi tìm đến ngôi nhà cũ của nhạc sĩ, NSND Đinh Ngọc Liên khi niềm hạnh phúc của cháu con trước vinh dự lớn mà người ông, người cha đã quá cố gửi về dòng tộc vẫn vấn vương trên khuôn mặt các thành viên trong gia đình. Tấm bằng chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật dành cho cố nhạc sĩ, NSND Đinh Ngọc Liên được treo trang trọng giữa phòng khách, ngay gần bức hình đen trắng được phóng khá lớn ghi lại khoảnh khắc nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên gặp Bác Hồ. Nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của khách với 2 kỷ vật của gia đình, ông Đinh Ngọc Hiến, người con trai thứ hai của cố nhạc sĩ tự hào cho biết: Tấm hình gia đình treo trên tường là của Bác Hồ gửi tặng.

Ông Hiến là một trong số các người con có thời gian sống chung lâu nhất với nhạc sĩ Ngọc Liên. Lần giở từng trang tư liệu về cha, ông Hiến nhớ lại, dù xuất thân chốn thôn quê nhưng nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên lại mang dáng vẻ của một thư sinh nho nhã. Sinh năm 1911, trong một gia đình công giáo yêu nước của huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, ngay từ thuở ấu thơ, ông đã bộc lộ khả năng bẩm sinh về văn học, nghệ thuật, đặc biệt là năng khiếu về mỹ thuật và âm nhạc.

Cố nhạc sĩ, nhạc trưởng, NSND Đinh Ngọc Liên.

Ông từng thừa nhận: Chẳng hiểu sao, tôi học nhạc nhanh thế mà học những thứ kia (các môn học thuộc lòng về kinh La tinh, sử ký Hội thánh, Lề luật nhà Đức Chúa Lời...) đến khó vào. Sống trong một gia đình ngoan đạo, thuộc loại trẻ ngoan ngoãn, ông từng cảm thấy run sợ, xem mình có lỗi vì không chỉ thích tiếng đàn tứ, đàn nhị của ông anh cả trong đội bát âm tích tịch, đắm mình trong tiếng hát của hội hát nhà thờ, tiếng chuông nhà thờ của làng hòa cùng tiếng chuông nhà thờ của các họ lẻ mỗi sớm, chiều mà còn yêu cả tiếng chuông chùa Trung, chùa Bắc năm thôn Trà Lũ xung quanh với âm thanh huyền ảo, u tịch...

Kết quả của những ngày mơ mộng, thích nhạc và mọi thanh âm của cuộc sống ấy là sự nghiệp học hành dang dở. Rời trường về làng trong tâm trạng chán chường, bế tắc, ông xoay sang vẽ truyền thần, vẽ ảnh dạo và đàn hát suốt ngày. Lời khen của người làng không khỏa lấp được những chống chếnh trong lòng, ông hết đi làm thợ xây, buôn chiếu, loanh quanh việc cũ lại đánh liều đi ra tỉnh kiếm việc, được nhận vào đội nhạc kèn lính Pháp. Cuộc sống đẩy đưa, để mưu sinh, bộ đồ thư sinh nho nhã - chiếc áo the, khăn xếp bị thay thế bằng bộ đồ của lính khố xanh.

Những năng khiếu tưởng vô dụng cho cuộc sống trước đó lại đắc dụng trong môi trường mới. Khả năng vẽ truyền thần cộng thêm vẻ ngoài thư sinh khiến chàng trai trẻ Đinh Ngọc Liên được lòng quan quản, cho làm bồi phòng, tránh bị bắt nạt. Sau này, quan tư  Parmentier còn lấy ông về giao việc chép nhạc, vẽ mẫu thêu cho quan bà và còn dạy thêm kèn. Nhờ sáng dạ, được lòng quan trên, Đinh Ngọc Liên nhanh chóng trở thành quản kèn - chức vụ cao nhất của người Việt trong đội lính kèn của Pháp.

Ông Đinh Ngọc Liên trong một lần được vinh dự gặp Bác Hồ.

Dù được ưu ái và cái tên Quản Liên được lính kèn trọng vọng nhưng việc quản kèn ăn "bạt tai, đá đít" là chuyện rất bình thường. Như sau này, chính ông thừa nhận, tâm thức về người dân mất nước chỉ rất mơ hồ qua những ấm ức bị bắt nạt, chèn ép nhưng đi theo cách mạng là chuyện chưa bao giờ nghĩ tới.

