Lãng mạn chuồn chuồn tre

Thứ Ba, 05/01/2021, 11:03
Thân thiện mời khách ly trà nóng, nghệ nhân Nguyên Văn Tái, một trong những người có “thương hiệu” với nghề chế tác chuồn chuồn tre xuất khẩu ở xóm chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) xúc động mở lời tâm tình: “Cái nghề sản xuất - kinh doanh chuồn chuồn tre với tôi cũng như bà con nơi đây nó chả khác nào một cái duyên tình đã được mặc định từ đời nảo đời nào ấy nhé!”.


“Chuồn chuồn có cánh thì bay
Kẻo thằng cu Tý thò tay bắt chuồn!”.

Nhấp ngụm trà thơm, bất giác anh Tái đưa mắt nhìn vào xa xăm như tìm kiếm điều gì đó. Và rồi ngay sau đó, những dòng hồi ức tinh khôi hiện ra trước mắt người nghệ nhân “có tiếng có tăm” ấy. Chuyện rằng, cách đây hơn 20 năm trời có lẻ, một ngày đẹp trời đó, cái xóm nhỏ thanh bình dân dã nằm dưới chân núi Câu Lâu trầm mặc uy nghiêm nơi có ngôi chùa cổ Tây Phương độc nhất vô nhị chợt trở nên sống động khác thường. Có cái sự ấy là bởi  trong đoàn du khách viếng thăm chùa có một nhân vật mang theo chú chuồn chuồn chế tác bằng tre nhỏ xinh.

Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy chú chuồn chuồn tre lạ mắt, đáng yêu tức thì người dân xóm chùa Tây Phương nổi máu hiếu kỳ xúm đen xúm đỏ quanh người lữ khách kia mà trầm trồ ngắm nghía, chỉ trỏ dẫu rằng cái sản phẩm đồ chơi đó chả lấy gì làm tinh xảo cho lắm. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái mủm mỉm thổ lộ, lúc đầu chỉ là nhằm thỏa mãn cảm giác tò mò mà anh tìm cách ngó nghiêng con chuồn chuồn tre  đó mà thôi.

Thế rồi, trong giây khắc ngắn ngủi đầy xúc cảm, ký ức tuổi thơ với những trưa hè tháng 5 râm ran tiếng ve sầu, đầu trần chân đất, Tái trốn cha, trốn mẹ lỉnh ra khỏi nhà để tìm tới hàng rào râm bụt trước ngõ; tới bụi tre gai sau nhà rón rén hồi hộp thò tay bắt những chú chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt và chuồn chuồn ngô,... trong thế giới tự nhiên bao la, với muôn vàn sắc thái hưng phấn đầy thi vị.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tái - một trong những người đầu tiên đến với nghề chế tác chuồn chuồn tre ở Thạch Xá.

Những kỷ niệm thuần khiết ấy chợt cựa quậy trỗi dậy bừng thức trong tâm thức thiêng liêng của anh Tái. Không dừng lại ở đó, nó thôi thúc anh tìm về với tuổi niên thiếu đầy hạnh phúc của mình. May sao, lúc bấy giờ  trong nhà lại sẵn nguyên liệu tre pheo bởi nghề mây tre đan xuất khẩu trước đó vừa mới rã đám, anh Tái mò mẫm chế tác chú chuồn tre đầu tiên trong đời.

Anh Tái kể, mới đầu khi được nhìn con chuồn chuồn tre của vị khách nước ngoài ấy thấy nó thật đơn giản, chắc mẩm “một phát ăn ngay”, sẽ cho ra đời tức thì cả núi sản phẩm. Nhưng khi bập vào làm mới thấy vô cùng nan giải, thậm khó. Mà khó nhất là ở cái khoản làm thế nào để chú chuồn chuồn tre ấy giống y thật và đặc biệt, phải khiến cho nó trở nên thăng bằng trong mọi bối cảnh.