Thời điểm phong trào cách mạng lên cao, ông vẫn "lơ mơ, ngây thơ về chính trị", thậm chí hoảng hồn khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên, lo lắng đợi những người cách mạng hùng hổ vác súng vào áp giải. Ông chỉ "hoàn hồn" khi thấy người làm cách mạng không ai khác ngoài mấy cô tiểu thư quần trắng áo dài, là một thượng cấp cao hơn cả giám binh của Pháp nhưng lại thân mật hút thuốc lào như những bạn cày ngồi nghỉ giữa đồng với nhau sau buổi cày trưa...

Nối tiếp cảm nhận "đây mới là độc lập thật sự" là những chuỗi ngày sống trong rạo rực. Cách mạng như chất men say ngây ngất lòng người. Ban âm nhạc vệ quốc đoàn ra đời. Đinh Ngọc Liên vẫn được gọi với cái tên thân mật Quản Liên, cũng lao vào công việc. Vốn kiến thức được trang bị thời thơ ấu và chuỗi ngày làm việc cho Pháp được phát huy. Hàng loạt các bài hát cách mạng: “Du kích ca”, “Chiến sĩ ca”, “Diệt phát xít”... được Quản Liên hòa âm, phối khí, tổ chức tập, biểu diễn tấu nhạc kèn bất kể giờ giấc, ngày đêm... "Hành khúc vệ quốc đoàn" do Quản Liên sáng tác cũng chào đời, phổ biến rộng cho thiếu khi khắp phố, được gọi nôm na là "trống ếch".

Quản Liên - người từng nhiều năm giữ vị trí cao nhất trong đội lính kèn của thực dân Pháp lại trở thành một trong những người đầu tiên kiến tạo nên Ban Âm nhạc Vệ quốc đoàn - tiền thân của Đoàn Nghi lễ quân đội ngày nay như thế.

2.Kể lại những ngày tháng đã qua, ông Đinh Ngọc Hiến cho biết, thời điểm ấy ông mới 10 tuổi nhưng ý thức rất rõ những đổi thay của cuộc sống gia đình. Cha đi theo kháng chiến, 4 mẹ con dắt nhau về Nam Định. Ngỡ tạm xa cha một thời gian ngắn thôi, không ngờ lần tạm biệt ấy kéo dài đến 9 năm.

Chiến tranh cách trở, thông tin liên lạc lệch lạc nên ngày đoàn viên cũng là ngày ông biết mình có thêm 3 người em cùng cha khác mẹ. Cha trở về đón mẹ và ông lên Hà Nội. Ngôi nhà tập thể quân đội, trước là khu nhà của Pháp dành riêng cho gia đình có thêm 2 người con khác của cha. Cuộc sống thời bao cấp khó khăn, vất vả, thiếu thốn đủ đường. Để có thêm nguồn thực phẩm, mấy bà mẹ xoay qua tận dụng không gian tăng gia sản xuất, nhận trông trẻ. Nhưng, ngoài việc cơ quan, cha ông ít khi tham gia được việc nhà.

Ông Đinh Ngọc Hiến và con gái bên các hình ảnh tư liệu về NSND Đinh Ngọc Liên.

Những lúc mẹ bận bịu với đám trẻ, việc duy nhất ông giúp được bà là... đu võng cho chúng ngủ. Tính ông hiền lành, không đánh mắng con cái bao giờ. Không sợ bố nhưng không người con nào dám trái ý ông. Khoảng thời gian ông tham gia kháng chiến, vợ con không rõ ông làm những gì, thành tựu ra sao, chỉ biết rằng khi về Hà Nội, đi đâu, chỉ giới thiệu là con, cháu của ông Đinh Ngọc Liên là mọi người đều biết.    

Chị Đinh Thị Hương, một trong số những người cháu cận kề với nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên nhiều nhất cũng kể rằng, tính ông nội hiền lắm. Thuở nhỏ, chị học đàn tam thập lục, nếu ông ở nhà, không ngồi kế bên, nhưng đánh sai là thấy ông xuất hiện. Bao giờ ông cũng nhỏ nhẹ: cháu đánh sai rồi, phải chơi thế này, thế khác... Ông làm việc trong quân đội, vắng nhà liên miên.