Nghĩ rằng mình không đến nỗi kém cạnh thiên hạ về cái gọi là “đường tài hoa” là mấy, vậy mà sau vài tháng trời mất ăn mất ngủ, song rốt cuộc vẫn không “chế” được một con chuồn chuồn tre cho ra hồn, thoáng phút chốc nọ anh Tái có cảm giác phân tâm. Nhưng, vốn không phải là người “cả thèm chóng chán”. Mà nhất là, cứ thấy đám con cháu trong nhà, ngoài giờ lên lớp ra chẳng biết lấy gì nếu không cắm mặt vào trò chơi điện tử hại mắt, anh Tái cho rằng mình không thể thối chí nản lòng.

“Phải làm ra bằng được con chuồn chuồn tre để tuổi thơ của bọn trẻ trở nên lãng mạn, có ý nghĩa!”. Hạ quyết tâm thế, lại được người vợ hiền động viên chia sẻ, cuối cùng sau bao ngày trầy trật phá đi làm lại. Và sau bao “đêm trắng” thao thức trăn trở cùng  những mô hình các chú chuồn chuồn tre, cuối cùng vào “cái đêm cổ tích” ấy, anh Tái đã thành công, dẫu thành quả đầu tiên đó chưa thật sự mang lại cho anh cảm giác mĩ mãn tròn trịa.

Chú chuồn tre “đầu lòng” ra đời đã kích thích cảm hứng sáng tạo của anh Tái. Không muốn dừng lại ở sản phẩm “độc bản”, anh Tái “tiện tay” nhân thêm vài chú chuồn chuồn tre nữa, vừa là tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật, nâng cấp chất lượng thẩm mỹ vừa nhằm có thêm nhiều đồ chơi không chỉ cho riêng con cháu trong nhà mà còn trong phạm vi họ tộc.  

“Đấy, mục đích ban đầu của tôi với chuồn chuồn tre chỉ đơn giản thế thôi!” - anh Tái chân thành giãi bày - “Nào ngờ, vào sáng sớm hôm đó cách đây hơn 20 năm, hai vợ chồng còn đang mắt nhắm mắt mở trên giường bỗng dưng có người tới gọi cổng đề nghị được mua chuồn chuồn tre!”. Nghe anh Tái kể về cơ duyên đó, tôi hồi hộp tôi đặt câu hỏi: “Cũng từ cái buổi sáng tinh sương đó mà anh “bắt được mạch thị trường” để biến những sáng tạo nghệ thuật của mình thành hàng hóa!”.

“Vâng, đúng thế anh ạ!” - anh Tái không hề giấu giếm - “Nhưng trong khi tôi còn chưa kịp thăng hoa với nghề thì, một ngày nọ, “cơn bão đầu ra” bất thình lình quét qua làng khiến cho bản thân và gia đình một phen khốn khổ chưa từng thấy!”. Nhưng rồi cơn chếnh choáng, hoang mang chấp chới ấy vụt qua mau trong tư tưởng anh Tái. “Thôi thì không thành hàng hóa thì thành đồ chơi cho trẻ con trong nhà và cũng là để vợ chồng có cái ngắm nghía cho nguôi nỗi nhớ tuổi thơ, nhưng nhất định phải “number one” hơn trước mới được!” - anh Tái tự tin an ủi mình.

Kể từ bữa đó, lại là những bữa quên ăn, những đêm mất ngủ cùng chú chuồn chuồn tre, anh Tái tìm mọi cách “nâng cấp” để nó trở nên tinh xảo hơn, sống động hơn. Trời không phụ lòng người, tới một ngày kia, đám cháu con trong nhà phải kinh ngạc kêu lên: “chuồn chuồn của bố Tái y như thật!”.

Còn chị Khương Thị Tân vợ anh Tái lặng người rưng rưng cặp mắt đẹp đầy nữ tính của mình mà “tâm phục, khẩu phục” tính kiên nhẫn cùng khả năng khám phá, sáng tạo nghệ thuật của chồng rồi thảng thốt bằng cái giọng như chỉ chực òa khóc, rằng: “không thể chê vào đâu được, chú chuồn chuồn của chồng em!”. Đấy cũng chính là khi cánh cửa thị trường thêm một lần nữa mở ra với anh Tái: lại có khách tìm tới ngỏ ý xin mua chuồn chuồn tre “đẹp miễn chê” của anh!

Anh Tái bảo, chỉ là con chuồn chuồn tre trông rất đơn giản, thế nhưng bản thân lại phải nếm trải biết bao lần hỏng ăn, tưởng cả đời không thể nên cơm cháo với nó. Lúc đầu là hằng ha sa số những bận “lên bờ xuống ruộng” vì không thể nào lắp được “đôi cánh thần tiên” vào thân chuồn chuồn cho thật cân xứng. Tới khi  vượt cửa  ải đó, anh Tái lại trải qua nhiều ngày đêm mất ăn mất ngủ chỉ bởi, những chú chuồn chuồn tre của mình không tài nào giữ được độ thăng bằng.

“Mà một khi chuồn chuồn không thể đậu được thì “thằng cu Tý thò tay bắt chuồn” thế nào được. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ chẳng có ai thèm mua sản phẩm của mình ạ!” - gương mặt trở nên méo xệch, anh Tái hóm hỉnh thở hắt ra một tiếng, vẻ cực kỳ bi - hài. Nhưng, rồi một ngày nọ, khi đang ở “cuối đường hầm”, anh Tái bất ngờ phát hiện ra nguyên do tại sao mình lại phải trải qua cả trăm bận thất bại ê chề đầy những đắng cay như thế.

Những cánh chuồn chuồn tre rực rỡ sắc màu mang hồn quê hương Thạch Xá có mặt khắp bốn phương trời.

Không để khách phải chờ lâu, anh Tái cởi mở cho hay, cái lý do khiến cho mình phải khổ sở vì thất bại tưởng phức tạp vô cùng song hóa ra lại rất đơn giản. Ấy là, muốn “ăn tiền” của thiên hạ thì điều tiên quyết là ở vấn đề nguyên liệu “đầu vào”. Cụ thể là cây tre! Theo anh Tái, vùng Thạch Thất xứ Đoài mây trắng quê anh và cả Hà Nội mênh mông nói chung cũng như các địa phương vùng châu thổ sông Hồng “...đâu đâu cũng có lũy tre xanh rì rào ẩn hiện...” (Cây tre Việt Nam - Thép Mới) song thật tiếc, tất cả chúng đều không thể trở thành thứ nguyên liệu quan trọng số một làm nên những chú chuồn chuồn tre được.

Nhớ lại thuở mới chập chững tiếp cận nghề làm chuồn chuồn tre, anh Tái kể, bản thân vốn dĩ rất hồn nhiên thành ra cứ đinh ninh rằng, tre nào mà chả là tre, dù ở miền xuôi hay mạn ngược. Mà đã là tre thì tất nhiên sẽ cho ra đời những chú chuồn chuồn “như ý”. Song, rốt cuộc, anh Tái đã quan niệm sai. Rồi chính bởi sự “bé cái nhầm” ấy của mình mà anh Tái phải “trả giá” với hết thất bại này tới đổ vỡ khác.

Sau cái cười hiền dung dị, anh Tái thủng thẳng lên tiếng: “Chẳng phải là nhà khoa học nên tôi không thể biết kết cấu thành phần cơ học của một cây tre đồng bằng khác với thứ cùng loài với nó tại vùng núi Tây Bắc ra sao. Nhưng một điều đơn giản mà tôi  dám chắc: chỉ những cây tre bánh tẻ Tây Bắc mới “đủ tư cách” làm cho những chú chuồn chuồn của mình có “thần thái” để đậu thăng bằng được thôi anh ạ!”.

Vì lý do đó, mấy chục năm qua, anh Tái thường xuyên phải lặn lội khi thì Lào Cai, Yên Bái, lúc thì Tuyên Quang, Hà Giang, v.v... lùng mua cho được thứ tre “ngon lành” nhất. Mới hay cái nghề chế tác chuồn chuồn tre của anh Tái nó vất vả khổ sở, trầy xước công phu đến nhường nào. Nhưng, hóa ra sự khổ sở  trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ nhân ấy nào chỉ dừng lại ở việc tìm ra thứ tre đạt độ chuẩn chỉ cho những chú chuồn chuồn.

Mua được tre rồi, việc đầu tiên, người ta phải làm là cạo bỏ hết phần vỏ (tinh tre) xanh bên ngoài. Sau đó tre được đem phơi hoặc sấy thật khô. Tiếp theo, người nghệ nhân bắt buộc phải tiến hành thêm 12 công đoạn tỷ mẩn, công phu và cực kỳ chính xác như thực hiện các phép tính toán học thì may ra mới có được những chú chuồn chuồn tre ở dạng thô như ý. 