Quy mô Hà Nội ngày ấy vẫn còn rất hẹp so với bây giờ. Từ căn nhà của gia đình ở khu tập thể Phạm Ngũ Lão đến cơ quan ông khoảng 7km. Những ngày rảnh rỗi, ông thường lấy xe đạp chở cháu chơi. Cô bé Hương ngày ấy không hiểu được hết ông mình có quan trọng hay không, chỉ biết rằng, cứ nói cháu là cháu ông Đinh Ngọc Liên, mọi người đều rất quý. Nổi tiếng khó tính như nhạc sĩ Văn Cao cũng quý ông nội.

Thời điểm dư luận xôn xao vụ một nhạc sĩ khác đột nhiên nhận là đồng tác giả của ca khúc "Tiến quân ca", nhạc sĩ Văn Cao nhất định không chịu nhưng ông vẫn sẵn sàng nhận từng nốt nhạc mà ông nội đã góp ý để nhạc sĩ sửa. Khi Thông tấn xã mời 2 ông chụp ảnh, nhạc sĩ Văn Cao đã gửi ảnh cho gia đình kèm lời tặng và xác nhận, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã giúp ông sửa một số nốt nhạc của "Tiến quân ca". Sau này, khi đã về hưu, ông nội vẫn miệt mài hoạt động. Ông gần như không từ chối bất cứ lời mời nào.

Sau nhiều chục năm, chị Hương vẫn không thể nào quên những chuyến rong ruổi cùng ông về tận các miền quê xa xôi, kiên nhẫn chờ đến tận 7h, 8h tối, khi những người nông dân đã hoàn thành việc đồng áng lại tập hợp học thổi kèn. Nhiều người ôm kèn mà quần vẫn xắn quá gối.

Miệt mài tập, miệt mài truyền dạy, đến nay, không biết đã có bao nhiêu ban nhạc hiệu của nhà thờ cả nước đã hình thành và hoạt động theo cách này. Nhiều nhà văn hóa quận, huyện, thành phố cũng đến nhờ ông hướng dẫn, thành lập đội thiếu nhi kèn đồng. Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), thời điểm chưa có quân nhạc cũng thường cho xe đến đón ông đi hướng dẫn, xây dựng giúp.

Năm 2016, theo lời tư vấn của người làm trong nghề, gia đình tiến hành làm hồ sơ đề nghị trao Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm của cha, ông. Nếu thuở bé con, chị chỉ tự hào khi được đồng đội, người ở trong cơ quan ông khoe các nhạc hiệu lệnh thức, ngủ, ăn... của bộ đội là do ông nội sáng tác, thì đến nay, chị càng tự hào hơn khi được biết, ông có đóng góp quan trọng vào thành tựu của nghệ thuật nước nhà. Có lẽ vì những đóng góp ấy nên khi làm hồ sơ, gia đình chỉ đề nghị được trao Giải thưởng Nhà nước nhưng một số thành viên Hội đồng thẩm định đã tư vấn gia đình nên đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

3.Nói về NSND Đinh Ngọc Liên, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhớ nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên: Là một nghệ sĩ - chiến sĩ thực thụ, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã có nhiều đóng góp quan trọng và xuất sắc trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, đào tạo và hoạt động xã hội.

Từ người nhạc công, nhạc trưởng với thực tiễn âm nhạc nhà binh, âm nhạc nhà thờ Catholic và những hiểu biết về dân ca cổ truyền, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đến với âm nhạc cách mạng bằng công việc hòa âm, phối khí, chuyển soạn các bản hành khúc cách mạng sang dàn nhạc kèn diễn tấu để phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến.

Ngày nay, trong các sự kiện lớn của đất nước, những bản nhạc ấy vẫn vang lên trong âm hưởng của dàn nhạc Quân nhạc Việt Nam ở khắp mọi miền của Tổ quốc, dù ít người biết đó là những tác phẩm của Đinh Ngọc Liên, giống như bài hành khúc 16 nhịp trống ếch trước kia, dường như âm nhạc của ông đã được dân gian hóa trong đời sống âm nhạc hôm nay vậy...

Từ trong kháng chiến và những năm sau hòa bình lập lại, với vốn liếng âm nhạc của mình, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã tích cực góp sức vào công việc đào tạo các thế hệ âm nhạc mới, nhất là đối với bộ môn hòa tấu và chỉ huy dàn nhạc trong những năm đầu thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam, vườn ươm của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ tài năng của đất  nước... Ông là người đồng chí, người bạn lớn của các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phạm Đình Sáu,...

Họ là những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngôi nhà chung - Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là vòng nguyệt quế xứng đáng mà Đảng và Nhà nước truy tặng  NSND Đinh Ngọc Liên...

Minh Hà
.
.