“Cái khó nhất vì thuộc khâu quan trọng nhất, ấy là công đoạn ghép cánh vào thân những chú chuồn chuồn!” - anh Tái bỗng trở nên xúc cảm - “Nhất dáng nhì da!”. Dáng là linh hồn của sản phẩm, do đó phải gắn cánh chuồn chuồn vào thân sao cho chúng giữ được thăng bằng ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Muốn thế, hai cánh chuồn chuồn phải được căn đối xứng thật chính xác để nó tự thăng bằng khi đậu trên bề mặt của một cái đế nào đó hay ngay trên đầu ngón tay, thậm chí là một sợi chỉ!”.

Sau khi hoàn thành những chú chuồn chuồn tre ở dạng thô, những người thợ mới chính thức tạo “phần hồn” cho chúng bằng việc quét sơn và vẽ họa tiết làm đẹp bằng hơn chục loại sơn màu khác nhau với muôn hình, muôn vẻ sắc thái được tạo nên bằng chính cảm hứng nghệ thuật mang hơi thở đời sống thôn quê dân dã. Được tạo hồn tạo vía, bấy giờ những chú chuồn chuồn tre vốn trước đó đã vô cùng tinh xảo và chắc chắn về độ bền rồi bỗng chốc càng trở nên bóng bẩy lung linh, sống động, như  bay ra từ trong thế giới cổ tích sương khói vi diệu. 

Gần 20 năm về trước, khi đã có được cái cảm giác phần nào tự tin về tương lai của mình, việc đầu tiên anh Tái nghĩ tới là xẻ gạo, san cơm của mình với những người xung quanh. Hiện thực hóa câu chuyện đó, anh Tái chủ động trân trọng mời những người bà con trong xóm ngoài làng vốn có “máu tình yêu” với chuồn chuồn và đặc biệt yêu nghề, say nghề tới xưởng của mình làm việc. 

Giải thích về việc mình làm, anh Tái cười chất phác đoạn nhẩn nha thủ thỉ: “Bà con trong xóm, ngoài làng với nhau cả chứ nào phải “người dưng” đâu ạ. Mới lại “Ăn một mình đau tức. Làm một mình cực thân!”. Nhờ có duyên trời ban với con chuồn chuồn tre mà vợ chồng, con cái mình có bát ăn thì cũng nên mời bà con họ chung vui cùng để “tối lửa tắt đèn có nhau!”. Mà suy cho cùng, giúp người cũng chính là giúp mình cả thôi, anh ạ! Cũng chính nhờ có họ mà từ nhiều năm nay sản phẩm của tôi mới tự tin có mặt tại hàng loạt các thị trường khó tính, như Pháp, Nhật Bản, Mỹ và một vài quốc gia châu Âu khác đấy chứ!”.

Trước khi nói lời chia tay, khách được nghệ nhân Nguyễn Văn Tái phấn chấn cho biết, ngoài việc chia sẻ thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của mình với rất nhiều bà con địa phương, mấy năm gần đây anh còn phối hợp với một số tổ chức xã hội, như Cenforchil - Trung tâm Nghiên cứu và Bảo trở trẻ em, trực thuộc Liên hiệp các hội  KH-KT Việt Nam. Và nữa là tổ chức MyHanoi (Việt Nam) thực hiện dự án nghiên cứu - bảo tồn đồ chơi dân gian Việt.

Anh Tái bỗng trở nên xúc động lạ thường khi bộc bạch, thông qua hai tổ chức nói trên, mấy năm qua đã có hàng triệu chú chuồn chuồn tre ngộ nghĩnh của mình đến được với rất nhiều thiếu nhi. Chính những chú chuồn chuồn tre tinh xảo, ngộ nghĩnh, sinh động của anh Tái đã khỏa lấp khoảng thiếu thụt, trống vắng ký ức tuổi thơ trong tâm hồn của biết bao trẻ em Hà Nội cũng như tại nhiều vùng, miền khác của nước Việt thời công nghệ 4.0.

Lê Công Hội
.
.